by phanxico.vn
lavie.fr, Laurence Desjoyaux , 2019-04-17
Vương miện gai mà người La Mã ngày xưa đã đặt lên đầu Chúa Kitô vẫn còn nguyên sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà tối thứ hai 15 tháng 4-2019.
Vương miện gai, một trong các vật quý báu nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà. Thánh tích của Cuộc Khổ nạn Thương khó của Chúa Kitô đôi khi lại được người nước ngoài biết đến nhiều hơn là người Pháp. Vương miện gai được kết thành vòng tròn bằng các sợi chỉ vàng, trên đó là gai. Vương miện đặt trong khung được làm năm 1862 theo bản vẽ của kiến trúc sư danh tiếng Viollet-le-Duc (1814-1879).
Vương miện gai có một lịch sử lâu dài. Phúc Âm Thánh Gioan (Ga 19, 02) kể lại cuộc Khổ nạn của Chúa Giêsu có nói đến việc các người lính La Mã đội mão gai trên đầu Chúa để chế nhạo vương quyền của Ngài.
Ngay từ các thế kỷ đầu tiên, chúng ta đã thấy các ám chỉ về mão gai trong các câu chuyện của người hành hương đi Giêrusalem. Để tránh bị cướp bóc, các di vật từ mão gai này được đưa về Constantinople giữa thế kỷ thứ 7 và thứ 10.
Năm 1238, vì thiếu tiền, hoàng đế Byzance đã cấn các báu vật này. Vua Thánh Lu-i của nước Pháp đã mua lại và đem về Paris. Ngày 19 tháng 8 năm 1239, chỉ mặc một chiếc áo dài đơn giản, đức vua vào Paris với các thánh tích, và ngài đem mão gai đến Nhà thờ Đức Bà. Sau đó đức vua xây Sainte-Chapelle, một tòa nhà được thiết kế riêng dành đựng thánh tích.
Trong thời Cách mạng Pháp, Thư viện Quốc gia giữ các thánh tích trước khi đưa về giáo phận Paris, sau đó năm 1806, các thánh tích được đưa vào kho báu vật của Nhà thờ Đức Bà. Đó là nơi các báu vật này tồn tại cho đến vụ cháy ngày thứ hai vừa qua, số phận của các báu vật này đã làm cho các tín hữu lo sợ. Dù tính chính xác của mão gai không được chứng thực một cách khoa học, nhưng đã hơn 16 thế kỷ nay, người công giáo đã sốt sắng cầu nguyện với mão gai này. Ở Nhà thờ Đức Bà, mão gai được tôn kính vào 3 giờ chiều mỗi thứ sáu đầu tháng và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì suốt ngày.
Linh mục Benoist de Sinety, tổng đại diện giáo phận Paris cho biết: “Bộ trưởng Văn hóa đưa ra một danh sách các báu vật phải gìn giữ khi có tai ương hay khi gặp nguy hiểm. Tất cả các báu vật có trong Nhà thờ Đức Bà được nhanh chóng đưa ra và để vào nơi an toàn. Các thánh tích Vương miện Thánh, áo của Thánh Lu-i ở trong số này. Tôi sống sự kiện này trong một giá trị duy nhất, một con người duy nhất có thể cứu chúng ta: Chúa Kitô. Đây không phải là sự giàu có, cũng không phải những gì chúng ta có thể xây dựng, nhưng chỉ có một điều cứu chúng ta, đó là Chúa Kitô. Tôi tìm thấy ở đây lời mời gọi của Thứ Sáu Tuần Thánh, của sự Thương khó Chúa Kitô và của Mão gai. Chúng tôi sẽ làm tất cả để các thánh tích này sẽ được trưng bày, các tín hữu có thể đến tôn kính trong tuần lễ Phục Sinh, nhất là vào ngày thứ sáu”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch
Xin đọc thêm:
Linh mục Jean-Marc Fournier cứu Vương miện gai và Mặt nhật có Mình Thánh Chúa