6 tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đến Mosul, một quả chuông ngân vang giờ hy vọng

391
https://lh5.googleusercontent.com/AW5de8UD-10Uw0W2aAgH71a2bMGUI42TH1pgGE7VkEo9nq03wyeNK9RrreGlDZB0PzIVBAWCZ5NxwXk6H_7PY94-Kn73EYZvQaJvM5-Q-Nq8KgFO8TcysQAHDs3_X3AoHm3giuhw=w640-h320
Zaid AL-OBEIDI | AFP

I.Media for Aleteia | 21/09/21

Trong phỏng vấn dưới đây, cha xứ Mar Thomas cho biết lý do tại sao quả chuông mới của giáo xứ là dấu hiệu của một khởi đầu mới.

Ngày 18 tháng Chín, tiếng chuông của giáo xứ Công giáo Syria Thánh Tôma ở Mosul, Iraq, đã vang lên lần đầu tiên kể từ năm 2014. Đó là một thời khắc mới của niềm hân hoan và hy vọng lớn cho tất cả người dân, sáu tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến thành phố tử đạo.

Cha Pios Affas, Linh mục xứ đã nói chuyện với I.MEDIA về hoạt động của cộng đồng Kitô giáo nhỏ bé ngày nay đang làm việc để xây dựng lại những gì đã bị phá hủy.

Quả chuông mới của nhà thờ của cha đã được khánh thành cuối tuần này. Một thời khắc trọng đại cho cộng đoàn của cha!

Cha Pios: Đó là một buổi cử hành tuyệt vời, một khoảnh khắc hân hoan cho tất cả chúng tôi. Để anh hiểu được, tiếng chuông này là dấu hiệu của một sự khởi đầu mới. Daesh đã phá hủy mọi thứ, các công trình kiến trúc, bàn thờ, đập phá các tượng, đốt ảnh tượng thánh và sách của chúng tôi… Vì vậy, vào ngày 3 tháng Bảy năm 2018, khi trở lại, tôi bắt đầu sắp đặt lại mọi thứ trên nền móng cũ của chúng, để chỉnh trang, để nhà thờ của chúng tôi thực sự sẽ trở lại như trước đây. Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó sẽ được nghe lại tiếng chuông của chúng tôi. Tất cả công việc trùng tu này được hỗ trợ bởi hiệp hội Fraternité en Irak — một tổ chức được thành lập cách đây 10 năm và đã làm được rất nhiều điều cho người Kitô giáo và người Yazidis. Nhờ họ mà chúng tôi đã có thể đặt làm chiếc chuông này ở Li Băng và mang nó về nhà của chúng tôi. Nó có giá 12.000 Mỹ kim.

Cảm xúc của cha thế nào khi tiếng chuông lần đầu tiên cất lên, vang khắp thành phố?

Cha Pios: Đó là một niềm vui trọng đại vì nó thực sự là một tín hiệu cho thấy sự hiện diện của người Kitô giáo, những người đã sống ở Mosul trong suốt 2.000 năm. Ở đây đã có người Kitô giáo từ rất lâu trước người Hồi giáo. Và họ bị lưu vong khỏi thành phố của họ. Sự trở lại của quả chuông cũng đem đến hy vọng về sự trở lại của những người Kitô hữu. Đây là quả chuông đầu tiên ngân vang trong thành phố. Bây giờ không có lý do gì mà các nhà thờ khác không được trùng tu. Tôi tin rằng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng đã thúc đẩy mong muốn tái thiết này. Trong chuyến thăm mới đây, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng hứa sẽ xây dựng lại các nhà thờ (ND: Công giáo) và đền thờ (ND: Hồi giáo).

Hôm qua, trong bài chia sẻ ngắn mà tôi đã trình bày, tôi nói rằng thật là đẹp khi nghe thấy tiếng chuông nhà thờ và tiếng gọi cầu nguyện của người báo giờ cầu nguyện (ND: Hồi giáo); khi những lời cầu nguyện của hai cộng đồng hiệp nhất để thành tâm cầu xin Chúa phù hộ và gìn giữ cho người dân Mosul, người Kitô giáo và người Hồi giáo.

Cha có mời các nhà chức trách đến trong buổi lễ, đặc biệt là các nhà chức trách Hồi giáo?

Cha Pios: Vẫn chưa, vì tôi đang chờ hoàn thành dứt điểm tất cả các công việc trùng tu nhà thờ. Bây giờ chúng tôi đang làm để khôi phục lại sàn nhà thờ để gia cố nền móng và làm lại phần đá lát đã bị Daesh phá vỡ. Mọi sự lục soát cướp phá đều được thực hiện trên những tảng đá cuội này, chúng vẫn còn mang dấu ấn của bạo lực. Đó là một dự án rất lớn: Fraternity hỗ trợ chúng tôi chi trả một nửa ngân sách. Chúng tôi đang nói về chi phí 60.000 Mỹ kim, trong đó 30.000 Mỹ kim đã được chi trả bởi Fraternity ở Iraq. Về phần chúng tôi, chúng tôi kêu gọi kiều bào ở nước ngoài hỗ trợ dự án này.

Nói cụ thể, mặt đất phải được đào sâu xuống nửa mét. Một đợt trùng tu vào năm 1959 đã chôn lấp các chân cột. Sau đó sẽ cần phải đổ xi măng để gia cố, và cuối cùng là làm lại mặt đường bằng những viên đá lát cũ bằng đá cẩm thạch của Mosul — một loại đá cẩm thạch nổi tiếng và rất đẹp! — chúng tôi đã thật cẩn thận gỡ lên và chúng tôi sẽ trải lát chúng trở lại. Nó vừa là một công trình nghệ thuật vừa là khảo cổ.

Sáu tháng sau, chuyến thăm của Đức Thánh Cha có còn là một thời khắc quan trọng đối với giáo xứ của cha không?

Cha Pios: Tôi nghĩ rằng chuyến thăm trên hết là một tín hiệu cho những người Hồi giáo trong thành phố, những người phải thật sự sẵn sàng đón nhận và chào đón người Kitô giáo theo đúng phẩm giá. Chúng ta phải hợp nhất để sửa chữa lại mọi thứ đã bị phá hủy bởi Daesh. Ước mong họ mở rộng vòng tay chào đón các Kitô hữu để chúng tôi có thể trở lại thời kỳ của tình huynh đệ và cộng tác, để bắt đầu cùng nhau xây dựng lại thành phố rất lâu đời và rất quan trọng này.

Chuyến thăm của Đức Thánh Cha có tác động gì?

Cha Pios: Ngài đã giúp đánh động mọi thứ. Tôi phải thừa nhận rằng trong chuyến thăm của ngài đến Mosul, tôi đã vô cùng mong được nhìn thấy ngài đến nhà của chúng tôi ở Mar Thomas. Ngài đã chọn đi đến những đống đổ nát của các nhà thờ bị phá hủy, như chúng ta đã thấy. Nhưng ở đây ngài có thể nhìn thấy một nhà thờ đã mở cửa, nơi Thánh Lễ đã được cử hành trở lại trong suốt gần hai năm. Đó sẽ là một tín hiệu quan trọng, một dấu hiệu của hy vọng nhìn thấy thành phố được xây dựng lại và người Kitô hữu định cư trở lại một lần nữa. Tôi đã bù đắp bằng một bức ảnh giáo hoàng thật lớn đặt trong nhà thờ để tưởng nhớ chuyến thăm mang tính biểu tượng này đến Mosul. Cuối cùng, việc đặt chân đến Mosul, đến thăm các khu đổ nát là rất quan trọng. Đức giáo hoàng đã rất xúc động, ngài đã khóc, ngài đã có một bài chia sẻ tuyệt vời và rất quan trọng đối với người nghe là Hồi giáo cũng như Kitô giáo có mặt.

Ngày nay, chúng ta đang ở đâu với sự trở lại của người Kitô hữu? Giáo xứ của cha có bao nhiêu người?

Cha Pios: Hôm nay hầu như không có ai ở đây, chỉ có 30 gia đình đã trở về. Chắc chắn, có những người đến để khánh thành chuông, nhưng ngày nay họ sống ở Kurdistan. Chúng tôi đã tổ chức chuyến đi cho họ; họ rất vui. Chúng tôi nghĩ rằng nó sẽ mang lại cho họ hy vọng và sự can đảm để trở lại một ngày nào đó. Trước đây có ít nhất 300 gia đình Kitô giáo. Số lượng của họ bắt đầu giảm trước thời Daesh, từ năm 2000, với một cuộc nhập cư đầu tiên từ Mosul đến các làng mạc xung quanh, sau đó đến Kurdistan hoặc ra nước ngoài.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 26/9/2021]