vo ha
Thánh Kinh cho biết Chính Thiên Chúa đã chọn Ông Abraham chừng 2000 năm trước Công Nguyên, làm tổ phụ dân Irael để dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến trong dân tộc nầy.
Trong tầm chừng 500 – 700 năm đầu, chính Thiên Chúa trực tiếp điều hành và lãnh đạo dân của Ngài cho tới khi Môsê xuất hiện. Ông được coi là tổ phụ thứ hai sau Abraham, vì ông đưa dẫn dân từ cảnh tang tóc nô lệ Ai Cập về miền sinh địa Đất Hứa. Ông là Ngôn Sứ đầu tiên thông truyền mệnh lệnh của Chúa cho dân. Chức vụ nầy, ngày nay tương tự như Phát Ngôn Viên của chính phủ.
Hai Chúa Nhật trước, Phụng Vụ lời Chúa tường thuật việc Chúa Giêsu chọn 4 môn đệ đầu tiên cho cuộc đời công khai trực tiếp rao giảng Tin Mừng. Chúa Nhật IV thường niên nầy, Lời Chúa hướng dẫn dân Chúa hôm nay hướng về vị tiên tri cao cả sau cùng kể từ Môsê. Ngài sẽ truyền cho dân những gì mà trong khoảng 1.500 – 1.200 năm trước, Môsê đã nói với dân trên chặng đường 40 năm lang thang trong sa mạc. Khi đến, Ngài sẽ tóm gọn Cựu Ước và nâng lên tầm cao tinh thần qua lời giảng dạy như Đấng có uy quyền. Xin đọc nguyên văn Lời Chúa bên dưới, cùng xin giúp chúng con thấu hiểu Ngài nhiều hơn.
BÀI ĐỌC I: Đnl 18, 15-20
“Ta sẽ gầy dựng một tiên tri và Ta sẽ đặt lời Ta vào miệng người”.
Bài trích sách Đệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân chúng rằng: “Chúa là Thiên Chúa các ngươi, sẽ gầy dựng giữa các ngươi và giữa những anh em các ngươi, một tiên tri như ta: các ngươi sẽ nghe lời người, như các nguơi đã xin cùng Chúa là Thiên Chúa các ngươi ở Horeb khi có cuộc đại hội, và các ngươi nói rằng: Tôi không muốn nghe tiếng Chúa là Thiên Chúa tôi nữa, tôi không muốn thấy ngọn lửa vĩ đại này nữa, kẻo tôi phải chết. Và Chúa phán cùng tôi: sự họ đã nói, là tốt. Ta sẽ gầy dựng giữa anh em của họ một tiên tri như ngươi; Ta sẽ đặt vào miệng người những lời của Ta, người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Ta sẽ truyền cho người. Và nếu kẻ nào không nghe lời của Ta mà người sẽ nói nhân danh Ta, chính Ta sẽ xét xử nó. Nhưng tiên tri nào tự phụ, nhân danh Ta mà nói lời Ta không truyền phải nói, hoặc nhân danh các thần khác mà nói, thì sẽ chết”.
BÀI ĐỌC II: 1 Cr 7, 32-35
“Người nữ đồng trinh lo lắng việc Chúa, để nên thánh”.
Bài trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, tôi ước mong anh em khỏi phải lo lắng. Người không có vợ thì lo lắng việc Chúa, và tìm cách làm đẹp lòng Chúa.
Nhưng người đã có vợ thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng vợ mình, và họ bị chia xẻ. Cũng thế, người phụ nữ không có chồng và đồng trinh thì lo lắng việc Chúa, để nên thánh phần xác và phần hồn. Còn người phụ nữ đã có chồng thì lo lắng việc đời này, và tìm cách làm đẹp lòng chồng mình.
Tôi nói thế vì ích lợi cho anh em, chứ không phải để gài bẫy anh em đâu, nhưng là để hướng dẫn anh em đến đời sống đoan chính và hoàn toàn khắng khít với Chúa.
PHÚC ÂM: Mc 1, 21-28
“Ngài giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô
(Đến thành Capharnaum) ngày nghỉ lễ, Chúa Giêsu vào giảng dạy trong hội đường. Người ta kinh ngạc về giáo lý của Người, vì Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chứ không như các luật sĩ.
Đang lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế ám, nên thét lên rằng: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu quát bảo nó rằng: “Hãy im đi và ra khỏi người này!” Thần ô uế liền dằn vặt người ấy, thét một tiếng lớn, rồi xuất khỏi người ấy.
Mọi người kinh ngạc hỏi nhau rằng: “Cái gì vậy? Đấy là một giáo lý mới ư? Người dùng uy quyền mà truyền lệnh cho cả thần ô uế và chúng vâng lệnh Người”. Danh tiếng Người liền đồn ra khắp mọi nơi, và lan tràn khắp vùng lân cận xứ Galilêa.
Vài hàng ghi chú và tâm tình.
Bài đọc I, trích ra từ Sách Đệ Nhị Luật là cuốn cuối trong 5 sách đầu của Thánh Kinh Cựu Ước. Năm sách đó còn có tên Việt Nam là Ngũ Thư. Sách Đệ Nhị Luật 34 chương, thì 30 chương đầu đúc kết những lời dạy hay diễn từ có tính cách khuyến dụ, cảm hóa và chinh phục của chỉ một mình Môsê cho con cái Israel. Với giọng điệu thiết tha trìu mến, lời của Môsê coi như bản di chúc dài về luật lệ trước khi qua đời khi chưa vào Đất Hứa.
Cũng nên biết, Thánh Kinh không có sách “Đệ Nhất Luật” mà sao có sách “Đệ Nhị Luật”? Thưa đó là vì dịch từ tiếng Hy Lạp của Thánh Kinh Do Thái là Bản Bảy Mươi, LXX. Bản nầy xuất hiện trong khoảng thế kỷ III – 50 TCN. Và Anh ngữ ngày nay cũng dịch lại tên sách trên là “Deuteronomy”.
Thêm nữa, tên sách gọi là Đệ Nhị Luật, chính là dựa vào chương 17 câu 18: “Khi lên ngôi vua trị vì, vua phải sao lại cho mình một bản thứ hai của luật nầy vào một cuốn sách, sao y bản các tư tế Lêvi truyền lại”. Nên có khi sách nầy cũng được gọi là “Thứ Luật” hay Thánh Kinh Hội dịch là “Phục Truyền Luật Lệ Ký”.
Thật ra Đệ Nhị Luật là bản sao lại, bản diễn giải của bộ luật đã có từ trước, mà không là bộ luật mới.
Sau ông Môsê, Chúa đã hứa và đã gởi nhiều tiên tri tới để nói với dân nhân danh Chúa (Gr. 1:7,9). Môsê là công cụ truyền thông (.com ngày nay) Lời Chúa cho Israel.
Những dòng được trích dẫn trong bài đọc I bên trên, cho thấy dân Do Thái trông chờ một tiên tri quan trọng như Môsê, sẽ xuất hiện. Nên khi Chúa Giêsu đến, dân chúng đặt câu hỏi liên hệ tới niềm hi vọng được ghi ra trong bài đọc nầy. Đến thời các tông đồ, lời các ông rao giảng, luôn chứng minh Chúa Giêsu là Đấng đã được Sách Đệ Nhị Luật báo trước cho nhân loại (Cv 3:22, 7:37).
Câu 20 cuối của bài đọc I, Chúa răn đe – cho sợ mà đừng vi phạm – bằng hình phạt cái chết cho tiên tri giả. Câu nầy cho thấy thời Môsê xa xưa đã xuất hiện hạng người nầy. Thời nào cũng có ngôn sứ giả (Ed. 34) không chỉ trong tư cách mà còn trong lời rao giảng không do Chúa truyền ban. Và chúa Giêsu cũng lên án hạng chăn chiên giả nầy (Ga 10: 5, 10).
Tới bài Phúc Âm của Thánh Luca, Chúa Giêsu đi vào và giảng dạy trong hội đường ngày nghỉ lễ tại Capharnaum cùng làm phép lạ đầu tiên, đuổi thần ô uế ra khỏi một người. Việc nầy làm dân chúng sửng sốt.
Ngược dòng Tân Ước chừng 30 năm, trong triều đại của Cêsar Augustô, đã có một biến cố sửng sốt âm như sóng ngầm, đã làm thay đổi thế giới và lịch sử nhân loại. Lý do vì trẻ Giêsu chào đời trong một tỉnh lẻ xa xôi bên Do Thái, đã biến đổi cả Đế Quốc La Mã thù nghịch đạo Chúa, trở thành nước của Chúa năm 313 SCN. Các thần minh của Roma phải lui bước cho một Thiên Chúa chân thật.
Trẻ Giêsu ấy lại có một sức mạnh siêu phàm đảo lộn nhiều giá trị hiện có thời đó, và thiết lập ra hệ thống nhiều giá trị mới mẻ. Như Chúa Giêsu giải thích Thánh Kinh trong hội đường khiến cho nhiều người phải kinh ngạc, vì :“Người giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền chứ không như các luật sĩ” (Mc.1: 22).
Có uy quyền, vì Người dùng quyền của mình – vì là chính Chúa quyền năng – mà giảng dạy chứ không lệ thuộc vào thế giá của người khác. Quyền này được chứng tỏ khi trừ được quỉ dữ. Trong khi các luật sĩ chỉ đọc và giải thích kinh thánh, mà không dám thêm một ý tưởng mới. Họ bó buộc con người vào luật lệ cũ. Còn Chúa Giêsu đưa ra Giáo lý mới mẻ. Cái mới mẻ đó làm cho con người tin nhận Ngài là Đấng Cứu Thế và tự biến đổi con người của mình từ xấu ra tốt. Thêm cái mới mẻ nữa, từ Lời và phép lạ làm cho danh tiếng Người lan tràn khắp vùng lân cận Galilê trước rồi lan ra khắp nước Do Thái và cả thế giới nữa.
“Lệnh truyền cho cả các thần ô uế và chúng phải vâng theo” (Mc.1: 27). Chính ma quỉ phải phục tùng uy quyền của Chúa Giêsu, đã cho thấy thời cứu độ đã tới.
Những ai tin cậy mến Chúa Kitô, thì cần học hỏi, suy niệm và sống Lời Chúa, để khám phá ra sự đổi mới của Lời Người, đồng thời nhận ra quyền năng của Chúa trên thế giới. Cha Gaston Courtois (1897-1970) cho biết: “Khi khiêm tốn sống Lời Chúa trong môi trường của mình, ta âm thầm trở nên “muối men” cho cả và thiên hạ, vì “ánh sáng” của những ai sống Lời Chúa, tỏa ra xa hơn người ta tưởng rất nhiều“.
Trở lại bài đọc II, Thánh Phalô khuyên nhủ tín hữu đang sống tại Côritô là một thành phố lớn hơn nửa triệu dân, thờ nhiều thần với lối sống xô bồ phức tạp kể cả dâm ô và loạn luân. Trong tình cảnh đó, Thánh Phaolô đưa ra quan điểm rõ ràng về luân lý Kitô giáo cho người độc thân chuyên tâm hầu việc Chúa và cho hạng có gia đình. Mỗi bên đều có giá trị đưa đến đời sống đoan chính và khắng khít với Chúa.
Ngài không có ý phân biệt giai cấp tu hành độc thân hoặc người đời lập gia đình. Không bên nào cao bên nào thấp. Vì chưng kẻ tu hành độc thân nào cũng từ Chúa, qua con đường gia đình với cha mẹ mà sinh ra. Mỗi bên đều có giá trị trước Chúa khi biết tận hiến để thi hành việc Chúa theo nghĩa toàn thể trong công trình sáng tạo và cứu chuộc của Người.
Tóm lại rõ hơn, Thánh Phaolô đề cao sự thánh thiện nơi bản thân của mỗi người, trong mỗi ơn gọi với môi trường riêng. Đó là mỗi người tự thánh hiến cho Thiên Chúa cả hồn lẫn xác.
Lời kinh nguyện
- Ngày nay, quỉ dữ lan tràn và hoành hành khắp thế gian, chúng con rất cần Chúa cứu thoát khỏi quyền lực của ác thần.
- Xin Chúa cho Hội Thánh gồm mọi thành phần dân Chúa luôn giữ vững niềm tin và can đảm, thi hành sứ vụ Chúa đã tuyền ban.
- Dù quỉ dữ luôn tìm mọi cách lôi cuốn kẽ có quyền lực chống lại công lý, hòa bình, xin cho các nhà cầm quyền trên thế gian biết quan tâm đến công ích và hạnh phúc thật của mọi người.
- Xin cho chúng con biết chạy đến cầu cứu Chúa, để được giải thoát khỏi quỉ dữ của chán nản và thất vọng.
- Ác quỉ luôn cám dỗ con người ham mê vật chất, tiền bạc, danh vọng. Xin giúp họ đạo chúng con biết dùng của cải đời nầy chính đáng để phục vụ anh chị em trong Chúa. Amen.