CHÚA NHẬT XXIX QUANH NĂM, NĂM B
Sách Tiên Tri Isaia 53.10-11;
Thư Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu Do Thái 4.14-16
và Phúc Âm Thánh Matcô 10.35-45
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Giacôbê và Gioan con ông Giêbêđê đến gần Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Thầy, chúng con muốn Thầy ban cho chúng con điều chúng con sắp xin Thầy”. Người hỏi: “Các con muốn Thầy làm gì cho các con?” Các ông thưa: “Xin cho chúng con một người ngồi bên hữu, một người ngồi bên tả Thầy trong vinh quang của Thầy”. Chúa Giêsu bảo: “Các con không biết các con xin gì. Các con có thể uống chén Thầy sắp uống và chịu cùng một phép rửa Thầy sắp chịu không?” Các ông đáp: “Thưa được”. Chúa Giêsu bảo: “Chén Thầy uống, các con cũng sẽ uống, và phép rửa Thầy sắp chịu, các con cũng sẽ chịu. Còn việc ngồi bên hữu hay bên tả Thầy, thì không thuộc quyền Thầy ban, nhưng là dành cho những ai đã được chỉ định”. Mười môn đệ kia nghe chuyện đó liền bực tức với Giacôbê và Gioan. Chúa Giêsu gọi các ông lại gần mà bảo: “Các con biết rằng những người được coi là lãnh tụ các nước, thì sai khiến dân chúng như ông chủ, và những người làm lớn thì lấy uy quyền mà trị dân. Còn các con không như thế. Trái lại, ai trong các con muốn làm lớn, thì hãy tự làm đầy tớ anh em. Và ai muốn thành người cầm đầu trong các con, thì hãy tự làm nô lệ cho mọi người. Vì chính Con Người cũng không đến để được phục vụ, nhưng để phục vụ và ban mạng sống mình làm giá cứu chuộc cho nhiều người”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Gia-cô-bê và Gio-an,
Đến gần bên Chúa nài van một điều.
Bên tả bên hữu vương triều,
Khi Thầy chiếm lĩnh mão triều vinh quang.
Các con mụ mẫm hết can!
Theo Thầy mà mộng giàu sang quyền hành.
Chỗ cao, chỗ nhất để dành,
Chén đắng, đau khổ có đành uống không?
Bất bình đến giữa các ông,
Biết rằng môn đệ chờ mong chức quyền.
Làm lớn hống hách uy quyền,
Ăn sung mặc sướng lệnh truyền bào ban.
Đứng đầu, xuống thấp hàng ngang,
Như là nô lệ vai mang gánh gồng.
Làm lớn phục vụ vui lòng,
Hơn được phục vụ như chủ ông hàng đầu.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Theo làm môn đệ Chúa không phải để được hưởng lợi lộc hay quyền chức trần thế nhưng phải uống chén đắng Chúa uống, phải chịu phép rửa Chúa chịu, tức phải đau khổ, hy sinh và từ bỏ cả mạng sống mình vì danh Thiên Chúa.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Hai con ông Giêbêđê là Giacôbê và Gioan
Trong số 12 tông đồ có 2 Giacôbê:
Giacôbê tiền (James the Greater), tức Giacôbê anh em ruột với Gioan tông đồ, cả hai là con ông Giêbêđê và bà Salomê, là một trong bốn tông đồ được Chúa chọn đầu tiên chung với hai anh em Phêrô và Anrê. (Mc 1, 16-20 và Mt 4.21-22).
Giacôbê hậu (James the less), con của ông Alphê, truyền thống Giáo Hội thời bấy giờ cũng gọi là James người công chính (James the Just). Giacôbê hậu, con ông Alphê được Kinh Thánh Tân Ước nhắc đến bốn lần trong Matt. 10,3; Matcô 3,18; Luca 6,15 và Tông Đồ Công Vụ 1,13.
Trong Phúc Âm, 3 lần Chúa Giêsu cho 3 ông Phêrô, Gioan và Giacôbê theo Chúa: Khi Chúa Giêsu đến cứu sống con gái ông trưởng hội đường tên Giairô (Lc 8,51 và Mc 5,37); Rồi tám ngày sau Chúa đưa Phêrô, Gioan và Giacôbê lên núi cầu nguyện và biến hình như trong Phúc Âm Luca hôm nay. Tìm thấy tường thuật tương tự ở Matcô 9,2 cũng như trong Matt. 17,1 và qua tường thuật của Matthêô chúng ta biết đây là Giacôbê, con ông Giêbêđê, anh em với Gioan tông đồ; lần thứ ba, Chúa dẫn 3 ông Phêrô, Gioan và Giacôbê vào vườn cây đầu cầu nguyện. (Mc 14,23)
Chúng ta không rõ trong lần thứ nhất và thứ ba Giacôbê nào theo Chúa? Phêrô và Gioan tông đồ được đề cập rõ ràng, còn tên Giacôbê không được minh định rõ ràng. Tuy nhiên vấn nạn của chúng ta là tại sao lại có vấn đề xé lẻ và riêng tư nầy? Tại sao chỉ có ba mà không tất cả mười hai tông đồ?
Tôi xin trả lời bằng cách đặt vấn nạn? Tại sao Chúa chọn Phêrô, người chối Chúa, nóng tính và có lần bị mắng là quỉ lên hàng thủ lãnh các tông đồ? Tại sao Chúa chọn người tầm thường nầy lên làm linh mục, còn những người xuất sắc khác đáng làm linh mục hơn lại cũng chỉ là giáo dân? Đó là vấn đề của Chúa và Chúa có lý do riêng không cần giải thích với bất cứ ai là tại sao? Chính đương sự cũng không hiểu lý do? Chúng ta có thể tìm thấy câu trả lời nầy trong dụ ngôn thợ làm vườn nho Chúa, mỗi người lãnh chỉ một đồng bằng nhau vào cuối ngày, dù làm ít giờ hay nhiều giờ. Đó “là quyền của tôi!” (Mt 20.1-16).
Trong cuộc sống thường nhật, chúng ta có nhiều bạn bè. Trong số nầy, có những bạn bè gần. Trong số những bạn bè gần, có những người mà chúng ta gọi là rất thân, sống chết có nhau và sẵn sàng chia sẻ mọi chuyện thầm kín. Tại sao? Vì họ là bạn thân? Nhưng tại sao thân? Tại vì gần gũi, thông cảm… vài lý do loanh quanh khác… để rồi sau cùng chính đương sự cũng không biết sao mình lại chọn người nầy làm bạn rất thân mà không là người khác.
Tại sao các môn đệ theo Chúa lại thích tranh giành quyền hành chức tước.
Lúc đầu các môn đệ theo Chúa với ý hướng trần tục hoàn toàn. Họ nhìn thấy Chúa là tương lai của Do Thái, là một lãnh tụ chính trị sẽ giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang. Chúa sẽ là vua. Họ theo Chúa, như một vị vua tương lai để được thành những quan chức quyền hành trong triều đình của Ngài. Ngồi bên hữu bên phải tức cận thần và nhiếp chính trong triều đình.
Nhiều đoạn trong Kinh Thánh Tân Ước cho chúng ta những bằng chứng cho những đoán định trên: Các môn đệ khác nghe vậy thì tức bực và ganh tị với hai an hem nhà Giêbêđê như trong câu 41. Khi Chúa chết treo trên thánh giá, chỉ còn có Gioan tông đồ ở gần… tất cả đều bỏ trốn… Chúa sống lại hiện ra không mấy ai tin… Họ đang trốn đằng sau cửa đóng then cài vì sợ… nhà cầm quyền Do Thái.
III. Thực hành Phúc Âm:.
Đời sống linh mục, NHẬN hay CHO
Tết thường là những ngày các Cha được biếu quà. Có những nhà xứ bên Việt Nam chất ngập những đường, đậu, gạo thơm, trà ngon, bánh mứt, nước ngọt, bia rượu… Giáo dân có bổn phận mừng Cha và biếu quà trong những dịp Giáng Sinh, bổn mạng, kỷ niệm chịu chức linh mục. Những giáo xứ có hai hay ba Cha. Chuyện mừng các Cha và kiếm quà biếu Cha trở thành sự lo nghĩ không nhỏ cho giáo dân.
Những lễ nghĩa nầy không xấu nhưng gây hiểu lầm không ít về vai trò và chức vụ linh mục. Linh mục là người “được và nhận”: Nhận chức thánh, được sự kính trọng, nhận quà cáp, được mâm cao cỗ đầy, nhận bỗng lễ, được ưu đãi thương yêu và vâng lời, nhận những lời chào mọp quá đáng “Dạ lạy cha ạ!”… Nhiều chú bé đã bị cho vào chủng viện để hy vọng sau nầy làm linh mục, sống cuộc đời “được và nhận” nầy.
Không! Linh mục được chọn gọi để ban phát và cho đi: Cho đi cuộc đời mình qua kinh nguyện sáng chiều, qua thánh lễ dâng mỗi ngày, qua đời sống độc thân từ bỏ, qua tinh thần khiêm nhường phục vụ. Thánh lễ là hy tế, một lễ hy sinh. Không có hy sinh nào mang nghĩa “được và nhận” cả.
Bác ái là yêu thương vô bờ bến. Xin đừng tiết kiệm hay hà tiện trong chuyện ban phát và cho đi. Linh mục, tu sĩ phải bác ái và làm chuyện bác ái nhiều hơn người khác. Xin đừng tự miễn trừ cho mình chuyện bố thí, bỏ tiền rỗ nhà thờ hay giúp đỡ người nghèo khổ bằng tiền bạc. Trẻ con thường chỉ biết thu gom và giành phần cho mình. Cho đi và ban phát làm chúng ta trưởng thành, thành người vị kỹ biết cho đi.
Linh mục làm việc có lương, tức có lợi tức như người khác. Giáo dân phải bỏ tiền rỗ nhà thờ, tức phải đóng góp phần lợi tức của mình vào việc xây dựng nhà Chúa. Đóng góp hay bỏ tiền rỗ để xây dựng nhà Chúa không có miễn trừ cho linh mục. Xin hãy nêu gương đóng góp ấy để dễ khuyên giáo dân mình: Rộng rãi đóng góp cho nhà thờ.
Tối sống theo châm ngôn cá nhân: No demanding – Không đòi hỏi – No complaining – Không phản nàn và no begging – Không xin xỏ.
Tôi thấy mình bình an và hạnh phúc với những phương châm nầy.