Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIV Thường Niên | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

873

CHÚA NHẬT XXIV QUANH NĂM

Sách Tiên Tri Isaia 50.5-9a;
Thư Thánh Giacôbê Tông Đồ 2.14-18
và Phúc Âm Thánh Matcô 8.27-35

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: “Người ta bảo Thầy là ai?” Các ông đáp lại rằng: “Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri”. Bấy giờ Người hỏi: “Còn các con, các con bảo Thầy là ai?” Phêrô lên tiếng đáp: “Thầy là Ðấng Kitô”. Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.

Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: “Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người”.

Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình”. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

Người ta bảo Thầy là ai?
Là Gioan Tẩy Giả đầu thai hiện về
Êlia cũng có vấn đề
Hay Ông nào đó chết về nhập vô.

Thiên hạ khi bắp khi ngô
Các con đoán định Thầy là ai đây?
Phêrô lên tiếng thưa ngay:
Ki-tô! Còn ai vô đây thưa Thầy!

Chúa lòng thành thật tỏ bày
Thân phận cứu thế đoạ đày chết oan
Phêrô kéo Chúa xin can
Con bị chước quỉ Satan dẫn đường

Theo Chúa, Thánh giá, bạn đường
Hãm mình ép xác, chọn đường hy sinh
Mất sống mới được trường sinh
Phúc vinh ở cuối, hy sinh dọc đường. Amen

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Mỗi người chúng ta phải biết tuyên xưng Chúa Giêsu là Đấng Kitô như Phêrô.

Giêsu làng Nazareth là Đấng Kitô, có nghĩa là người sẽ chịu đau khổ, bị giết chết và phục sinh để mang ơn cứu độ cho nhân loại. Ai đi ngược đường hy sinh của Chúa là Satan.

Tuyên xưng đức tin và Chúa Kitô có nghĩa là chấp nhận bước theo chân Chúa: Từ bỏ chính mình, vác thập giá theo Chúa.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Những địa danh có liên quan trong bài Phúc Âm:

Chung quanh biển hồ Galilê có những thành phố như: Khôrazin, Bếtsaiba, Caphanaum, Magđala là những nơi Chúa Giêsu thường lui tới truyền đạo và có nhiều người đặt tên cho Caphanaum là trung tâm mục vụ của Chúa Giêsu.

Bếtsaiđa: Một thành ở bờ hồ Galilê, dân cư sống bằng nghề chài lưới. Quê hương của các tông đồ Philipphê, Anrê, Phêrô, Gioan và Giacôbê như trong Gioan 1.44; 12.21). Những môn đệ nầy nguyên là những ngư phủ và Chúa đã biến họ thành những kẻ chài lưới người. Một người mù được Chúa chữa khỏi ở thành này như ghi lại trong Matcô 8.22-26). Trong biến cố bánh hoá ra nhiều, các tông đồ lên thuyền đến Bếtsaida, gần tới nơi, các ông thấy Đức Giêsu đi trên mặt nước như được ghi lại trong Matthêô 6.45-52.

Vùng Cêsarê Philipphê: Vùng nầy nguyên có tên là Panias, có nghĩa là Mùa Xuân. Panias là tên thần Pan, của người Hy Lạp. Địa danh nầy được nói trong sách Tiên tri Isaia 9.6. Năm 20 trước Công Nguyên, vùng nầy thuộc lãnh thổ của Hêrôđê Cả. Ông thiết lập ở đây một đền thờ mang tên White Marble – để tỏ lòng ngưỡng mộ hoàng đế La Mã. Đến năm thứ 3 trước Công nguyên, vua Philip II chọn Panias làm trung tâm hành chánh và đến năm 14 sau Công Nguyên, vua Philip II đổi tên thành là Cêsarea Philippi, để tỏ lòng mộ mến hoàng đế La Mã Cêsar Augustô (63 trước Công Nguyên – 14 Sau Công Nguyên). Đến năm 61 Sau Công Nguyên, Agrippa II đổi tên sang Neronias để tỏ lòng mộ mến Nêro, hoàng đế La Mã.

Vùng Cêsarê Philipphê được nói đến trong Phúc Âm Matthêô 16.13 và trong Matcô 8.27. Người đàn bà bị băng huyết 12 năm cũng đến từ vùng nầy được kể trong Luca 8.43. Matcô 5.23 và Matthêô 9.20. Ngày nay vùng nầy không còn dân cứ sinh sống nhiều.

Những địa danh có liên quan trong Tân Ước:

III. Thực hành Phúc Âm:
Có bao giờ chúng ta thật sự thương và cầu nguyện cho linh mục không?
Xin kể hầu câu chuyện như thế nầy.

Trong giáo xứ kia, sau giờ thánh lễ cuối cùng của ngày Chúa Nhật hôm đó, Cha xứ nán lại trong nhà thờ để xếp đặt lại ít bàn ghế không nằm chỗ cũ, đồng thời Cha cũng chở chào tạm biệt những ai nán lại cầu nguyện lâu trong nhà thờ. Hôm đó có một bà cụ già và một chị còn trẻ đẹp nán lại thật lâu trong nhà thờ, mỗi người một góc cầu nguyện xem chừng sốt sắng lắm. Cha xứ tò mò, đến bên bà cụ giả hỏi: Nếu đuợc bà cho tôi biết ý cầu nguyện của bà để tôi cầu nguyện với. Bà cụ già đứng lên nhìn Cha và sẵn giọng: Tôi cầu nguyện cho Cha ấy chớ cho ai. Cha làm lễ không sốt sắng gì cả. Cha nóng tính và ăn nói cọc cằn với giáo dân. Cha thích ra ngoài ăn nhậu với thanh niên thiếu nữ. Cha tiếp xúc riêng tư với bà nầy cô nọ. Tôi cầu nguyện xin Chúa cho cha đổi khỏi giáo xứ nầy sớm. Vì giáo dân chúng tôi không được thấy nhân đức nào tốt nơi Cha.

https://st4.depositphotos.com/1003470/30846/i/600/depositphotos_308466488-stock-photo-priest-young-crying-girl.jpgCha xứ sửng sờ buồn rầu vì không ngờ giáo dân không thích mình và cầu cho mình đổi đi sớm. Cha nhìn thấy góc xa kia còn một chị trẻ đẹp đang cầu nguyện. Cha mon men tới và hỏi: Nếu được, chị cho tôi biết ý cầu nguyện của chị để tôi cầu nguyện tiếp với chị. Chị chậm rải đứng lên, bẽn lẽn nhìn Cha và nói nhỏ thật nhỏ: Con cầu nguyện xin Chúa đổi Cha đi ngay càng sớm càng tốt, vì Cha giảng rất hay, đánh động tâm hồn con rất nhiều và Cha rất thân tình với chúng con… Cha đáng mến và đáng yêu lắm Cha có biết không… Xin Chúa đổi Cha đi sớm để con khỏi phạm tội yêu Cha… và Chị vội vả rời nhà thờ.

Cùng một Ông Cha. Cùng giáo dân trong một giáo xứ. Cùng cầu xin Chúa đổi Ông Cha gấp vì một đàng Ông cha đáng ghét, một đàng ông Cha quá đáng yêu. Xin Chúa đổi Cha ngay! Thật sự chúng ta không cần cầu nguyện cho linh mục đổi đi ngay hay chúng ta thực sự cũng không cần trình tâu với cấp trên để đổi Cha. Vì làm linh mục, giống như đi lính vậy, hôm nay chỗ nầy, mai chỗ khác. Không chỗ nào ở lâu và cũng không nên tạo vây cánh. Mọc rễ  hay tạo bè nhóm trong giáo xứ mình được sai tới. Nên cầu cho linh mục thật là linh mục của Chúa và của dân chúng. Thật là linh mục tức giống Chúa Kitô linh mục thượng phẩm: Thánh thiện, hiền lành như con chiên và biết hy sinh đời mình làm của lễ cho muôn người như chiên bị sát tế. Đó là chương trình của Thiên Chúa khi chọn gọi linh mục. Có nhiều khi linh mục chỉ muốn làm linh mục nhưng không muốn sống đời linh mục theo chương trình Chúa.

Chúng ta cũng cầu nguyện cho mỗi người biết sống đúng tên Kitô hữu của mình: Chấp nhận con đường đau khổ thứ thách, hy sinh và cả cái chết như con đường Chúa đi. Đừng cầu cho Ý CON được tròn, nhưng cho Ý CHA được thể hiện.