Diễn ý Phúc Âm
Thiên sứ báo tin mục đồng,
Hài nhi bọc tã nằm trong máng bò.
Rủ nhau đêm tối lò dò,
Y chang Thánh Tử ngủ khò bình an.
Chuyện lạ kỳ diệu hết can:
Vì thiên sứ bảo: Đến hang chiên bò.
Lắng nghe, Mẹ giữ bo bo,
Trong lòng, suy gẫm, lắng lo, ân cần.
Dâng con đền Thánh đến gần,
Cắt bì thủ tục, thiên thần đặt tên.
Giêsu lệnh báo từ trên,
Thiên Chúa cứu độ là tên Chúa Trời.
Năm mới đang đến trong đời,
Hai ngàn hai mươi Chúa Trời giáng lâm.
Ơn Chúa cộng với quyết tâm:
Bình an, bác ái, phương châm cuộc đời. Amen.
A. Video bài giảng
LỄ THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI (năm A, B & C)
Sách Dân Số 6.22-27;
Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi Giáo đoàn Galata 4.4-7
và Phúc Âm Thánh Luca 2.16-21
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ. Ðó là lời Chúa.
I. Sứ điệp Phúc Âm
Đấng Cứu Thế sinh làm con người như chúng ta: Có cha, có mẹ.
Những người nghèo khổ như các mục đồng ưu tiên đón nhận ơn cứu độ.
Đấng Cứu Thế sinh làm người, tuân giữ mọi luật lệ của tôn giáo và xã hội như phải làm lễ cắt bì và đặt tên sau khi sinh được 8 ngày.
II. Dẫn giải Phúc Âm:
Họ tên đầy đủ của Chúa Giêsu?
Người Do Thái và những dân quốc chung quanh Do Thái thời trước Công nguyên đều chỉ có tên gọi chứ không có tên họ. Nên trong Phúc Âm Thánh Matthêô 1.1-17, kể về gia phả Chúa Giêsu, chúng ta đọc thấy như thế nầy: “Abraham sinh Isaác – Isaác sinh Giacóp…. Giacóp sinh Giuse, chồng bà Maria, Bà là Mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô”.
Tên gọi “Giêsu” của Chúa Giêsu là do sứ thần Chúa đã truyền là phải “đặt tên cho con trẻ là Giêsu” khi truyền tin cho Đức Mẹ như được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Luca chương 1 đoạn 26-38. Giêsu trong tiếng Việt được nhái âm với Iesous trong tiếng hy Lạp và Yehoshua trong tiếng Do Thái hay Joshua trong tiếng Do Thái Cựu Ước. Joshua có nghĩa Thiên Chúa cứu độ.
Chúng ta cũng thấy những tên khác như Kitô phát xuất từ nguyên ngữ Hylạp Chi và Ro, ghép thành Christos có nghĩa là Đấng được xức dầu. Nên Kitô là tước hiệu chứ không phải là tên gọi của Chúa Giêsu.
Nếu không có tên họ thì làm sao phân biệt những người trùng tên? Người Do Thái và những dân quốc trong vùng thời trước Công nguyên rất tôn trọng Cha mẹ và tổ tiên dòng họ mình, nên thường để phân biệt việc trùng tên gọi, họ sẽ nói là Joshua ben – có nghĩa là Giêsu con Ông Giuse, thợ mộc hay Giêsu thành Nagiarét.
Ngày nay người Do Thái có tên họ như những người khác. Do Thái mất nước từ năm 70 sau Công nguyên. Họ bị phân tán đi khắp nơi trên thế giới. Cách chung họ chia thành hai cánh: Cách Sephardic là những người Do Thái sống tập trung chung quanh Địa Trung Hải và cánh Ashkenazim sống phần nhiều ở Âu Châu đặc biệt Đông Âu. Gần hai mươi thế kỷ mất nước sống trà trộn với nhiều sắc dân trên thế giới, người Do Thái không có quê hương và không muốn dùng địa danh của đất nước mình đang sinh sống, nên họ dần dà chọn Tên Họ cho mình. Hiện tại đa số người Do Thái đều có tên họ, thí dụ thủ tướng Do Thái tên Benjamin Netanyahu.
Lễ cắt bì là gì?
Cắt bì tức cắt bỏ một chút da qui đầu của bé trai sơ sinh.
Cắt bì có từ rất lâu đời trong lịch sử nhân loại. Tập tục nầy đã thấy ở Ai Cập từ năm 2300 trước Chúa Giáng Sinh. Người ta không tìm thấy văn bản cắt nghĩa việc cắt bì, nhưng đấu vết cắt bì vẫn còn ở các tượng đàn ông trần truồng ở Ai Cập.
Ngũ Kinh trong Kinh Thánh Cựu Ước nói nhiều về ý nghĩa và việc thực hành cắt bì như trong Sáng Thế Ký 17.10-14 tường thuật lệnh truyền của Chúa như sau: “Đây là giao ước của Ta mà các ngươi phải giữ, giao ước giữa Ta với các ngươi, với dòng dõi ngươi sau này: mọi đàn ông con trai của các ngươi sẽ phải chịu cắt bì. Các ngươi phải chịu cắt bì nơi bao quy đầu: Đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với các ngươi.” Luật cắt bì được áp dụng triệt để, đến nỗi Abraham, 99 tuổi cũng chịu cắt bì, với Ismael và những nô lệ trong nhà Ông. Điều nầy được ghi rõ trong Sáng Thế Ký 17.23-27.
Như vậy cắt bì thành luật trong đạo Cựu Ước nhằm giữ giao ước với Thiên Chúa. Luật cắt bì nghiêm nhặt đến nỗi cả khách kiều cư cũng phải thi hành như trong Xuất Hành 12.48
Cắt bì là luật Chúa nhằm biến dân Israel thành dân Thánh Thiên Chúa như được xác định trong Xuất hành chương 19.3-6.
Thời Tân Ước, tức sau khi Chúa Giêsu sinh ra, cha mẹ Ngài vẫn giữ luật Cựu Ước truyền thống: Tám ngày sau khi sinh, Ngài được làm lễ cắt bì và đặt tên Giêsu. Thời các thánh Tông đồ, Phaolô là người ý thức về ơn cứu độ phổ quát nên đã tranh luận và yêu cầu bỏ luật cắt bì của Do Thái, được ghi trong Tông đồ Công vụ 11.1. Phaolô chủ trương một thánh hoá không chỉ bề ngoài, không chỉ chu toàn luật Cựu Ước nhưng là “cắt bì trong tâm hồn” như được ghi lại trong thư Thánh Phaolô gửi Rôma 2.28-29 và Galata 3.3. Điều quan trọng đối với Kitô hữu là tin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế và từ bỏ con người cũ tội lỗi. Phaolô không đồng ý cho Titô chịu cắt bì, vì là người Hy Lạp. Còn Timôtê người Do Thái, thì nên giữ tập tục Do Thái như được ghi trong Tông đồ Công vụ 16.1 và thư gửi Galata 3.2-5.
Chúng ta phải cám ơn Thánh Phaolô đã hiểu được ý nghĩa cắt bì trong Đạo Cựu Ước và đã tranh luận để bỏ áp dụng luật cắt bì của Do Thái cho người ngoài Do Thái mới tòng giáo. Nhờ vậy mà nước Chúa được dân ngoại đón nhận và mọi tâm hồn được thánh hoá từ đức tin và từ nội tâm.
III. Thực hành Phúc Âm:
Tập tục và truyền thống nhiều khi gây hiểu lầm: Không phân biệt giáo lý, Giáo luật hay Luật Phụng vụ Công giáo với tập tục và truyền thống. Nên có người cho rằng: “Đàn bà ngoại đạo là những người không biết mặc áo dài” hay như định nghĩa “Công giáo là nhóm người chuyên môn ăn thịt chó…” hay phải gọi cha mẹ của linh mục là Ông Bà Cố… Tôi dùng từ “phải” để nói lên luật lệ và lệnh truyền áp dụng… Không có lý chút nào.
Tập tục và truyền thống được hiểu đơn giản là những tập quán, thói tục hay những phong tục địa phương và thường không thành luật phổ quát được áp dụng cho mọi thời và mọi nơi. Cắt bì là tập tục, là truyền thống, là luật lệ của người Do Thái mà thôi. Nên thật là kỳ quặc khi buộc những ai tòng giáo, tức theo Kitô giáo mà lại phải tuân giữ thói tục của Do Thái giáo.
Nên các nhà truyền giáo từ Âu Châu sang truyền đạo cho các nước Á Châu đã phạm một sai lầm lớn là đem tập tục và truyền thống của Âu Châu áp dụng cho Á Châu. Thí dụ: Phải dùng chuông, chứ không là chiêng trống. Phải dùng hương và xông hương chứ không là “thắp nén hương nhang vái lạy…”. Từ đó các vua chúa Việt Nam đã kết án Kitô giáo là tã đạo, là đạo ngoại lai, theo đạo Công giáo là bất hiếu vì bỏ việc thờ cúng Ông Bà tổ tiên.
Nhiều điều đã chỉ là tập tục hay truyền thống của phương tây, cụ thể là của Rôma, không hề có trong Giáo luật hay Luật Phụng vụ…. nhưng được áp dụng như là luật Chúa hay luật Phụng vụ cho toàn thế giới. Phải chi những nhà truyền giáo tây phương nầy biết “nương tay”, nhân nhượng chuyện thờ cúng ông bà hay dẹp bỏ bàn thờ gia tiên thì tỷ lệ Công giáo ở Việt Nam mình không chỉ là 8% nhưng phải ít là 25%. Chúa dạy điều răn thứ bốn là thảo kính cha mẹ…Việc đặt những di ảnh ông bà tổ tiên nơi trang trọng trong nhà hay một ít thắp nén nhang, dâng một mâm quả trước di ảnh họ… có gì là sai với đạo Chúa lập? Nó sai với tập tục và truyền thống phương Tây chứ không hề sai với Giáo lý Công giáo.
Vì qui khu để giữ đạo… nên người ngoại đạo là người ở ngoài, đồng nghĩa với “ngoại” là người phải ở ngoài khu người có đạo. Từ đó người Công giáo ở Việt Nam thành một nhóm người xa lạ và cao xa hơn so với dân chúng. Có bà Công giáo người Việt Nam ở nông thôn đã định nghĩa: “Ngoại đạo là người không biết mặc áo dài”. Bà ta đúng, vì ở nhà quê không đi lễ thì không có cơ hội mặc áo dài. Sự xa cách và khác biệt nầy dẫn đến những hiểu lầm rất tức cười. Người ngoại đạo ở nông thôn hiểu: Công giáo là những người chuyên môn ăn thịt chó. Họ không muốn vào đạo Công giáo vì phải ăn thịt chó.
Không thiếu những chia rẽ hay bất bình về những tập tục và truyền thống không được duy trì: Dâng hoa tháng Năm, hội kèn tây, hay rước kiệu trong xóm đạo… Tất cả những tập tục hay truyền thống nầy đều có chữ “PHẢI” đi đầu… giống như ăn cà pháo PHẢI có mắm tôm hay nấu thịt chó PHẢI có củ riềng… Tôi cho là những chữ PHẢI nầy phát xuất từ việc kém học thức.
Tất cả chỉ là thói quen thôi… đã không phải là luật thì không phải PHẢI gì cả.
Tôi về nhận một giáo xứ, mấy ngày sau tôi bỏ chiếc khăn phủ chén thánh. Một số người bất bình và cho rằng tôi không biết luật phụng vụ là phải có chalice veil, tức phải có khăn phủ chén lễ. Tôi hỏi họ: Tại sao ngày xưa dùng khăn phủ chén lễ? Không ai biết. Ngày xưa, tức trước công đồng Vatican II, giáo dân không được phép sờ chạm chén thánh vì họ bất xứng. Bây giờ Giáo hội cho phép có thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ, họ có thể cầm chén lễ và ciborium… Giáo dân có thể mang Chúa cho bệnh nhân… Họ còn được cầm Chúa trong tay thì xá gì chén lễ… Nhiều linh mục cố giữ những điều không cần thiết nầy để được gọi là bảo thủ hay giữ truyền thống chân chính của Giáo hội.
Chúa nói “Ách Ta êm ái và gánh Ta nhẹ nhàng” hay “Mến Chúa và Yêu người là lề luật lớn và căn bản làm giềng mối cho mọi lề luật… Xin tránh làm cho người Công giáo è cổ ra với những thói tục hay truyền thống không cần thiết và không còn hợp thời. Xin tránh cho người Công giáo phải nghe quá nhiều thông báo về tài chánh hay quyên góp. Ai cũng thích ngắn gọn và rõ ràng: Thánh lễ gói gọn trong một giờ vẫn được ưa chuộng hơn là một thánh lễ có quá nhiều hình thức trình diễn nặng tập tục và truyền thống.
B. Download File Word tại đây