Việc cấy mắt, ốc tai hay tay chân nhân tạo hay khả năng nâng cấp cơ thể người đã không còn là chủ đề quá lạ lẫm tại thời điểm này, bởi nhân loại sẽ không ngừng phát triển và phấn đấu để trở nên siêu việt hơn nữa. Thế nhưng, năm 2020 sẽ đánh dấu thời điểm xóa nhòa ranh giới giữa công nghệ và cơ thể sinh học với những ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng phát triển, biến giấc mơ trở thành người máy không còn quá xa vời.
Trong những năm gần đây, sự ra đời của công nghệ tương tác thực tế ảo (augmented reality) và tương tác đa phương (multimodal interaction) đã cho phép con người có thể nâng tầm giới hạn khả năng của bản thân mà không cần thông qua cấy ghép. Có thể kể đến như ý tưởng tạo ra những chiếc kính thông minh gia tăng giới hạn tầm nhìn cho người dùng. Song, nhứng thiết bị này vẫn có những hạn chế nhất định, ví dụ như dòng kính thực tế ảo (VR) từ Facebook technologies, hay dự án HTC VIVE vẫn còn bị giới hạn chỉ trong ứng dụng chơi game, hay những “bộ xương ngoài” exoskeleton vẫn khiến người ta e dè bởi giá cả quá cao và những giới hạn trong việc phục hồi chức năng người bệnh.
Có thể thấy, giấc mơ cường hóa cơ thể người vẫn còn chặng đường dài phía trước để tiến tới việc sản xuất đại trà và trở nên phổ biến rộng rãi trong cộng đồng. Song, đây vẫn là niềm khao khát lớn, là mục tiêu phấn đấu của nhân loại và năm 2020 cũng là thời điểm đánh dấu nhiều thành tựu quan trọng của công nghệ cường hóa cơ thể người.
Startup mới nhất của tỉ phú Elon Musk – Neuralink trong năm 2019 đã cho ra mắt dự án nghiên cứu thiết bị quét sóng não sử dụng những sợi “chỉ” siêu vi giúp con người điều khiển máy móc thông qua suy nghĩ.
Tập đoàn tư vấn và nghiên cứu công nghệ thông tin hàng đầu thế giới, cho rằng cường hóa cơ thể người sẽ trở thành xu hướng mới trong những năm sắp tới, cũng như sẽ có những ảnh hưởng to lớn tới khoa học công nghệ. Những ứng dụng công nghệ như con chip sinh học, khuếch đại trí thông minh, trí thông minh nhân tạo mang cảm xúc người hay môi trường ảo được dự đoán sẽ trở nên phổ biến hơn trong 5 đến 10 năm tới, đánh dấu một kỷ nguyên công nghệ mới – khi mà việc tương tác, kết nối giữa con người và máy móc sẽ trở thành bình thường trong xã hội.
Đầu năm 2019 cũng là thời điểm Panasonic cùng đội ngũ thiết kế từ LAYER cho ra mắt sản phẩm GROW, giúp kích thích mọc tóc hiệu quả.
Công nghệ cường hóa chức năng vật lý của cơ thể được chia thành 4 hạng mục chính: cường hóa giác quan (thị giác, thính giác, trực giác), bộ phận nhân tạo (xương nhân tạo, chi nhân tạo), cải thiện não bộ (các thiết bị được cấy ghép vào não bộ để phục hồi một số chức năng bị tổn thương), cường hóa gene. Trên thực tế, đã có nhiều ứng dụng được đem vào sử dụng, như những bộ đồ được thiết kế để giúp cường hóa thân pháp hay sức mạnh của người mặc, giúp nâng được đồ vật nặng hơn trọng lượng cơ thể nhiều lần, hay được sử dụng trong y học với mục đích phục hồi các chức năng vật lý bị thương tổn của cơ thể.
Tuy nhiên, giới quân sự lại hình dung ra một viễn cảnh tương lai khác với đội quân cyborg tinh nhuệ được trang bị những công nghệ như những con mắt thần có thể nhìn xuyên qua những lớp tường dày đặc, hay những thiết bị được cấy ghép vào não bộ cho phép con người điều khiển máy móc thông qua suy nghĩ. Các chuyên gia từ Devcom – Bộ tư lệnh phát triển khả năng chiến đấu – Hoa Kỳ dự đoán rằng quân đội nước này sẽ sở hữu những chiến binh cyborg như vậy vào năm 2050. Bên cạnh đó, họ cũng có những thiết bị khác đang được phát triển để đưa vào sử dụng trong tương lai như tứ chi được cường hóa bằng máy móc để gia cố khả năng chống chịu và sức bền, hay những thiết bị công nghệ cho con người khả năng nghe được âm thanh tần số cao.
Vào tháng 7 vừa rồi, tỉ phú Elon Musk – CEO của tập đoàn Tesla đã hé lộ những chi tiết mới nhất của dự án cấy ghép não bộ đang được phát triển bởi nhánh công ti con của tập đoàn – Neuralink. Dự án đang được thử nghiệm trên loài khỉ và có khả năng sẽ được sử dụng trên cơ thể người vào cuối năm 2020. Cụ thể, thiết bị này sẽ được sử dụng để thay thế các khả năng bị thương tổn của não bộ sau chấn thương hoặc bẩm sinh, cho phép những người bị liệt chi có thể sử dụng điện thoại và máy tính thông qua sóng não. Xa hơn nữa, Elon Musk cũng hướng đến một tương lai mà loài người có thể cộng sinh với trí thông minh nhân tạo để tối đa hóa các chức năng của não bộ. Tới thời điểm hiện tại, Neuralink đã gây quỹ được 158 triệu đô la Mĩ, trong đó 100 triệu đô la đến từ chính túi của Elon.
Những tiến bộ công nghệ kể trên quả thực rất được mong chờ bởi những thiết bị này trong tương lai hứa hẹn sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho sức khỏe con người, tăng cường các chức năng vật lý của cơ thể hay cả chức năng nhận thức của não bộ. Song, cũng như bất kì sản phẩm công nghệ thông minh nào, dư luận vẫn không ngừng đặt câu hỏi về những mối nguy tiềm tàng của sự hợp nhất giữa con người và máy móc, cả về mặt sức khỏe và đạo đức pháp luật. Tưởng tượng khi não bộ của chúng ta bị gắn chip, gần như mọi suy nghĩ và kí ức sẽ đều bị kiểm soát và không thể che giấu, từ đó nảy sinh khả năng người dùng sẽ bị ăn cắp chất xám và thông tin, khi rơi vào tay nhầm người sẽ để lại những hậu quả nghiêm trọng. Do đó, những phát minh mới này cần phải được kiểm duyệt thận trọng, nhằm hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng và những mối nguy hại tiềm tàng.