Bài giảng Chúa Nhật XXIX Quanh Năm, C

1349

Thơ diễn ý:

Trong thành có một quan toà,
Ngang tàng, khinh dễ, chơi trò ngâm tôm.
Đơn từ tới tấp như đôm,
Mặc kệ! Giả điếc, rác rơm ra gì!

Có bà goá nọ gan lì,
Ngày ngày kêu cứu, quan thì phải nghe.
Không sao giả điếc tai che!
Nhức đầu nhức óc, ngủ nghê quấy rầy.

Dùng chuyện, Thầy dạy như vầy:
Thiên Chúa! Là Đấng cao dày tình thương.
Không giống quan án bất lương,
Nhưng nghe từng nỗi tang thương cuộc đời.

Chúa là Cha ngự trên Trời,
Từ tâm, nhạy cảm, nghe lời cầu xin.
Đến Chúa với cả niềm tin,
Trông cậy phó thác là linh dược thần. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXIX QUANH NĂM

Sách Xuất Hành 17.8-13;
Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Timôtê  3.14-4.2
và Phúc Âm Thánh Luca 18.1-8

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Đức Giêsu kể cho các môn đệ dụ ngôn sau đây, để dạy các ông phải cầu nguyện luôn, không được nản chí. Người nói: “Trong thành kia, có một ông quan toà. Ông ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì. Trong thành đó, cũng có một bà goá. Bà này đã nhiều lần đến thưa với ông: ‘Đối phương tôi hại tôi, xin ngài minh xét cho.’ Một thời gian khá lâu, ông không chịu. Nhưng cuối cùng, ông ta nghĩ bụng: ‘Dầu rằng ta chẳng kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng coi ai ra gì, nhưng mụ goá này quấy rầy mãi, thì ta xét xử cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc.'”

Rồi Chúa nói: “Anh em nghe quan toà bất chính ấy nói đó! Vậy chẳng lẽ Thiên Chúa lại không minh xét cho những kẻ Người đã tuyển chọn, ngày đêm hằng kêu cứu với Người sao? Lẽ nào Người bắt họ chờ đợi mãi? Thầy nói cho anh em biết, Người sẽ mau chóng minh xét cho họ. Nhưng khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?”

Đó là Lời Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

“Ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc!”

Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Ngài nghe tiếng chúng ta nài van.

Dù có trì hoãn, nhưng Thiên chúa luôn bênh vực kẻ người tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu đến Ngài. Nên phải kiên trì cầu nguyện.

Trong tương lai, những kẻ được tuyển chọn tức những môn đệ Chúa sẽ bị bách hại, bỏ vạ cáo gian… vì công cuộc truyền đạo. Đôi khi họ nản lòng tưởng rằng Chúa bỏ họ… Nhưng hãy kiên nhẫn cầu nguyện vì Chúa sẽ mau chóng bênh vực người kêu cầu Chúa.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

1. Trong bài đọc I, sách xuất hành kể chuyện ông Môsê dang tay cầu nguyện để dân Do Thái chiến thắng dân Amalech. Như vậy Chúa thương bênh vực dân Do Thái và tiêu diệt dân Amalech? Có dân Chúa thương mà có dân Chúa ghét?

Bài đọc I không có ý nói Thiên Chúa thiên vị, thương dân Do Thái mà ghét bỏ các dân chung quanh. Nhưng Bài đọc I chỉ nhằm diễn tả sức mạnh của sự cầu nguyện. Do Thái chiến thắng quân thù không vì tài chinh chiến của họ, nhưng vì Chúa nghe lời họ cầu xin. Ông Môsê phải dang tay cầu nguyện trong suốt trận chiến. Tư thế của người cầu nguyện tha thiết là dang rộng tay và ngước mắt lên trời kêu cầu Thiên Chúa.

Cho đến ngày nay người Do Thái vẫn giữ tư thế cầu nguyện nầy: Dang tay, nhúc nhích toàn thân, ngước mắt nhìn Trời và kêu than tha thiết… Họ cầu nguyện với cả thân xác và tâm hồn.

Thiên Chúa trong bài đọc I được diễn tả như một người thiên vị: Thương dân Do Thái, cho họ chiến thắng và bỏ rơi những dân nước khác. Tuy nhiên chúng ta thấy thế nầy: Đã đi vào cuộc chiến thì phải có kẻ thắng người thua. Dân Do Thái là dân Chúa chọn và họ chiến đấu quyết tử để giành đất. Nên họ chiến thắng là phần chắc. Bài đọc I chỉ muốn chứng minh là Chúa thương yêu và bệnh vực dân Ngài. Nên dân Do Thái phải tôn thờ Chúa mà thôi. Vì “không còn gì mà Chúa không làm cho họ!”. Chúa thương họ. Họ phải đáp lại bằng tình thương dành cho Thiên Chúa, Đấng độc thần.

Ý nghĩa dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa kiên trì kêu van?

Như đã nói: Dụ ngôn không là chuyện có thật, nhưng là cách dùng câu chuyện để giáo huấn, vừa dễ nhớ mà cũng vừa mang ý nghĩa luân lý. Quan tòa bất chính chả coi ai ra gì, nhưng sau cùng phải chịu thua sự kêu van quá kiên trì của bà góa. Người xấu mà còn vậy, huống chi Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Chúa sẽ nghe lời chúng ta cầu xin. Tin vào Thiên Chúa tốt lành.

2. Tại sao có những lời cầu nguyện thật chân thành tha thiết nhưng không được đáp trả?

Không ai có thể trả lời cặn kẽ rõ ràng và dứt khoát câu hỏi nầy. Vì chúng ta là con người, sự hiểu biết chúng ta có giới hạn, nhất là về Thiên Chúa, thần thánh hay những việc cao siêu nhiệm mầu như cầu nguyện. Cầu nguyện là một lời cầu xin của ai đó, với Chúa là Cha của mình. Nội dung ra sao? Lý do tại sao cầu nguyện và mức độ lòng tin nơi lời cầu… chúng ta không hiểu thấu. Nếu người đó yêu cầu chúng ta cầu nguyện thì chúng ta chỉ biết được ý cầu nguyện. Còn việc chấp thuận hay trì hoãn là chuyện của Chúa. Chúng ta không sao hiểu nỗi Chúa thì làm sao hiểu được lý do?

Lời cầu nguyện tha thiết và mang ích lợi cho người khác như cầu cho quốc thái dân an, cho hòa bình thế giới thì hợp lý quá, sao Chúa không đáp trả? Nếu Chúa phải đáp trả lời chúng ta cầu, điều đó có nghĩa Chúa có bổn phận hay có trách nhiệm hay thiếu nợ chúng ta chăng? Không, Chúa không phải mà cũng không bị bó buộc phải nhậm lời chúng ta xin. Nếu Chúa nghe lời dân chúng khắp nơi cầu nguyện thì thời tiết hay thế giới nầy chắc rất bất ổn. Cùng một nơi chốn, nhưng có người cầu nắng, có người cầu mưa. Cùng một quốc gia, nhưng có người cầu cho tổng thống nầy mau xuống chức, người khác cầu cho tổng thống tại chức lâu dài.

Ý kiến cá nhân: Đừng quá thắc mắc hay tìm câu trả lời tại sao Chúa không nghe lời tôi tha thiết cầu xin nhưng cầu cho mình tiếp tục kiên tâm cầu nguyện và cầu cho mình thêm mạnh tin là Chúa sẽ đáp lời chúng ta cầu. Phúc âm nói: “Người có trì hoãn”, nhưng quả quyết là Chúa sẽ nhậm lời chúng ta kêu cầu. Nhiều khi Chúa đáp lời cầu không giống như ý chúng ta. Thí dụ chúng ta cầu cho có tiền nhiều thêm. Không thấy Chúa cho thêm tiền, nhưng chúng ta có sức khỏe hơn và công việc làm vững chắc hơn. Đó cũng là cách cho thêm tiền. Chúa là Cha, Chúa biết cách phải cho chúng ta thứ gì cần và khi nào thì ban phát cho thích hợp.

III. Thực hành Phúc Âm:

Thắp lên một que diêm: Một bữa nọ, ông John Keller, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại vận động trường ở Los Angeles, Hoa Kỳ. Ðang diễn thuyết ông bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”. Ðèn tắt, sân vận động chìm sâu trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi đốt thì hãy kêu lớn lên: Ðã thấy!”. Một que diêm được bật lên, cả vận động trường vang lên những tiếng kêu: “Ðã thấy!”

Sau khi đèn được bật sáng lên, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy”. Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai ở đây có mang theo diêm quẹt, xin hãy đốt cháy lên!”. Bỗng chốc cả vận động trường rực sáng. Ông John Keller kết luận: “Tất cả chúng ta hợp lực cùng nhau, có thể chiến thắng bóng tối, sự dữ và oán thù bằng những đóm sáng nhỏ của tình thương và lòng tốt của chúng ta”.

Hòa bình không chỉ là môi trường sống vắng bóng chiến tranh. Hòa bình không chỉ là cuộc sống chung im tiếng súng. Vì trong sự giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người giết hại nhau mà không cần súng đạn, đôi khi con người làm khổ nhau, đàn áp và bóc lột nhau mà không cần chiến tranh. Ngoài ra, hòa bình không chỉ được xây dựng trong những văn phòng của các nhà lãnh đạo. Hòa bình không chỉ được xây dựng qua những cuộc họp, qua những buổi thảo luận, mặc cả của các nhà chính trị. Mọi người chúng ta phải trở thành những người thợ xây dựng hòa bình. Bởi lẽ nguồn gốc của hòa bình xuất phát từ phẩm chất của các mối liên lạc giữa người với người.

Người biết yêu mến là người thợ xây dựng hòa bình. Kẻ biết giúp đỡ là kẻ xây đắp hòa bình. Những ai biết tha thứ, những ai biết phục vụ tha nhân, những ai biết luôn khước từ hận thù, bạo lực là những người thợ xây dựng hòa bình. Những ai biết chia sớt của cải mình cho người túng thiếu hơn, những ai có lòng nhân từ, có lòng khoan dung và thông cảm đều là những kẻ giúp cho hòa bình nảy nở giữa loài người. Tóm lại, cách thức tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thêm cho thật nhiều những hành động yêu thương và hảo tâm đối với đồng loại. Những hành động yêu thương xuất phát từ lòng nhân hậu sẽ như những ánh sáng nho nhỏ của một que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng đốt lên những ánh sáng bé nhỏ, những hành động yêu thương sẽ có đủ sức mạnh để xua đuổi bóng tối của những đau khổ và sự dữ. (Lẽ Sống, Radio Veritas)

Thêm ý: Mỗi ngày mồi thắp một que diêm vào tiêm ngọn nến để cầu nguyện cho bình an và tình thương

Đời người sao thật khốn khổ!

Hàng ngày có hàng năm bảy trăm người đến trung tâm hành hương Tắc Sậy để cầu nguyện và khấn xin với Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp. Nhiều người quây chung quanh mộ phần của Cha mà kêu cầu tha thiết và  tả ra những cảnh khốn cùng trong cuộc sống như: Mua bán ế ẩm, làm ăn thất bại, con gái bỏ nhà theo trai, chồng bê tha nhậu nhẹt, bị giựt nợ trốn mất… Tôi thầm nghĩ: Sao đời người có quá khốn khổ vậy Chúa?

Dường như có tiếng Chúa trả lời: Phải vậy con à! Đời mà con! Chứ phải thiên đàng đâu mà hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều như ý. Nếu hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều êm xuôi như ý thì đâu còn ai nghĩ đến thiên đàng hay đến đây cầu nguyện làm gì.

Vậy hóa ra Chúa tạo trần gian nầy bất toàn để hướng về thiên đàng trọn hảo?

Đúng vậy! Thánh Anselmô cả nói: Con người có khát vọng vô biên mà chỉ có Chúa mới có khả năng lấp đầy. Nên khi chiếm hữu được thiên đàng thì con người hoàn toàn mãn nguyện. Nên chuyện tạo thiên đàng tại thế là chuyện của đấu tranh chính trị và là chuyện không tưởng. Hay nói đúng hơn, đó là chiếc bánh vẽ dụ người kém hiểu biết. Nên đời sống con người luôn đi liền với cầu nguyện, khấn xin như bà con đang làm. Những ai đến cầu nguyện là có niềm tin vào Thượng Đế. Tôn giáo không bao giờ chết. Đạo là đường đưa con người tới Chúa. Con người khốn khổ luôn và cần Chúa luôn. Nên tôn giáo luôn cần cho con người.

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm tại đây