Bài giảng Chúa Nhật 3 Quanh Năm C

1100

Đường xưa lối cũ đá mòn,
Con về quê cũ làm tròn lời xưa.
Tin mừng cứu độ làm mưa,
Cho đời bớt khổ, dẫn đưa về Trời.

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý

Dưới quyền năng Chúa Thánh Linh,
Giê-su về lại làng mình thuở xưa.
Hội đường, kinh thánh, từ xưa:
Ứng rằng: Con Chúa làm mưa cho đời.

Tấn phong, rao giảng muôn nơi:
Tin Mừng cứu độ người người được nghe.
Nghèo hèn, tội lỗi, đui què,
Hồng ân cứu độ hội hè mừng vui.

Kinh Thánh ứng nghiệm nơi TUI!
Người được sai đến tin vui nhân trần.
Nghe đây nầy hỡi toàn dân!
Thiên Chúa cứu độ mang thân làm người.

Những ai bê bối biếng lười,
Chổi dậy, sám hối, cho đời niềm vui.
Những ai bệnh tật mù đui,
Nhận ơn cứu độ! TIN VUI, TIN MỪNG.
Amen.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Thưa ngài Thê-ô-phi-lô đáng kính, có nhiều người đã ra công soạn bản tường thuật những sự việc đã được thực hiện giữa chúng ta. Họ viết theo những điều mà các người đã được chứng kiến ngay từ đầu và đã phục vụ lời Chúa truyền lại cho chúng ta. Tôi cũng vậy, sau khi đã cẩn thận tra cứu đầu đuôi mọi sự, thì thiết tưởng cũng nên tuần tự viết ra để kính tặng ngài, mong ngài sẽ nhận thức được rằng giáo huấn ngài đã học hỏi thật là vững chắc.

Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.

Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa.

Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.” Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.

Đó là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

1. Phúc Âm được viết lại theo lời kể của những nhân chứng xác thực nhằm trình bày Giáo Huấn mạc khải để mang ơn cứu độ đến cho muôn người.

2. Giêsu, thanh niên làng Nagiarét, trước mắt mọi người, là con Bác thợ mộc Giuse và Bà Maria, nhưng là Con Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu Thế mà Tiên Tri Isaia đã tiên báo tám trăm năm trước: Ngài đến rao giảng Tin Mừng cho người nghèo, chữa lành bệnh tật và công bố năm hồng ân. Chúa Giêsu xuất hiện: Thời gian cứu độ đã đến vì “hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe”.

II. Dẫn giải PhúcÂm:

  1. Thêôphilê là ai?

Theo nguyên ngữ Theophilus có nghĩa “người được Chúa yêu”. Tên Thêôphilê được đề cập trong Phúc Âm hôm nay và trong Sách Tông Đồ Công Vụ 1:1. Không ai biết Thêôphilê là ai cả? Người ta đoán: Đó có thể là một nhân vật “hữu danh vô thực”, Luca mạo một tên thật phổ thông thời bấy giờ để nhắn gửi sứ điệp Phúc Âm cho mọi người, vì ai cũng có thể là Thêôphilê, vì ai cũng được Chúa yêu thương cả. Nó giống như chúng ta nói: Xin cám ơn các Mạnh thường Quân. Ngày xưa, Mạnh thường Quân là một quan chức người Tàu có tình yêu thương mọi người và rộng rải thi ân bố đức giúp người nghèo. Ngày nay tên Mạnh thường Quân để chỉ tất cả những ai có lòng quảng đại, rộng rải dâng cúng cho Chùa chiền, nhà thờ hay giúp đỡ nạn nhân thiên tai bão lụt.

Có thể là một tân tòng, một người mới tòng giáo thời bấy giờ, nhưng Luca không chỉ rõ ràng là ai, nghề nghiệp như thế nào để tránh những khuấy nhiễu của quan quân thời ấy. Nếu Thêôphilê là một tân tòng và Phúc Ân Thánh Luca được viết ra gửi đến cho Thêôphilê, điều đó cho thấy Luca muốn nói lên mục đích của Phúc Âm là: Giáo huấn của Chúa và là giáo lý nhằm mang mọi người tòng giáo. 

  1. Hội đường Do Thái

Theo nguyên ngữ có nghĩa “nơi hội họp” hay “nhà cầu nguyện” xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu trước Công Nguyên để thỏa đáp nhu cầu tôn giáo người Do Thái nơi mỗi địa phương: họ qui tụ ngày Sa-bát để đọc Thánh Kinh Cựu Ước. Có thể nói : Hội đường Do Thái như nhà thờ ở mỗi họ đạo của chúng ta vậy. Hay nói đúng hơn, nhà thờ ở xứ đạo mô phỏng theo cách thức thực hành tôn giáo của người Do Thái: Ngày Chúa Nhật, giáo dân qui tụ ở nhà thờ giáo xứ để đọc kinh, dâng lễ thờ phượng Chúa. Tuy nhiên Hội Đường Do Thái không được coi là nơi thánh, dù luôn có “cuốn sách” Thánh Kinh được cuộn tròn và trưng bày nơi gian chính của Hội Đường.

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Xem lễ Chúa Nhật trên TV. có thay thế được luật buộc tham dự thánh lễ Chúa Nhật không? 

Chắc chắn là không, lý do: Thánh lễ là một cử hành phụng vụ – celebratio Liturgia – Liturgy celebration – Việc cử hành đòi buộc một việc đang xảy ra thực sự – current action – theo nghi thức phụng vụ và có nhiều người tham dự. Thánh lễ trình chiếu trên TV. không là một cử hành, vì không thật – người xem không có tham gia và cũng không là một cộng đoàn phượng tự. Từ ngày xưa, xem xi nê là “coi chiếu bóng!” nghe có vẻ cũ xưa quê mùa, nhưng diễn tả cính xác là không có gì là thực trên TV. chỉ là chiếu lại cái bóng của sự thật mà thôi. Ví không thật, nên không có thể rước lễ được.

Hy tế tạ ơn xảy ra thực sự qua thánh lễ – Thánh Lễ không phải là diễn lại hay làm tái diễn việc Chúa hy sinh, đổ máu hai ngăm năm trước như diễn tuồng thương khó. Không! Thánh lễ mà chúng ta tham dự không là điễn lại mà là thực sự xảy ra hy tế cứu độ mà Chúa đã một lần hy sinh và Chúa yêu cầu: “Hãy làm việc nầy để nhớ đến Ta!”  Nên lễ tế trên bàn thờ chính là lễ tế trên đồi calvê xưa. Thánh lễ trên TV. không là lễ tế thực sự, chỉ là “chiếu bóng”.

Đi tham dự thánh lễ Chúa nhận là một gặp gở thực sự, một hiệp thông thật sự với Chúa và với anh chị em mình. Đây cũng là tiệc thánh, chúng ta củng là Kitô hữu, cùng ăn chung một lương thực là Chúa Kitô và cùng hành trình về quê trời, nhà Cha chúng ta. Trên TV. không hề có hiệp thông hay gặp gỡ mà cũng không hề có hiệp lễ, tức kết hợp thực sự với Chúa Kitô.

Nên thánh lễ chiếu trên TV. chỉ là chuyện không có thực, không thay thế lễ Chúa Nhật được. Từ đó, không bao giờ có thể xưng tội bằng điện thoại hay Email được. Vì bí tích là một tiếp xúc với Chúa, một sự đụng chạm với lòng thương xót Chúa, một chữa trị tâm linh. Nên bí tích giải tội đòi buộc hối nhân phải đứng lên , đi về nhà Cha và xin ơn tha thứ như người con hoang đàng. Cũng vậy khi cầu nguyện là chúng ta phải mang thân xác và cả tâm hồn mình đến với Chúa và cầu nguyện kêu xin Chúa. Chúng ta không thể cầu nguyện một lần rồi thu vô CD hay cho lên youtube rồi mở lại hay chiếu lại vào giờ chúng ta phải cầu nguyện. Làm như thế có khác nào chúng ta mời Chúa xem chiếu bóng. Hoàn toàn dõm!  Cầu nguyện là thực sự hiện diện trước Chúa để ca tụng – cảm tạ – xin lỗi và xin ơn!

  1. “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát”

Ngày Sa-bát, người Do Thái nghỉ việc và đi nhóm họp ở hội đường để cầu nguyện, đọc Thánh Vịnh, nghe Thánh Kinh và nghe dẫn giải Thánh Kinh Cựu Ước. Chúng ta thấy rõ hình ảnh tiến về nhà Chúa để tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật trong một họ đạo Công Giáo. Những bài hát quen thuộc như “Con đi về nhà Chúa, đây tim con hoan lạc Chúa ơi!” hay “Tử muôn phương ta về đây sánh vai lên đường, đường đưa ta đi lên đến Chúa ta… hay “I was full of joy, Alleluia! When I set out for the house of the Lord . . .” Tất cả bắt ngưồn từ Thánh Vịnh, nói lên niềm vui của đoàn dân thánh Chúa tiến về nhà Cha mình để cầu nguyện và để thờ phượng Chúa trong ngày lễ nghỉ, ngày Sa-bát, ngày của Chúa trong Cựu Ước và ngày Chúa Nhật, ngày của Chúa trong Tân Uớc. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và Ngài dã tỏ lòng hiếu thảo với Cha mình bằng việc giữ ngày Sa-bát: cùng bà con tiến về hội đường, cùng với bà con cầu nguyện, đọc thánh vịnh, hát thánh ca và nghe dẫn giải Thánh Kinh. Chúa giữ luật Do Thái, Chúa giữ ngày Sa-bát.

Nhiều người bảo: Chúa khắp mọi nơi, ở đâu cũng có thể cầu nguyện được, đâu cần phải đi lễ ngày Chúa Nhật. Đây chỉ là những lý do không hợp lý nhằm viện dẫn cho sự kém đức tin và thiếu tình yêu mến Chúa. Một người bảo: tôi rất yêu Cha Mẹ tôi, nhưng không bao giờ anh ta về thăm Cha Mẹ, không bao giờ gọi điện thoại hỏi thăm Cha Mẹ thì làm sao chứng minh lòng hiếu thảo được? Tỏ lòng hiếu thảo một mình không trọn vẹn bằng tất cả anh chị em cùng kéo nhau về thăm Cha Mẹ. Cha Mẹ vui biết mấy khi thấy đàn con đông đúc vây chung quanh mình. Đó là ý nghĩa việc giữ ngày Chúa Nhật: Nghỉ ngơi phần xác và cùng nhau thờ phượng Chúa. Người đi lễ ngày Chúa Nhật không những giữ luật hiếu thảo với Thiên Chúa là Cha, nhưng còn kết tình huynh đệ với những người khác. Yêu Chúa, biết nhau và thực hiện tình yêu Chúa bằng việc giúp đỡ nhau. Ai ở nhà người nấy, kín cổng cao tường, làm sao biết nhu cầu của nhau mà giúp đỡ và thực hành bác ái? Cuối tuần thường có nhiều lễ ở nhiều nhà thờ nhằm tạo sự dễ dàng giữ ngày Chúa Nhật. Đừng bao giờ bỏ lễ Chúa Nhật. Nếu đã bỏ một lần, sẽ dễ bỏ lần thứ hai, thứ ba và thành ra lười biếng, chểnh mảng việc đạo đức. Nên học thuộc câu nầy: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày Sa-bát!”.

2. Bản văn bài giảng | Download File Word

3.Mời xem Bài nhạc diễn ý Phúc Âm của nhạc sĩ Quang Hoài.