Bài giảng Chúa Nhật 1 Mùa Vọng năm A | Lm. Tuyen Tran

1192

Thơ diễn ý:

Thời ông No-e thế nào,
Dân tình ăn nhậu ào ào vui chơi.
Hồng thủy ập đến tới nơi,
Chết không kịp trối thây phơi bềnh bồng.

Quang lâm không đợi không trông,
Tưởng rằng lâu lắm sống ngông sống cuồng.
Xét xử hết chạy hết chuồn,
Người đi kẻ ở còn buồn nào hơn.

Tỉnh thức, cầu nguyện xin ơn,
Sống đời công chính sạch trơn tội tình.
Kẻ trộm đến bất thình lình,
Quang lâm cũng vậy! mắt nhìn ngước cao.

Đừng sống lơ đễnh tào lao,
Để khi Chúa gọi, liệu sao sẵn sàng.
Đời ngắn ngủi, nhiều trái ngang,
Thánh thiện, công đức, hành trang về Trời. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT I MÙA VỌNG, NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 2.1-5;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 13.11-14a
và Phúc Âm Thánh Matthêô 24.37-44

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô
“Quả thế, thời ông Nô-ê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Vì trong những ngày trước nạn hồng thuỷ, thiên hạ vẫn ăn uống, cưới vợ lấy chồng, mãi cho đến ngày ông Nô-ê vào tàu. Họ không hay biết gì, cho đến khi nạn hồng thuỷ ập tới cuốn đi hết thảy. Ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy. Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại ; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại. “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này : nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.

Đó là Lời Chúa!

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Ngày cánh chung xảy ra bất ngờ như Lụt Đại Hồng Thủy xảy ra thời ông Noe và như giờ tên trộm đến.

Hãy sẵn sàng chuẩn bị chờ đón ngày quang lâm, ngày Chúa đến bất ngờ.

II. Dẫn giải Phúc Âm:        

Phúc Âm Thánh Matthêô (dựa theo CD Vietcatholic mục tìm hiểu Tân Ước)

Matthêô là một trong nhóm 12 tông đồ (Mathêu 10:24; Marcô 3:16-19; Luca 6:14-16; CV 1:13). Ngài là nhân viên thu thuế (Mt 10:3), được Chúa Giêsu gọi lúc ngồi ở bàn thu thuế (Mt 9:9). Theo Papias (Giám mục thành Hierôplis khoảng năm 138) thì Matthêu cũng được gọi là Lêvi, đã soạn phúc âm bằng tiếng Aram, nhưng bản đó đã bị thất lạc. Hiện nay người ta chỉ tìm được những bản bằng tiếng Hy Lạp.

Thánh Matthêô viết Phúc Âm vào khoảng năm 75 sau Chúa Giáng sinh. Matthêô trích dẫn Cựu ước rất nhiều trong phúc âm của Ngài, nhằm mục đích chứng minh Chúa Giêsu Nazarét chính là Đấng Messia Thiên Chúa đã hứa; và như thế ngài nhắm vào số thính giả người Do Thái, những người chỉ biết Kinh Thánh Cựu Ước.

Thánh Matthêô chứng minh Chúa Giêsu là con vua Đavít, thuộc dòng dõi Abraham, đến để tái lập vương quốc Đavít (Mt 1:1-17) mà Thánh vịnh 72 câu 10; Isaia 49:7 và 60:10 đề cập tới việc các vua chúa trần gian tới bái lạy Chúa Hài đồng. Mãi sau này, vào thế kỷ thứ VIII tên 3 vị đó mới được xác định là Gasparê, Melchior và Balthazar. Gia đình thánh gia trốn qua Ai Cập (Mt 2:13-15) để ứng nghiệm lời tiên tri Hôsêa: “Từ Ai Cập Ta đã gọi con Ta về” (Hôsêa 11:1).

Việc Giuđa ném trả 30 đồng tiền bán Chúa vào đền thờ, Các thượng tế và niên trưởng đã lấy bạc ấy mà tậu ruộng của người thợ gốm (Mt 27:3-10 trích Za 11:12).

Thường những chuyên gia Kinh Thánh chia nội dung Phúc Âm thánh Matthêô làm 4 phần:

Chương 1-2 nói về tin mừng thời niên thiếu của Chúa.
Chương 3-18 đề cập tới sứ vụ của Chúa tại Galilê.
Chương 19-25 nói về sứ vụ của Chúa tại Giêrusalem.
Chương 26-28 tường thuật về cuộc thương khó và phục sinh của Chúa.

Những nhà chú giải Kinh Thánh cũng nêu lên 4 đặc điểm Phúc Âm Thánh Matthêô như sau:

Matthêô trình bày giáo huấn qua 5 bài diễn từ: Bài giảng trên núi (chương 5-7); Sứ vụ trao cho 12 tông đồ (chương 10); Các dụ ngôn về nước trời (chương 13); Địa vị cao nhất và sự tha thứ (chương 18); Diễn từ chung luận (chương 24-25).

Phúc Âm trình bày theo cặp ba và cặp bảy:

Cặp ba:
Ba lần thiên thần báo mộng cho Giuse: Chớ sợ nhận Maria làm vợ (Mt:20), chỗi dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn qua Ai Cập (Mt:13) và chỗi dậy đem Hài nhi và mẹ Người hồi hương (Mt 2:20).

Hai chương, mỗi chương kể lại 3 phép lạ: Chương 8:1-15 và chương 9:19-34.
Ba lần cầu nguyện trong vườn cây dầu (Mt 26:36-45).
Ba lần Phêrô chối Chúa (Mt 26:69-75).

Cặp bảy:
7 dụ ngôn ở chương 13, 7 thần dữ (Mt:45), 7 chiếc bánh và 7 giỏ bánh dư (15:34,37), 7 lời chúc dữ ở chương 23.

Minh chứng những gì Cựu ước đã nói đều được thực hiện: Ngài đã chứng minh Đức Kitô là “đầu và cùng đích”, “Chúa không đến để phá hủy lề luật mà kiện toàn” như các tiên tri đã loan báo. Tám lần ngài nhắc tới Chúa xưng mình là con vua Đavít, Đấng xuất hiện vào thời viên mãn. Đấng mà các tiên tri và dân chúng trông đợi lâu đời. Đấng đến để đổi mới luật cũ, ban luật mới cho Giáo Hội và sinh ra để làm vua…

Phúc âm Mathêô mang nhiều chiều kích Hội Thánh: Thánh Mathêu là người duy nhất dùng danh từ “HỘI THÁNH” (Mt 16:18; 18:17). Cũng từ trong phúc âm của Ngài mà giáo hội rút ra công thức rửa tội nhân danh Chúa Ba Ngôi (Mt 28:19).

Thánh Matthêô được tặng biểu tượng con bò, vì ngài trình bày cuộc đời của Chúa Giêsu như của lễ toàn thiêu hoàn hảo vẹn toàn theo như luật phụng tự thay cho toàn thể nhân loại. Lễ thánh Matthêu được Giáo hội mừng kính vào ngày 21 tháng 9 dưới tước hiệu tông đồ thánh sử. Năm 1956 Đức Thánh Cha Pio XII đã đặt ngài làm quan thầy cho những người quản thủ thư viện.

III. Thực hành Phúc Âm:  

Thế nào là cầu nguyện?

Một chàng thanh niên nọ khao khát sống đời tận hiến và cầu nguyện, đến nỗi anh đã xa lánh tất cả mọi người và mọi sự, để đến gõ cửa một đan viện nọ… Anh được vị tu viện trưởng chấp nhận tức khắc. Trong những ngày đầu, anh quan sát cách sống của các tu sĩ: Sau những giờ cầu nguyện lâu dài, tất cả mọi người đều bắt tay vào công việc: Người thì cày cuốc, người thì gặt hái, người thì miệt mài trong công tác dịch thuật. Thấy thế, chàng thanh niên đâm ra thất vọng.

Anh đến trình bày ý nghĩ của mình với đan viện phụ như sau: “Thưa cha Bề trên, con cứ tưởng ở đây chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất đó là cầu nguyện. Ðằng này, con lại thấy các thầy phải vất vả lo cho những nhu cầu vật chất quá nhiều”. Vị tu viện trưởng mỉm cười gật đầu và nói với anh: “Có lẽ con có lý… Nếu con cảm thấy việc làm tay chân không cần thiết, thì con cứ vào phòng đóng cửa lại và tiếp tục cầu nguyện”.

Nghe thế, chàng thanh niên hớn hở trở về phòng đóng cửa lại và cầu nguyện. Chỉ sau vài giờ cầu nguyện, anh cảm thấy mệt mỏi, bụng anh cũng cảm thấy cồn cào vì đã đến giờ ăn trưa. Nhưng chờ mãi mà vẫn không thấy ai đến gọi anh vào nhà cơm, người thanh niên mới đến hỏi vị đan viện phụ: “Thưa bề trên, hình như hôm nay các thầy không dùng bữa?”.

Cha bề trên mỉm cười đáp: “Các thầy đã ăn cả rồi”. “Thế sao không ai đến gọi con đi ăn cả?”, người thanh niên hỏi. Cha bề trên mới trả lời: “Sáng nay con đã chẳng đến nói với cha là chúng ta chỉ có một sinh hoạt duy nhất là cầu nguyện đó sao? Cha nghĩ rằng các thầy khác lao động nhiều cho nên cần phải có ăn uống, ngủ nghỉ. Còn con, con muốn sống như các thiên thần, nghĩa là không làm việc, không ăn uống mà chỉ biết suốt ngày cầu nguyện, cho nên cha đã dặn các thầy là đừng đến gọi con dùng bữa”.

Nghe thế, người thanh niên chợt hiểu được thế nào là sống tận hiến, thế nào là cầu nguyện. Con người không chỉ cầu nguyện bằng những giây phút ưu biệt dành cho Chúa, mà còn bằng cả những sinh hoạt từng ngày như làm việc, ăn uống, ngủ nghỉ, giải trí… Cầu nguyện chính là tìm thấy Thánh ý Chúa và Nước Ngài trong cuộc sống mỗi ngày.

Mùa Vọng là mùa thức tỉnh.

Chúng ta cảm thấy được thôi thúc để dành nhiều thì giờ cho việc cầu nguyện hơn. Thánh Kinh nói: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ trong 6 ngày, ngày thứ 7, Ngài nghỉ ngơi: Đó cũng là hình ảnh của đời người. Cuộc sống là một chuỗi làm việc xen lẫn với nghỉ ngơi. Có một thì giờ cho tất cả mọi sự, có một thì giờ để ngủ nghỉ… Có những giây phút ưu biệt trong ngày dành cho việc cầu nguyện, có những thời gian ưu biệt trong năm dành cho việc cầu nguyện. Thời gian ưu biệt ấy không có mục đích nào khác hơn là để giúp cho con người được tỉnh thức hơn, được sẵn sàng hơn, được tươi mát hơn để gặp gỡ Chúa trong từng phút giây của cuộc sống, trong mọi sinh hoạt hằng ngày. Cuộc sống cần có tổ chức, cần có những ngăn kéo, nhưng những ngăn kéo ấy phải được thông thương với nhau. Ngăn kéo của sự cầu nguyện phải được liên kết với ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày. Ngăn kéo của những sinh hoạt hằng ngày phải được nối liền với ngăn kéo của sự cầu nguyện. Tổ chức cuộc sống như thế tức là biến tất cả cuộc sống thành một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện triền miên ấy có những phách mạnh dành cho những giây phút thân mật chuyện vãn với Chúa, nhưng những phách mạnh ấy chỉ được làm nổi bật nhờ những âm thầm gặp gỡ Ngài trong từng sinh hoạt, trong từng biến cố của cuộc sống. (Radio Veritas).

Dọn đường cho Chúa đến

Những danh xưng được nhắc nhiều trong Mùa Vọng: Tiên Tri Isaia, Gioan Tiền Hô, Đức Trinh Nữ Maria…Những người được dùng để loan báo về Đấng cứu Thế hay mang Đấng Cứu Thế đến cho trần gian. Họ đã chu toàn trách nhiệm “nầy tôi là tôi tá Chúa! Tôi xin vâng y như lời sứ thần truyền!” Ước gì chúng ta cũng là một công cụ hữu hiệu hay như một cây chổi quét dọn sạch sẽ, chuẩn bị đường cho Chúa đến như câu chuyện chị Benadeta dưới đây.

Sau khi được diễm phúc thấy Đức Mẹ hiện ra ở Lộ Đức nước Pháp chị Benadeta đã xin vào tu viện một dòng kín ở Nevers. Một ngày Chúa nhật kia vào năm 1876 một nữ tu đưa cho Benadeta xem bức ảnh người ta đã chụp chị ở hang đá Lộ Đức trước đây để xem phản ứng chị thế nào. Đang chăm chú xem bức hình của mình, đột nhiên Benadeta hỏi : “Người ta dùng chổi làm gì hả chị?” Để quét nhà. Quét xong họ để chổi ở đâu? Trong góc nhà, sau cánh cửa, chỗ cư trú thường lệ của nó. Đời em cũng thế chị ạ! Đức Mẹ đã dùng em rồi để em vào chỗ của em. Em sung sướng lắm và em muốn ở yên trong chỗ đó mãi. Tự quét dọn cuộc đời mình thật sạch sẽ, để xứng đáng cho Chúa đến bất ngờ. Giúp người trong nhà, bạn bè thân quen một quét dọn như mời đọc Lời Chúa hằng ngày hay mời xem tin tức về việc thực thi bác ái hay thiện nguyện trong Giáo hội Công giáo. Có nhiều bạn bè chúng ta không bao giờ biết làm một việc từ thiện bác ái nào. Sau nhiều năm tháng làm việc, giờ đây, tiền bạc, nhà cửa, phương tiện sinh sống đã đầy đủ. Phải hưởng: Tiệc tùng và bia rượu, vui chơi giải trí. Ước gì chúng ta giúp nhau biết chia sẻ những ơn lành Chúa ban cho muôn người thiếu thốn chung quanh. Với tấm lòng thành, với vài lời đơn mọn và thật tình, chúng ta có thể giúp người khác làm cho tâm hồn họ và đời sống họ gọn sạch và đẹp hơn bằng những thực thi bác ái cụ thể.

B. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Vọng, A tại đây

Lm. Peter Trần Thế Tuyên