Bài giảng Chúa Nhật 3 Phục Sinh năm B

1363

Tóm ý:

Chiều ngày Thứ Nhất trong tuần
Cửa nhà đóng kín, lòng thuần âu lo
Bình an Chúa đến ban cho
Dấu đinh, thương tích, nhỏ to phơi bày.

Tông đồ mừng rỡ thấy Thầy
Đúng là người đã đoạ đày đóng đinh
Đấng ấy giờ đã phục sinh
Chiến thắng thần chết phúc vinh khải hoàn.

Thổi ban Thần Khí đầy tràn
Quyền năng tháo gỡ buộc ràn trần gian.
Tô-ma nghe thuật nói ngang:
Chừng nào mắt thấy rõ ràng mới tin.

Chúa hiện đến, với dấu đinh
Tô-ma ú ớ nín thin cúi đầu!
Tin là Hồng Phúc nguyện cầu:
Phục Sinh là Phúc hàng đầu niềm tin.
Amen

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Luca
Khi ấy, hai môn đệ thuật lại các việc đã xảy ra dọc đường và hai ông đã nhận ra Người lúc bẻ bánh như thế nào. Mọi người còn đang bàn chuyện thì Chúa Giêsu hiện ra đứng giữa họ và phán: “Bình an cho các con! Thầy đây, đừng sợ”. Nhưng mọi người bối rối tưởng mình thấy ma. Chúa lại phán: “Sao các con bối rối và lòng các con lo nghĩ như vậy? Hãy xem tay chân Thầy: chính Thầy đây! Hãy sờ mà xem: ma đâu có xương thịt như các con thấy Thầy có đây”. Nói xong, Người đưa tay chân cho họ xem. Thấy họ còn chưa tin, và vì vui mừng mà bỡ ngỡ, Chúa hỏi: “Ở đây các con có gì ăn không?” Họ dâng cho Người một mẩu cá nướng và một tảng mật ong. Người ăn trước mặt các ông và đưa phần còn lại cho họ. Ðoạn Người phán: “Ðúng như lời Thầy đã nói với các con, khi Thầy còn ở với các con, là cần phải ứng nghiệm hết mọi lời đã ghi chép về Thầy trong luật Môsê, trong sách tiên tri và thánh vịnh”. Rồi Người mở trí cho các ông am hiểu Kinh Thánh. Người lại nói: “Có lời chép rằng: Ðấng Kitô sẽ phải chịu thương khó, và ngày thứ ba Người sẽ từ cõi chết sống lại. Rồi phải nhân danh Người rao giảng sự thống hối và sự ăn năn để lãnh ơn tha tội cho muôn dân, bắt đầu từ thành Giêrusalem. Còn các con, các con sẽ làm chứng nhân về những điều ấy”
Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Niềm vui nhận ra Chúa Giêsu Phục Sinh phải được loan truyền cho người khác giống như hai môn đệ trong bài Phúc Âm hôm nay, sau khi nhận ra Chúa đã tức tốc quay lại Giêrusalem và tường thuật việc Chúa Giêsu Phục Sinh.

Thân xác Chúa Phục Sinh có biến đổi và không lệ thuộc không gian hay sự hạn chế vật lý. Tuy nhiên thân xác Phục Sinh của Chúa không xa lạ hay khác thường, trái lại luôn là một thực thể gần gũi và quen thuộc với con người: như Chúa có tay chân và ăn uống trước mặt các tông đồ.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Sách Công Vụ Tông Đồ là gì?

Công vụ Tông Đồ (Acts of the Apostles): Công việc truyền đạo của các Tông Đồ. Trong tiếng La-tinh Công Vụ gọi là Acta, có nghĩa công việc đang tiến hành hay một ghi nhận những biến cố đang xảy ra (proceedings or record of happenings)

Công Vụ Tông Đồ là quyển sách ghi lại công việc truyền đạo của các Tông Đồ sau khi Chúa lên trời, khởi đầu từ Giêrusalem. Đây cũng là quyển sách mô tả đời sống Giáo Hội sơ khai: bị bách hại, nhưng người tin Chúa mỗi ngày thêm đông. Truyền thống cho rằng Luca, môn đệ của Thánh Phaolô là tác giả của Sách Công Vụ Tông Đồ được viết khảng năm 63 khi Thánh Phaolô bị cầm tù ở Rôma.

“Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông” Nếu có ăn uống tức phải có bài tiết! Vậy thân xác Phục Sinh của Chúa đâu có gì là biến đổi lạ lùng đâu?

Khi nói đến bài tiết tức chúng ta nói đến một thân xác tự nhiên của một con người hay một con vật có bộ phận tiêu hóa. Phúc Âm nói đến Chúa Giêsu Phục Sinh ăn uống hai lần: hôm nay, trong Phúc Âm Thánh Luca khi hiện ra cho các môn đệ vừa sau khi Chúa cho hai môn đệ về làng Êmau nhận ra Chúa. Lần thứ hai bên biển hồ Galilê khi các môn đệ đi đánh cá. Từ sáng sớm Chúa đã ở bờ biển nhóm bếp và nướng cá chuẩn bị ăn sáng cho họ trước khi trao quyền cho Phêrô.

Như vậy Chúa có ăn uống và Chúa phải lệ thuộc vấn đề bài tiết?

Chúng ta có thể khẳng định là KHÔNG vì:

Thân xác Chúa Phục Sinh hoàn toàn biến đổi, không bị hạn chế bởi không gian vật chất: Chúa hiện ra ngày thứ nhất trong tuần khi cửa nhà các mộ đệ đóng kín vì sợ người Do Thái. Chúa xuất hiện chỗ nầy rồi sang chỗ khác mà không cần phải đi đứng hay vận chuyển.

Khi Phúc Âm nói Chúa ăn uống trước mặt các tông đồ vì “Sao anh em lại hoảng hốt? Sao còn ngờ vực trong lòng? Nhìn chân tay Thầy coi! Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương có thịt như anh em thấy Thầy có đây?” – “Ở đây anh em có gì ăn không? Các Ông đưa cho người một khúc cá nướng. Người cầm lấy và ăn trước mặt các ông!” Nên việc Chúa ăn uống không vì nhu cầu bồi dưỡng thể xác nhưng vì muốn chứng minh Chúa sống lại thật, Chúa không là ma. Nên thân xác Phục Sinh của Chúa không cần ăn uống hay bồi dưỡng – Nên chắc chắn không cần một hệ thống tiêu hóa hay bài tiết.

Vậy việc ăn uống của Chúa Phục Sinh chỉ là một chứng minh là: “Ta đang sống thật đây!” Ngoài ra Chúa còn muốn cho các môn đệ thấy về một thân xác Phục Sinh: Thân xác nầy mang tính bất tử, việc ăn uống là việc phàm nhân hay chết, Chúa Phục Sinh sẽ được loan truyến cho nhân loại, những con người còn ăn uống và lệ thuộc vật chất, để họ nhận ra sự biến đổi sau khi sống lại. Chuyện ăn uống nhằm diễn tả một thực tại cao siêu bất tử hơn là nói lên một lệ thuộc vật chất như hệ thống tiêu hóa hay bài tiết.

Nên câu kết của bài Phúc Âm hôm nay là “Chính anh em là chứng nhân của những điều nầy!” các môn đệ và những người đã thấy Chúa Phục sinh phải làm chứng về Chúa Phục sinh ngay trong cuộc sống trần gian nầy, một cuộc sống lệ thuộc vật chất và một thân xác được nuôi bằng thức ăn và sinh hoạt bằng tiêu hóa. Tất cả sẽ được Phục Sinh và biến đổi như Chúa Phục Sinh – Việc ăn uống không có giá trị bồi dưỡng thể lý, chỉ còn là một chứng minh về sự sống đích thực của con người đã có niềm tin Phục sinh. Con người nhìn thấy Chúa Phục Sinh vẫn sinh hoạt ăn uống như mọi người, nhưng hướng về sự sống vĩnh cửu không bao giờ mai một.

III. Thực hành Phúc Âm:

KINH CHIỀU NGƯỜI LỮ HÀNH

Làm người không sao tránh được  – Những lúc thất vọng chán chường
Đường đi không đến! – Mộng đẹp tan thành khói mây.

Hãy dừng lại như hai môn đệ về E-mau
Nhìn người lữ khách đồng hành
Và lên tiếng mời: “Xin ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn.”
(Lc 24:29)

Trời buông màn phủ trần gian – Hoàng hôn tắt nắng mênh mang tâm hồn
Ai nào không khỏi bồn chồn – Ngày qua vùn vụt chất chồng lo âu?
Hướng lòng cầu nguyện thẳm sâu – Hân hoan tin tưởng dâng câu kinh chiều
Ung dung phó thác cam liều – Yên bình không để tiêu điều phận thân
Con xin Chúa rất từ nhân – Ngài thương gìn giữ đỡ nâng suốt đời!

Tôi cảm thấy gì khi đọc kinh chiều?

Thấy mình cô đơn – Thấy mình cần Chúa – Thấy Chúa thật gần – Thấy Chúa đồng hành – Thấy đời chóng qua – Thấy nhiều xót xa – Thấy mình bất lực – Toan tính thật nhiều – Chằng được bao nhiêu – Cuộc sống hẫm hiu – Dù có chắt chiu – Của cải cho nhiều – Còn lại bao nhiêu? Một nắm tro tàn.

Chúa là hạnh phúc của con – Là niềm hy vọng con mong tháng ngày
Hiển nhiên cuộc sống đời này – Chỉ là năm tháng lưu đày mà thôi
Con người sa đắm làm tôi – Bạc tiền quyền lực than ôi dục tình
Thế là ta đánh mất mình – Tương lai mù mịt bóng hình hư vô
Sóng đời cuồn cuộn nhấp nhô – Dập vùi thân phận về mô bây giờ
Về đây với Đấng con thờ – Đời con hoan lạc đợi chờ bao năm!

———-

2. Bài giảng dưới dạng Audio: Download File MP3

ooo
3. Bài giảng dưới dạng Văn Bản: Download File Word