Triều – Dòng | Từ Vựng Công Giáo | Lm Stêphanô Huỳnh Trụ

213

Bài viết của Cha Stêphanô Huỳnh Trụ có sự đóng góp ý kiến và sửa lỗi của anh Tâm Thành và bà Bernadette Pauline Ngọc Tuyết.
_______

1.

Đọc bài “Quan hệ Việt Nam – Vatican” của Trọng Hậu (Viết theo tài liệu của Ban Tôn giáo Chính phủ) đưa lên trang Web của UBND tỉnh Lào Cai ngày 28/01/2007, trong đó có đoạn viết: “Giáo hội Công giáo Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công giáo hoàn vũ, hiện có khoảng trên 5 triệu tín đồ với 2 hồng y, 43 giám mục, 2.476 linh mục triều, 513 linh mục dòng và hơn 8 nghìn nam nữ tu sĩ. Giáo hội Công giáo Việt Nam có 6 đại chủng viện và 1 cơ sở II Đại Chủng viện Thánh Giuse TP.HCM đào tạo linh mục với gần 1.500 chủng sinh đang theo học…”[1]. Có người hỏi tôi linh mục triều và linh mục dòng khác nhau như thế nào? Tại sao gọi là triều và tại sao gọi là dòng?

Trong bài này, chúng tôi thử tìm hiểu ý nghĩa của hai chữ triều và dòng trong tiếng Việt và ý nghĩa theo Công giáo.

2. Triều và dòng.

2.1. Triều[2]: cũng đọc là trào, chữ Hán có hai chữ này: 朝 (triều bộ nguyệt) và 潮 (triều bộ thuỷ). Trường hợp chúng ta muốn tìm hiểu là chữ triều 朝 (bộ nguyệt). Chữ này còn có thể đọc là triêu. Nếu đọc là triều hay trào, thì 朝 (bộ nguyệt) có nghĩa gốc là “buổi sáng sớm”. Hình 1 cho thấy kiểu chữ Giáp cốt giống như mặt trời mọc lên từ sau lùm cỏ và mặt trăng chưa lặn.

Hình 1: Chữ triều (buổi sáng sớm) dạng Giáp cốt.

Phần bên phải chữ thay đổi khá nhiều: Kiểu chữ Kim là hình chữ 水 thuỷ (nước), kiểu chữ Triện là chữ 舟 châu (thuyền), từ kiểu chữ Lệ về sau là chữ 月 nguyệt (Hình 2). Sau đó nghĩa mở rộng thành như triều kiến, triều đình, triều đại. Nếu đọc là triêu, thì 朝 (bộ nguyệt) có nghĩa là (1) sáng sớm: triêu lộ. (2) ngày: kim triêu (hôm nay).

Hình 2: Sự thay đổi của phần bên phải chữ triều qua các kiểu viết.

Trong tiếng Việt, Hán Việt Việt hoá thì 朝 (bộ nguyệt) đọc là triềutrào hoặc chầu. Nếu đọc là triều thì có những nghĩa này: (1) Gặp gỡ, hội ngộ (ngày xưa người ta gặp nhau gọi là triều; hậu bối gặp tiền bối; chư hầu, sứ giả hay quan gặp vua: thượng triều; (2) Hoàng cung hoặc nơi làm việc của vua và các quan lớn: quận triềuphủ triều; (3) Chính phủ trung ương do vua đứng đầu: triều đình; (4) Chính phủ và xã hội: triều dã; (5) Dòng họ tiếp nhau cầm quyền: Lê triều; (6) Thời kỳ thống trị của một ông vua: triều vua Khang Hy; (7) Qui hướng, nhìn về phía: toạ đông triều tây; (8) Viếng thánh địa, những tín đồ đi nơi xa để cúng bái: triều thánh; (9) Lễ tế; (10) Triệu tập; (11) Tên nước: Triều Tiên; (12) Họ Triều; (13) Cho biết phương hướng của động tác. Nếu đọc là trào, thì có nghĩa là giàn giụa: trào bọt mép. Nếu đọc là chầu, thì có nghĩa là: (1) Ra mắt vua; (2) Ngồi ghé bên người chơi bạc; (3) Giai đoạn cuộc chơi; (4) Trống đệm cho ả đào; (5) Vợ vua chúa; (6) Hát để giúp lên đồng. Hoặc có nghĩa riêng trong mấy cụm từ như: chầu chực (đợi vào cửa quan, hầu hạ); chầu trời (chết).

2.2. Dòng (là tiếng Nôm) có những nghĩa này: (dt.) (1) Khối chất lỏng đang chảy: dòng nước; (2) Chuỗi sự vật, hiện tượng đang chuyển động hoặc đang xảy ra nối tiếp nhau: dòng người; (3) Khoảng để viết hoặc xếp chữ kế tiếp nhau thành hàng: giấy có kẻ dòng; (4) Thuỷ triều ở mức thấp: nước dòng (ròng); (5) Toàn thể nói chung những người hoặc gia súc cùng huyết thống, làm thành những thế hệ kế tiếp nhau: nối dòng; (6) Tập hợp những người cùng huyết thống, kế tục đời này sang đời khác: dòng họ; (7) Trào lưu văn hoá, tư tưởng có sự kế thừa và phát triển liên tục: dòng văn học hiện thực; (8) Lâu: dòng dã; (9) Ordre religieux[3]: Tổ chức sống đời tận hiến được giáo quyền hợp pháp phê chuẩn[4]Dòng Tên. (đt.) (10) Buông cho sợi dây dài dẫn từ đầu này tới đầu kia, để nối với vật ở xa, để lôi, kéo: dòng dây xuống nước; (11) Kéo, dắt đi theo bằng sợi dây dài: dòng thuyền đi ven bờ sông.

3. Giáo sĩ triều và giáo sĩ dòng.

Trong Hội thánh Công giáo, giáo sĩ (Latinh: clericus, do Hl. kleros: phần di sản, gia sản; di sản của giáo sĩ chính là Thiên Chúa) là “những người được phong chức một cách đặc biệt để làm việc phục vụ thánh trong tư cách là phó tế, linh mục hay giám mục. Nếu hiểu như thế thì giáo sĩ chính là hàng phẩm trật của Hội Thánh”[5].

Giáo sĩ triều (Latinh: clerici saculares, Anh: secular clergy) là giáo sĩ không thuộc một dòng tu (tu hội dòng). Trong khi các giáo sĩ dòng (Latinh: clerici regulares, Anh: regular clergy) có ba lời khấn khiết tịnh, thanh bần, tuân phục và phải giữ luật dòng, thì các giáo sĩ triều không có các lời khấn, nhưng sống giữa đời (sӕculum). Các giáo sĩ triều vẫn phải giữ luật giáo sĩ, nghĩa là, đối với các linh mục thuộc lễ nghi Latinh, họ có bổn phận giữ đời sống độc thân và vâng phục giám mục của mình như bề trên trực tiếp dưới đức giáo tông.

Trong ngôn ngữ của các tôn giáo từ “thế tục” (Latinh: sӕculum, Anh: secular, “ở thế gian”) phản nghĩa với từ “tu hành” (Latinh: regulӕ, Anh: regular, “sống theo luật (dòng)” hoặc “ở nhà dòng”); tu sĩ là những người sống theo một quy luật (gọi là luật dòng), đặc biệt có một số tu sĩ được truyền chức thánh, làm thành giáo sĩ dòng (Latinh: clerici regulares, Anh: regular clergy, “giáo sĩ ở nhà dòng” hay “giáo sĩ theo luật”). Trong khi những giáo sĩ sống ngoài đời thì được gọi là giáo sĩ triều (Latinh: clerici saculares, Anh: secular clergy, “giáo sĩ ở thế gian” hay “giáo sĩ thế tục”). Trong các bản văn luật thường dùng chữ “uterque clerus” (both clergies) để nói chung về giáo sĩ triều và giáo sĩ dòng. Các linh mục triều thường không phải có nghề nghiệp hay phải theo một tu luật nào cả, các ngài có thể có sở hữu như người giáo dân, ngài phải vâng lời giám mục của mình theo Giáo Luật, vâng lời không phải vì đã từ bỏ ý riêng, mà là vì lời thề vâng phục mà ngài đã tuyên. Chỉ có việc thực hành đời sống độc thân theo chức thánh là giống với lời khấn khiết tịnh của các tu sĩ [6].

4. Seculares = triều?

Tại sao chúng ta dùng chữ “triều” để dịch chữ “seculares” ở đây? Theo chúng tôi, đây là trường hợp ảnh hưởng của ngôn ngữ trong văn hoá thời phong kiến ở nước ta. Thời xưa, có quan niệm cho rằng giám mục – vị chủ chăn của giáo phận – cũng giống như lãnh chúa của một vùng (Tây phương) hay ông vua của một nước (Đông phương). Các linh mục trong giáo phận thuộc quyền tài phán của giám mục được xem như những ông quan của triều đình, của nhà vua (là giám mục) vậy. Do đó, các ngài được gọi là linh mục triều.

Có thể kể ra đây một số từ ngữ nhà đạo chúng ta mang dấu ấn thời phong kiến như thế, chẳng hạn: Thánh lễ do giám mục long trọng cử hành gọi là lễ đại triều (Pontifical Mass). Vị giám mục tối cao (Pontifex maximus) gọi là ‘giáo hoàng’. Toàn bộ các văn phòng hành chánh và tư pháp giúp đức giáo tông điều hành các hoạt động của Hội Thánh gọi là giáo triều (curia). Chữ triều hay triều đại còn để chỉ thời kỳ cai quản Hội Thánh của vị ‘giáo hoàng’, vd. triều Đức Lêô XIII. Chữ băng hà cũng được dùng để chỉ cái chết của đức ‘giáo hoàng’. Chúng ta không nói “các đức giám mục gặp gỡ đức giáo hoàng” mà nói: “các đức giám mục triều kiến (hay yết kiến) đức giáo hoàng” (xưa còn dùng chữ chầu nữa). Chầu Thánh Thể. Vị nhân danh đức giáo tông để lãnh đạo “một phần dân Thiên Chúa mà vì hoàn cảnh đặc biệt chưa trở thành giáo phận” (phần này kể như một phủ hay quận) – vị này gọi là prefectus apostolicus (apostolic prefect) mà ta dịch là phủ doãn tông toà (“phủ doãn” là chức quan đứng đầu một phủ, nơi có đặt kinh đô). Còn nhớ có một bài thánh ca được hát trong lễ truyền chức linh mục có lời nhạc như sau:

“Bụi tro! Ôi thân con là bụi tro đâu đáng, mà Chúa cao siêu ngợp tầng trời, đã khắc tên con vào lòng Người, nên bạn tâm phúc từ đây, giữa hàng khanh tướng quyền uy…”.

Người ta đã quá quen với chữ linh mục triều, nên nếu hiểu chữ triều trong bối cảnh như thế và tiếp tục sử dụng thì cũng không có vấn đề. Đương nhiên, nên dùng từ linh mục giáo phận thì rõ nghĩa hơn.

______________________

[1] http://www.laocai.gov.vn/home/view.asp?id=101&ID_tin=15184.

[2] x. về nghĩa chữ triều ở trang 382.

[3] Eugène Gouin, DICTIONNAIRE VIETNAMIEN CHINOIS FRANCAIS, D’extreame Orient, Sài Gòn, 1957.

[4] John A. Hardon, POCKET CATHOLIC DICTIONARY, Image Book, New York, 1985: x. “Religious institute”.

[5] Sđd: x. “Clergy”. x. Văn phòng Tổng Thư ký HĐGMVNGIÁO HỘI CÔNG GIÁO VIỆT NAM – NIÊN GIÁM 2004, nxb. Tôn giáo, Hà Nội, tr.100.

[6] http://www.newadvent.org/cathen/13675a.htm.