Sơ lược lịch sử áo chùng, các linh mục tương lai của Pháp rất chuộng áo chùng

142

by Phanxico.vn

Theo một cuộc khảo sát của báo La Croix, 73% chủng sinh Pháp nói họ sẽ mặc áo chùng, 48% nói họ sẽ mặc thường xuyên. Việc mặc chùng đã được dân chủ hóa vào thế kỷ 17, không còn bắt buộc kể từ Công đồng Vatican II nhưng trong những năm gần đây, các linh mục đã bắt đầu mặc lại.

la-croix.com, Juliette Paquier, 2023-12-21

Một chủng sinh thuộc cộng đồng Saint-Martin đọc sách trong phòng nghỉ của chủng viện Évron trong bộ áo chùng tháng 4 năm 2019. Jean-Matthieu GAUTIER / CIRIC

Gần 3/4 chủng sinh Pháp dự định mặc áo chùng. Đây là một trong các chi tiết của cuộc phỏng vấn của báo La Croix với tựa đề: “Linh mục ngày mai là ai?”, 73% trong số 434 người được hỏi cho biết họ sẽ mặc áo chùng, trong đó có 48% cho biết họ sẽ mặc thường xuyên.

Áo chùng (sottana, tiếng Ý) là áo mặc dưới lễ phục phụng vụ của các chủ tế. Theo định nghĩa của Hội đồng Giám mục Pháp, đó là “bộ áo dài, có cài cúc phía trước của các giáo sĩ” có màu sắc “tùy thuộc vào chức vị của giáo sĩ, màu đen dành cho linh mục, màu tím dành cho giám mục, màu đỏ dành cho hồng y, màu trắng dành cho giáo hoàng”.  Ban đầu áo chùng có mục đích phân biệt giáo sĩ với giáo dân, việc mặc áo chùng đã được cải cách theo các công đồng.

Phẩm phục “trang trọng”

Việc mặc áo chùng trở nên phổ biến sau Công đồng Trent (1542-1545), trong đó Công đồng đề cập đến việc các giáo sĩ phải mặc “phẩm phục phù hợp”. Ở một số giáo phận Pháp, trong một thời gian giáo sĩ bắt buộc phải mặc áo chùng, trước khi bị cấm một thời gian ngắn trong cuộc Cách mạng Pháp năm 1792. Sau đó, trong hiệp định năm 1801, áo chùng được cho phép mặc lại ở những nơi thờ phượng.

Năm 2022, nhà sử học Alain Rauwel giải thích: “Chỉ đến thế kỷ 19, áo chùng mới thành phẩm phục được các giáo sĩ mặc cả ngày, kể cả khi ra đường, chứ không còn trong bối cảnh các nghi lễ”, ông Rauwel là thành viên của Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội Tôn giáo của báo Le Monde.

Bài đọc thêm: Tôi lôi chiếc áo chùng ra khỏi tủ!

Từ Công đồng Vatican II, áo chùng trở thành tùy chọn. Tháng 6 năm 1962, tổng giám mục Maurice Feltin, giáo phận Paris cho phép các linh mục trong giáo phận của ngài mặc phẩm phục gọi là “giáo sĩ”, theo thuật ngữ anh giáo, gồm áo sơ mi và quần dài, màu xám hoặc đen và cổ cồn la-mã. Các giám mục khác cũng làm theo trong cùng năm.

Sự quay trở lại của chiếc áo chùng

Theo tài liệu khảo sát của báo La Croix đăng ngày thứ năm 21 tháng 12 thì trong những năm gần đây, áo chùng đã trở lại, đặc biệt nơi các chủng sinh. Tuy nhiên, không có quy định cụ thể nào về việc mặc áo chùng ở chủng viện, một chủ đề thường xuyên được tranh luận ở Pháp.

Đầu tháng 6 năm 2022, tổng giám mục Guy de Kerimel, giáo phận Toulouse đã cấm tất cả các chủng sinh trong giáo phận mặc áo chùng, trong một thư gởi các chủng sinh, ngài nêu rõ: “Không được phép mặc áo chùng ở chủng viện, đó là luật hiện hành. Vì thế tôi yêu cầu luật này được áp dụng bên ngoài chủng viện trong giáo phận Toulouse, kể cả với các phó tế.”

Theo điều 284 của bộ giáo luật, các giáo sĩ phải mặc “phẩm phục giáo hội thích hợp theo các quy tắc do Hội đồng Giám mục thiết lập và các phong tục hợp pháp của các nơi”. Trong ấn bản năm 2013, Hướng dẫn về Thừa tác vụ và Đời sống linh mục của bộ Giáo sĩ ban hành, áo chùng “được chỉ rõ một cách đặc biệt vì áo chùng là để phân biệt linh mục với giáo dân và làm nên đặc tính thiêng liêng của thừa tác vụ của họ”. Tài liệu cũng nêu rõ: “Việc mặc áo giáo sĩ là biện pháp để bảo vệ đức khó nghèo và khiết tịnh”. Tuy nhiên, hai văn bản này áp dụng cho “giáo sĩ” và “linh mục”, còn các chủng sinh đang đào tạo là giáo dân cho đến khi họ lên chức phó tế.

Bài đọc thêm: Phỏng vấn độc quyền: linh mục ngày mai là ai?

Tuy nhiên, cộng đồng Thánh Máctinô, chủng viện có nhiều chủng sinh nhất ở Pháp, khuyến khích việc mặc áo chùng ngay khi mới được đào tạo, họ lập luận như thế sẽ giúp cho các linh mục tương lai được nhận diện rõ. Cộng đồng viết trên trang web của họ: “Ai có thể nhận ra giáo hoàng nếu ngài không mặc áo chùng trắng? Ngay cả trong số những người đã rời xa Giáo hội, chiếc áo chùng vẫn ở trong tâm trí họ và họ tiếp tục xem đây là “linh mục”! Cộng đồng Thánh Máctinô giải thích: “Trong một xã hội ngày càng thế tục hóa, chiếc áo chùng đóng vai trò là dấu hiệu cho thấy có một thực tế khác tồn tại. Phẩm phục khác thường làm mọi người đặt câu hỏi và từ đó họ tiếp xúc.”

Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch