Sơ Gloria kể câu chuyện Sơ bị bắt cóc và Aleteia đã ở đó để ôm Sơ

577
DANIEL MUNOZ / AFP

Lucía Chamat
27/11/21 – updated on 11/26/21

Câu chuyện của Sơ là một câu chuyện can đảm và cảm động, phát xuất từ tâm hồn truyền giáo của Sơ. Đó là bằng chứng đích thực về niềm tin của một người đã hiến dâng cuộc đời phụng sự Thiên Chúa; một câu chuyện về sự đau khổ, tha thứ và hy vọng. “Tôi luôn nhìn thấy bàn tay của Chúa và của Đức Trinh Nữ Maria,” Sơ nói với Aleteia.

Sơ Gloria Cecilia Narvaez Argoty, một nữ tu người Colombia, đã kể câu chuyện Sơ bị bắt cóc và được tự do, và Aleteia đã có mặt để lắng nghe câu chuyện đau buồn của Sơ. Sơ rất xúc động, giọng nói liên tục đứt quãng, đôi mắt ngấn lệ. Đó là hệ quả tất yếu của 4 năm, 8 tháng và 2 ngày bị những kẻ khủng bố bắt cóc trên sa mạc Châu Phi, luôn có nguy cơ mất mạng sống.

Sơ đã phải trải qua những trận đòn, bị đói, bị khát, đe dọa, xiềng xích, chế nhạo, lăng mạ, khạc nhổ và trừng phạt dưới cái nắng nóng bỏng của sa mạc. Sơ bị hành hạ nghiêm trọng về thể chất và tâm lý. Họ đã làm tổn thương thân xác của Sơ, nhưng họ không thể phá hủy ơn gọi truyền giáo của Sơ, cũng như không cắt đứt được tình yêu của Sơ đối với Thánh Thể và việc tôn thờ Thánh Thể, vốn là đặc sủng cộng đoàn của Sơ, Dòng các Nữ tu Phanxicô Đức Mẹ Vô Nhiễm.

“Họ muốn giết tôi bằng cách này hay cách khác. Họ cứ lặp đi lặp lại rằng họ muốn có xác chết và họ bắt tôi phải đau đớn để xem tôi có thể chịu đựng được đến mức nào. Tôi nói ‘Tôi sẽ chiến đấu, nhưng nếu ý định của Chúa muốn tôi chết, thì xin cho ý Người được thực hiện.’”

Nước da của Sơ đã lấy lại được màu sắc tự nhiên của nó; Sơ nói chuyện từ tốn và thái độ của Sơ rất bình tĩnh và thận trọng. Trong khi Sơ chia sẻ những chi tiết chưa được biết trước đây về vụ bắt cóc của mình, Sơ Gloria Cecilia vẫn ngồi — hơi khom người, điều này được giải thích, có lẽ do trong một thời gian dài Sơ phải ẩn nấp theo lệnh của những kẻ bắt giữ mình, trốn khỏi những người đang tìm kiếm Sơ, hoặc các nhóm đối thủ.

Sơ Gloria Cecilia tại cuộc họp báo ngày 19 tháng Mười Một

“Con chó của nhà thờ”

Những người Hồi giáo bắt cóc Sơ ở Mali và giữ Sơ làm con tin trong gần 5 năm đã gọi Sơ là “con chó của nhà thờ”, cách nói xúc phạm nhất mà họ quen dùng để hạ nhục người Công giáo. “Họ luôn nói với tôi, ‘Đó là tôn giáo của mày”. Trong văn hóa đó, phụ nữ là người vô giá trị, và do tôi là người Công giáo thì điều đó còn tệ hơn; họ không mảy may tôn trọng tôi.”

Sơ Gloria Cecilia đã hứng chịu những lời lăng mạ và lạm dụng trong im lặng, vì phương châm của Sơ là “Hãy im lặng, im lặng và im lặng, vì Chúa bảo vệ chúng ta”, một câu nói được lặp đi lặp lại bởi Chân phước Maria Caridad Brader, người sáng lập Dòng của Sơ. Sơ Gloria luôn đeo huy hiệu của đấng sáng lập quanh cổ và một thẻ cầu nguyện trong túi.

Chắc chắn là niềm tin đã cho Sơ sức mạnh để chịu đựng và giữ im lặng, thanh thản và bình an dù phải đối mặt với nguy hiểm và cái chết mỗi ngày. “Tôi luôn nhìn thấy bàn tay của Chúa và của Đức Maria Đồng Trinh,” Sơ nói với Aleteia.

Sơ không ngừng thực thi sự hiệp thông thiêng liêng, và viết những lời cầu nguyện và thư cho Chúa bằng những mẩu than củi hoặc trên cát của những cồn cát. “Trong những lá thư đó, tôi cảm tạ Chúa vì còn sống, và thưa với Người rằng chắc chắn Người đã cho phép tôi trải qua thử thách đó để trở nên kiên nhẫn hơn, khiêm nhường hơn và chuyên tâm hơn cho sứ mệnh.”

Sơ cũng đọc kinh Ngợi khen (Magnificat), cầu nguyện để được bảo vệ khỏi những cơn bão sa mạc và những tiếng súng thường xuyên vây quanh Sơ. Sơ tự an ủi mình bằng cách nhớ lại các bài hát của các nữ tu và liên tục lặp lại các thánh vịnh.

Để làm sống lại trong lòng Thánh Lễ, các bí tích, những việc sùng mộ, Sơ cũng chuyên tâm tìm nhận biết Thiên Chúa trong thiên nhiên. “Khi tôi chiêm ngưỡng mặt trời rực rỡ, bầu trời, các ngôi sao băng, mặt trăng và các loài động vật, tôi cùng suy nghĩ như Thánh Phanxicô Assisi rằng thiên nhiên là chị của chúng ta và Thiên Chúa hiện diện ở đó”.

Đồi Canvê trong sa mạc

Sơ Gloria Cecilia đã kể lại một cách chi tiết và xúc động về việc Sơ bị bắt, khi đang xem tivi với hai nữ tu người Colombia (Sơ Sofia Cortes và Sơ Clara Vega) và Sơ Adelaide, quốc tịch Pháp. Nỗi đau đớn khi nhớ lại thời khắc đó thật mãnh liệt: “Đêm đó tôi nghe tiếng chó sủa, tôi nhìn ra ngoài mấy lần nhưng không thấy gì. Ngay sau đó, mấy người đàn ông có vũ trang xông vào, và khi tôi hiểu ý định của họ muốn bắt một trong những Sơ trẻ nhất, tôi đã tự dâng mình vì tôi là người lớn tuổi nhất và là trưởng nhóm”.

Kể từ đó, hành trình đồi Canvê thật sự bắt đầu. Bị xích và đeo một thứ gì đó quanh cổ trông giống như một quả bom, Sơ di chuyển trên một chiếc mô tô trong bốn ngày. Có lúc đi bằng ca nô và những lần khác thì đi trên những chiếc xe bán tải bốn cửa, Sơ trải qua suốt những ngày đó tránh các mối nguy hiểm và chống chọi với những cơn bão cát nguy hiểm. Khi quan sát xung quanh, Sơ nhận ra rằng mình đang bị đưa vào sa mạc, và hy vọng được thả đã tiêu tan dần; sau đó Sơ biết được rằng mình đang nằm trong tay của những kẻ ủng hộ Al-Qaeda.

Trong nhóm của Sơ có ba phụ nữ khác bị bắt cóc: Sophie Petronin, một phụ nữ Pháp được Sơ chăm sóc cho đến khi được trả tự do; một phụ nữ Thụy Sĩ; và một cô gái người Canada. Sơ cũng bị giam giữ cùng với linh mục người Ý Pier Luigi Maccalli. Những năm đầu tiên họ chỉ được cung cấp 5 lít nước mỗi ngày để uống, chuẩn bị thức ăn và vệ sinh bản thân.

Năm cuối cùng

Thời gian khó khăn nhất đối với nữ tu người Colombia là sau năm thứ tư, khi Sơ trở thành người duy nhất còn bị giam giữ. Sophie và linh mục người Ý đã được trả tự do, cô gái người Canada cải đạo sang Hồi giáo và có cơ hội trốn thoát, và không rõ điều gì đã xảy ra với nữ tu Thụy Sĩ, nhưng có thể chị đã bị sát hại. Trong năm cuối cùng đó, Sơ Gloria Cecilia không được cung cấp thức ăn hoặc nước uống, vì vậy Sơ đã phải làm sạch mình bằng nước tiểu như một trong nhiều phương pháp để sống sót.

Sơ đã một đôi lần tìm cách thoát thân nhưng luôn bị phát hiện, và sự hành hạ còn tệ hại hơn sau đó. “Khi một thủ lĩnh của nhóm đến và tóm lấy tôi từ phía sau. Hắn ta quăng tôi xuống, lôi tôi lên và ném tôi xuống nhiều lần. Tôi nghĩ rằng có lẽ đó chưa phải là thời điểm cho sự tự do của mình”.

Mặc dù vậy, Sơ luôn tôn trọng văn hóa và tôn giáo của những kẻ khủng bố và không bao giờ cảm thấy oán hận họ. Ngược lại, Sơ cầu nguyện cho họ. “Ở Mali, 98% là người Hồi giáo và tôi đã học được cách sống giữa những khác biệt. Bên cạnh đó, Allah và Đức Giêsu Kitô là cùng một Đức Chúa, là Đấng sáng tạo ra vũ trụ, đầy lòng nhân từ và yêu thương”.

Tự do

Hành trình đến với tự do của Sơ kéo dài nhiều ngày, cho đến ngày 9 tháng Mười vừa qua khi Sơ đến gặp tổng thống Mali và gặp Hồng y của đất nước đó. Từ đó, Sơ đến Vatican và đến trụ sở cộng đoàn của Sơ ở Roma, Sơ lưu lại đó trong vài tuần. Từ đó, Sơ đến Colombia vào ngày 16 tháng Mười Một.

Sơ Gloria Cecilia đang thích nghi từng bước với thực tại sau khi được thả. Sơ nói lúc còn bị bắt giữ Sơ luôn có sức khỏe tốt, và đó là một ơn phúc của Chúa. Sơ chỉ nghe thấy một đề cập thoáng qua về coronavirus khi một thủ lĩnh nói rằng có một căn bệnh nguy hiểm trên thế giới đang giết chết nhiều người.

Về cái chết của mẹ là bà Rosa Argoty de Narvaez vào tháng Chín năm 2020, Sơ Gloria Cecilia đã thoáng nghi ngờ về điều đó khi Sơ nhận được một lá thư có chữ ký của các anh chị em chứ không phải của mẹ Sơ, nhưng Sơ chỉ biết chắc chắn khi được thả.

Sơ sẽ tiếp tục là một nhà truyền giáo

“Chúa đã thực hiện một phép lạ lớn lao trong tôi và cho tôi cơ hội để tiếp tục với ơn gọi của mình, bởi vì bạn đã mang trong mình sứ mệnh đó, đó là sự hiến dâng vô điều kiện,” Sơ nói với niềm xác tín tuyệt đối.

Bạn có thể cảm nhận được niềm khao khát được trở lại phục vụ người nghèo của Sơ, chẳng hạn như 50 trẻ em mồ côi, độ tuổi từ sơ sinh đến hai tuổi, ở tại ngôi nhà mà cộng đoàn của Sơ quản lý gần thị trấn Karangaso. Ở đó, các Sơ cũng dạy phụ nữ đọc và viết, dạy họ may vá, cung cấp tín dụng vi mô, tích trữ ngũ cốc và cung cấp các dịch vụ y tế.

Hiện tại, Sơ sẽ đi đến Pasto (thuộc miền tây nam Colombia), nơi đặt trụ sở chính của tỉnh dòng của Sơ. Sơ sẽ gặp gỡ gia đình và bạn bè, nghỉ ngơi và tận hưởng các hoạt động mà họ đã chuẩn bị cho Sơ. Sơ không biết Chúa còn kế hoạch gì cho Sơ tiếp theo.

Điều Sơ chắc chắn là Sơ có thể làm chứng bằng cuộc sống của mình, mà không cần làm những việc lớn lao, và Sơ khẳng định điều này bằng lời nhắn của một linh mục sống ở Châu Phi gửi đến: “Thưa Sơ, Sơ đã giúp chúng ta hiệp nhất nhiều hơn trong đức tin. Đức tin Công giáo ở Mali đã phát triển”.

Sơ Gloria Cecilia là như vậy: khiêm nhường, tận tụy, một gương mẫu của đức tin và sự vâng phục, cảm tạ Chúa và tất cả những ai đã cầu nguyện cho Sơ. Giờ đây, khi đã được tự do, Sơ trở lại với miền đất và cộng đoàn của mình để tiếp tục làm chứng và phục vụ những người thiếu thốn nhất.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 29/11/2021]