Lý do thật đẹp của việc Đức Thánh Cha yêu cầu có một buổi gặp gỡ với 500 người nghèo

503

Tri Khoan chuyển ngữ

https://lh3.googleusercontent.com/ediEJhSZmkUwBWlvoVUj6kTG8LK61QPI2nOElcihh4Xziqo7vQRXGlbX16ogbgGX-Y9htvbfmbkVygCy2YSBhX6O1tMfDlH9HsgTwoRMVak1TZSUu-Mp6qJ5zODTyoYuIqg1Dnu4=w640-h360
© DR

I.Media for Aleteia | 12/11/21

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng người nghèo là những con số, những con số thống kê, và thực tế không phải vậy. Người nghèo là những con người có một cuộc đời, một câu chuyện, một kinh nghiệm … (Phỏng vấn)

Đức Tổng Giám mục Rino Fisichella, chủ tịch Hội đồng Tòa thánh về Tân Phúc âm hóa, lo lắng rằng chúng ta đang sống trong một văn hóa thường dẫn đến việc khinh miệt người nghèo, khiến họ phải chịu trách nhiệm và cảm thấy có tội về sự nghèo khổ của họ. “Điều này là sai,” ngài nói khi trao đổi với chúng tôi về chuyến hành hương của Đức Thánh Cha Phanxicô với những người nghèo đến Assisi.

Thánh bộ của Đức Tổng giám mục bảo trợ cho sự kiện này. Đức Cha cho chúng ta biết về tầm quan trọng của nó, trong việc Đức Thánh Cha Phanxicô có cơ hội để lắng nghe, cầu nguyện và ở bên người nghèo.

Đức Cha mong đợi điều gì từ cuộc gặp gỡ này?

TGM Fisichella: Đối với Đức Thánh Cha Phanxicô, cuộc gặp gỡ tại Assisi được coi là một thời khắc tuyệt vời để lắng nghe người nghèo. Đây là lý do sâu xa nhất để đưa ngài một lần nữa đến vùng đất của Thánh Phanxicô Assisi: để lắng nghe kinh nghiệm mà người nghèo sẽ mang đến cho ngài. Sẽ có những câu chuyện về cuộc sống hàng ngày, những kinh nghiệm đau khổ, và cả kinh nghiệm hy vọng, và Đức Giáo hoàng sẽ lắng nghe. Tôi tin rằng đây là yếu tố đầu tiên và cũng là mong muốn hàng đầu của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Chúng ta thường có suy nghĩ rằng người nghèo là những con số, những con số thống kê và thực tế không phải vậy. Người nghèo là những con người có một cuộc đời, một câu chuyện, một kinh nghiệm. Lắng nghe họ là một sự kích thích, một động lực để cố gắng đưa ra những câu trả lời cụ thể, đặc biệt là hướng về tương lai.

Trong các chuyến đi khác của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Assisi, ngài thường gặp gỡ người nghèo. Có điều gì đặc biệt trong cuộc gặp gỡ sắp tới này?

TGM Fisichella: Tôi nghĩ rằng sẽ không có điều gì đặc biệt để xuất hiện trên các tiêu đề báo chí. Người nghèo không xuất hiện trên tiêu đề báo chí. Nhưng nếu người nghèo gặp được Giáo hoàng, thì bất chợt nó trở thành bản tin, có thể khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Đức Giáo hoàng sẽ chỉ gặp một nhóm nhỏ người nghèo, do các biện pháp chống Covid-19 vẫn buộc chúng ta phải tôn trọng khoảng cách và do đó chỉ chiếm một phần ba sức chứa của nhà thờ Santa Maria degli Angeli, mặc dù nó rất lớn. Chỉ có 500 người nghèo, nhưng họ sẽ là biểu tượng, họ sẽ là đại diện cho hàng triệu người nghèo không có tiếng nói, không thể làm cho tiếng kêu hy vọng của họ được nghe thấy. Một số người trong họ sẽ trở thành tiếng nói của tất cả, và đó là điều quan trọng.

Một điều quan trọng nữa là họ sẽ cùng nhau cầu nguyện. Sau khi đã lắng nghe người nghèo, Đức Giáo Hoàng sẽ cầu nguyện với họ, vì đó là cách sống của chúng ta: lắng nghe và cầu nguyện, sau đó sẽ trở thành sự giúp đỡ và đoàn kết cụ thể.

Tại sao Đức Cha chọn tổ chức cuộc họp mặt này ở Assisi?

TGM Fisichella: Năm nay là kỷ niệm năm năm Ngày Thế giới Người nghèo, vì vậy đây là một thời điểm trong đời sống của Giáo hội đang bắt đầu trở thành, chúng ta có thể nói, một truyền thống. Đến Assisi có nghĩa là thực hiện một cuộc hành hương, một cuộc hành hương mà tất cả những người nghèo sẽ thực hiện, cùng với Đức Thánh Cha Phanxicô. Sẽ có những người nghèo từ Pháp, Tây Ban Nha, Ba Lan và Bỉ, được đồng hành bởi Hiệp hội Fratello. Cũng sẽ có những người nghèo đến từ tất cả các giáo phận của Umbria và từ giáo phận của Đức Giáo hoàng, từ Roma, để chia sẻ cùng một kinh nghiệm về tình liên đới và đức tin.

Assisi do đó đã trở thành điểm quan trọng nhất để tổ chức và ghi nhớ một ngày kỷ niệm như năm năm đầu tiên. Assisi một lần nữa trở thành một thành phố đặc biệt, vì Assisi là một thành phố đặc biệt. Đó là thành phố của thánh Phanxicô, là cha của những người nghèo, người đã chia sẻ toàn bộ cuộc đời với người nghèo. Và đặc biệt là tại Porziuncola, nơi Đức Giáo hoàng sẽ đến vào ngày mai.

Tại Porziuncola, Thánh Phanxicô không chỉ quy tụ anh em của ngài, mà cả những người nghèo cũng đến thăm ngài và sống với ngài. Đó là nơi con người có thể bắt đầu xây dựng lại. Đối với Thánh Phanxicô, Porziuncola là sự hiện thực hóa cho hình ảnh, cho giấc mơ mà ngài đã nhận được từ Thiên Chúa, yêu cầu ngài xây dựng lại Đền thờ của Người; chỉ có điều, Chúa không yêu cầu ngài xây dựng một nhà thờ bằng gạch, mà là một nhà thờ bằng những viên đá sống động.

Do đó, đến Porziuncola không chỉ là một cuộc gặp gỡ mà còn là một thách đố luôn bắt đầu từ người nghèo để canh tân bộ mặt của Giáo hội trong thế giới ngày nay.

Tại sao cuộc gặp gỡ này diễn ra vào thứ Sáu mà không phải là ngày 14 tháng Mười Một, ngày thực tế của Ngày Thế giới Người nghèo?

TGM Fisichella: Ngày Thế giới Người nghèo luôn được cử hành vào Chúa nhật và Đức Thánh Cha, với cương vị là Giám mục của Roma, rất muốn cử hành ngày này trong giáo phận của ngài. Nhưng trong những năm gần đây đã có các ngày Thứ Sáu của Lòng Thương Xót, và cử chỉ của ngày mai có thể được coi là Thứ Sáu của Lòng Thương Xót cùng với những cử chỉ mà Đức Thánh Cha đã lãnh đạo trong những năm gần đây.

8 năm trong triều đại giáo hoàng của ngài, Đức Cha có nghĩ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã thành công trong việc đưa Giáo hội đến các vùng ngoại vi?

TGM Fisichella: Tôi nghĩ rằng Giáo hội đã và đang sống với người nghèo. Những biến cố trong 2.000 năm lịch sử của chúng ta chắc chắn có những lúc thăng trầm, nhưng Giáo hội không bao giờ quên người nghèo. Giáo hội luôn sống một kinh nghiệm sống đặc biệt với những hình thức nghèo khó khác nhau. Đó là lịch sử của Giáo Hội, và đó là lịch sử của không biết bao vị thánh, ở những nơi khác nhau trên thế giới, vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, các ngài cảm thấy phải hiến dâng cuộc đời cho người nghèo. Từ đó chúng ta có được Thánh Camille de Lellis, Thánh John Baptiste de La Salle, Mẹ Teresa, v.v. Từ đó chúng ta có không biết bao nhiêu người nam và nữ ở mọi thời đại cảm thấy cần phải dâng hiến cuộc đời của họ cho những người nghèo nhất.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã chọn người nghèo là một điểm biểu tượng cho triều đại giáo hoàng của ngài. Trước hết với tước hiệu của ngài, ngài muốn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của sự hiện diện này trong đời sống của Giáo hội, đặc biệt là vì chúng ta đang sống trong một văn hóa thường dẫn đến việc khinh miệt người nghèo, khiến họ phải chịu trách nhiệm và cảm thấy tội lỗi về sự nghèo khổ của họ. Điều này là sai, nó không công bằng đối với họ, và đó là lý do tại sao tôi tin rằng lời kêu gọi mạnh mẽ của Đức Thánh Cha hướng về các vùng ngoại vi cũng bắt đầu từ nhận thức rằng chúng ta phải là trung tâm.

Các vùng ngoại vi được xác định bởi thực tế là có một trung tâm. Trung tâm là trái tim, trái tim của sự sống, của Giáo hội đang hoạt động, chính Chúa Giêsu đã đồng hóa Ngài với những người nghèo. Đó là lý do tại sao chúng ta được mời gọi, bắt đầu từ sự nghèo khó ban đầu mà Con Thiên Chúa đã trải qua trong cuộc đời của Ngài, đi đến các vùng ngoại vi và từ đó cất lên tiếng kêu cho công lý, tiếng kêu cho tình liên đới xuất phát từ hàng triệu người.

[Nguồn: aleteia]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 14/11/2021]