PHỎNG VẤN RIÊNG: Đức TGM Ulloa của Panama City nói về chuyến viếng thăm của ĐTC Phanxicô trong Ngày Giới Trẻ Thế Giới XXXIV

955
Vatican Media Photo

Trao đổi với ZENIT về Ngày Giới trẻ Thế giới, nói rằng ‘Thiên Chúa giúp cho những công cuộc vĩ đại được thực hiện qua sự nhỏ bé của con cái của Người’

23 tháng Một, 2019 12:39

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

Hôm nay, lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đến Panama, nhân dịp Ngày Giới trẻ Thế giới lần thứ XXXIV được tổ chức ở quốc gia Trung Mỹ này, từ ngày 22 đến 27 tháng Một năm 2019, như đã được thông báo bởi chính Đức Thánh Cha ngày 31 tháng Bảy năm 2016 ở Krakow, Ba Lan, nơi tổ chức Ngày Giới trẻ Thế giới lần vừa qua. Đức Thánh Cha sẽ tham dự nhiều sự kiện của WYD, và cũng sẽ đến thăm một trại quản thúc trẻ vị thành niên để giải tội và thăm những người bị bệnh AIDS.

Trong cuộc phỏng vấn về nhiều chủ đề, Đức Tổng Giám mục người Panama trình bày về những điểm khác biệt của WYD lần này trong đất nước của ngài, và đây sẽ là ‘Ngày Mẹ Maria đầu tiên, hình ảnh của Đức Đồng Trinh trong một lục địa nơi đức tin đến nhờ bàn tay của Mẹ Maria Đồng Trinh.” Ngài cũng nói đến những thách đố, cuộc gặp gỡ toàn cầu cho người thổ dân, trước WYD, và tình hình của người trẻ trong đất nước của ngài và khu vực. Zenit sẽ mang đến cho độc giả nhiều thông tin tại chỗ của WYD.

Dưới đây là cuộc phỏng vấn dành riêng với Đức Tổng giám mục của Panama City, Jose Domingo Ulloa Mendieta:

***

ZENIT: Với lịch sử 34 năm, Ngày Giới trẻ Thế giới đã được tổ chức tại nhiều nơi khác nhau trên thế giới. Đặc điểm riêng của WYD Panama lần này là gì? Điều gì làm Panama khác biệt?

TGM Ulloa: Ngày Giới trẻ Thế giới lần này có đặc thù riêng và đặc biệt. Trước hết, vì tất cả các giám mục của vùng Trung Mỹ đều ủng hộ ứng viên, có nghĩa là lần đầu tiên WYD được tổ chức tại hai quốc gia — Panama và Costa Rica. Lúc đó có khả năng rằng Nicaragua cũng sẽ tham gia, nhưng do tình hình trong nước nên không thể.

Ngoài ra nó là Ngày cho những vùng ngoại vi, như Đức Thánh Cha Phanxico mong muốn, để trao tặng cơ hội cho nhiều người trẻ không thể tham dự vì cảnh nghèo và sự loại trừ mà họ phải gánh chịu.

Nó cũng là ngày Mẹ Maria đầu tiên, hình ảnh của Đức Đồng Trinh trong một lục địa nơi đức tin đến nhờ bàn tay của Mẹ Maria Đồng Trinh.

Nó cũng là một dấu ấn lịch sử vì một cuộc họp mặt toàn cầu của những người thổ dân được tổ chức trước WYD, cùng với Diễn đàn WYD cho những người hậu duệ của Châu Phi. Họ đại diện cho những khu vực sống và chịu sự loại trừ và phân biệt đối xứ, nhưng là những người có các đề xuất cụ thể để giải quyết những vấn đề của họ.

Ngoài ra, 12 lớp đào tạo giáo lý được tổ chức theo huấn quyền của Đức Thánh Cha Phanxico, về hình ảnh của Mẹ Maria là một cô gái trẻ đã nói lời xin vâng theo chương trình của Thiên Chúa, bất chấp những rủi ro có thể có; và về môi sinh, theo quan điểm của Laudato Si’.

Đó là ngày các cộng đồng đức tin khác nhau kết hiệp để hỗ trợ và chào đón những người hành hương theo tinh thần cộng đồng và rất trọn vẹn.

Và đó là một ngày được chính các bạn trẻ tổ chức và điều hành, trong đó họ là những vai diễn chính, nó giúp họ củng cố được vai trò lãnh đạo và tính chuyên nghiệp của mình.

Tất cả đây là một ơn phúc lớn cho Giáo hội.

ZENIT: Panama là một quốc gia nhỏ, Và WYD là một sự kiện tập hợp đông người nhất trong lịch sử của đất nước. Những thách đố khó khăn và phức tạp nhất cho việc tổ chức là gì?

TGM Ulloa: Panama thật sự là một quốc gia nhỏ bé. Tuy nhiên, trong suốt chiều dài lịch sử Thiên Chúa đã giúp đất nước đạt được những mục tiêu không tưởng được: đó là sự khôi phục lại Kênh Panama, trước đây nó nằm trong tay của một thế lực lớn của thế giới, đạt được những kỳ tích lớn trong thể thao, chẳng hạn đến được với Cúp bóng đá thế giới.

Thiên Chúa vượt ra ngoài luận lý con người; Ngài giúp cho những công cuộc vĩ đại được thực hiện qua sự nhỏ bé của con cái Ngài. Đức Thánh Cha Phanxico, vị Đại diện của Đức Ki-tô, mong muốn rằng Ngày này phải vượt ra các vùng ngoại vi — và đây là một ví dụ. Sau WYD ở Panama, không quốc gia nào có thể nói rằng họ không thể thực hiện một sự kiện giống như vậy. Chúng ta hãy nhớ rằng Chúa không chọn người có khả năng nhưng làm cho những người Ngài chọn có khả năng thực hiện một sứ mạng. Tất cả chúng ta đều có được sức mạnh từ Thiên Chúa, và nó khơi gợi cho chúng ta thực hiện được những dự án lớn.

Có lẽ một trong những thách đố lớn nhất đã và đang gặp phải là khía cạnh hậu cần, vì đây là một sự kiện chưa từng có trong một vùng thuộc Trung Mỹ. Chỉ nghĩ và tổ chức đón dòng người hơn 150.000 trong cùng một ngày không hề dễ dàng một chút nào. Tuy nhiên, người dân Panama đón nhận dự án này cũng như toàn bộ vùng Trung Mỹ. Một ví dụ cho thấy đó là sự thiết lập một thỏa thuận di trú để các người hành hương có thể vượt qua biên giới an ninh nhanh chóng hơn, và thông qua lòng quảng đại của hàng trăm gia đình, họ đã mở cửa nhà chào đón những người hành hương.

ZENIT: Theo ước tính, những con số của WYD Panama là bao nhiêu? Có bao nhiêu người và đến từ bao nhiêu quốc gia?

TGM Ulloa: Chúng tôi hy vọng rằng có từ 150.000 đến 200.000 người hành hương đã đăng ký sẽ tham dự WYD Panama đến từ 150 quốc gia trên khắp thế giới, đại diện cho năm châu lục. Thêm vào con số này là 25.000 thiện nguyện viên.

ZENIT: Đức cha có thể mô tả vắn tắt tình hình của Giáo hội ở Panama, và giới trẻ ở đó?

TGM Ulloa: Giáo hội Panama là một Giáo hội trẻ, chỉ 506 tuổi. Nó là giáo phận đầu tiên ở terra firma của Lục địa Mỹ Châu, với tên gọi là Santa Maria La Antigua, vào năm 1513. Đây là một Giáo hội có sự tham gia rất rộng của giáo dân, họ không ngần ngại tham gia một cách sâu sắc để Giáo hội tiến tới.

Đây là một Giáo hội có lòng sùng kính sâu sắc Đức Nữ Đồng Trinh, nhưng trọng tâm là Đức Ki-tô, vì các Lễ của Chúa Giê-su Ki-tô có sự long trọng trên khắp đất nước.

Thách đố chính đó là mở ra những phạm vi cộng tác rộng lớn hơn và tất cả đều liên quan đến quyết định của các bạn trẻ, tức là củng cố vai trò lãnh đạo của tuổi trẻ, từ sự đa dạng về sắc tộc và văn hóa của họ, đặc biệt những phạm vi đó trong thế giới số.

Tình hình của người trẻ không dễ dàng, vì họ phải đối mặt với những thách đố lớn, vì không hiếm những hoàn cảnh làm cho họ khó tiếp cận được với nền giáo dục có chất lượng, với việc làm và nơi ở phù hợp để giúp họ có thể xây dựng nên những gia đình Ki-tô hữu thật sự. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh là họ không đánh mất hy vọng và vẫn phấn đấu tiến tới và gắn kết với đức tin, để làm chứng cho đời sống của người Ki-tô hữu. Ngày nay, sau khi Thượng Hội đồng về Giới trẻ kết thúc, chúng tôi có trách nhiệm phải đồng hành với họ, nhưng điều vô cùng đặc biệt là phải lắng nghe những nhu cầu của họ.

ZENIT: Những kỷ niệm sống động nhất của chuyến thăm của Đức Gioan Phaolô II đến Panama năm 1983 là gì?

TGM Ulloa: Tôi có vinh dự được giúp lễ trong Đại lễ đó của ngài và khi đó tôi còn là một chủng sinh. Đó là một kinh nghiệm thật lạ thường cho ơn gọi của tôi vì khi đó tôi đã được ở bên cạnh một đấng mà bây giờ là Thánh Gioan Phaolô II. Bài giáo huấn mạnh mẽ nhất của ngài là trong một quốc gia thì tổ chức quan trọng nhất là gia đình.

ZENIT: Đức Giám mục mong chờ những thông điệp mạnh mẽ nào từ Đức Thánh Cha Phanxico và đặc biệt về những chủ điểm nào, bất kể nó thuộc tôn giáo hay xã hội?

TGM Ulloa: Chúng tôi hy vọng một thông điệp hy vọng từ Đức Thánh Cha Phanxico, nhờ đó sẽ làm chúng tôi vững mạnh trong hành trình đức tin, đặc biệt trong một châu lục và trong một thế giới mà chúng ta cần phải phá đổ sự hủ hóa, sự nghèo nàn, sự thờ ơ, nạn buôn người, và tất cả các điều này là có thể nhờ bàn tay của người trẻ trong giây phút lịch sử này. Đức Thánh Cha Phanxico đã nói rất rõ. Một chủ điểm rất nhạy cảm khác là môi sinh, trong đó nhân vị và ích chung phải được đặt vào trung tâm. Người di cư cũng là một thách đố đối với Giáo hội và các dân tộc trong vùng, là những điều chúng tôi hy vọng giải quyết được.

Và chúng tôi hy vọng, rất đặc biệt, rằng sau Thượng Hội đồng Giám mục về Giới trẻ, Đức Thánh Cha Phanxico sẽ cho chúng tôi những hướng dẫn trong Tông huấn Hậu Thượng Hội đồng của ngài.

ZENIT: Từ đâu mà ý tưởng về một ngày dành riêng cho tất cả người trẻ thổ dân trên thế giới gắn liền với Ngày Giới trẻ Thế giới được khai sinh?

TGM Ulloa: Đây là ngày dành cho những vùng ngoại vi, để tiến đến với mọi môi trường, không loại trừ bất kỳ ai, và chúng tôi cũng phải cân nhắc trong Lục địa Châu Mỹ này rằng nếu chúng tôi nói về sự nghèo đói, loại trừ và phân biệt đối xử, thì trong đó có khuôn mặt của người da đen và da đỏ.

Thật vô cùng cần thiết phải có không gian cho những người này, đó là lý do tại sao một Diễn đàn WYD về hậu duệ của người Châu Phi được tổ chức với những người lãnh đạo tuổi trẻ qua đó họ trình bày lên những đề xuất để đối phó với những thách đố mà họ đang đối mặt, cân nhắc đến những nguồn cội về văn hóa và sắc tộc của họ. Và người Da Đỏ họp mặt trong Ngày Giới trẻ Thế giới Thổ dân, trong đó họ cũng trình bày đề xuất của họ để duy trì văn hóa và bản sắc của họ.

ZENIT: Đức Cha cho rằng những điểm nổi bật của WYD lần này sẽ là gì?

ĐGM Ulloa: Chúng tôi hy vọng rằng sẽ tạo ra được những không gian cần thiết cho sự tham gia và lập quyết định cho người trẻ. Chúng tôi muốn củng cố vai trò lãnh đạo của họ và đó là lý do tại sao chúng tôi đón nhận Docat trong vùng, đó là sự đào tạo về Giáo huấn Xã hội của Giáo hội.

Người trẻ của chúng ta có thể mang lấy trọng trách làm thay đổi những thực tại đã làm cho xã hội ngày nay trở nên vô nhân; họ có thể đạt được những mục tiêu của họ với tính sáng tạo.

Đức Thánh Cha muốn cung hiến Ngày này cho Mẹ Maria, và theo đó cũng là cho vai trò của người phụ nữ trong xã hội chúng ta, và vô cùng đặc biệt là trong Châu lục chúng tôi và trong Giáo hội. Ước mong rằng chúng ta, cũng giống như Mẹ, có được sức mạnh để đáp lại tiếng gọi của Chúa, tiếng gọi của Giáo hội, một cách dứt khoát.

[Nguồn: zenit]
[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/1/2019]