Từng bước theo Ngài (5) | Thứ Bảy Tuần Thánh | Chúa Nhật Phục Sinh

2282

Thứ Bảy Tuần Thánh
Ngày 8 tháng 4 năm 30

Lính canh mồ

Tin Mừng Mt viết: “Hôm sau, tức là khi ngày áp lễ đã qua, các Thượng tế và những người Pharisêu kéo nhau đến với ông Philatô và nói ‘Thưa Ngài, chúng tôi nhớ tên bịp bợm ấy khi còn sống có nói sau ba ngày Ta sẽ chỗi dậy. Vậy xin quan lớn truyền canh mộ kỹ càng cho tới ngày thứ ba, kẻo môn đệ hắn đến lấy trộm hắn đi rồi phao với dân là hắn đã từ cõi chết chỗi dậy” (Mt 27,62-64).

Thỉnh cầu này khiến Philatô bực mình. Vụ án Giêsu đã làm ông điên đầu mấy ngày nay rồi. Bây giờ Đức Giêsu đã chết. Ông muốn chấm dứt và không liên can tới nữa. Philatô bực bội đáp: “Thì đã có sẵn lính đó. Các ngươi hãy đi và canh giữ theo cách các ngươi biết” (Mt 27,66″. Và Mt kết thúc: “Thế là họ ra đi canh giữ mồ, niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ” (Mt 27,66).

Chúng ta hãy để ý là họ hết sức cẩn thận: Chẳng những đặt lính canh, mà còn đóng ấn niêm phong tảng đá để chỉ cần ai mó tay vào đó thì bị phát hiện ngay. Thánh Mt đã chú ý ghi các chi tiết này để làm bằng chứng phản bác lời vu khống các môn đệ ăn cắp xác Đức Giêsu.

Chúa Nhật Phục Sinh
Ngày 9 tháng 4 năm 30

I. “Xuống ngục tổ tông”

Xác Đức Giêsu thì đã nằm yên trong mộ. Còn linh hồn Ngài đi đâu?

Trong kinh Tin Kính, Giáo Hội tuyên xưng rằng khi đó Ngài “xuống ngục tổ tông”. Niềm tin này dựa vào lời rao giảng của Thánh Phêrô: “Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm” (1Pr 3,19), “Tin Mừng đã được loan báo ngay cho cả những kẻ đã chết” (1Pr 4,6).

Thánh Kinh chỉ nói đơn giản như thế. Phần ngụy thư thì tưởng tượng thêm thành cả một câu chuyện hấp dẫn. Xin tóm lại một đoạn từ quyển Tin Mừng ngụy thư mang tên Tin Mừng theo Nicôđêmô:

Sau ngày Phục sinh, có hai người chết đã trở lại trần gian. Tên hai người ấy là Carinus và Leucius. Họ là con của cụ già Simêon ngày xưa đã từng bế Đức Giêsu trên tay. Những người do thái đã phỏng vấn họ về xem Đức Giêsu đã làm gì khi xuống địa ngục, thì họ đã kể lại rằng : Bỗng dưng có một luồng ánh sáng chói lọi bao phủ họ. Khi đó tất cả mọi người, từ Ađam là cha của nhân loại, cho đến những người vừa mới chết, tất cả đều sống lại. Khi đó các tổ phụ và các ngôn sứ hân hoan tuyên bố rằng những lời tiên tri của họ nay đã được hoàn thành. Lúc đó Gioan Tẩy Giả nói: “Tôi đến đây để loan báo rằng chẳng bao lâu nữa, chính Con Thiên Chúa sẽ đến thăm viếng các người như một vì sao từ cao hiện xuống”. Khi đó Satan và ma quỷ trong Địa ngục kinh hoàng vì người mà chúng tưởng là đã bị chúng tiêu diệt nay vẫn sống. Còn những người công chính thì vui mừng hân hoan. Đang lúc mọi người còn xôn xao hỏi nhau thì bỗng nghe một tiếng “Hãy mở cao lên nữa đi hỡi các cửa ngàn thu, để Đức Vua vinh thắng tiến vào”. Vua Thánh Đavít lớn tiếng nói với lũ quỷ: “Ta đã chẳng nói với các ngươi khi Ta còn sống rằng Đức Chúa sẽ phá tan những cánh cửa bằng đồng bằng sắt hay sao ? Ngài là Chúa các Đạo Binh kia mà…” Đavít còn đang nói thì Đức Giêsu bằng xướng bằng thịt tiến vào địa ngục, làm cho sự tối tăm bấy lâu nay trở thành sáng láng. Địa ngục đành thú nhận sự thua trận của nó: Ngài đã quẳng cái chết ra một bên trong mồ và vẫn còn sống mà đến đây. Này đây, Ngài tự do thoải mái giữa cõi chết và khiến các đạo binh của chúng tôi phải hoang mang. Ngài là ai mà có thể giải thoát những kẻ bị giam cầm vì nguyên tội và phục hồi họ lại tình trạng nguyên thuỷ thế ? Lúc đó Đức Giêsu mới cho biết Ngài là ai, rồi hạ lệnh trói Satan và thuộc hạ nó lại. Sau đó Ngài nói với những người công chính : “Hãy đến đây hỡi tất cả con cái của Ta, là những người được dựng nên theo hình ảnh Ta và giống như Ta”. Rồi tay phải Ngài nắm tay Ađam và bay ra khỏi Địa ngục, tất cả các thánh bay theo sau”

II. “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại”

Tất cả 4 quyển Tin Mừng đều không ghi gì về lúc Đức Giêsu sống lại. Như thế là trung thực, bởi vì nếu không biết thì không viết ra. Nhưng một lần nữa, ngụy thư muốn bù đắp chỗ khiếm khuyết ấy. Sau đây là một trích đoạn:

“Hôm sau, vào lúc bắt đầu ngày sabbat, từ Giêrusalem và vùng phụ cận có một đám đông muốn đến xem ngôi mồ đóng kín. Trong đêm trước ngày chúa nhật, đang khi binh lính đổi phiên gác, hai người mới thế hai người cũ, thì có một tiếng lớn vang động trên trời. Và chúng thấy các tầng trời mở ra, và có hai người tỏa ngời ánh sáng từ trời xuống và đến gần ngôi mộ. Tảng đá đặt ở cửa mộ tự lăn ra một bên, và mồ mở ra, và hai thanh niên bước vào. Thấy cảnh ấy, quân lính đánh thức viên đại đội trưởng và những vị trưởng lão đang ở đó để cùng canh gác với chúng. Và khi chúng thuật lại cho họ nghe điều chúng đã thấy thì họ lại thấy ba người đi ra khỏi mồ ; hai trong số đó nâng người thứ ba, và có một cây thập giá đi theo các vị. Và đang khi đầu của hai vị đầu tiên chạm trời thì đầu của vị được các vị ấy dẫn vượt quá các tầng trời. Và người ta nghe một tiếng từ trời phán rằng: “Ngươi đã báo tin cho những người đang ngủ chưa?” Và từ thập giá người ta nghe tiếng trả lời rằng: “Thưa rồi”. (Ngụy Tin Mừng Phêrô 34-42)

Phần Giáo Hội thì tin và tuyên xưng rằng “Ngày thứ ba Ngài bởi trong kẻ chết sống lại”. Giáo Hội tin như thế không phải vì dựa vào những đoạn ngụy thư, mà dựa vào những lời Đức Giêsu tiên báo trước đó, và những cuộc hiện ra của Ngài sau đó.

Quả thật, việc một chết tự mình sống lại là một điều hy hữu vô tiền khoáng hậu, ít ai tin nổi. Vì thế mà có nhiều người đã đưa ra nhiều lập luận để phủ nhận. Ta có thể phân các lập luận thành hai nhóm: nhóm thứ nhất nói rằng Đức Giêsu thực sự đã không chết vì cuộc đóng đinh (và do đó nên không thể nói là sống lại); nhóm thứ hai phản bác chính sự sống lại.

  1. Lập luận Đức Giêsu không chết: Trên thập giá, Đức Giêsu chỉ bị ngất đi. Khi ở trong mộ Ngài tỉnh lại. Sau đó Ngài lẻn ra ngoài và mai danh ẩn tích luôn.

–> Khó mà nói rằng Đức Giêsu có thể sống được sau bao nhiêu sự hành hạ: Đánh đòn, đóng đinh, bị treo suốt 3 giờ… Chính quân lính cũng đã đi kiểm tra xem Ngài chết chưa. Vì thấy Ngài đã chết nên chúng không đập gãy ống chân Ngài. Tuy vậy, chúng còn cẩn thận đâm một mũi giáo vào tim Ngài nữa. Mũi giáo đâm trúng tim nên mới có nước và máu chảy ra, đặc biệt là nước. Renan còn đưa ra một phản bác ngắn gọn nhưng đầy sức thuyết phục như sau: “Bằng chứng tốt nhất mà sử gia có được về chuyện này chính là sự thù hận xen lẫn nghi kỵ của các kẻ thù Đức Giêsu”. Họ rất thù ghét Ngài, họ đã hết sức cẩn thận làm tất cả những gì có thể làm để bảo đảm rằng Ngài chết thật.

  1. Lập luận rằng các thân nhân của Đức Giêsu đã ăn cắp xác rồi phao tin sống lại.

–> Ta nên biết rằng theo luật Rôma, ăn cắp xác chết là một tội trọng. Người ta đã tìm thấy một bản văn khắc trên đá những dòng chữ của Hoàng đế Tibêriô cảnh cáo sẽ phạt tử hình những ai dám lăn tảng đá lấp mộ ra để ăn cắp xác chết. Hơn nữa, tảng đá này rất to và nặng. Ai mà có thể lăn ra được đang khi ở đó còn có lính canh.

  1. Có người nói rằng mọi chuyện đều do đầu óc tưởng tượng của Mađalêna bịa ra.

–> Tin Mừng ghi rằng khi nghe Mađalêna nói thì các tông đồ không tin. Sau đó các ông đã tin không phải vì lời Bà nói, mà vì những nguyên nhân khác.

  1. Có người bảo những cuộc hiện ra của Đức Giêsu chỉ là do ám ảnh tập thể (các tông đồ đều mong Đức Giêsu sống lại cho nên đều bị ám ảnh thấy Ngài hiện ra).

–> Hiện tượng ám ảnh tập thể là có. Nhưng đặc tính quan trọng của ám ảnh tập thể là mọi người đều thấy và mọi người đều tin. Nhưng theo Tin Mừng thì có nhiều tông đồ rất cứng lòng không tin, chẳng hạn như Tôma.

Chúng ta không cần dừng lâu ở đây. Cùng với Giáo Hội, chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại. Đức Giêsu đã sống lại, đó chính là cốt lõi của niềm tin kitô hữu và là lẽ sống của chúng ta, như lời Thánh Phaolô: “Nếu Đức Kitô đã không sống lại thì lời rao giảng của chúng tôi trống rỗng, và cả đức tin của anh em cũng trống rỗng” (1Cr 15,14).

CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Lễ nghi gồm 4 phần:

  1. Phụng vụ ánh sáng
  2. Phụng vụ Lời Chúa
  3. Phụng vụ Phép Rửa
  4. Phụng vụ Tạ ơn

I. Phụng vụ ánh sáng

Trong dân gian có nhiều lễ hội người ta tụ họp quanh ánh lửa hồng (td những đêm hội vui của các dân tộc ít người, các đêm lửa trại). Đêm canh thức Phục sinh, Kitô hữu cũng tụ họp quanh một ánh lửa hồng đặc biệt là Đức Giêsu Kitô.

  1. Ngọn nến Phục Sinh là biểu tượng của Đức Giêsu Kitô: Ngài là Ánh sáng thật đã đến thế gian (Ga 1,9). Mà ánh sáng là nguồn gốc của tạo dựng (St 1,3: Thiên Chúa tạo dựng ánh sáng trước tiên). Bởi vậy chủ tế vẽ lên cây nến phục sinh một hình Thánh giá và những chữ số của năm đó, đồng thời đọc: “Đức Kitô vẫn là một; hôm qua cũng như hôm nay; là anpha và ômêga; nghĩa là khởi thuỷ và cùng tận; Người làm chủ thời gian; và muôn thế hệ ; vạn tuế Đức Kitô Đấng vinh hiển quyền năng; vạn vạn tuế Amen”.
  2. Ánh sáng Đức Kitô ấy chiếu lên và lan tỏa dần dần đến khắp cộng đoàn, nhắc chúng ta lời dạy của Ngài: “Chúng con là ánh sáng thế gian. Người ta không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng nhưng đặt trên giá để soi cho cả nhà”.
  3. Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả việc Đức Giêsu xuống thế là Ánh Sáng đến trong đêm tối. Và cũng từ đó bắt đầu một cuộc đấu tranh giữa Ánh Sáng và Bóng Tối. Cuộc đấu tranh lên đến hồi quyết liệt nhất vào ngày Thứ Sáu tuần thánh. Nhưng cuối cùng thì Ánh Sáng đã chiến thắng. Trong nghi lễ đêm nay, ngọn nến phục sinh tượng trưng Đức Giêsu được kiệu đến một cái giá, rồi Chủ tế (hoặc Phó Tế) long trọng xông hương và hát bài Exultet. Phần này được gọi là “Công bố Tin Mừng phục sinh” à Đức Kitô sống lại như ánh sáng bùng lên trong đêm tối. Cuộc hành trình Vượt Qua đã đi đến đích.

II. Phụng vụ Lời Chúa

Ý nghĩa

a/ Đây là bài “ôn giáo lý” lần cuối cho những người dự tòng trước khi họ được chịu phép Rửa (phần III). Đây cũng là dịp cho các tín hữu đã rửa tội ôn lại nữa.

b/ Nội dung: Hành trình Vượt qua của Đức Giêsu đã đi đến đích. Kitô hữu thì đang tiếp tục cuộc hành trình vượt qua của chính mình. Nhưng nếu chỉ đi mà không ý thức thì mình không biết sẽ đi tới đâu. Do đó trong đêm nay Giáo Hội muốn nhắc lại những cột mốc chính trong hành trình lịch sử cứu độ.

c/ Bố cục: Gồm 7 bài đọc Cựu Ước (có thể bỏ bớt còn 3 hoặc 2 bài, nhưng không bao giờ bỏ bài Xuất hành), 1 bài Thánh Thư và một bài Tin Mừng. Những bài đọc này tóm lược những cột mốc chính của lịch sử cứu độ.

  1. St 1,1–2,3: Tường thuật tạo dựng vũ trụ
  2. St 22,1-18: Hy lễ của Abraham
  3. Xh 14,15–15,1: Xuất hành qua Biển
  4. Is 54,5-14: Thành Giêrusalem mới
  5. Is 55,1-11: Ơn cứu độ được ban không cho mọi người
  6. Br 3,9-15.31: Ơn khôn ngoan đích thực
  7. Êd 36,16-28: Tâm hồn mới và tinh thần mới
  8. Rm 6,3-11: Phép Rửa liên kết chúng ta nên một với sự Vượt qua của Đức Kitô : “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người”
  9. Bài Tin Mừng (tuỳ năm A hay B C – Mt Mc Lc) nhưng luôn thuật chuyện ngôi mồ trống, dấu chỉ Chúa đã sống lại.

Có thể tóm lịch sử cứu độ qua 3 giai đoạn: Cựu Ước loan báo và chuẩn bị; Đức Kitô (bài Tin Mừng) thực hiện; Giáo Hội (phép rửa, cuộc sống kitô hữu) hoàn thành.

III. Phụng vụ Phép Rửa

Phần này gồm:
– Làm phép nước rửa tội
– Ban phép Rửa tội và Thêm sức cho tân tòng
– Lặp lại lời tuyên xứng đức tin khi lãnh nhận phép rửa.
– Rảy nước thánh

Ý nghĩa: Đức Giêsu phục sinh là nguồn sự sống mới (nguồn nước, đền thờ, nước từ đền thờ chảy ra tràn lan). Nguồn sống ấy được ban qua các Bí tích, khởi đầu là Bí tích Rửa Tội (cho nên ban Phép Rửa trong đêm này là đầy đủ ý nghĩa nhất).

IV. Phụng vụ Tạ ơn

Sau phần Phụng vụ Lời Chúa được tổ chức đặc biệt khác thường, đến phần Phụng vụ Thánh Thể (Tạ ơn) diễn tiến bình thường như mọi Thánh Lễ khác.

Tuy nhiên hôm nay Thánh Lễ có một ý nghĩa đặc biệt cần được nhấn mạnh hơn thường: Mình Máu Thánh Đức Giêsu Phục Sinh chính là lương thực tuyệt vời nuôi dưỡng sự sống mà những người tân tòng và các Kitô hữu đã được ban cho trong Phép rửa.

V. Suy nghĩ về việc Đức Giêsu sống lại

Thánh Phaolô đã viết: “Nếu Đức Kitô không sống lại thì tôi là kẻ ngu dại và thua thiệt nhất”. Đúng vậy, hy sinh tất cả cho một con người đã bị giết chết thì quả là không đáng, là ngu dại và thua thiệt.
Thời nay nhiều tín hữu đã bỏ đạo vì không tin việc Đức Giêsu sống lại.
Nghiên cứu các sách Tin Mừng, chúng ta phải để ý 4 điểm sau đây:

1/ Đức Giêsu đã chết thật

– Ga 19,34 : quân lính lấy giáo đâm cạnh sườn Đức Giêsu “cho chắc ăn”, và có máu cùng nước từ đó chảy ra (chứng tỏ đã đâm trúng tim).
– Mc 15,44-45 : Khi Giuse Arimathia đến xin lãnh xác Đức Giêsu, Philatô hỏi lại viên sĩ quan phụ trách hành hình, và ông này xác nhận Đức Giêsu đã chết thật.

2/ Ngôi mồ trống

4 quyển Tin Mừng đều rất coi trọng sự kiện ngôi mồ trống. Sáng Chúa nhựt, người ta phác giác ra ngôi mồ trống trơn không còn xác Đức Giêsu trong đó nữa.
– Ga 19,41: Đây là một ngôi mồ mới, nghĩa là vừa chắc chắn vừa dễ đặt vào chỗ chôn, vừa không có thi hài nào khác trong đó.
– Vậy mà sáng Chúa nhật ấy, ngôi mồ này không còn xác trong đó.
– Kẻ thù đã đặt lính canh gác cẩn thận, thế mà xác Đức Giêsu cũng biến mất.

Sự kiện này đặt ra giả thuyết có người ăn cắp xác. Nhưng ai ăn cắp:
– Kẻ thù: Không thể, vì nếu họ ăn cắp thì càng khiến môn đệ Đức Giêsu phao rằng Ngài sống lại.
– Môn đệ: Có người canh gác như thế thì sao ăn cắp được.
Đức Giêsu không còn ở trong ngôi mồ trống. Không phải vì Ngài đã trốn ra, cũng không phải do ai ăn cắp mang đi. Vậy thì ngôi mồ trống là dấu chỉ Đức Giêsu đã sống lại.

3/ Những cuộc hiện ra

– 4 quyển Tin Mừng đều thuật rất nhiều cuộc hiện ra của Đức Giêsu. Điểm đáng chúng ta lưu ý là ban đầu những kẻ thấy Ngài hiện ra đều không tin. Chỉ sau đó họ mới tin.

– Hiện ra nhiều lần, với rất nhiều người khác nhau, ở nhiều nơi khác nhau thì không thể là ảo giác.

4/ Những cuộc đời thay đổi
– Các tông đồ là những kẻ rất nhát sợ, rất sợ chết. Nhưng sau biến cố Chúa nhựt Phục Sinh thì họ rất can đảm: Họ sẵn sàng chết để khăng khăng làm chứng rằng Đức Giêsu đã sống lại. Giả như trước đó họ bịa chuyện Đức Giêsu sống lại để lừa gạt những kẻ nhẹ dạ thì việc bịa chuyện ấy phải có lợi cho họ chứ. Rồi khi bị người ta cấm, bị dọa sẽ giết chết nếu cứ tiếp tục nói như thế, hẳn họ sẽ chấm dứt trò lừa bịp của họ để giữ lấy mạng sống. Đàng này họ vẫn khăng khăng quả quyết Ngài đã sống lại cho dù họ bị giết từ người này đến người khác. Như thế chứng tỏ việc Đức Giêsu sống lại là sự thật.
– Xuyên qua bao thế kỷ, biết bao người đã thay đổi hẳn cách sống, đã dám chết vì niềm tin Đức Giêsu đã sống lại.

* Ảnh hưởng quan trọng của việc Đức Giêsu sống lại
– Có Thiên Chúa; Đức Giêsu là Con Thiên Chúa
– Chúng ta không cần sợ chết nữa vì chúng ta được tạo dựng không phải để chết mà để sống mãi với Thiên Chúa.
– Đức Giêsu Kitô còn đang sống bên cạnh chúng ta hằng ngày (“Thầy sẽ ở cùng chúng con mọi ngày cho đến tận thế”)
– Nếu chúng ta cùng sống với Đức Giêsu Kitô phục sinh thì những gian khổ đời này chẳng ăn thua gì cả.

Đại Chủng Viện Thánh Quý Cần Thơ
Tuần Thánh năm 2003
Linh mục Carôlô

______________
Sách tham khảo

  1. P. Benoit và M-E. Boismard, Synopse des quatre évangiles, Éditions du Cerf, 1965.
  2. Daniel Rops, Jésus en son temps, Fayard, 1962
  3. Raymond E. Brown, A crucified Christ in Holy week, The Liturgical Press, Collegeville, Minnesota, 1986.
  4. Hồng y Carlo Maria Martini, Et Dieu se fit vulnérable, Les éditions du Cerf, Paris, 1995.
  5. José Feder và Alain Gorius, Pour la célébration de l’Eucharistie, Mame xuất bản lần thứ 2, 1976.
  6. Jacques Hervieux, The New Testament Apocrypha, Hawthorn Books publishers, New York 1960.

______________
Nội dung:

TỪNG BƯỚC THEO NGÀI