Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XV Quanh Năm A | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

909

CHÚA NHẬT XV QUANH NĂM

Tiên Tri Isaia 55,10-11; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8,18-23
và Phúc Âm Thánh Matthêô 13.1-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Ngày ấy, Chúa Giêsu ra khỏi nhà và đi đến ngồi ở ven bờ biển. Dân chúng tụ tập quanh Người đông đảo đến nỗi Người phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng thì đứng trên bờ. Và Người dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều. Người nói: “Này đây, có người gieo giống đi gieo lúa. Trong khi gieo, có hạt rơi xuống vệ đường, chim trời bay đến ăn mất. Có hạt rơi xuống trên đá sỏi, chỗ có ít đất, nó liền mọc lên, vì không có nhiều đất. Khi mặt trời mọc lên, bị nắng gắt, và vì không đâm rễ sâu, nên liền khô héo. Có hạt rơi vào bụi gai, gai mọc um tùm, nên nó chết nghẹt. Có hạt rơi xuống đất tốt và sinh hoa kết quả, có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi. Ai có tai thì hãy nghe”. [Các môn đệ đến gần thưa Người rằng: “Tại sao Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp lại: “Về phần các con, đã cho biết những mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không cho biết. Vì ai đã có, thì ban thêm cho họ được dư dật; còn kẻ không có, thì cái họ có cũng bị lấy đi. Bởi thế, Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ: vì họ nhìn mà không thấy, lắng tai mà không nghe và không hiểu chi hết. Thế mới ứng nghiệm lời tiên tri Isaia nói về họ rằng: “Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành”. Phần các con, phúc cho mắt các con vì được thấy; và phúc cho tai các con vì được nghe. Quả thật, Thầy bảo các con: Nhiều vị tiên tri và nhiều đấng công chính đã ao ước trông thấy điều các con thấy, mà không được thấy; mong ước nghe điều các con nghe, mà không được nghe.

“Vậy, các con hãy nghe dụ ngôn về người gieo giống: Kẻ nào nghe lời giảng về Nước Trời mà không hiểu, thì quỷ dữ đến cướp lấy điều đã gieo trong lòng nó: đó là kẻ thuộc hạng gieo dọc đường. Hạt rơi trên đá sỏi là kẻ khi nghe lời giảng, thì tức khắc vui lòng chấp nhận, nhưng không đâm rễ sâu trong lòng nó, đó là kẻ nông nổi nhất thời, nên khi cuộc bách hại, gian nan xảy đến vì lời Chúa, thì lập tức nó vấp ngã. Hạt rơi vào bụi gai, là kẻ nghe lời giảng, nhưng lòng lo lắng việc đời, ham mê của cải, khiến lời giảng bị chết nghẹt mà không sinh hoa kết quả được. Hạt gieo trên đất tốt, là kẻ nghe lời giảng mà hiểu được, nên sinh hoa kết quả đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi”.  Đó là Lời Chúa.

Diễn ý Phúc Âm

Lời Chúa như hạt giống gieo,
Hạt rơi vệ đường cheo leo trơ trọi.
Chim trời không cần lục lọi,
Sờ sờ ra đó làm mồi ngon ăn.

Hạt rơi sỏi đá tiệt căn,
Rễ không có đất gia tăng nỗi gì.
Nắng lên khô héo tức thì.
Lời Chúa không bám không gì bền lâu.

Hạt rơi bụi rậm phủ đầu,
Ngóc lên một tí, một bầu trời đen.
Nắng còn không có chỗ chen,
Làm sao thoát khỏi đỏ đen cuộc đời.

Hạt rơi đất tốt tuyệt vời,
Đâm hoa kết trái thấm lời trường sinh.
Đón nghe Lời Chúa cầu xin:
Cho đời vững bước, niềm tin vuông tròn. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:   

  • Lời Chúa như hạt giống phải được gieo vãi khắp nơi.
  • Số phận của hạt giống Lời Chúa tuỳ thuộc mảnh đất tâm hồn người đón nhận.
  • Nó có thể nằm trơ bên vệ đường làm mồi cho chim trời. Nó thành vô ích. Quỉ dữ cướp mất Lời Chúa.
  • Nó có thể chết sớm vì những tâm hồn sỏi đá khô cằn, thiếu dinh dưỡng tinh thần nhất là khi gặp gian nan thử thách.
  • Nó có thể chết ngộp vì những tâm hồn quá bận rộn với tiền tài vật chất.
  • Nó có thể trúng mùa, kết quả gấp trăm lần nơi những tâm hồn sẵn sàng đón nhận và để Lời Chúa hướng dẫn đời sống mình.
  • Mọi người được kêu gọi để lắng nghe, để hiểu và để thành người gieo hạt giống Lời Chúa.

II. Diễn giải Phúc Âm:    

Chúa hay dùng dụ ngôn?

Dụ ngôn trong nguyên ngữ Hy Lạp là parabolē được sử dụng 50 lần trong Tân Ước: 17 lần trong Phúc Âm Thánh Matthêô; 13 lần trong Phúc Âm Matcô; 18 lần trong Phúc Âm Luca; hai lần trong Phúc Âm Gioan 10:1-5 về mục tử nhân hậu và trong Gioan 15:1-7 về dụ ngôn nho và cành nho.

Chúng ta có thể định nghĩa dụ ngôn là một câu chuyện có thật phần nào trong đời sống được dùng để ám chỉ một thực tại vô hình hay chưa đến. Thí dụ: Hạt giống Lời Chúa trong Phúc Âm hôm nay. Không ai thấy tận mắt Lời Chúa. Lời Chúa vô hình. Tuy nhiên nó hiện hữu thực sự và gây tác động trong đời sống người được rao giảng.

Dụ ngôn đôi khi mang ý nghĩa là một bài học điển hình thí dụ trong Phúc Âm Matcô 13:28 và trong Phúc Âm Matthêô 24:32 khi Chúa dùng thí dụ cây Vả. Dụ ngôn đôi khi mang hình thức tục ngữ như trong Phúc Âm Luca 4:2, khi Chúa trưng dẫn câu “Thầy Lang ơi, hãy chữa lấy mình đi!. Dụ ngôn nhiều khi có ý nghĩa tượng trưng hình bóng diễn tả như trong Thư Thánh Phaolô gửi Do Thái 9:9 xác nhận vai trò của Chúa Kitô trong Tân Ước là tư tế đi vào cung thánh dâng tiến lễ vật.

Phúc Âm hôm nay cũng cho chúng ta biết lý do tại sao Chúa dùng dụ ngôn mà nói với dân chúng “là vì họ nhìn mà không thấy, nghe mà không hiểu!”. Nên dụ ngôn được sử dụng để làm cho người ta dễ hiểu điều Chúa truyền dạy. Người Việt Nam rất thích dùng dụ ngôn qua hình thức kể chuyện cổ tích để giúp người khác dễ hiểu, dễ nhớ những bài học luân lý. Thường đó là những câu chuyện chỉ có thật một phần, được sử dụng làm bài học giáo huấn cho nhân gian. Thí dụ chuyện cô Tấm cô Cám để dạy rằng ở hiền gặp lành ở ác gặp dữ hay chuyện Lưu Bình Dương Lễ để dạy về tri kỷ, con người phải biết quí báu tình bạn.

Xin giải thích lời Chúa “Vì lòng dân nầy đã ra đần độn, chúng đã nặng tai, còn mắt thì chúng nhắm lại, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe và lòng hiểu được mà hoán cải và rồi ta sẽ chữa chúng cho lành!”

Mới thoáng đọc những lời trên chúng ta sẽ đặt vấn đề về lòng nhân từ Của Chúa: Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế! Ngài xuống trần gian để cứu nhân loại như Ngài từng phán “Ta là chủ chiên nhân hậu. Ta đến để chiên Ta được sống và sống dồi dào!” như trong Phúc Âm Gioan 10,10 cũng như vô số những xác nhận khác về vai trò cứu thế của Chúa. Sao Chúa lại nói rằng: Chúng đần độn và mong rằng chúng cứ ở trong tình trạng nhắm mắt nặng tai để họ sẽ không nghe hiểu Lời Chúa và không được cứu sống?

Tôi xin dùng những câu nói của người Việt Nam mình để diễn tả ý nghĩa của câu nói xem chừng hơi bất nhân của Chúa. Cha mẹ, nhất là người mẹ Việt Nam rất thương con và lo tương lai cho con. Tuy nhiên bà cũng hay dùng kiểu nói ngược như thế nầy “Đừng lo học hành gì! Cứ ăn chơi thoải mái rồi sau nầy sẽ có nhà lầu xe hơi và có kẻ hầu người hạ!” Bà mẹ có ý khuyên con ráng lo chăm chỉ học hành để có tương lai tốt sau nầy. Nhưng bà lại nói ngược lại có ý gây quan tâm chú ý và thực hành. Đứa con nào cũng hiểu là mẹ thương mình và khuyên dạy mình lo học hành.

Cũng vậy, trong bài Phúc Âm trên, Chúa thật sự thương dân chúng và mong cho họ hiểu Lời Chúa và sử dụng Lời Chúa. Nhưng trong thực tế, có nhiều người trơ trơ như vệ đường, có nhiều người cằn khô như đá cuội, có nhiều người bon chen với đồng tiền bát gạo thái quá… nên họ ra đần độn và nếu cứ giữ thái độ điếc tai hay mù mắt thì làm sao nhận được ơn cứu độ. Chúa muốn nói rằng: Chúa đang chờ họ mở tai và mở mắt để cứu chữa ngay.

Xin giải thích câu nói “Nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy mà không được thấy, nghe điều anh em nghe mà không được nghe!”

Xin dùng câu nói của Thánh Phaolô “Thuở xưa, nhiều lần nhiều cách, Thiên Chúa đã phán dạy cha ông chúng ta qua các ngôn sứ; nhưng vào thời sau hết này, Thiên Chúa đã phán dạy chúng ta qua Thánh Tử” trong Thư gửi Do Thái 1,1-2 để giải thích như sau:

Con người sa ngã tạo nên vực thẳm ngăn cách giữa Trời và Đất. Nhưng Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Thế sinh ra bởi một trinh nữ. Để thực hiện chương trình cứu độ, Chúa mạc khải chính mình qua việc chọn gọi các tổ phụ và thành lập dân riêng. Nhưng khi nào thời viên mãn đến? Khi nào Đấng Cứu sẽ giáng trần? Không ai biết.

Các ngôn sứ được sai đến để nói về Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế là Con Thiên Chúa. Nhưng không ai là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa cả. Nên khi thấy Chúa Giêsu xuất hiện, Gioan Tẩy Giả đã sai các môn đệ mình đi hỏi Chúa “Thưa Thầy, Thầy là Đấng phải đến hay chúng tôi còn đợi ai khác?” như trong Phúc Âm Luca 7, 19 tường thuật.

Người Do Thái gán cho Gioan Tiền Hô là Đấng Cứu Thế, nhưng ông đã từ chối “Người đến sau tôi, tôi không đáng cởi dây dép người và đó là Đấng sẽ rửa anh em trong lửa và trong Thánh Thần” như trong Phúc Âm Matthêô 3:11. Ông già Simêon trong đền thờ Giêrusalem đã ôm Chúa vào lòng trong ngày lễ thanh tẩy và mãn nguyện thốt lên “Lạy Chúa, giờ đây xin hãy cho tôi tớ Chúa ra đi bình an vì chính mắt con đã nhìn thấy ơn Cứư Độ!” như trong Phúc Âm Luca 2:29.

Như vậy việc Chúa xuất hiện trực tiếp giảng dạy là điều hạnh phúc cho các tông đồ và người sống cùng thời với Chúa Giêsu. Vì trong quá khứ, cha ông cũng như tổ tiên họ đã mong thấy và nghe Đấng Cứu Thế nhưng chả bao giờ được mãn nguyện.

III. Thực hành Phúc Âm:    

Người gieo giống ra đi gieo hạt giống Lời Chúa.
Bài Phúc Âm làm tôi suy nghĩ và xét mình thật nhiều.
Làm linh mục tôi nhận nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa. Chỉ mình tôi được rao giảng Lời Chúa trong Thánh lễ Chúa Nhật. Rất hãnh diện và tự hào. Tuy nhiên rất nhiều lần tôi đã không đọc và suy niệm Phúc Âm trước. Có linh mục kia đang khi rước từ phía cuối nhà thờ lên làm lễ thì đã thì thầm hỏi nhỏ linh mục đồng tế: Hôm nay bài Phúc Âm nói gì vậy? Đã không biết Bài Phúc Âm nói gì 5 phút trước Thánh lễ. Vậy mà Cha ấy đã giảng dài đến 20 phút chuyện mình không biết trước và không suy niệm trước. Đúng là linh mục chúng tôi nhiều khi chỉ biết giữ hay giành giữ hạt giống Lời Chúa mà không gieo, không chuẩn bị bài giảng cho chu đáo.

Người gieo giống ra đi gieo hạt giống không giống Lời Chúa.
Vì không dành giờ đọc Lời Chúa, học hỏi Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và soạn bài giảng. Nên tôi và nhiều anh em linh mục khác giảng hạt giống không giống Lời Chúa. Thường đó là một câu chuyện khôi hải, cười chơi đỡ buồn. Thường có thể là một lệnh truyền mang lợi cho cá nhân và dùng Lời Chúa làm bình phong. Thí dụ, có Cha kia chửi mắng giáo dân thậm tệ và bị người ta hâm he rằng sẽ thưa ra tòa. Nên Cha đã dùng bài Phúc Âm Chúa dạy các môn đệ là phải tha thứ không chỉ 7 lần mà phải 70 lần 7, tức phải bỏ qua lỗi của Cha và đừng đưa Cha ra tòa.

Người gieo giống ra đi gieo tiếng xấu.
Chuyện có thật và đáng buồn là có người gieo giống kia thay gì đi gieo hạt giống Lời Chúa thì đã gieo tiếng xấu cho anh em đồng nghiệp của mình. Người nầy đã tố cáo bằng văn bản với cấp trên là anh em đồng nghiệp của mình đang hút cần sa.

Cấp trên cho gọi người bị tố cáo đến, yêu cầu đi bác sĩ và mang kết quả khám nghiệm lên trình. Kết quả, không có một kết quả nicôtin hay cần sa nào trong máu của người bị tố cáo cả.

Nghe tin nầy, một giáo dân đã phát biểu chân thành “chúng con là giáo dân tội lỗi, còn chưa dám làm chuyện xấu như Cha đó đã làm!”

Đôi lần lời tôi nói ra, việc làm tôi gieo vãi không là hạt giống Lời Chúa, nhưng là những lời nói xấu hại người. Tôi không làm đúng nghề mình chọn.

Đại đế Napolêon khi hết thời, bị thua trận, bị lưu đày ở đảo St. Hélène năm 1815. Ông cho mời bá tước Montholon đến và xin nói cho ông biết về Chúa Giêsu. Montholon chưa kịp trả lời thì Napolêon đã nói lên: Alexander đại đế, Cêsar đại đế, Charlemagne đại đế và bản thân ta… cũng là đại đế, nhưng đã xây dựng đế quốc mình trên bạo lực và chiến tranh. Sau cùng, tất cả chúng tôi đã có lúc tưởng đâu không bao giờ thất bại, nhưng đã thất bại thật sự. Giờ đây một thân một mình với bao nhiêu tủi nhục ê chề.

Chỉ có Chúa Giêsu, đã xây vương quốc của Ngài không bằng vũ lực nhưng bằng tình thương. Ai cũng tưởng Ngài thất bại vì Ngài bị giết chết. Nhưng Ngài thật là đại đế chiến thắng vinh quang. Vì hàng ngày và đã hàng bao nhiêu thế hệ, hàng triệu con gười ra đi rao giảng Lời Ngài và sẵn sàng chết vì Ngài.

Nguyện xin là người gieo giống, chuyên cần gieo vãi Lời Chúa cho muôn người.

Nguyện xin biết dành 15 phút một ngày để đọc Lời Chúa, suy niệm Lời Chúa và chuẩn bị để rao giảng Lời Chúa.

Nhiều khi người khác hững hờ đón nhận Lời Chúa, chỉ vì tôi không suy niệm, không sống và không biết áp dụng Lời Chúa vào hoàn cảnh thực tế.

Nên người ta cho Lời Chúa là chuyện nhà thờ hay chuyện trên trời mà thôi.