Thánh Gia hay Thánh Gia thất, (tiếng Anh: Holy Family) là từ để chỉ về một gia đình gồm 3 thành viên, trong đó người cha là Giuse, người mẹ là Maria và người con trai là Giêsu.
Việc tôn kính Thánh Gia trong giáo hội Công giáo chính thức bắt đầu vào thế kỷ XVII bởi Giám mục Chân Phước François de Laval, người Canada gốc Pháp, vị giám mục đầu tiên của Québec. Dòng Đa Minh và dòng Phanxicô cũng đã góp một phần lớn vào phong trào sùng kính Thánh Gia này.
Lễ Thánh Gia bắt đầu trước tiên từ Canada, dần dần lòng sùng mộ Thánh Gia lan rộng ra khắp hoàn cầu. Thời kỳ này, người ta nhận thấy các gia đình bị tục hóa, nhiều gia sản thiêng liêng, các giá trị của gia đình bị tiêu tán. Có nguy cơ gia đình bị băng hoại hoàn toàn. Vì vậy tín hữu tìm tới gia đình gương mẫu Thánh Gia để giúp các gia đình Công giáo sống đạo và sống ơn bí tích hôn phối.
Năm 1893, Giáo hoàng Lêô XIII cho tổ chức lễ kính Thánh Gia vào ngày Chúa nhật trong tuần lễ Bát Nhật của Lễ Ba Vua, nghĩa là trong khoảng từ ngày 07 tháng 01 đến ngày 13 tháng 01 của năm. Trong năm này, người ta thấy có việc cử hành lần đầu tiên một lễ kính Thánh Gia, do lời xin với Tòa Thánh từ các giáo phận hoặc các dòng tu có lòng tôn sùng Thánh Gia.
Tuy nhiên, lễ Thánh Gia vẫn chỉ cho phép một số nơi cử hành, sau đó mới lan ra trong toàn thể giáo hội Công giáo. Và lễ Thánh Gia vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong năm phụng vụ.
Năm 1911, trong sách Lễ Rôma, do Giáo hoàng Piô X cho tu sửa và công bố, cũng không có lễ Thánh Gia. Năm 1920, lễ Thánh Gia mới lại được đưa vào trong sách lễ Rôma, và chỉ định ngày Chúa Nhật thứ I sau lễ Hiển Linh.
Ngày 26 tháng 10 năm 1921, Thánh Bộ Nghi lễ đã ra một sắc lệnh truyền cử hành một số lễ trong toàn thể Giáo hội, trong số lễ này, có lễ Thánh Gia, được cử hành vào Chúa nhật Bát nhật sau Lễ Hiển Linh.
Năm 1969, Lễ Thánh Gia và lễ Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, là hai lễ được sắp xếp lại khi cải tổ năm phụng vụ và lịch phụng vụ do Công đồng Vaticanô II khởi xướng. Kết quả của việc cải tổ này áp dụng cho toàn thể Giáo hội Công giáo là lễ Thánh Gia được dịch sang Chúa nhật trong Tuần Bát nhật Lễ trọng Giáng sinh, hoặc nếu không có ngày Chúa nhật, thì cử hành vào ngày 30 tháng 12.
Hiện nay là lễ Thánh Gia thất được cử hành vào Chúa nhật ngay sau lễ Giáng Sinh. Nếu Lễ Giáng Sinh và tết Dương Lịch rơi vào Chúa nhật (tức là không có Chúa nhật nào ở khoảng giữa), lễ Thánh Gia Thất sẽ được cử hành vào ngày 30 là ngày thứ sáu.
Năm 1921, khi ban hành việc mở rộng lễ Thánh Gia cho toàn thể Giáo hội Công giáo, Thánh Bộ Nghi lễ ban sắc lệnh như sau: “Việc mừng lễ Thánh Gia thất với một lễ phụng vụ là một điều rất thích hợp và giúp cho việc phát triển lòng sùng mộ đối với Thánh Gia. Ngoài ra nhờ việc cử hành này, mà chúng ta suy niệm và bắt chước các nhân đức của các thành phần Thánh thiện trong gia đình Nazareth“. Như vậy việc mừng lễ Thánh Gia có chủ đích thần học là để ca tụng tôn vinh Ba Đấng Thánh trong nhà Nazareth. Việc này nhằm giới thiệu cho các gia đình Công giáo về một gia đình kiểu mẫu trong Kinh Thánh để học tập theo.
Đây cũng là dịp để những thành viên trong gia đình nhớ về công lao của cha, mẹ và thêm gắn bó với gia đình của họ.
Thánh Gia cũng được chọn làm bổn mạng cho nhiều giáo xứ, nên việc tổ chức lễ kính Thánh Gia thường với quy mô lớn quy tụ nhiều người.
Lễ Thánh Gia cũng là dịp để mừng kỷ niệm ngày cưới theo từng năm của các gia đình (lễ “ngọc khánh”, “ngân khánh” hay “kim khánh” trong hôn phối). Việc kỷ niệm này mang ý nghĩa chúc mừng và khích lệ các đôi hôn nhân trong dịp kỷ niệm thành hôn và nhắc nhở các Kitô hữu nhìn lại để canh tân đời sống hôn nhân gia đình.
- Tên “Thánh Gia” ngoài việc đặt cho một số nhà thờ, còn được đặt cho một số hội dòng, trường đại họcvà bệnh viện …
https://vi.wikipedia.org/wiki/Thánh_Gia
Mời nghe các bài đọc trong thánh lễ hôm nay:
(Martha đọc)
Nghe hoặc Download Bài đọc 1 MP3 Tại đây
Bài đọc 1: St 15,1-6; 21,1-3
Một kẻ do chính ngươi sinh ra, mới thừa kế ngươi.
Lời Chúa trong sách Sáng Thế.
Hồi đó, có lời Đức Chúa phán với ông Áp-ram trong một thị kiến rằng: “Hỡi Áp-ram, đừng sợ, Ta là khiên che thuẫn đỡ cho ngươi; phần thưởng của ngươi sẽ rất lớn.” Ông Áp-ram thưa: “Lạy Đức Chúa là Chúa Thượng, Chúa sẽ ban cho con cái gì? Con ra đi mà không con cái, và người thừa tự gia đình con là Ê-li-e-de, một người Đa-mát.” Ông Áp-ram còn nói: “Chúa coi, Chúa không ban cho con một dòng dõi; và một gia nhân của con sẽ thừa kế con.” Và đây có lời Chúa phán với ông rằng: “Kẻ đó sẽ không thừa kế ngươi, nhưng một kẻ do chính ngươi sinh ra mới thừa kế ngươi.” Rồi Người đưa ông ra ngoài và phán: “Hãy ngước mắt lên trời, và thử đếm các vì sao, xem có đếm nổi không.” Người lại phán: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế đó!” Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức Chúa kể ông là người công chính… Đức Chúa viếng thăm bà Xa-ra như Người đã phán, và Người đã làm cho bà như Người đã hứa. Bà Xa-ra có thai và sinh cho ông Áp-ra-ham một con trai khi ông đã già, vào thời kỳ Thiên Chúa đã hứa. Và ông Áp-ra-ham đã đặt tên cho đứa con mà bà Xa-ra sinh ra cho ông, ông đặt tên là I-xa-ác. Đó là lời Chúa.
Nghe hoặc Download Bài đọc 2 MP3 Tại đây
Bài đọc 2: Dt 11, 8.11-12.17-19
Đức tin của ông Ápraham, của bà Xara và của ông Ixaác.
Lời Chúa trong thư gửi tín hữu Do-Thái.
Thưa anh em, nhờ đức tin, ông Áp-ra-ham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu… Nhờ đức tin, cả bà Xa-ra vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Bởi vậy, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được… Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Áp-ra-ham đã hiến tế I-xa-ác; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do I-xa-ác mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Áp-ra-ham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết chỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng. Đó là lời Chúa.
Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây
Tin Mừng: Lc 2,22-40
Hài Nhi ngày càng lớn lên, đầy khôn ngoan.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.
Khi đã đủ thời gian, đến ngày các ngài phải được thanh tẩy theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Và này đây, tại Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-on. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí dun dủi, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài. Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-on vừa nói về Người. Ông Si-mê-on chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en phải vấp ngã hay được chỗi dậy. Cháu còn là dấu hiệu bị người đời chống báng -còn chính bà, thì một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà-, ngõ hầu những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người phải lộ ra. Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-en, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem. Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi, ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa. Đó là lời Chúa.
Syméon reçut l’enfant dans ses bras, et il bénit Dieu en disant: «Maintenant, ô Maître souverain, tu peux laisser ton serviteur s’en aller en paix, selon ta parole. Car mes yeux ont vu le salut que tu préparais à la face des peuples: Lumière qui se révèle aux nations et donne gloire à ton peuple Israël.» Le père et la mère de l’enfant s’étonnaient de ce qui était dit de lui. (Lc 2,22-40)