Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật III Phục Sinh, C | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

305

CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Công Vụ Tông Đồ 5.27-32, 40-41;
Sách Khải Huyền 5.11-14
và Phúc Âm Thánh Gioan 21.1-19

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan

Sau đó, Đức Giê-su lại tỏ mình ra cho các môn đệ ở Biển Hồ Ti-bê-ri-a. Người tỏ mình ra như thế này. Ông Si-môn Phê-rô, ông Tô-ma gọi là Đi-đy-mô, ông Na-tha-na-en người Ca-na miền Ga-li-lê, các người con ông Dê-bê-đê và hai môn đệ khác nữa, tất cả đang ở với nhau. Ông Si-môn Phê-rô nói với các ông : “Tôi đi đánh cá đây.” Các ông đáp : “Chúng tôi cùng đi với anh.” Rồi mọi người ra đi, lên thuyền, nhưng đêm ấy họ không bắt được gì cả.

Khi trời đã sáng, Đức Giê-su đứng trên bãi biển, nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Đức Giê-su. Người nói với các ông : “Này các chú, không có gì ăn ư ?” Các ông trả lời : “Thưa không.” Người bảo các ông : “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá. Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô : “Chúa đó !” Vừa nghe nói “Chúa đó !”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.

Bước lên bờ, các ông nhìn thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giê-su bảo các ông : “Đem ít cá mới bắt được tới đây !” Ông Si-môn Phê-rô lên thuyền, rồi kéo lưới vào bờ. Lưới đầy những cá lớn, đếm được một trăm năm mươi ba con. Cá nhiều như vậy mà lưới không bị rách. Đức Giê-su nói : “Anh em đến mà ăn !” Không ai trong các môn đệ dám hỏi “Ông là ai ?”, vì các ông biết rằng đó là Chúa. Đức Giê-su đến, cầm lấy bánh trao cho các ông ; rồi cá, Người cũng làm như vậy. Đó là lần thứ ba Đức Giê-su tỏ mình ra cho các môn đệ, sau khi trỗi dậy từ cõi chết.

Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giê-su hỏi ông Si-môn Phê-rô : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông : “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói : “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba : “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không ?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần : “Anh có yêu mến Thầy không ?” Ông đáp : “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự ; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo : “Hãy chăm sóc chiên của Thầy. Thật, Thầy bảo thật cho anh biết : lúc còn trẻ, anh tự mình thắt lưng lấy, và đi đâu tuỳ ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” Người nói vậy, có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Thế rồi, Người bảo ông : “Hãy theo Thầy.” Đó là lời Chúa!  

Diễn ý:

Tông đồ rủ nhau đánh cá,
Vất vả suốt đêm mà chả được gì.
“Quăng lưới bên phải thuyền đi!”
Một mẻ cá lớn thôi thì hết can!

“Thầy đó!” Gioan bảo “y chang!”
Phêrô sốt nóng lội ngang vô bờ.
Bờ hồ vắng lặng như tờ,
Lửa đã nhóm sẵn chỉ chờ cá tươi.

Còn gì bằng nữa Thầy ơi!
Sống lại vinh hiển tuyệt vời lắm thay.
Phêrô con lại gần đây,
Thầy hỏi “con có yêu thầy lắm không?”

Phêrô dạ “CÓ” thật lòng,
Yêu Thầy con nhớ hết lòng vì chiên.
Chiên con, chiên mẹ, răn khuyên:
Yêu thương, chăm sóc, việc chuyên tông đồ. Amen. 

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Cũng trên biển hồ Galilê, Chúa đã cho Simon Phêrô đánh hai mẽ lưới đầy cá sau khi họ đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì. Hai mẽ lưới cá đều được lệnh quăng lưới bên phải mạn thuyền, tức theo lệnh Chúa.
  • Cũng trên biển hồ Galilê, Phêrô được Chúa Giêsu gọi: “Hãy theo ta, ta sẽ làm cho anh trở thành kẻ chài lưới người” trong lần đầu. Lần nầy, lần sau cùng, Phêrô được tra vấn ba lần “con có yêu mến thầy hơn những người nầy không?” và Phêrô được trao quyền thủ lãnh tối cao để chăn đắt đàn chiên Chúa.
  • Phêrô và các tông đồ thay đổi hoàn toàn, đã không còn sợ sệt nhưng đã mạnh dạn rao truyền lời Chúa, chữa lành bệnh tật và tuyên bố rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm!”
  • Phêrô và các tông đồ rất trung thành với sứ mạng rao truyền Lời Chúa và vui lòng chấp nhận mọi gian lao thử thách vì Chúa Giêsu Phục Sinh “Bấy giờ, họ cho gọi các Tông Đồ lại mà đánh đòn và cấm các ông không được nói đến danh Đức Giê-su, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Niềm vui là xả thân phục vụ Chúa và mang ơn cứu độ cho muôn dân.

II. Diễn giải liên quan Phúc Âm:

Quyền thủ lãnh tối cao được trao cho Phêrô: Đứng đầu các tông đồ và chăn dắt đoàn chiên Chúa tức toàn thể Giáo Hội được thực hành như thế nào trong Giáo Hội?

Nơi chốn lịch sử:

Nơi Chúa trao quyền thủ lãnh tối cao lãnh đạo Giáo Hội cho Phêrô gọi là Tabgha. Tabgha là một địa danh nằm phía Tây Bắc biển hồ Galilê. Theo truyền thống Kitô giáo, đây cũng chính là nơi Chúa đã làm phép lạ hoá bánh ra nhiều theo tường trình của Phúc Âm Thánh Matcô 6.30-46. Đây cũng chính là nơi mà Chúa Phục sinh đã hiện ra lần thứ ba, theo tường trình của Phúc Âm Gioan 21.1-24. Đây là lần hiện ra rất quan trọng: Chúa chất vấn Phêrô ba lần và trao quyền lãnh đạo tối cao cho Phêrô “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su nói với ông: “Hãy chăm sóc chiên con của Thầy.” Người lại hỏi: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” Người nói: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy.” Người hỏi lần thứ ba: “Này anh Si-môn, con ông Gio-an, anh có yêu mến Thầy không?” Ông Phê-rô buồn vì Người hỏi tới ba lần: “Anh có yêu mến Thầy không?” Ông đáp: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Đức Giê-su bảo: “Hãy chăm sóc chiên của Thầy.

https://img.locationscout.net/images/2019-03/church-of-the-primacy-of-saint-peter-israel_l.jpeg
“Nhà Thờ trao quyền tối cao cho Phêrô” (Church of the Primacy of Peter)

Ngày nay nơi đây có nhà thờ mang tên “Nhà Thờ trao quyền tối cao cho Phêrô” (Church of the Primacy of Peter) do quí linh mục dòng Phanxicô cai quản. Nhà thờ trao quyền tối cao cho Phêrô được xây dựng vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ tư. Sau nầy, năm 1938 được xây dựng cho phù hợp với ý nghĩa của Phúc Âm hơn: Nhà thờ bên bờ hồ và một vịnh nhỏ không cách xa nhà thờ mấy. Bên ngoài nhà thờ cạnh hướng ra biển hồ có thềm đá, chỉ nơi Chúa đứng để hỏi các tông đồ: “Chúng con có bắt được gì không?” Bên trong nhà thờ có chỗ gọi là Mensa Christi, tức nơi Chúa dọn ăn sáng cho các tông đồ. Phía trước nhà thờ có tượng Chúa trao quyền thủ lãnh cho Phêrô bằng đồng đen.

Là thủ lãnh tối cao, Phêrô có nhiệm vụ gì?

Phêrô phải là Kêpha, tức là Ðá. Chúa đã đổi tên Simon trong tiếng Do Thái sang Phêrô, có nghĩa là Đá và trên Đá Tảng Phêrô, Chúa thành lập Giáo Hội và “dù cho quỉ hoả ngục cũng không thắng nỗi!” Nên nhiệm vụ hàng đầu của Phêrô là đá tảng vững bền, xây nền Giáo Hội.

Phêrô có quyền cầm buộc: Trong Cựu Ước, sách Tiên Tri Isaia chương 22.19-22 nói về việc Chúa truất phế Sepna và trao quyền cho Enzakim “ Chìa khóa nhà Ðavít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được; nó đóng lại thì không ai mở được” Nên trong Cựu Ước cũng như tân Ước, chìa khoá tượng trưng cho thần quyền tức quyền của Chúa. Chúa trao chìa khoá tức trao quyền để ngưởi được trao quyền thì hành thần quyền nhân danh Thiên chúa.

Phêrô phải là mục tử nhân hậu: Trong Cựu Ước, Môisen, Đavít là những lãnh tụ, nhưng họ từng là những mục tử, những người chăn chiên, những người đi theo bầy đàn của mình: Biết chiên, lo cho chiên, dẫn chiên đến dồng cỏ xanh, đến suối nước trong, đến nơi nghỉ ngơi bổ dưỡng (Thánh Vịnh 23) Chủ chiên đi tìm chiên lạc. Chủ chiên phải hy sinh mạng sống vì đàn chiên. Phêrô được trao quyền thủ lãnh, tức quyền mục tử, chăm lo, chăn dắt và mang phúc lợi cho đàn chiên Chúa.

Các Giáo Hoàng kế vị Giáo Hoàng Phêrô làm Giám Mục Rôma và thi hành quyền thủ lãnh tối cao trên toàn thể Giáo Hội. Các Giám Mục kế vị các Thánh Tồng Đồ thi hành quyền thủ lãnh tối cao trên Giáo Hội địa phương mình được trao phó trong hiệp thông với Giám Mục Đoàn.

Tên gọi Phêrô: Phêrô nguyên là Simon trong tiếng Do Thái. Sau khi tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Như trong Matthêô 16.16-19.

Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.”

Phêrô trong tiếng Việt phiên âm từ Petrus trong tiếng Latinh hay Kepha hay Cephas hay Petros trong Hy Lạp hay Peter trong tiếng Anh hay Pierre trong tiếng Pháp… Tất cả cùng nghĩa là “đá”.

Danh xưng Giáo Hoàng: Giáo Hoàng có nghĩa là Ông Vua của một tôn giáo – Lối dịch không chính xác về ngữ pháp nhưng thiên về tình cảm theo kiểu tâng bốc. Nó na ná như những từ thiếu chính xác như “Đức Ông hay Ông Bà Cố”…. vẫn được dùng hàng ngày trong sinh hoạt của người Công Giáo Việt Nam.

Từ “Giáo Hoàng” phát xuất từ tiếng Latinh là Papa, có nghĩa là Cha. Chắc chắn không có từ Papa để chỉ Thánh Phêrô, Giáo Hoàng tiên khởi trong Kinh Thánh. Nhưng người Công giáo Đông Phương từ xưa dùng từ Papa để gọi các Giám Mục và Linh mục trong Giáo Hội của họ. Nên xem chừng nếu chúng ta dùng từ Đức Thánh Cha – Sanctus Pater – Holy Father đúng hơn là Giáo Hoàng. Đối với Cha Huỳnh Trụ từ “Đức Giáo Tông” có nghĩa là Vị Tông Đồ Chúa lãnh đạo Giáo Hội trần thế, rất thích hợp với vai trò của Vị thay mặt Chúa Kitô ở trần gian.

  • Trong danh sách các tông đồ được Chúa chọn, Phêrô đứng đầu danh sách (Matthêô 10:1-4, Marcô 3:16-19, Luca 6:14-16, TĐCV 1:13).
  • Phêrô luôn trong số cận thân nhất với Chúa như trong Luca 9:32.
  • Phêrô thường lên tiếng đại diện cho các tông đồ như trong Matthêô 18:21, Marcô 8:29, Luca 12:41, Gioan 6:69, TĐCV 4:1-13, 2:37-41, 5:15.
  • Phêrô huấn dụ các tông đồ khác như trong Thư I Phêrô 5:1.
  • Phêrô luôn có mặt trong những giờ phút nghiêm trọng như trong Matthêô 14:28-32, 17:24; Marcô 10:28.
  • Phêrô là người đầu tiên rao giảng Tin Mừng trong ngày lễ Ngũ Tuần như trong TĐCV. 2:14-40.
  • Phêrô cũng là người đầu tiên rao giảng tin mừng và chữa lành bệnh tật tại Giêrusalem TĐCV. 3:6-7.
  • Phêrô là người duy nhất được Chúa Giêsu Phục Sinh trao quyền lãnh đạo Giáo Hội và củng cố đức tin anh em mình, như trong Phúc Âm Gioan 21:15-17 và trong Luca 22:31-32.

III. Thực hành Phúc Âm:

Phục Sinh có nghĩa là sống cuộc đời mới. Thường chúng ta cử hành long trọng Lễ Phục Sinh, tức mừng Chúa sống lại và chúng ta thấy phục sinh xem chừng như là chuyện của Chúa, không có gì ám hạp trong cuộc sống trần thế của chúng ta.

Không! Chúng ta là những người theo Chúa. Theo Chúa có nghĩa là chúng ta làm đúng y chang những gì Chúa làm: Chúa sinh ra, Chúa rao giảng Tin Mừng, Chúa bị hành hình, bị giết chết và sống lại. Chúng ta cũng được sinh ra và đi theo dấu chân Chúa. Nghĩa là có chết và có Phục Sinh.

Chúa phục sinh không tìm hiểu xem ai đã đánh vả, ai đã khạc nhổ vào mặt Chúa? Ai đã lớn tiếng to họng la rằng “đóng đinh nó vào thập giá! Đóng đinh nó vào thập giá!” Ai đã lấy giáo đâm thủng cạnh sườn… Chúa Phục Sinh không tìm hiểu hay phanh phui cho ra lẽ là ai đã làm chuyện đó. Tất cả đã là quá khứ. Hiện tại là sự sống mới sau Phục Sinh, là cuộc đời mới mang tin mừng Phục Sinh và cứu độ cho nhân trần, là “hãy đi khắp nơi rao giảng tin mừng sám hối, mang hy vọng phục sinh cho muôn người!”

Hãy phục sinh thật sự! hãy quên quá khứ lầm than cơ cực và bị ngược đãi! Hãy tha thứ và làm lại cuộc đời, cuộc đời đầy yêu thương, hy vọng và tích cực xây dựng. Chấm dứt chuyện phanh phui cho ra lẽ trắng đen… nhưng tốt hơn hãy mở tiệc mừng cho sự sống mới đang nẩy mầm.

Người Việt nam tỵ nạn khi có dịp ngồi lại với nhau cũng hay mang chuyện bị đói khổ, ngược đãi hay cướp bóc ngày xưa trên đường tìm tự do. Cũng là chuyện ôn cố tri tân. Tuy nhiên, đã qua rồi! Không ích lợi gì chuyện làm sống lại quá khứ! Hãy nhìn quá khứ đau buồn đó như cơ hội để làm lại cuộc đời. Thật vậy! Biết bao nhiêu người đã thành công, đã không những có tương lai tươi sáng cho mình mà còn có cơ hội để giúp gia đình, làng xóm và quê hương Việt Nam. Hãy thực sự phục sinh! Hãy làm lại cuộc đời với niềm vui và hy vọng. Amen.