Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

911

CHÚA NHẬT LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

Sách Xuất Hành 24.3-8;
Thư Thứ I Thánh Phaolô gửi tín hữu Corintô 9. 11-15
và Phúc Âm Thánh Marcô 14. 12-16, 22-26

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Bài trích Phúc Âm theo Thánh Marcô
Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: “Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?” Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: “Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: ‘Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?’ Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó”. Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua. Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa”. Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu. Đó là Lời Chúa. 

Diễn ý:

Trong khi ăn bữa tiệc ly,
Chúa dùng rượu bánh thực thi ước nguyền.
Nầy là Mình Ta! Chúa truyền,
Nầy là Máu Ta, tinh tuyền hy tế.

Lương thực thần thiêng nhân thế,
Hãy làm việc nầy hiến tế tình yêu.
Yêu là cống hiến toàn thiêu,
Yêu là thành một tan tiêu chung hòa.

Rồi đây vấp ngã cả nhà,
Chủ chiên bị giết bầy đàn tiêu tan.
Phêrô lớn tiếng hiên ngang:
Con đây một dạ chứa chan ân tình.

Nhưng rồi chối bỏ Thầy mình,
Tôi nào biết Ổng! bạc tình đổi thay.
Gian trần mặn ngọt chua cay,
Rước Mình Máu Chúa phúc thay lữ hành. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

  • Thịt Máu Chúa Giêsu là bánh hằng sống. Ai ăn Thịt Máu Chúa sẽ sống muôn đời.
  • Thịt Máu Chúa Giêsu thật là của ăn của uống cho nhân loại.
  • Ai ăn và uống Mình Máu Chúa là làm cho Chúa lưu ngụ trong họ.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:

Phân biệt từ ngữ liên quan:

  • Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa – The most Holy Body and Blood of Christ – Corpus Christi – tức thánh lễ biệt kính Mình Máu Thánh Chúa. Thật sự, Thánh Lễ nào cũng là việc cử hành phụng vụ thánh để nghe Lời Chúa và rước Mình Máu Thánh Chúa, nhưng Giáo Hội dành riêng một thánh lễ Chúa Nhật để biệt kính Mình Máu Thánh Chúa.
  • Thánh Lễ – Mass hay Eucharist – Phụng vụ cử hành bí tích Thánh Thể trong đó có phần Phụng Vụ Lời Chúa và phần Phụng Vụ Thánh Thể, linh mục đọc lời truyền phép để biến bánh và rượu thành Mình máu Chúa và những ai có đủ điều kiện được nhận lãnh Mình Máu Thánh Chúa.
  • Mình Thánh Chúa – Body of Christ hay Blessed Sacrament – chỉ Mình Thánh Chúa được giữ nơi nhà Chầu trong nhà thờ và có đèn chầu bên cạnh.
  • Bí tích Thánh Thể hay Bí Tích Mình Thánh Chúa hay phép Thánh Thể – Eucharist dùng để nói lên một trong Bảy Bí tích mà Chúa Giêsu thiết lập. Bí tích Thánh Thể là cao điểm của phụng vụ tế tự, vì chúng ta nhận lãnh các bí tích khác để được rước lễ, tức rước lấy Mình Thánh Chúa. Thí dụ: Rửa tội để sạch tội, gia nhập Giáo Hội và rước lễ. Xưng tội để rước lễ cho xứng đáng…
  • Chay Thánh Thể – Eucharistic fast, tức giữ luật kiêng ăn uống trước một tiếng đồng hồ.
  • Bánh Thánh – Eucharistic Bread hay Holy Bread hay Sacred Host – Mình Thánh Chúa – bánh sau khi đã truyền phép.
  • Bánh lễ – Altar Bread or Sacramental bread – Host: Bánh dành để dâng lễ, chưa được truyền phép.
  • Kinh nguyện Thánh Thể – Eucharistic Prayer – Cũng gọi là Lễ quy – phần dành riêng cho linh mục.
  • Tiệc Thánh Thể – Eucharistic meal or Eucharistic banquet – Có ví Thánh Lễ như bữa tiệc, Chúa thiết đãi chúng ta bằng chính mình máu Ngài.
  • Sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể – Eucharistic presence – Chúa thật sự hiện diện sau Lời truyền phép, bản thể bánh chuyển sang bản thể Chúa, dù tùy thể vẫn là bánh.
  • Hy tế – Eucharistic Sacrifice – Thánh Lễ là hy lễ – Chúa tế hiến chính mình để tôn thờ Thiên Chúa Cha và mang phần phúc cho nhân loại.
  • Hình thái Thánh Thể – Eucharistic Species – Có ý nói hình bánh và hình rượu.
    Rước lễ dưới hai hình bánh và rượu: Communion receiving under both species.
  • Lễ phục – Eucharistic Vestments: Gồm có áo trắng dài tức áo alba, dây stola và áo lễ – Chasuble. 

Linh mục có buộc mặc áo lễ phục khi dâng lễ không?

Phẩm phục cử hành lễ nghi tế tự đã có ngay từ trong Cựu Ước. Trong Tân Ước, thời Giáo Hội sơ khai, Thánh Giêrônimô (347-420) đã dạy rằng: Người làm bổn phận tế tự phải mặc phẩm phục thánh. Khoảng năm 800, qui luật phụng vụ buộc giáo sĩ cử hành phụng vụ thánh lễ phải mặc phẩm phục gần giống như thời trước Công Đồng Vatican II. Ngày nay, mặc phẩm phục khi cử hành thánh lễ là luật buộc được qui định trong qui chế tổng quát số 335 như sau: Phẩm phục trong thánh lễ có hai mục đích: Chỉ rõ nhiệm vụ của mỗi thành phần khi tham dự phụng vụ và đồng thời cho nghi lễ ý nghĩa tế tự đúng nghĩa. Nên mặc áo lễ là việc không có miễn trừ khi dâng lễ trong trường hợp bình thường.

Quy chế tổng quát Sách lễ Rôma số 209 nói: “Các vị đồng tế mặc lễ phục nơi phòng thánh hay một nơi khác xứng hợp, như thường mặc khi làm lễ một mình. Tuy nhiên khi có lý do chính đáng, chẳng hạn: Đông số đồng tế quá mà thiếu lễ phục, thì các vị đồng tế, luôn luôn trừ vị chủ tế, có thể bỏ áo lễ, chỉ mang dây stola trên áo alba”.

Huấn thị Redemptionis Sacramentum số 124 cũng qui định: “Ngoại trừ vị chủ tế phải luôn luôn mặc áo lễ theo màu ấn định, Sách Lễ Rôma cho quyền các linh mục đồng tế trong Thánh Lễ “khỏi mặc áo lễ, mà chỉ mang dây stola trên áo alba”, trước một lý do chính đáng, ví dụ như số các vị đồng tế quá đông và không có đủ lễ phục. Nhưng mà, nếu người ta có thể tiên liệu một trường hợp như thế, phải cố gắng hết sức cho có đủ lễ phục. Ngoại trừ vị chủ tế, các vị đồng tế có thể, khi cần, mặc áo lễ màu trắng nữa. Về phần còn lại, các ngài phải tuân thủ các quy tắc khác của những sách phụng vụ”.

Điều này nói rõ rằng thật là thích hợp hơn khi mọi vị đồng tế mang áo lễ, và nên mang áo lễ màu trắng chứ không theo màu của ngày ấy. Nếu không có đủ áo lễ màu trắng, thì có thể mang dây stola theo đúng màu của ngày hôm đó. Nếu dây stola cùng màu cũng không đủ cho các vị, các vị nên dùng dây stola màu trắng.

III. Thực hành Phúc Âm:

Nghĩ đến người khác:
Người Việt Nam hay nói: Qua cầu rút ván hay qua sông rút cầu hay chết sống mặc bay!

Thảm cảnh ích kỷ nầy diễn ra hằng ngày trong xã hội ngày nay, nhất là xã hội Việt Nam mình: Thịt bò lâu ngày sình thúi được cho vào nước hoá chất, tức thì đỏ ối như thịt mới xẻ. Những sợi mì, hủ tiếu hay bánh phở… nhiều khi được làm bằng nylon. Những quả trái cây tươi ngon chín mọng bỗng dưng ruột thúi… bỡ rời… Không kể ra hết những kỷ thuật gian xảo qua cầu rút ván nầy.

Người ta đổ thừa là phải kiếm sống! Lương tâm không bằng lương thực… không giành không giựt chỉ đi ăn chực mà sống.

Định luật sinh tồn quá mạnh, khống chế sinh hoạt xã hội và giết chết lòng nhân.

Thành lập bí tích Thánh Thể là một phản đề của hành động ích kỷ qua cầu rút ván. Chúa nghĩ đến sự sống thiêng liêng của con người. Chúa nghĩ đến một trợ lực cho con người trên đường dương thế. Thật vậy: An ủi biết bao và bình an biết bao khi được tham dự thánh lễ và rước Mình Máu Thánh Chúa. Sinh hoạt của xã hội đã làm mọc lên vô số hàng quán. Ở Sài Gòn, có rất nhiều quán ăn dọc dài hai bên đường phố. Người ta hỏi: Bán cho ai? Tuy nhiên, dường như không có quán nào ế cả, những quán càfé văn phòng đầy những bạn trẻ, những quày bia rượu đông người chè chén say sưa…

Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và Thánh Lễ như một bữa tiệc miễn phí mang ích lợi cho đời sống chúng ta. Chúng ta được mời tới để thưởng thức bánh hằng sống: Mình và Máu Chúa. Chúng ta được mời đến để đồng bàn với Chúa và anh chị em khác. Cùng một lương thực. Cùng một bàn ăn… Tất cả làm chúng ta thành gia đình có Chúa là Cha và chúng ta là anh chị em của nhau. Đừng bao giờ bỏ tham dự Thánh lễ Chúa Nhật và rước Mình Máu Thánh Chúa. Chúng ta cần lương thực trên đường lữ hành. Chúa nghĩ đến ta và đang chờ ta. Hãy đến với Chúa!