Bài giảng Chúa Nhật 4 Mùa Chay năm C

1173

Hoang đàng làm tàng đi hoang,
Chăn heo, đói khổ, lầm than kêu trời.
Làm người, sinh sống trên đời,
Cố dành ít phút đọc lời trường sinh.
Cầu chúc.

Bài giảng Chúa Nhật IV Mùa Chay năm C được gửi dưới dạng:

1. Video

Thơ diễn ý:

Con Út đòi chia gia tài,
Túm lấy tất cả đi xài phương xa.
Rượu chè đàng diếm tiêu pha,
Hết tiền, đói khổ, bôn ba xứ người.

Đem thân làm mướn khổ đời,
Chăn heo cám lợn ấy thời thức ăn.
So sánh sao quá tủi thân,
Nhà Cha, đầy tớ cơm ăn dư thừa.

Cha ơi! Con quyết xin chừa:
Quay về  xin lỗi mong vừa lòng Cha.
Cha già trông ngóng ngày qua,
Thằng Út mãi tận đàng xa quay về.

Ôm hôn quên hết vấn đề,
Bỏ nhà, phá của, chẳng hề gì đâu.
Ngày nầy Cha đợi đã lâu,
Con về con sống quí châu ngàn vàng. Amen.

CHÚA NHẬT IV MÙA CHAY NĂM C
Sách Giôsuê 5, 9a, 10-12;
Thư II Thánh Phaolô gửi Côrintô II Cor.5,17-21
và Phúc  Âm Luca 15, 1- 3, 11-32

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Các người thu thuế và các người tội lỗi đều lui tới với Đức Giê-su để nghe Người giảng. Những người Pha-ri-sêu và các kinh sư bèn xầm xì với nhau : “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng.” Đức Giê-su mới kể cho họ dụ ngôn này : Rồi Đức Giê-su nói tiếp : “Một người kia có hai con trai. Người con thứ nói với cha rằng : ‘Thưa cha, xin cho con phần tài sản con được hưởng.’ Và người cha đã chia của cải cho hai con. Ít ngày sau, người con thứ thu góp tất cả rồi trẩy đi phương xa. Ở đó anh ta sống phóng đãng, phung phí tài sản của mình.

“Khi anh ta đã ăn tiêu hết sạch, thì lại xảy ra trong vùng ấy một nạn đói khủng khiếp. Và anh ta bắt đầu lâm cảnh túng thiếu, nên phải đi ở đợ cho một người dân trong vùng; người này sai anh ta ra đồng chăn heo. Anh ta ao ước lấy đậu muồng heo ăn mà nhét cho đầy bụng, nhưng chẳng ai cho. Bấy giờ anh ta hồi tâm và tự nhủ : ‘Biết bao nhiêu người làm công cho cha ta được cơm dư gạo thừa, mà ta ở đây lại chết đói ! Thôi, ta đứng lên, đi về cùng cha và thưa với người : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa. Xin coi con như một người làm công cho cha vậy.’ Thế rồi anh ta đứng lên đi về cùng cha.  “Anh ta còn ở đằng xa, thì người cha đã trông thấy. Ông chạnh lòng thương, chạy ra ôm cổ anh ta và hôn lấy hôn để. Bấy giờ người con nói rằng : ‘Thưa cha, con thật đắc tội với Trời và với cha, chẳng còn đáng gọi là con cha nữa…’ Nhưng người cha liền bảo các đầy tớ rằng : ‘Mau đem áo đẹp nhất ra đây mặc cho cậu, xỏ nhẫn vào ngón tay, xỏ dép vào chân cậu, rồi đi bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để chúng ta mở tiệc ăn mừng ! Vì con ta đây đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy.’ Và họ bắt đầu ăn mừng. “Lúc ấy người con cả của ông đang ở ngoài đồng. Khi anh ta về gần đến nhà, nghe thấy tiếng đàn ca nhảy múa, liền gọi một người đầy tớ ra mà hỏi xem có chuyện gì. Người ấy trả lời : ‘Em cậu đã về, và cha cậu đã làm thịt con bê béo, vì gặp lại cậu ấy mạnh khoẻ.’ Người anh cả liền nổi giận và không chịu vào nhà. Nhưng cha cậu ra năn nỉ. Cậu trả lời cha : ‘Cha coi, đã bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh, thế mà chưa bao giờ cha cho lấy được một con dê con để con ăn mừng với bạn bè. Còn thằng con của cha đó, sau khi đã nuốt hết của cải của cha với bọn điếm, nay trở về, thì cha lại giết bê béo ăn mừng !’

“Nhưng người cha nói với anh ta : ‘Con à, lúc nào con cũng ở với cha, tất cả những gì của cha đều là của con. Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy.'”

Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

  1. Thiên Chúa là Đấng Cứu Độ và hay tha thứ.
  2. Tội lỗi là bất hạnh, là xa rời tình thương Chúa như người con hoang bỏ nhà ra đi.
  3. Tội lỗi đưa con người vào cảnh đói khổ, rách rưới, nô lệ và bị bỏ rơi cô đơn trần trụi.
  4. Sám hối có nghĩa là quay về với Chúa là Cha. Chỉ có nơi Chúa, nơi nhà Cha mới có tình thương, có hạnh phúc và có tương lai. Đứa con hoang được vui mừng đón nhận, phục hồi quyền làm con: đeo nhẫn, mang giày mới và tương lai thừa kế gia sản.
  5. Ai cũng có tội. Ai cũng có lúc bỏ nhà Cha và đi hoang. Xin luôn nhớ: Không có ai bằng Chúa, không đâu bằng nhà Cha mình. Nơi Chúa, nơi nhà Cha, người ta được hưởng tình yêu thương và tương lai được thừa hưởng hạnh phúc thiên đàng.


II. Dẫn giải Phúc Âm:

1. “Những người thu thuế và những người tội lỗi thường đến gần Chúa Giêsu mà nghe Người” Họ như thế nào trong xã hội? Tại sao Chúa lại thích gần gũi với họ? 

Phúc Âm hôm nay nói: “Những người thu thuế và những người tội lỗi” coi như là một hạng người. Hay nói khác đi: Thu thuế là tội lỗi. Chúng ta cũng thấy rõ cái nhìn nầy nơi Phúc Âm Luca 18:9-14 tường thuật câu chuyện người Pharisêu công chính và người thu thuế tội lỗi lên đến thờ cầu nguyện. Nhìn nhận mình là tội nhân nến người thu thuế đứng cuối nhà thờ âm thầm cầu nguyện, đấm ngực xin ơn tha tội. Còn người Pharisêu tự cho mình là công chính, đứng giữa nhà thờ lớn tiếng kể công và đòi phần thưởng.

Luca 5.27-32 thuật lại câu chuyện chúa kêu gọi Lêvi đang hành nghề thu thuế. Ông bỏ mọi sự, mời Chúa về nhà dùng bữa và theo làm tông đồ Chúa. Matthêu, Tông Đồ và thánh sử. Luca chương 19 tường thuật chuyện Ông Giakêu, viên thu thuế giàu có, tò mò leo lên cây cao để nhìn trộm Chúa. Chúa phát hiện, đến trọ ở nhà Ông. Ông tự nguyện phân phát của cải cho người nghèo và đền bù cân xứng cho những ai bị bóc lột. Chúa đã tuyên bố “Ơn cứu độ đã đến với nhà nầy” Phúc Âm cũng không quên tường thuật chi tiết là người Do Thái sầm xì vì Chúa đến dùng bữa nơi nhà người thu thuế tội lỗi như Lêvi và Giakêu. Đối với họ, “thật chướng mắt vì Chúa đồng bàn với phường tội lỗi!”

Nhưng Chúa Giêsu lại thích qua lại và làm bạn với những người bị coi là tội lỗi. Vì đó là sứ mệnh của Chúa Giêsu:

Chúa  được sai đến với chiên lạc nhà Israel như trong Phúc Âm Matthêu 15, 24.

Chúa  đến để kêu gọi người tội lỗi chứ không phải người công chính như trong Luca 5, 32 và trong Phúc Âm Gioan 3,17.

Chúa như người chủ chiên nhân hậu sẵn sàng bỏ 99 con chiên không lạc để băng rừng vuợt suối tìm cho được con chiên lạc và khi tìm được thì vác trên vai … như trong Matthêô 18:12-14 và Luca 15:3-7.

Những người tội lỗi, thu thuế và đỉ điếm… nếu biết sám hối sẽ vào Nước Thiên Chúa trước những người tự cho mình là công chính hay tự hào mình thuộc dòng dõi Abraham như trong Matthêô 21:28-32 hay trong Matthêô 7, 21.

Những thợ làm vườn nho cũ bất trung và sát nhân đã bị thay thế bằng dân tộc mới, dân của thời đại Tân Ước như trong Luca 20, 9-19.

Mọi người được kêu gọi vào dự tiệc cưới, được mời gọi chung hưởng hạnh phúc nước trời trong Luca 14,12-24.

2. Chúa không có phái tính nhưng lại hay so sánh Chúa với Cha mà thôi? 

Người ta đếm được tới 37 dụ ngôn trong Tân Ước được Chúa Giêsu dùng để diễn đạt chân lý đức tin hay luân lý mà Chúa muốn truyển đạt cho dân chúng thời bấy giờ. Phúc âm nói rõ là dân chúng hiểu chúa nhắm ai trong dụ ngôn Chúa kể. Trong dụ ngôn những tá điền bất trung, Mt 21:33-46; Mk 12:1-12; Lk 20:9-19, người Biệt Phái hiểu là Chúa muốn chỉ trích họ.

Dụ ngôn con trai hoang đàng không là chuyện thật. Sự  thật mà Chúa muốn trình bày qua dụ ngôn là Thiên Chúa nhân hậu và giàu lòng thương xót. Chúa như  Cha Mẹ luôn muốn điều tốt đẹp cho con mình, sẵn sàng tha thứ và trả lại cho con mình những gì đã bị mất mát do lỡ dại đi hoang hay do sa ngã phạm tội. Câu nói “Chúa như Cha Mẹ” không có ý xác định Chúa là cặp vợ chồng có phái tính nam và nữ. Khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người con trai hoang đàng và người Cha nhân hậu, không có nghĩa là Chúa phớt lờ vai trò của người Mẹ. Nhưng đây là cảnh mà người ta thấy xảy ra trong cuộc sống: Người Cha là chủ gia đình, điều khiển gia đình và có trách nhiệm tạo lập gia sản và phân chia gia sản cho con cái. Đương nhiên có vai trò của người Mẹ, của phụ nữ, nhưng rất mờ nhạt theo phong tục thời bấy giờ. Thí dụ Phúc Âm Marcô 6, 34-44 nói: Chúa hoá bánh ra nhiều nuôi năm ngàn người ăn no, không kể đàn bà và trẻ con.

Người Do Thái thời Chúa Giêsu, sống dưới ách đô hộ của đế quốc La Mã, chắc chắn họ không tránh khỏi ảnh hưởng của văn hoá và tập tục Roma. Người La Mã nỗi tiếng về trật tự xã hội và quyền lãnh đạo. Quyền tối thượng của đế quốc là nơi hoàng đế La Mã. Quyền tối thượng trong mỗi gia đình là nơi người Cha gọi là paterfamilias và người Cha có quyền tề gia, gọi là Patria potestas. Chỉ có người Cha là gương mặt nỗi bật trong mỗi gia đình. Ông có toàn quyền xếp đặt việc học, việc làm, việc cưới hỏi và việc thừa hưởng gia sản cho con cái ông. Vai trò người phụ nữ hoàn mờ nhạt. Phụ nữ thời ấy sống trong âm thầm và tùng phục.

So sánh Chúa như người Cha nhân hậu hay gọi Chúa là  Cha như trong Kinh Lạy Cha, hay Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây dầu, nói “Xin Cha cất chén đắng nầy xa con…” hay trong cơn hấp hối trên cây Thánh Giá, Chúa thều thào “Cha ơi, sao Cha bỏ con…” Tất cả là Cha chứ không có mẹ.  Dù gọi Thiên Chúa Cha là Cha, nhưng Chúa Giêsu không có ý nói Cha mình là đàn ông. Vả lại Thiên Chúa vô hình thì làm sao có phái tính? Chúng ta là những người theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu gọi Thiên Chúa là Cha và dạy chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Cha. Chúng ta không có cách chọn lựa nào khác. Nên sẽ rất sai lầm khi có người cầu nguyện “Lạy Cha Mẹ chúng con ở trrên trời…” để gọi là bốc thơm phụ nữ trong xã hội Lady First nầy.

Dụ ngôn là chuyện không có thật, nhưng gần với cuộc sống, được dùng để diễn đạt một chân lý tôn giáo có thật. Từ thời đó cho tới nay ai cũng hiểu dụ ngôn người con hoang đàng và người Cha nhân hậu theo lối dùng dụ ngôn của Chúa Giêsu. Nên nếu chúng ta để cập đến phái tính tức phải có cả Cha lẫn mẹ thì sẽ là hình ảnh rất xa lạ với cuộc sống thời ấy. Nếu thế, Phúc Âm sẽ phải nói là: Xin Cha Mẹ chia gia tài cho con… thì sẽ thành chuyện không thể có trong cuộc sống thời đó. Cũng như Chúa phải dùng dụ ngôn con trai hoang đàng chứ không thể có dụ ngôn con gái hoang đàng. Vì không thể có chuyện con gái đi hoang trong xã hội thời bấy giờ.

III. Thực hành Phúc Âm:

Lòng nhân ái và tình thương tha thứ có sức chinh phục người khác.

Tại sao người con hoang quay về với Cha già?

Vì  đói khát, đau khổ, bất hạnh… hay vì lòng nhân hậu vô bờ bến của người Cha?

Đến Roma, đứng ở quảng trường Thánh Phêrô đối diện với đến thờ, chúng ta thấy gần bên tay phải khoảng giữa giữa có một viên gạch vuông khác màu so với những đá lót khác. Người ta đánh dấu nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị Ahmed Ali Agca bắn trọng thương ngày 13.5.1981. Viên đạn quyết tử, nhắm tim, nhưng Ali tránh đứa bé gái mà ĐGH vừa bế lên, nên Ngài còn sống. Viên đạn đó đã được mang đặt ở nhà chầu, trước Vương Cung Thánh Đường Fatima, bên cây sối to, nơi Đức Mẹ hiện ra cho 3 trẻ: Lucia, Jacinta và Phanxicô năm 1917. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã vào tận nhà tù của thăm Ali. Ngài hoàn toàn tha thứ. Ali bị cảm hoá bời lòng nhân hậu của Đức Giáo Hoàng. Hay tin Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô mất ngày mất 2 tháng 4 năm 2005, anh đã xin đi dự lễ an táng Ngài.

Đơn xin không được chấp thuận, nhưng lòng anh đã khắc sâu hình ảnh con người nhân hậu đã sẵn sàng tha thứ cho người ám sát mình. Lòng nhân hậu  được ghi nhớ muôn  đời.

Tháng 2 năm 2000, ĐGH Gioan Phaolô II đi hành hương thánh địa Do Thái. Một người đàn bà Do Thái tên Edith Wier đã đến xin diện kiến Đức Thánh Cha và tường thuật cho cả thế giới về lòng nhân hậu của một linh mục trẻ, tên Karol Voitija: Gần 50 mươi năm trước, bà còn là một thiếu nữ trẻ vừa được thả khỏi trại giam của Đức Quốc Xã trên đất Ba Lan gần giáo xứ của Cha Karol Voitija. Bị giam lâu ngày, khi được thả ra, bà đói lã ngã gục trên đường rời trại. Bỗng có một linh mục trẻ, tướng cao và đẹp trai xuát hiện. Linh mục mang cho cô bé nầy bánh, nước và khăn lau. Sau đó vị linh mục đã cõng cô bé gái trên lưng, vượt hơn 3 cây số đến trạm xe lửa để cô ta có thể trở vế nguyên quán. Gần cả đời mình, bà Edith vẫn nhớ hình ảnh giàu lòng thương xót và từ tâm của linh mục Karol. Bà đã được gặp lại vị ân nhân từ tâm. Bà đã toại nguyện khi được ca ngợi lòng nhân hậu của Đức Thánh Cha cho cả thế giới biết.

Lòng nhân hậu và tình yêu thương tha thứ là lời kêu gọi mạnh nhất  để hoán cải, để quay về nhà Cha. Chúng ta quên nhiều chuyện, nhưng thường chúng ta khó quên những ánh mắt nhân hậu, những con người giàu lòng thương xót và từ tâm. Hay quay lại với Chúa là Đấng nhân hậu và hãy làm cho người khác nhớ đến mình vì mình nhân hậu và từ tâm.

2. Bản văn đính kèm | Download File Word