Bài giảng Chúa Nhật 19 Quanh Năm C

1074

Thơ diễn ý:

Hãy lo thắt lưng cho gọn
Giống như đầy tớ sửa soạn đón chào.
Chủ nhà không biết lúc nào,
Đáo gia tiệc cưới trễ vào nửa đêm.

Chủ thấy tớ vậy quá êm!
Khen thưởng thăng chức cho thêm bạc tiền.
Đầy tớ làm biếng biết liền,
Lơ là chễnh mãng chủ xiềng ăn roi.

Đời sống ngẫm nghĩ mà coi,
Sinh lão bệnh tử loi ngoi hết đời.
Con ơi xin nhớ lấy lời:
Thu công tích đức! Chủ mời vui chung.

Dọn mình, sạch tội ung dung,
Đừng nghĩ ta khoẻ đang sung đây mà!
Thần chết ngay ở cửa nhà,
Khôn ngoan chuẩn bị nhận quà trường sinh.
Amen.

1. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XIX QUANH NĂM

Sách Khôn Ngoan 18. 6-9;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Do Thái 11.1-2.8-19
và Phúc Âm Thánh Luca 12. 32-48

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

“Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha anh em đã vui lòng ban Nước của Người cho anh em. “Hãy bán tài sản của mình đi mà bố thí. Hãy sắm lấy những túi tiền không hề cũ rách, một kho tàng không thể hao hụt ở trên trời, nơi kẻ trộm không bén mảng, mối mọt không đục phá. Vì kho tàng của anh em ở đâu, thì lòng anh em ở đó.

“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: Nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.” Bấy giờ ông Phê-rô hỏi: “Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?” Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín, khôn ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo đúng giờ đúng lúc? Khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy, thì thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta lên coi sóc tất cả tài sản của mình. Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: ‘Chủ ta còn lâu mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.

“Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Muốn đạt hạnh phúc nước trời, chúng ta phải luôn trong tư thế sẳn sàng, bằng cách:

Bán gia sản và đem làm phúc bố thí để mua sắm kho tàng không hư nát trên thiên đàng.

Trung thành với đức tin vào Thiên Chúa duy nhất như người tôi tớ trung thành chong đèn sáng thức đêm chờ đợi mở cửa cho chủ đi ăn cưới về.

Ai cũng muốn có nước thiên đàng làm sản nghiệp.

Lời nhắn nhủ phải sẳn sàng luôn dành cho tất cả mọi người.

Đặc biệt cho tông đồ Chúa và những người lãnh đạo: Bản thân họ phải sẳn sàng và còn giúp cho người khác sẵn sàng để chở đón Chúa.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

1. Ngày giờ Chúa đến là gì? Tại sao Chúa không cho biết đích xác ngày giờ Chúa đến để chúng ta chuẩn bị đón Ngài cho chu đáo?

Ngày giờ Chúa đến là ngày giờ chết của mỗi người chúng ta. Phúc Âm hôm nay nhắn nhủ rằng: Ngày giờ chết của chúng ta đến bất ngờ như người chủ trở về nhà sau tiệc cưới hay như tên trộm đến đào ngạch khoét vách ban đêm.

Tự bản chất của dụ ngôn: chủ nhà về sau khi đi ăn cưới hay kẻ trộm đến ban đêm đều là những sự việc bất ngờ. Tuy nhiên trên thực tế chúng ta biết hay dự đoán được khoảng thời gian nào chúng ta có thể chết, cũng giống như đầy tờ biết đêm nào người chủ đi ăn cưới về. Hay cũng giống như người nhà đoán biết được đêm nào kẻ trộm rình nhà. Bình thường, dù không biết chính xác ngày giờ, nhưng con người biết được khoảng thời gian nào mình có thề chết. Trừ những trường hợp tai nạn tử vong xảy ra đột xuất.

Như vậy chúng ta không hoàn toàn mù tịt về thời gian chúng ta chết. Tuy nhiên lời kêu gọi “phải sẵn sàng luôn” nhằm nhắc nhở cho chúng ta về hai chuyện:

Quyền sinh tử nằm trong tay Chúa vi “ngay đêm nay Ta sẽ đòi lại mạng sống ngươi” như trong bài Phúc Âm Chúa Nhật XVIII quanh năm vừa qua khi Chúa nói về ông Phú hộ dự trù xây thêm kho lẫm để tận hưởng đến suốt đời sản nghiệp mình có mà quên rằng quyền sinh tử nằm trong tay Chúa.

Lời nhắn nhủ “phải sẵn sàng luôn” còn là lời kêu gọi sống trung thành với Đức tin vào Thiên Chúa duy nhất. Tông đồ Chúa phải như tôi tớ trung thành chong đèn cháy sáng thức đêm đợi chủ mình, tức đợi một mình Chúa mà thôi. Có nhiều đầy tớ đèn đức tin đã tắt lịm hay đã lu mờ vì không còn tin tưởng và đợi trông vào Chúa nhưng vào nhiều Ông chủ khác như tiền bạc, địa vị, danh vọng hay sắc dục.

Ngày giờ Chúa đến còn hiểu là ngày tận thế, ngày Chúa đến trong vinh quang để phán xét kẻ sống và kẻ chết.

Đây thật sự là ngày bất ngờ vì “ngay chính Con Người và các thiên thần cũng không biết, chỉ trừ Thiên Chúa Cha” như được đề cập trong Phúc Âm Matthêô 24. 36. Chúng ta hiểu rằng:  Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa thì thông biết mọi sự, nhưng trong bản tính con người, trong thân phận thanh niên tên Giêsu thành Nadarét con bác thợ mộc Giuse và bà Maria thì Ngài không biết.

Ngày thế mạt không cho ai biết vì đó là việc của Thiên Chúa vượt ngoài những ức đoán và trí hiểu của phàm nhân, “Trời cao hơn đất bao nhiều thì đường lối Thiên Chúa xa với phàm nhân bấy nhiêu” như được diễn đạt trong Sách Tiên Tri Isaia 55. 8-9.

Ngày thế mạt không nằm trong khoảng thời gian sinh sống quá ngắn ngũi của thế hệ nhân loại. Thí dụ người ta đoán rằng trái đất, hành tinh nơi chúng ta sinh sống, là một hành tinh nhỏ và đã hiện hữu hàng năm ngàn tỷ năm. Tuổi thọ 100 năm, tức chỉ có hai con số không của chúng ta có đáng gì với một chuỗi những số không nối tiếp dài nhằng của thế giới. Nên con người không hiểu được và không thể biết được ngày giờ tận thế. Chúng ta thực sự chỉ cần mạc khải: Thế giới vũ trụ có chấm tận. Còn khi nào? Thật sự không cần thiết với cuộc sống quá ngắn của phàm nhân.

Nhiều khi chúng ta nghĩ rằng: Sao Chúa không đến đường đường chính chính mà lại âm thầm lén lút như kẻ trộm? Hay Chúa dùng cái chết đến bất ngờ hay giờ Chúa đến bất ngờ để gài bẫy chúng ta nhằm “bắt gặp chúng ta đang lúc chè chén say sưa hay đánh đập tớ trai tớ gái” mà phạt chúng ta chăng?

“Ta đến như kẻ trộm” chỉ có ý nói về cái chết của mỗi người, hay ngày tận thế ập đến đột ngột, chứ không hàm ý một âm mưu gian manh lừa đảo chúng ta. Vì Chúa là Đấng Tạo Hóa sinh dựng nên chúng ta. Ngài sinh dựng nên chúng ta để chúng ta thông phần hạnh phúc với Ngài. Thiên Chúa là Cha chúng ta, và “không Cha nào con mình xin bánh lại cho đá hay con cái xin trứng lại cho chúng bò cạp” Không! Chúa không gài bẫy để hại ai cả, nhưng bản chất cái chết là bất ngờ, là đột ngột vì chúng ta thường không muốn chết và không ngờ mình chết dù biết là mình phải chết. Thứ đến, cái chết đến bất ngờ để con người cần giữ vững lòng trung thành với Chúa luôn. Nếu chúng ta biết ngày giờ mình chết, không ai vui và chúng ta có thể hoạch định chương trình sống bất trung ‘xả láng’ một thời gian trước khi chết và sẽ quay về cải tà quy chánh khi gần ngày giờ chết.

Truyền thống Do Thái tổ chức đám cưới ban đêm? 

Một lễ cưới theo truyền thống Do Thái phải theo những diễn tiến như sau:

Lễ hỏi: Sau thời gian mai mối. Nhà gái đồng ý để bên đàng trai đến tiếp xúc. Chú rễ tương lai và Cha mình hay bậc trưởng thượng trong dòng họ mình chính thức đến chào thăm nhà cô dâu tương lai và hỏi xem sính lễ cưới bên đàng gái đòi là bao nhiêu. Thỏa thuận giá cả xong, chú rễ tương lai trả tiền xính lễ, hai bên thiết lập giao ước hôn nhân và định ngày rước dâu và đám cưới. Chú rễ tương lai chính thức uống ly rượu được trao từ tay nhạc phụ để nói lên lời giao ước: Anh ta coi như đã có vợ và cô dâu coi như đã có chồng. Họ sẽ thỏa thuận ngày rước dâu và đám cưới từ 7 tới 12 tháng sau ngày ký lập giao ước hôn nhân nầy. Chú rễ rời nhà nhạc phụ và bắt đầu chuẩn bị chỗ nơi riêng cho cuộc sống vợ chồng.

Đêm rước dâu: Thường xảy ra sau khi kết thúc ngày Sabat, tức sau khi mặt trời lặn của ngày Thứ Bảy. Chú rễ và bạn chú rễ với đuốc sáng đi sang đàng gái và đón cô dâu. Cô dâu biết đêm về nhà chồng nhưng không biết giờ nào chàng rễ và đoàn người đón dâu đến. Nên cô và các bạn cô phải chong đèn thức đêm để chờ chàng rễ đến. Điều nầy cho chúng ta hiểu dụ ngôn 10 cô phù dâu, 5 cô khờ dại và 5 cô khôn ngoan được tường thuật trong Phúc Âm Matthêô 25, 1-13.

Sau khi đã đón cô dâu và khách nhà gái đưa dâu sang đàn trai. Tiệc cưới đã dọn sẵn. Tuy nhiên chàng rễ sẽ đưa cô dâu vẫn còn che mặt vào phòng tân hôn và họ động phòng lần đầu tiên. Phù dâu, phù rễ đứng ngoài chờ. Sau thời gian động phòng, chú rễ xuất hiện trước mặt mọi người, cho biết rằng hôn nhân đã hoàn hợp và tiệc cưới bắt đầu.Tiệc cưới thường kéo dài bảy ngày, từ tối hôm đón dâu tức từ chiều tối Thứ Bảy sau ngày Sabat cho đến chiều ngày Thứ Sáu bắt đầu ngày Sabat khác. Trong suốt bảy ngày đám cưới cô dâu ẩn mình trong phòng tân hôn và chăn gối với chồng mình. Sáng ngày kết thúc đám cưới, cô xuất hiện trước đám đông, không còn che mặt  nữa và chính thức thành người đàn bà trong dòng họ nhà trai.

Sau nầy, phòng tân hôn được tổ chức trong một lều kín nhằm nói lên nơi dành riêng đặc biệt dành cho đôi vợ chồng mới. Cũng có một vài cắt nghĩa về việc tổ chức rước dâu ban đêm theo truyền thống Do Thái như thế nầy.

Rước dâu ban đêm để nói rằng: người đàn bà nầy được dành riêng cho người chú rễ mà thôi, không có nhiều người thấy cô dâu, nhờ cô che mặt và đêm tối. Hơn nữa việc hoàn hợp chăn gối xảy ra  ngay sau khi rước dâu. Nên đêm tân hôn không thể là ban ngày.

Người Do Thái rời ách nô lệ Ai Cập ban đêm sau khi thiên thần Chúa đã vượt qua những nhà có máu chiên bôi trên cửa nhà người Do Thái. Vận mạng một dân tộc biến đổi trong ban đêm. Cuộc sống một người đàn bà thay đổi trong ban đêm, đêm tân hôn, đêm cô trinh nữ thành vợ, thành người đàn bà. Từ nay cô chọn nhà chồng làm cơ nghiệp cho mình.

2. Tại sao có việc chủ trừng phạt đầy tớ bằng cách đánh đòn nhiều hay đánh đòn ít?

Chế độ chủ nô đã có từ lâu đời, khoảng năm 1800 trước Chúa Giêsu và chỉ mới kết thúc toàn bộ trên toàn thế giới vào thế kỷ 20, với bản tuyên bố nhân quyền, xóa bỏ nô lệ của Liên Hiệp Quốc năm 1948. Nên đầy tớ hay nô lệ là vấn đề thông thường và rất thịnh hành trong xã hội Do Thái hay Cận Đông thời Chúa Giêsu và trên toàn thế giới.

Cách chung nô lệ hay đầy tớ là sở hữu chủ của Ông chủ. Chủ có quyền sinh sát trên nô lệ mua bán hay trao đổi nô lệ như những món đồ trong nhà. Sự giàu nghèo của một chủ gia dựa trên số nô lệ mà ông ta có. Cách chung, nô lệ cung cấp lao động như con bò con trâu kéo cày làm ruộng canh tác cho chủ nhân thôi. Nhiều nô lệ tức nhiều người làm giàu cho chủ ông. Càng giàu, chủ ông càng có khả năng mua nhiều nô lệ.

Dụ ngôn trong Phúc Âm nói về những đầy tớ dù biết ý chủ mà còn tự tung tự tác hay lạm dụng quyền hành được trao thì sẽ bị đòn nhiều. Ngược lại, đầy tớ không biết ý chủ thì sẽ bị đón ít hơn. Thật sự không có thí dụ nào chính xác trăm phần trăm với thực tế. Thí dụ hay dụ ngôn là việc Chúa dung một câu chuyện để truyền đạt ý Chúa. Nó giống như cây chuyện cô Tấm cô Cám trong cỗ tích Việt Nam mình. Múc đích câu chuyện là truyền đạt bài học luân lý: Ở hiền gặp lành mà ở ác gặp dữ. Trong thực tế không thể có mọi tình tiết như trong chuyện Tấm Cám.

Cũng vậy, dụ ngôn hay thí dụ đầy tớ bị đòn ít hay bị đòn nhiều là những tình tiết kể chuyện theo lối hiểu của người thời bấy giờ. Đại khái như thế nầy: Trong số nô lệ hay đầy tớ trong nhà. Một ít người được cử lên thay chủ điều hành chuyện trong nhà. Nhiều quản gia khi được cất nhấc lên cao thì quên mình là nô lệ mà tự tung tự tác, đánh đập hành hạ những đầy tớ khác. Anh ta không vận dụng sự tín nhiệm của chủ mà làm lợi cho chủ. Anh tạ phụ lòng tin của chủ.

Những quản gia bất trung nầy sẽ bị phạt tức bị đòn theo kiểu thời bấy giờ, tức bị trừng trị đích đáng với sự tín nhiệm của chủ mà anh bội ước. Dụ ngôn cũng có ý diễn tả vai trò quản lý mà Chúa trao ban cho chúng ta. Chúng ta không là chủ mà chỉ là quản lý. Chúng ta là người nhận tất cả từ chủ, tức từ Chúa và có bổn phận trao ban lại cho những người khác. Tất cả đều được yêu thương và quan tâm qua những nén bạc hay qua trách nhiệm mà chúng ta được trao phó.

III. Thực hành Phúc Âm: 

1. Tỉnh thức và sằn sàng luôn theo Phúc Âm và Giáo Lý Công Giáo dạy: 

Cuộc sống nầy hoàn toàn tạm bợ và mau qua. Tất cả chỉ là phù vân như bài đọc thứ nhất trong sách khôn ngoan của Chúa Nhật XVIII quanh năm .

Chúng ta đang trên đường về quê hương vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúa kêu gọi chúng ta làm việc lành phúc đức để mua sắm kho tàng không hư mất trên trời.

Giữ vững đức tin, chong đèn cháy sáng để đợi Chúa gọi về chung hưởng hạnh phúc thiên đàng. Sống trong ân sủng Chúa và siêng năng lãnh nhận bí tích.

Giờ Chúa đến hay ngày giờ chết của mỗi người úp chụp xuống như chiếc bẫy bắt chim. Đây không phải là mưu mô làm hại chúng ta, nhưng là sự khôn ngoan của người Cha để giúp con cái trong tư thế sẵn sàng.

Những việc không thể bỏ qua: Kinh nguyện tối sáng. Xưng tội rước lễ. Tham dự Thánh lễ ngày Chúa Nhật và các lễ buộc.

Khi có đối diện nguy hiểm như bệnh hoạn hay giải phẩu, nên lãnh nhận Bí tích Xưng tội, Xức dầu Thánh và rước Chúa như của ăn đi đàng.

Có người lý luận rằng: Chúa ở khắp mọi nơi. Ở đâu cầu nguyện cũng được chứ cần chi phải đến nhà thờ. Đó là lý luận của người làm biếng và không thực tế. Không đứa con nào gọi là hiếu thảo với Cha Mẹ mình nếu không bao giờ gọi hỏi thăm hay thăm viếng hay qui tụ anh chị em trong nhà để vấn an sức khỏe Mẹ Cha.

2. Tiền bạc là phương tiện để sinh sống, làm việc bác ái và mua sắm nước thiên đàng mai sau. 

Khi có con người là đã có trao đổi và mua bán. Nhưng lúc đầu người ta thường đem con bò của nhà mình để đổi lấy thức ăn hay sản phẩm của người khác. Thật là phiền phức khi phải dẫn một con bò hay hai con bò đi bộ hàng 10 hay 20 cây số để đổi lấy một thúng ngũ cốc.

Người Hy Lạp đúc ra tiền vàng đầu tiên lớn to bằng chiếc mâm và qui định giá trị bằng một con bò và có chạm hình con bò trên đó. Nên trong tiếng Latinh, tiền được gọi là Pecunia, nguyên nghĩa là con bò cái. Theo thời gian đồng tiền vàng được đúc nhỏ hơn để tiện di chuyển và trao đổi. Tuy nhiên nó vẫn gọi là Pecunia và có hình con bò cái.

Bò cái bên Ấn Độ và nhiều nước là thần. Từ chỗ tôn thờ thần bò cái người ta tôn thờ tiền bạc như mục đích của đời sống. Càng có nhiều tiền, người ta càng có quyền hành và thế lực. Từ đó tiền bạc lên ngôi thần thành, được tôn thờ như thần nên người Trung Hoa gọi là thần tài.

Tiền bạc, nguyên bản chất là vật vô tri với hình con vật, con bò cái được tôn làm thần thánh. Nên con người đảo lộn trật tự: Đưa vật chất lên bàn thờ và mang thần thánh xuống đất đen. Người ta coi trọng tiền bạc, thế lực và sự giàu có hơn cả Chúa, cả tôn giáo, hơn tình nghĩa ruột thịt, chồng vợ và hơn cả sự sống mình. Người ta giết nhau vì tiền. Người ta thanh toán nhau vì tiền. Người ta hại nhau để làm giàu. Anh chị em thành hận thù cũng vì chia gia sản tiền bạc.

Tỉnh thức và sẵn sàng luôn còn có nghĩa là thông suốt và nhận định đúng giá trị của vật chất và tiền bạc. Đó là con vật, con bò cái chứ không là thần. Đó là phù vân chứ không là vĩnh cửu như Thượng Đế. Tiền không bao giờ mang hạnh phúc cho con người. Đừng bao giờ tin rằng: Có tiền mua tiên cũng được.

2. Bản văn bài giảng.

    Download File Word tại đây

3. Thơ – Nhạc diễn ý bài Phúc Âm

    Xem tại đây