Bài giảng Chúa Nhật 8 Quanh Năm C

1110

Một tuần nữa vào mùa chay,
Cuộc sống mỗi ngày lai rai Lời Chúa.
Chung quanh ta nhiều kẻ múa,
Múa mồm, vụ lợi! Lời Chúa cho không. Amen.
Mại dzô! Mại dzô!!!!

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý:

Này hỡi những kẻ già hình
Cái đà tổ bố chình ình mắt ngươi.
Toàn làm những chuyện trời ơi
Lo đi xoi bói phanh phơi lỗi người

Cất đà sáng mắt nhìn đời
Hết mù, thấy rõ, đường đời lối đi.
Giả hình, tội đáng khinh khi
Diễn tuồng đạo đức, chi li lỗi người

Cây nào quả nấy thường đời
Không lẽ trái vả sinh thời bụi gai
Người hiền, hoa trái ngày mai
Hy sinh, bác ái, chông gai, thật lòng

Dẹp đi lối sống vô công
Nói nhiều, nói dối, dài dòng, quanh co.
Xin Chúa cho biêt lắng lo:
Lấy Lời hằng sống thước đo cuộc đời. Amen.

CHÚA NHẬT VIII QUANH NĂM
Sách Ngôn Sứ Isaia 6.1-2.3-8;
Thư I Thánh Phaolô gửi Côrintô 15.54-58
và Phúc Âm Luca 6.39-45

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ dụ ngôn này: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi. “Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi? Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi. “Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây. Người ta không hái được trái vả ở bụi gai, và cũng không hái được trái nho nơi cây dâu đất. Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.
Ðó là lời Chúa – Lạy Chúa Kitô ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

  1. Giả hình là không thấy lỗi lớn của mình, nhưng luôn thấy lỗi nhỏ của người khác.
  2. Giả hình là sống đóng tuồng, tức trình diễn bề ngoài nhân đức thánh thiện, nhưng bên trong đầy thói hư tật xấu.
  3. Hành động bên ngoài cho phán đoán về lòng đạo đức bên trong: Người tốt hay đạo đức thật sự không thể làm những chuyện tội lỗi xấu xa. Trái lại, nếu không đạo đức thật lòng thì không thể có những hành động tồt.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

Có phải giáo huấn tránh giả hình, tránh chỉ trích sửa lỗi người khác mà quên tội lỗi của mình là Chúa nhắm đến Biệt Phái và luật sĩ chăng?

Đúng vậy vì trong chương 11.42-52, Chúa đã chỉ trích rõ ràng lối sống giả hình của Biệt Phái và Luật Sĩ. Họ tự coi mình là người công chính để xét đoán người khác. Đang khi đó họ mới chính là người phải bị xét đoán:

(1) Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, và đủ thứ rau cỏ, mà xao lãng lẽ công bình và lòng yêu mến Thiên Chúa. Các điều này phải làm, mà các điều kia cũng không được bỏ. (2)  Khốn cho các người, hỡi các người Pha-ri-sêu! Các người thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi ở nơi công cộng. (3) Khốn cho các người! Các người như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay.” (4) Khốn cho cả các người nữa, hỡi các nhà thông luật! Các người chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào. (5) “Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ, nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy!48 Như vậy, các người vừa chứng thực vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các người thì xây lăng. (6) “Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật! Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản.”

Tuy nhiên giáo huấn nầy cũng áp dụng cho chúng ta và trong mọi thời đại. Vì ít nhiều chúng ta cũng mang thói giả hình, trình diễn một vở tuồng cuộc sống mà xem chừng đạo đức đáng ngưỡng mộ, nhưng trong lòng thì xấu xa đê tiện. Có thầy dạy luân lý đạo đức ở trường đại học, nhưng sau đó học trò đã bắt gặp thầy ấy trong nhà thổ. Anh học trò đã chỉ thẳng mặt Ông thầy và mắng: đồ giả hình.

Thói giả hình có mọi nơi mọi thời: các lãnh tụ chính trị thường trình diễn một bộ mặt yêu nước thương dân và thích cho mình là “đầy tớ của nhân dân…” Nhưng trong thực tế, đầy tớ ở những lầu đài tráng lệ, ăn sung mặc sướng… còn dân thì đói nghèo và ngủ gầm cầu. Giả hình!

Giáo huấn về thói giả hình, để cho mình là đạo đức bằng cách kết án hay xoi bói lỗi của người khác có liên quan gì đến những đám cưới giả ngày nay vì lý do định cư hay di trú không?

Chắc rằng thời Chúa Giêsu không có tình trạng giả bộ làm đám cưới để có thể định cư nơi quốc gia khác hơn là quốc gia mình đang sống. Tuy nhiên chúng ta có thể đề cập một chút đến vấn đề gọi là “giả bộ hay giả hình!” trong ý nghĩa “giả tạo” hay không thật lòng thương yêu nhau trong hôn nhân giả.

Giáo Luật Công Giáo qui định về yếu tố thành sự của hôn nhân công giáo như sau:

Ðiều 1057: (1) Hôn phối thành tựu do sự ưng thuận của đôi bên, được phát biểu hợp lệ giữa những người có khả năng pháp luật; sự ưng thuận ấy không thể thay thế bởi bất cứ một thế lực nhân loại nào. (2) Sự ưng thuận kết hôn là một hành vi của ý chí do đó người nam và người nữ trao thân cho nhau và chấp nhận nhau để tạo lập hôn nhân, bằng một giao ước không thể thu hồi lại.

Hôn nhân giả không thành tựu vì:

Không nhắm đến “thiện ích của đôi bạn và việc sinh sản cùng giáo dục con cái” (Gl. Điều 1055)

Không bày tỏ ưng thuận trước “những người có khả năng pháp luậ!” tức không theo thủ tục hôn nhân công giáo: cử hành trước linh  mục công giáo và hai nhân chứng. Vì trong thực tế không linh mục nào dám chứng hôn cho một hôn nhân giả.

Không có hành vi của ý chí, tức không thật lòng và tự do muốn đi đến hôn nhân. Hôn nhân giả vì định cư là hôn nhân không có tự do trao đổi lời ưng thuận.

Đương nhiên, hôn nhân giả thực hiện sai những gì Chúa dạy: có nói có, không nói không! Hôn nhân giả vì lý do định cư đã cố gắng nói CÓ cho cái không thật. Nên hoàn toàn giả bộ, giả hình. Người Công Giáo làm đám cưới giả để định cư là không thành hôn nhân. Tuy nhiên, họ đã kết hôn dân sự, bằng chứng: có hôn thú dân sự. Nếu sau khi làm đám cưới giả nầy mà họ muốn giải chuẩn hôn nhân nầy thì theo hình thức gọi là thiếu hình thức hôn nhân (Lack of Form) . Họ điền đơn xin toà án hôn phối cứu xét ví họ chỉ làm giả. Thường tuyên bố hôn nhân không thành sự vì giả mạo nầy gọi là không có hôn nhân thật chỉ mất một thời gian rất ngắn.

Nhưng nều sau khi làm đám cưới giả để định cư và sau đó họ yêu thương nhau thật và muốn thành sự hoá hôn nhân….Đôi hôn nhân cần gặp Cha sở… diền đơn xin điều tra và làm khẩu cung hôn phối….Toà Giám Mục cứu xét để tuyên bố hôn nhân thành sự. Trong trường hợp nầy, đôi hôn nhân sẽ được hợp thức hoá bằng việc: trao đổi lời ứng thuận trước linh mục và hai nhân chứng là đủ. Không cần tổ chức một lễ nghi hôn phối trọn vẹn hay làm đám cưới lại. Vì hôn nhân giả lúc đầu đã thành khi hai người đi đến tình yêu thương nhau thật lòng để thương yêu nhau và sinh sản, giáo dục con cái.

III. Thực hành Phúc Âm:   

Phụ nữ trang điểm: Ngày nay phụ nữ nào cũng thường trang điểm, đánh phấn, thoa son hay vẽ lông mày, gắn lông mi… chuyện bình thường và được chấp nhận dễ dàng cho phái làm đẹp. Phụ nữ nào cũng thích khen trẻ, đẹp và thích làm đẹp. Nên cũng chả có gì quá đáng nếu họ phải nhịn ăn để mua son phấn…

Tuy nhiên chúng ta thấy thế nầy: Trang điểm làm người phụ nữ không còn thật 100%. Nên có những ông chồng muốn vợ mình là người phụ nữ, là người vợ thật, tức không có trang điểm. Những ông nầy hay chê là “toàn đồ giả!”

Tôi không có ý nói phục nữ trang điểm là “giả hình!” theo ý nghĩa luân lý của phúc âm. Thật sự trang điểm cũng chỉ là làm đẹp chứ không giả bộ hay giả hình. Nhưng xin đề nghị là ở mức độ vừa phải. Có những bà những cô đi đâu, dù ngoài đường, trên xe bus cũng bôi son, trét phấn … Có những bà đạo đức được cắt phiên đọc sách thánh thì gây nhiều bực bội và khổ sở cho người chồng: Áo dài màu sắc sao cho vừa người và phù hợp phụng vụ, mái tóc, vòng xuyến, thoa son, đánh phấn, guốc giày cao tới mức nào… đi lên phải nghiêm trang… đọc nghe phải bùi tai… đi xuống phải duyên dáng dễ thương… Sau cùng là thành màn trình diễn hoa hậu áo dài… gây gièm pha cho người khác.

Không ai cho trang điểm là giả hình. Tuy nhiên, người khác cần nhận ra người thật của mình và ông chồng không than phiền ngao ngán là “có nào phải bà ấy đâu! Tưởng như một đào hát cải lương!”.

2. Bản văn bài giảng | Download File Word