Bạn có biết tiền polymer chúng ta vẫn dùng “bẩn” đến mức nào?

849

Thử nghiệm gần đây của một nhà khoa học Singapore cho thấy, số lượng vi khuẩn trên tiền là “cực khủng”.

Nghiên cứu lượng vi khuẩn trên tờ tiền Polymer – kết quả giật mình

Vi khuẩn trên tờ 1 USD là rất nhiều. Vậy còn tiền polymer thì sao? (Ảnh: dailymail)

Mới đây, TS. Niranjan Nagarajan – nhà khoa học từ Viện di truyền Singapore đã thực hiện một nghiên cứu về số lượng vi khuẩn có mặt trên một tờ tiền.

1. Niranjan Nagarajan cùng cộng sự là TS. Swaine Chen và Simon Tan có chung quan điểm rằng: nếu lo ngại về mức độ vi khuẩn tại những nơi công cộng, thì tiền cũng nên được xem xét thật cẩn thận.

Trước kia, đã từng có một nghiên cứu tương tự như vậy tại New York, và các nhà khoa học đã tìm ra tới 3.000 loại vi khuẩn trên chỉ một tờ 1 USD. Họ đã phát hiện ra rằng những đồng tiền chính là nơi trú ẩn của hàng trăm loại vi khuẩn khác nhau. Đây chính là phương tiện “vận chuyển” vi khuẩn từ tay người này đến người khác và là một nguồn truyền nhiễm nhiều loại bệnh nguy hiểm đối với sức khỏe con người.

Trong số những chủng vi khuẩn có mặt trên tiền giấy, phổ biến nhất là loại gây ra mụn trứng cá. Một số loài vi khuẩn khác cũng nguy hiểm không kém với khả năng gây ra bệnh viêm loét dạ dày, viêm phổi, ngộ độc thực phẩm và nhiễm trùng tụ cầu khuẩn ở người. Một số loại vi khuẩn trên tiền giấy còn chứa gene có khả năng gây suy giảm sức đề kháng của con người.

Tuy nhiên, các tờ tiền đô Mỹ được làm từ giấy cotton và lanh – những chất liệu nổi tiếng vì khả năng “nuôi” vi khuẩn. Trong khi đó, tiền đô Singapore được làm từ polymer giống như tiền đồng của Việt Nam. Vật liệu này cho phép tờ tiền ít bị ngấm nước, do đó bền hơn các loại tiền giấy thông thường rất nhiều.

Nhưng về độ vệ sinh thì sao? Nghiên cứu của Nagarajan đã cho thấy một kết quả đáng giật mình.

Tiền polymer ở đâu là bẩn nhất? 

Bồn cầu hay đôi giày bạn đi dã chiến hàng ngày bẩn thì… khỏi cần phải bàn. Tuy nhiên, trong thử nghiệm của Nagarajan, số lượng vi khuẩn trên tiền là “cực khủng”.

Thậm chí, nếu so với điện thoại di động và giẻ rửa bát – 2 vật dụng vốn đã được chứng minh là bẩn nhất, lượng vi khuẩn có thể coi là một 9 – một 10. Cụ thể, những tờ tiền trong thử nghiệm được thu thập ở nhiều nơi khác nhau: bệnh viện, siêu thị, chợ “xổm”, Hawker centre (các trung tâm ẩm thực của Singapore), cây ATM… tổng cộng 100 địa điểm, với mệnh giá từ 2 – 50 USD.

Kết quả, những đồng tiền lấy từ các khu chợ bán thực phẩm tươi sống chứa lượng vi khuẩn nhiều nhất – trung bình 48.000 vi khuẩn/tờ. Con số này nhiều gấp 1.000 lần những tờ tiền mới cứng được lấy trong máy ATM, và 48 lần so với tiền có trong bệnh viện.

Tiền polymer có thể bẩn ngang bồn cầu. Trong đó những mẫu tiền trong các khu chợ
còn bẩn hơn ATM gấp 1.000 lần. (Ảnh: mediacorp)

Tiền trong các trung tâm thực phẩm Hawker có lượng vi khuẩn là 3.500, trong khi tiền ở bệnh viện là 1.000. Tiền ở các siêu thị thì ít hơn, chỉ khoảng 120 vi khuẩn/tờ.

Ngoài ra, các xét nghiệm cho thấy tiền không chỉ có dấu vết của con người, mà còn có ADN của gia súc, gia cầm và vật nuôi.

Tại sao tiền ở chợ bẩn nhất?

Theo TS. Chen, lý do tiền trong các khu chợ bẩn đến vậy là vì chúng thường xuyên dính nước. Tất cả các loại vi khuẩn đều cần nước để phát triển. “Môi trường vi khuẩn có thể phát triển là những nơi tối tăm, ẩm ướt và nhiệt độ ấm”, ông cho biết.

“Bạn cầm 1 tờ tiền ướt và đặt nó vào ví, thân nhiệt của bạn sẽ biến cái ví thành một môi trường cực kỳ lý tưởng cho vi khuẩn phát triển. Nếu tiền khô thì mọi chuyện không như vậy”.

Môi trường ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. (Ảnh: Solent News)

Số vi khuẩn này độc hại đến đâu?

Có nhiều loại vi khuẩn. Đến sữa chua, phô-mai chúng ta ăn mỗi ngày cũng là tổ hợp những vi khuẩn bên trong. Vậy vấn đề là số vi khuẩn trên tiền độc hại đến mức nào?

Theo Chen, không phải cứ nhiều vi khuẩn là độc. Nó phụ thuộc vào loại vi khuẩn, và hệ miễn dịch của chúng ta. Ví dụ như E. Coli là một trong những vi khuẩn thấy nhiều nhất trên tiền, nhưng nó cũng là loại khuẩn vốn trú ngụ trong cơ thể chúng ta, nghĩa là tương đối vô hại (dù một số dòng E. Coli có thể gây tiêu chảy).

Trong khi đó, khuẩn staphylococcus (tụ cầu vàng) thì nguy hiểm hơn. Loại khuẩn này có thể gây viêm màng não, khiến người bệnh tử vong với tỉ lệ rất cao. “Một số chủng khuẩn có thể khiến một người tử vong. Nhưng nếu như bạn có một hệ miễn dịch hoạt động tốt, bạn sẽ ổn thôi”, TS. Tan cho biết.

Tuy vậy, vi khuẩn trên tiền giấy là một hiện thực đáng lo ngại

Năm 2012, các nhà vi trùng học tại Đại học Queen Mary, London đã kết luận rằng 6% tiền giấy đang lưu hành tại Anh đang có chứa vi khuẩn e.coli với mức độ tương đương với một bệ ngồi bồn cầu.

Trong nghiên cứu mới nhất được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu tại Đại học New York, các nhà nghiên cứu đã sử dụng ngân hàng dữ liệu DNA và sự phân tích của máy tính để có thể nhanh chóng xác định DNA của các loại vi khuẩn có mặt trên tiền giấy. Do đó, nghiên cứu phát hiện ra nhiều loại vi khuẩn hơn so với các nghiên cứu trước đây vốn chỉ quan sát tiền giấy dưới kính hiển vi.

Trong thí nghiệm nói trên, các nhà nghiên cứu đã phân tích mẫu DNA trên 80 tờ giấy bạc có mệnh giá 1 USD thu thập được từ 1 ngân hàng tại Manhattan. Kết quả thu thập được là 1,2 tỷ. Một nửa trong số 1,2 tỷ đoạn DNA thu thập được là của con người. Một nửa còn lại thuộc về vi khuẩn, virus, nấm và các tác nhân sinh học gây bệnh khác. Ngoài ra, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một lượng nhỏ virus gây bệnh than và bệnh bạch hầu.

Nếu không cẩn thận, số vi khuẩn ấy có thể tiến vào cơ thể chúng ta qua đường ăn uống, qua vết thương hở… Thế nên, lời khuyên chuẩn nhất cho mỗi chúng ta là nên rửa tay thật cẩn thận sau khi chạm vào tiền.

Hồng Liên (t/h)