15 bí quyết của Mẹ Têrêsa giúp bạn trở nên khiêm nhường hơn

851
https://lh5.googleusercontent.com/ElYK3awn00PX8i8JbzPrSpAF5q6RFjKK0vwLa2e8TUVMfV4hTfll9Wrb3t_jgowz2B3Pa8TN6jJ4xFj-FUK1Wy022KbWwmai6mxK0xOYCHMg1qHd3qbeLtSnRSh7oBBd1TjGJC8b
Mẹ Teresa và Đức Giáo hoàng Gioan Phaolo II ngày 2 tháng Năm, 1992. (L’Osservatore Romano photo)

Thế gian không biết được giá trị hay hiểu được sức mạnh của lòng khiêm nhường nhưng chúng ta thì hiểu, vì đó là điều Chúa Giê-su đã dùng để giải thoát chúng ta.

Patti Armstrong

Lòng tự trọng cao là sự tự tin trong giá trị hoặc khả năng của một người. Hãy nghĩ đến Mẹ Teresa. Người nữ tu nhỏ bé đó có lòng tự trọng rất cao. Mẹ thậm chí đã dám lên tiếng chống lại nạn phá thai tại National Prayer Breakfast năm 1993 trước những cử tọa được mời là Tổng thống Bill Clinton, và Phó Tổng thống Al Gore, và hai người phu nhân của họ. Đó là sự can đảm. Đó là sự tự tin. Và đó là sự khiêm nhường.

Tất cả các thánh nhân hiểu rằng lòng khiêm nhường là con đường để xây dựng một lòng tự trọng cao qua cách đặt mình lệ thuộc vào Thiên Chúa chứ không phải bản thân mình. Đó là việc hiểu được rằng mọi sự đều đến từ Thiên Chúa và Thiên Chúa là tất cả.

Mẹ Teresa gọi đức khiêm nhường là mẹ của mọi nhân đức. Mẹ nói: “Nếu bạn khiêm nhường thì chẳng có điều gì chạm đến bạn, chẳng phải khen cũng chẳng phải chê, vì bạn biết mình là ai. Nếu bạn có bị chê thì cũng đừng ngã lòng. Nếu người ta gọi bạn là thánh thì cũng đừng đặt mình lên một bệ thờ.”

3 cách hiểu sai về lòng khiêm nhường

Tuy nhiên, lòng khiêm nhường thường bị hiểu sai. Một số người nghĩ rằng nó đồng nghĩa với sự tự hạ thấp bản thân. Trong một bài giảng Lễ Chúa nhật gần đây, Cha Jared Johnson, cha phó của Nhà thờ Chính tòa Chúa Thánh Linh ở Bismarck chỉ ra ba cách hiểu sai về lòng khiêm nhường.

Cách hiểu sai #1. Tâm hồn khiêm nhường thiếu sự tự tin. “Những người khiêm nhường nhất ngoài kia nằm trong số những người tự tin nhất và đôi khi những người kiêu hãnh nhất lại là những người thiếu chắc chắn nhất,” cha nói. “Những tâm hồn khiêm nhường biết rằng cuộc sống của họ lệ thuộc vào Thiên Chúa và biết đâu là những điều giá trị nhất — là những điều trường tồn chứ không phải chóng qua. Họ chọn Thiên Chúa là quý giá nhất trên hết mọi sự.

Cách hiểu sai #2. Lòng khiêm nhường thì không lôi cuốn. Cha giải thích, “Lòng khiêm nhường thật sự luôn luôn cuốn hút. Chính người khiêm nhường là người biết lắng nghe và quan tâm đến người khác, đối nghịch lại với người chỉ chú ý đến bản thân mình và cố làm ra vẻ giỏi giang.”

Cách hiểu sai #3. Người khiêm nhường muốn được người khác công nhận là khiêm nhường. Cha Johnson giải thích rằng ý muốn thể hiện sự khiêm nhường để mọi người thấy là lòng khiêm nhường giả tạo. Thật ra, cha nói rằng họ muốn làm điều gì đó vì nó là điều đúng đắn, và họ không tìm kiếm lời khen.

Cha Johnson nói, “Cản trở lớn nhất không cho chúng ta đến gần hơn với Thiên Chúa là khi chúng ta tin tưởng vào bản thân chúng ta hơn là tin cậy vào Ngài.” Bằng cách đề cao nhân đức khiêm nhường, cha giải thích rằng chúng ta trở nên tự tin hơn và cho phép mình đến gần với Thiên Chúa hơn. “Khi chúng ta nhìn đến thánh giá, chúng ta nhìn thấy ai là người khiêm nhường và ai là không. Chúng ta nhìn thấy một con người hy sinh vì những người khác. Ước mong chúng ta bắt chước lòng khiêm nhường đó để chúng ta có thể có kinh nghiệm về Thiên Chúa trong sự toàn vẹn của Ngài.”

Những cách để trở nên khiêm nhường

Mẫu gương của Mẹ Teresa chứng minh tất cả ba điểm phân tích của Cha Johnson. Khi là người đứng đầu của Dòng Thừa sai Bác ái, Mẹ Teresa giữ một danh sách những cách để gieo trồng đức khiêm nhường cho các nữ tu dưới sự chăm sóc của mẹ.

  • Nói về bản thân càng ít càng tốt.
  • Luôn chú ý đến những việc của mình, không chú ý đến việc của người khác.
  • Tránh tính tò mò (Mẹ ngụ ý nói đến tính tò mò muốn biết những điều không liên quan đến mình.)
  • Không gây cản trở vào công việc của người khác.
  • Đón nhận những bực dọc nho nhỏ bằng sự hóm hỉnh tốt lành.
  • Đừng chăm chú vào những lỗi lầm của người khác.
  • Đón nhận những lời phê bình ngay cả khi không đáng.
  • Nhường nhịn trước ý cương quyết của người khác.
  • Chấp nhận những xúc phạm và tổn thương.
  • Chấp nhận sự khinh rẻ, bị lãng quên và thiếu quan tâm.
  • Luôn nhã nhặn và dịu dàng ngay cả khi bị một người nào đó khiêu khích.
  • Không tìm cách để được thán phục và được yêu mến.
  • Không bảo vệ bản thân núp sau phẩm giá của riêng mình.
  • Nhường nhịn trong những cuộc tranh luận, ngay cả khi bạn đúng.
  • Luôn chọn công việc khó khăn hơn.

Sức mạnh của lòng khiêm nhường

“Chính sự kiêu ngạo đã biến thiên thần thành quỷ; chính sự khiêm nhường làm cho con người trở thành thiên thần.” — Thánh Augustine

Quỷ thích rời bỏ Thiên Đàng và sống đời đời trong Hỏa ngục hơn là trở nên khiêm nhường trước Đấng Tạo hóa. Và nếu có lòng khiêm nhường thì A-đam và Ê-va đã không nghĩ rằng họ có thể không vâng lời Thiên Chúa và trở nên giống như Ngài.

Nhưng qua lòng khiêm nhường của chúng ta và vâng phục Thiên Chúa thì quỷ bị đánh bại. Thánh Gioan Vianney, the Curé of Ars, ngài thường bị quỷ quấy nhiễu, đã thuật lại một cuộc đối thoại với hắn. Quỷ nó: “Ta có thể làm mọi việc mà ngươi làm, ta cũng có thể thực hiện việc ăn năn của ngươi, ta có thể bắt chước ngươi mọi việc. Nhưng chỉ có một điều ta không thể làm, ta không thể bắt chước sự khiêm nhường của ngươi.”

“Đó là lý do tại sao ta đánh bại ngươi,” Thánh Gioan Vianney trả lời.

Lòng khiêm nhường dường như là một nghịch lý, nhưng Chúa Giê-su thì nhân từ và khiêm nhường trong lòng (Mt 11:29). “Người đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế.” (Phl 2:7)

Thế gian không biết được giá trị hay hiểu được sức mạnh của lòng khiêm nhường nhưng chúng ta thì hiểu, vì đó là điều Chúa Giê-su đã dùng để giải thoát chúng ta. “Cũng như Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” (Mt 20:28)

Bài đã được đăng lần đầu ngày 21 tháng Mười Một năm 2016, trên Register

[Nguồn: ncregister]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 6/9/2019]