Câu chuyện tai tiếng đằng sau kiệt tác “The Swing”

1223

Trong tác phẩm “The Swing” (Chiếc xích đu), danh họa Jean-Honoré Fragonard đã mở ra một thế giới mộng ảo với những hình ảnh xa hoa, lộng lẫy, cùng gam màu ngọt ngào.

Có thể nói, “The Swing” là một biểu tượng của trào lưu nghệ thuật Rococo. Xuất hiện trong họa phẩm là hình ảnh của một người phụ nữ khêu gợi đang tung mình trên một chiếc xích đu giữa hai người đàn ông, trong một khu vườn sum suê, kỳ ảo. Đối với người thưởng thức thông thường, “The Swing” có lẽ chỉ đơn giản là một câu chuyện tình yêu; tuy nhiên, đi sâu hơn, người ta sẽ phát hiện ra nhiều chi tiết khêu gợi được lồng ghép một cách khéo léo, tài tình. Và chính những chi tiết này sẽ mở ra một câu chuyện đầy tai tiếng. Danh họa người Pháp đã hoàn thành tác phẩm “L’Escarpolette” (The Swing) vào năm 1767 theo yêu cầu của một vị khách mang tên Baron de Saint-Julien, người đã đặt hàng tác phẩm chân dung về người tình của mình. Ngày nay, nó được biết đến là tác phẩm thành công nhất trong sự nghiệp của Fragonard, được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và được yêu thích đông đảo bởi công chúng.

Jean-Honoré Fragonard, “The Swing,” 1767 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Để có thể hiểu rõ được giá trị và vẻ đẹp của kiệt tác “The Swing”, ta phải liên hệ với trào lưu nghệ thuật Rococo cùng những chi tiết nghệ thuật truyền thống được lồng ghép trong tác phẩm.

Bức họa theo trường phái Rococo

Rococo ra đời sau trào lưu nghệ thuật Ba-rốc và nở rộ vào thế kỷ 18 tại Pháp, sau đó lan rộng ra phần còn lại của châu Âu. Tên gọi “Rococo” bắt nguồn từ rocaille, phong cách trang trí sử dụng đá cuội, vỏ sò, và xi-măng để trang trí cho các hang động và vòi phun nước thời Phục hưng. Xuyên suốt thập niên 30 của thế kỷ 18, rocaille đã truyền cảm hứng cho thiết kế nội thất.

Jean-Honoré Fragonard, “The See-Saw,” 1750-5 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Trong hội họa, rocaille đã xuất hiện trong những tác phẩm với khung cảnh kỳ ảo. Xét về tính mỹ học hay về chủ đề, “The Swing” đã mở ra một giai đoạn mới cho nghệ thuật Rococo.

Sự ra đời của tác phẩm “The Swing”

Ngày nay, Jean-Honoré Fragonard chủ yếu được biết đến là một họa sĩ theo trường phái Rococo. Tuy nhiên, Jean-Honoré Fragonard thực chất đã bắt đầu gây dựng được danh tiếng và gặt hái nhiều thành công với trường phái khoái lạc, một loại hình hội họa tập trung khắc họa những ẩn ý đằng sau nét vui tươi. Câu chuyện của tác phẩm “The Swing” bắt đầu sau một đơn đặt hàng của ngài Baron Louis-Guillaume Baillet de Saint-Julien, người đã yêu cầu Fragonard thực hiện một tác phẩm chân dung cho người tình của mình. Ngay từ đầu, Baron đã có những ý tưởng tục tĩu về tác phẩm, yêu cầu chi tiết rằng người tình của ông sẽ xuất hiện trên một chiếc xích đu, được tung lên bởi một giám mục, trong khi ông ta (ngài Baron) sẽ ngồi dưới và hướng mắt tới bên trong chiếc váy của người tình.

Jean-Honoré Fragonard, “Self-Portrait in a Renaissance Costume,”
(Chân dung tự họa trong trang phục của thời kỳ Phục hưng) 1760-1770
(Ảnh: 
Wikimedia Commons)

Trong khi rất nhiều họa sĩ từ chối yêu cầu này, Fragonard đã vui vẻ nhận lời. Bởi ông đặc biệt có hứng thú với chủ đề nhục dục. Tuy vậy, cuối cùng, Fragonard có một chút thay đổi so với yêu cầu ban đầu của Baron, ông đã thay thế nhân vật giám mục bằng một nhân vật khác bớt nhạy cảm hơn đó chính là ông chồng bị phản bội bởi người vợ.

Jean-Honoré Fragonard, “The Swing,” 1767 (Ảnh: Wikimedia Commons)

Những chi tiết nhạy cảm

Hiển nhiên là Fragonard không hề thấy khó chịu khi đáp ứng các yêu cầu có phần tục tĩu, dâm ô của khách hàng về tác phẩm bởi “The Swing” hiện lên với vẻ hân hoan và sự mê đắm không gì sánh bằng. Nhân vật chính của họa phẩm xuất hiện trong một chiếc váy hồng phấn bồng bềnh, nàng thả mình trên chiếc xích đu màu đỏ, một gam màu gợi cảm trong một khu vườn kỳ bí. Nàng hất tung chiếc hài, cố tình để người đàn ông đang mê đắm phía dưới nhìn thấy bên trong váy mình.

Đương thời, xích đu tượng trưng cho sự bội tín. Và hình ảnh người phụ nữ hất tung chiếc hài để người đàn ông chiêm ngưỡng đôi chân của mình như một trò chơi tán tỉnh giữa hai nhân vật chính. Nàng thậm chí còn hất chiếc hài về phía tượng thần Cupid – vị thần của tình yêu và dục vọng.

Jean-Honoré Fragonard, cận cảnh tác phẩm “The Swing,” 1767
(Ảnh: 
Wikimedia Commons)

Một chi tiết đáng chú ý khác là chú chó nhỏ bên phải bức họa. Loài chó là biểu tượng của sự trung thành, và trong bức hình này, chú chó đang sủa về phía người phụ nữ nhằm cảnh báo người chồng, nhưng ông đã không nghe. Ngoài ra, bức tượng của hai đứa trẻ đang hướng về thần Cupid, người đang dùng ngón tay che môi để ra hiệu cho hai đứa trẻ nín lặng khi trò chơi tình ái giữa hai người tình bắt đầu.

Jean-Honoré Fragonard, cận cảnh tác phẩm “The Swing,” 1767
(Ảnh: 
Wikimedia Commons)

Giá trị của tác phẩm “The Swing”

Ngày nay, tác phẩm “The Swing” được lưu giữ và trưng bày tại Bảo tàng Wallace Collection (Luân Đôn, Anh Quốc) bên cạnh những tác phẩm nổi bật khác theo trường phái Rococo. “The Swing” được đánh giá cao bởi giới chuyên môn và thậm chí còn được sử dụng làm tư liệu tham khảo cho nghệ thuật đại chúng và giới thời trang. Tiêu biểu, nhà thiết kế thời trang Manolo Blahnik đã thiết kế một đôi giày với nguồn cảm hứng từ tác phẩm “The Swing” cho bộ phim “Marie Antoinette” của đạo diễn Sofia Coppola.

Mặc dù có một chủ đề không mấy trong sáng, người ta khó có thể cưỡng lại sự cuốn hút và nét gợi cảm của “The Swing”.

Tác phẩm “The Swing” bên trọng Bảo tàng Wallace Collection
(Ảnh: 
Wikimedia Commons [CC BY-SA 4.0])

MyModernMet/MaiAnh/Designs.vn