Bảo tàng Guimet (Paris, Pháp) chính thức công bố sự có mặt của “Ranh giới”, một hợp tác độc quyền giữa nhà thiết kế, diễn viên, nghệ sĩ nổi tiếng Trần Nữ Yên Khê và thương hiệu sơn mài cao cấp Hanoia. Đây là tác phẩm đương đại đầu tiên của Đông Nam Á được tiếp nhận vào bộ sưu tập của Guimet, một lần nữa tôn vinh tay nghề thủ công bậc thầy và sức sáng tạo mạnh mẽ của người Việt.
Bảo tàng quốc gia nghệ thuật châu Á Guimet tọa lạc tại quận 14 thủ đô Paris, là một trong những bảo tàng lớn nhất về nghệ thuật châu Á với hơn 50.000 hiện vật quý được trưng bày trong một không gian rộng 55.000m2. Hơn 100 năm qua, bảo tàng Guimet không ngừng bổ sung, phát triển các bộ sưu tập giúp người xem có một cái nhìn toàn diện về lịch sử nghệ thuật châu Á và các nền văn minh tại châu lục này. Trong rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý ở đây, Việt Nam chiếm hơn 2 phòng triển lãm, đáng chú ý nhất là bức tượng Phật có từ thế kỷ thứ VI, trống đồng Đông Sơn và gốm men chàm cổ Chu Đậu.
Cận cảnh tác phẩm Borderline. Ảnh: Hanoia
“Ranh giới” là một tác phẩm hướng về châu Á tương lai, được phát triển dựa trên một tứ thơ tưởng tượng nơi truyền thống văn hóa gặp gỡ tinh thần đương đại. Trên hình chóp của chiếc Nón, một trang phục truyền thống của Việt Nam, là họa tiết hoa rực rỡ hòa hợp độc đáo trên nền sơn mài, đằng sau đó ẩn hiện bức tranh dây gai được thể hiện bằng những lá vàng. Các màu đỏ – da cam sống động gợi nhớ đến kiến trúc cổ xưa của các ngôi chùa và sự sôi động hiện thời của xã hội Việt Nam. Một biểu tượng mạnh mẽ nơi sự huyền bí gặp gỡ hiện thực, thiên nhiên nguyên thủy đối đầu với các cuộc tranh chấp biên giới. “Ranh giới” đại diện cho sức sống và tinh hoa thủ công Việt trong cái nhìn đương đại.
Một số hình ảnh về quá trình thực hiện tác phẩm “Ranh giới”:
Ảnh: Hanoia
Ảnh: Hanoia
Ảnh: Hanoia
Ảnh: Hanoia
Với Yên Khê và Hanoia, “Ranh giới” là một hợp tác đầy thách thức. Từ bản vẽ tay phác thảo ban đầu của Yên Khê, nhóm thiết kế Hanoia đã bỏ công nghiên cứu để hiện thực hóa ý tưởng này bằng hình ảnh 3D. Rồi khi hình ảnh 3D này đáp ứng hoàn toàn mong muốn của Yên Khê, nó được in ra trên giấy bằng kích thước thật và gửi sang Paris để nghệ sĩ tỉ mẩn vẽ tay từng họa tiết hoa. Rồi cuộn giấy đó lại được gửi về Hà Nội để các nghệ nhân Hanoia chép và lắp ghép từng chi tiết hoa lên trên hình khối thật. Với hiệu ứng màu cũng vậy, chúng được thể hiện trên từng miếng thẻ sơn mài và được điều chỉnh nhiều lần để đạt được sắc độ hoàn hảo như ý.
Nhưng nút thắt kỹ thuật quan trọng nhất của tác phẩm này chính là điểm nối giữa hình chóp ngược và đế, sao cho hai khối sơn mài có thể kết hợp hài hòa với nhau theo một thế đứng cân bằng. Công việc dát họa tiết hoa bằng lá vàng lên sơn mài cũng tinh tế không kém, vì chúng phải đảm bảo tính chính xác hoàn toàn. Cuối cùng, “Ranh giới” ra đời, thể hiện trọn vẹn sức sáng tạo mãnh liệt của Yên Khê và tay nghề thủ công điêu luyện của Hanoia. Một sự hợp tác tưởng chừng ngẫu hứng nhưng nghiêm túc và hoàn hảo đến từng chi tiết.
Trở thành tác phẩm đương đại đầu tiên của Đông Nam Á trong bộ sưu tập của Guimet là niềm tự hào lớn của Hanoia, một thương hiệu thủ công Việt đang nỗ lực hết mình để mang sơn mài Việt vươn lên tầm quốc tế.
Theo báo Elle