Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIII Quanh Năm, B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

777

CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM

Sách Tiên Tri Isaia 35.4-7a;
Thư Thánh Giacôbê tông đồ 2.1-5
và Phúc Âm Thánh Matcô 7.31-37

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.

Khi ấy, Chúa Giêsu từ địa hạt Tyrô, qua Siđon, đến gần biển Galilêa giữa miền thập tỉnh. Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy. Người đem anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào tai anh và bôi nước miếng vào lưỡi anh ta. Ðoạn ngước mặt lên trời, Người thở dài và bảo: “Ep-pha-tha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng. Chúa Giêsu liền cấm họ đừng nói điều đó với ai. Nhưng Người càng cấm, thì họ càng loan truyền mạnh hơn. Họ đầy lòng thán phục mà rằng: “Người làm mọi sự tốt đẹp, Người làm cho kẻ điếc nghe được và người câm nói được!” Ðó là lời Chúa. 

Diễn ý:

Người ta mang kẻ điếc câm,
Xin Chúa ban phúc thương tâm chữa lành.
Ngón tay Chúa đặt tai anh,
Bôi chút nước miếng lưỡi anh tật nguyền.

Thở ra, ngước mặt, Chúa truyền,
“MỞ RA!” Cao rao uy quyền Thượng Đế.
Tai lưỡi lành mạnh tử tế,
Nói được rõ ràng như thể người ta.

Chúa liền cấm họ nói ra,
Càng cấm đồn thổi càng xa khắp vùng.
Chúc tụng Thiên Chúa ngàn trùng,
Bao việc tốt đẹp kỳ phùng thực thi.

Người mù cho thấy đường đi,
Kẻ câm nói được, chết đi phục hồi.
Đúng là Nước Chúa đến rồi,
Ma quỉ thua cuộc vãn hồi bình an. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:  

Câm và điếc phần xác cắt đứt hiệp thông với người chung quanh, tạo cho bệnh nhân sự cô đơn lẻ loi cùng cực, bệnh nhân không sao diễn tả ý nghĩ hay tâm tình của mình cho người chung quanh.

Câm và điếc tâm linh, tức sống trong tình trạng tội lỗi cắt đứt sự hiệp với Chúa và người khác.

Chúa Giêsu là Đấng Cứu Thế, Ngài đến cứu muôn người khỏi những ràng buộc của ma quỉ và tội lỗi. Các bí tích Chúa sẽ thiết lập, nhất là bí tích hòa giải là một tái tạo hiệp thông tình nghĩa với Chúa và người khác.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:  

Phúc âm nói “Đức Giêsu lại bỏ vùng Tyrô đi qua ngả Siđon, đến biển hồ Galilê vào miền Thập Tỉnh”. Xin cho biết những địa danh Tyrô, Siđon và Miền Thập Tỉnh cũng như dân cư ở những vùng trên.

Những tên Tyrô và Siđon đã có tiếng trong vùng Cận Đông cổ đại. Đây cũng là những thành phố quan trọng trong Cựu Ước và Tân ước. Ngày nay, cả hai thuộc nước Liban.

Siđon, ngày nay được gọi là Saida, trong tiếng Á Rập có nghĩa “câu cá”. Siđon là tên con trai đầu lòng của Canaan (Siđon là cháu nội của Noê, Stk 10.15). Về sau, khi Giacóp phân chia lãnh thổ cho các con trai mình, Ông đã chia Siđon cho chi tộc Zêbulun (Stk. 49.13) và chính Giôsuê đã coi Siđon như phần đất thuộc Hứa Địa (Sách Giosuê 13.6) Sau khi đã thống lĩnh hứa địa, Siđon được phân chia cho chi tộc Asher (Sách Giosuê 19.28). Ngay từ thuở đầu, Siđon được coi như thành phố cảng, nó được xây dựng trên một doi đất gần biển và thành nơi trú ngụ an toàn cho tàu bè lúc giông bão.

Tyrô cách Siđon 20 dậm về phía Nam, giữa đồng bằng ven biển là thành Tyrô, cũng được gọi là “Chua” trong tiếng Á Rập ngày nay. Tyrô được xây dựng trên một thạch đảo, chỉ cách Địa Trung Hải xa chừng đôi trăm bộ. Trong nguyên ngữ Do Thái, Tyrô có nghĩa là đá. Những chứng tích lịch sử khảo cỗ cho thấy cả hai thành phố nầy được thiết lập vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công Nguyên.

“Ra khỏi đó, Chúa Giêsu lui đến miền Tyrô và Siđôn”. Đừng tìm cách xác định lộ trình của Chúa Giêsu từ chỗ ra khỏi đó, một thành ngữ rất mơ hồ, đến miền Tyrô và Siđôn. Đúng hơn việc định vị này có một ý nghĩa thần học: Matthêu muốn nói Chúa Giêsu tiếp xúc với lương dân sống trong các miền ấy, nơi cũng có rất nhiều người Do Thái ở. Thành ngữ Tyrô và Siđôn, theo cựu truyền, chỉ vùng đất của dân ngoại dọc theo biên giới bắc-đông bắc của Palestine, mà ta cũng còn gọi là xứ Phênixia. Dân Phênixia tự gọi mình là người Canaan, và Cựu ước lẫn Tân ước cũng kêu họ như vậy.

Miền Thập Tỉnh (The Decapolis): The Decapolis (“Mười thành phố”; Trong tiếng Hy Lạp deka là mười; polis là thành phố) Là vùng đất phía Đông biển hồ Ga-li-lê, gồm mười thành chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Hy-lạp. Tin Mừng Nhất Lãm thường hay nhắc đến miền Thập Tỉnh này như trong Mt 4.25 ; Mc 1.28. Kỳ thực mười thành phố nầy không phải là một liên mình chính thức hay một thực thể chính trị, nhưng mười thành được gọi chung Thập Tỉnh vì cùng chung ngôn ngữ, văn hóa và hoàn cảnh chính trị.

Kéo riêng ra khỏi đám đông. Đặt ngón tay vào lỗ tai anh, nhổ nước miếng bôi vào lưỡi anh. Rồi người ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: “Hãy mở ra!”: Chúa tách riêng kẻ bị câm điếc ra khỏi đám đông. Đám đông thực sự chưa được chuẩn bị để nhận ra quyền năng chữa lành bệnh tật nơi Chúa Giêsu. Nên cách hay nhất là tránh những tò mò hay những suy diễn sai lầm, thí dụ đám đông nhìn thấy việc Chúa chữa lành người cầm điếc có thể cho là chuyện ma thuật hay phù thủy.

Chúa Giê-su làm hai động tác để chữa bệnh: Một là “đặt ngón tay vào tai và lấy nước miếng bôi vào lưỡi anh”; Hai là “ngước mắt lên trời” cầu nguyện, rên một tiếng (thở dài) và nói “Ép-pha-tha” nghĩa là “Hãy mở ra!” Hai động tác này hàm chứa dấu chỉ tiền trưng của việc thành lập bí tích sau nầy. Bí tích là dấu bề ngoài thấy được làm phát sinh ơn thánh bên trong mà không ai thấy. Thí dụ linh mục đọc lời tha tội và giơ tay ban ơn tha tội trên người xưng tội. Tội được tha. Những ràng buộc của ma quỉ được tháo gỡ. Phép lạ chữa lành người câm điếc chứng tỏ Chúa là Đấng Thiên Sai như được tiên báo qua tiên tri Isaia: “Bấy giờ mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò…” (Is 35,5-6).

“Ep-pha-tha!” (nghĩa là “Hãy mở ra!”), tức thì tai anh ta mở ra, và lưỡi anh ta được tháo gỡ, và anh nói được rõ ràng.

Không được kể chuyện đó với ai cả…: Chúa ban lệnh truyền “không được kể chuyện đó với ai cả” nhiều lần như khi chữa lành người câm điếc hôm nay, như khi chữa lành người phong cùi trong Mc.1.44, như khi phục sinh con gái ông Gia-ia trong Mc. 5.43 và như khi chữa lành người mù thành Betsaida trong Mc. 8.26)… Phúc âm Thánh Matcô được gọi là “Bí Mật Thiên sai!” Chúa Giêsu qua cái nhìn thần học của Thánh Matcô muốn tránh cho dân Do Thái khỏi hiểu lầm về sứ mệnh Thiên Sai của Chúa Giêsu. Người ta kỳ vọng Chúa Giêsu như một lãnh tụ chính trị đến để giải phóng dân khỏi ách nô lệ chính trị La Mã chứ không là Đấng Thiên Sai đúng nghĩa, Đấng đến để cứu con người khỏi ràng buộc của tội lỗi.

III. Thực hành Phúc Âm:  

https://richbrewers.files.wordpress.com/2015/09/ephphatha.jpg“Ép-pha-tha”, nghĩa là hãy mở ra.

  • Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con biết nói nhiều về Chúa: Ca ngợi Chúa, cảm tạ Chúa và cầu xin Chúa.
  • Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con biết nói tốt về anh chị em chung quanh.
  • Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con ít nói về chính mình.
  • Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con chỉ biết nói những gì gây tình yêu thương bác ái.
  • Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con biết đọc Lời Chúa hằng ngày.

Ai có dịp ra thăm Miền Bắc Việt Nam mình thì phải nhận rằng: Bà con mình ngoài đó nói chuyện rất hay, có vần có điệu, nhưng dường như ai cũng nói nhanh và nói quá nhiều, đó là chưa kể nhiều người nói “xạo”, nói không đúng sự thật chút nào. Qua đó, tôi hiểu được phần nào câu nói nghe đã lâu “người làm thì đói mà người nói thì no!” Tức cần phải vẽ vời hay “nổ” cho to để được khen thưởng và có chế độ đãi ngộ chăng?

Xin Chúa mở miệng chúng con để chúng con biết nói sự thật. Chúng con là con Chúa. Chúa là đường là sự thật và là sự sống.

“Ép-pha-tha”, nghĩa là hãy mở ra. Xin Chúa mở tai chúng ta: Người điếc tai không nghe được những lời kẻ khác. Có nhiều người tai không điếc nhưng thiếu kiên nhẫn lắng nghe và thông cảm.

  • Xin Chúa mở tai chúng ta để biết lắng nghe Chúa nói với chúng ta.
  • Xin Chúa mở tai chúng ta để biết lắng nghe Chúa nói với chúng ta qua anh chị em chúng ta.
  • Xin Chúa mở tai chúng ta để biết lắng nghe người khác bằng con tim thông cảm.
  • Xin Chúa mở tai chúng ta để biết “thính tai” khước từ những cám dỗ về xác thịt hay tiền tài danh vọng bất chính qua những lời ngọt ngào quyến rũ.