Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật VI Phục Sinh | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

634

CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH

Sách Công Vụ Tông Đồ Cv 15,1-2.22-29;
Sách Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ 21,1014.22-23
và Phúc Âm Thánh Gioan 14,23-29

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Đức Giê-su đáp : “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.  Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.  Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em.  Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.

Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo : ‘ Thầy ra đi và đến cùng anh em ‘. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

Yêu mến Thầy, giữ lời Thầy!
Chúa Cha yêu mến vui vầy kết thân.
Lời Thầy không tự bản thân,
Nhưng là từ Đấng Thiện, Chân, Vĩnh Hằng.

Chúng con hãy nhớ cho rằng:
Không gì cao quí cho bằng thương nhau.
Tình thương ơn Đấng tối cao,
Tình thương quà tặng nhận trao cho đời.

Thánh Thần sai đến gọi mời,
Hiểu thấu tình Chúa tình Trời bao la.
Sống thánh khúc hát hoan ca,
Ca khen Thiên Chúa là Cha trên trời.

Sống là mang ích cho đời,
Tình thương nhân ái muôn đời khát mong.
Lời Thầy không có viễn vông,
Nhưng là chân lý ngóng trông ngàn đời. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”- “Lời Thầy” là gì? Là yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.

“Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại trong người ấy!” – Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệp hiệp nhất và yêu thương trọn vẹn – Giữ giới luật yêu thương là thể hiện mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một diễn tả tròn đầy giới luật yêu thương.

“Đấng bảo trợ là Thánh Thần… sẽ dạy anh em mọi điều…” Chúa Giêsu đến để làm theo ý Thiên Chúa Cha. Chương trình cứu độ là chương trình của Thiên Chúa Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần đóng vai trò bảo trợ và hướng dẫn.

Kitô hữu là người tin Chúa Ba Ngôi – thực hành Lời Chúa dạy và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

II. Diễn giải liên quan Phúc Âm:

Diễn từ ly biệt của Chúa Giêsu chỉ được ghi lại trong Phúc Âm Gioan.

Phúc Âm Nhất Lãm, Matthêô, Marcô và Luca đều tường thuật về bữa tiệc ly của Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và cơn hấp hối trong vườn Cây Dầu. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm Gioan có diễn từ biệt ly, dài tới 4 chương từ chương 14 đến chương 17. Tại sao?

Các tác giả Phúc Âm Nhất Lãm, chỉ có tông đồ Matthêô hiện diện trong bữa tiệc ly đêm tối Thứ Năm. Độc giả của Phúc Âm Thánh Matthêô là những Kitô hữu Do Thái gắn liền với truyền thống Do Thái giáo. Phúc Âm được viết để đáp ứng nhu cầu phát triển của Giáo Hội Sơ Khai sau năm 70, tức sau biến cố triệt hạ đền thờ Giêrusalem và phân tán Do Thái của đế quốc La Mã.

Phúc Âm Matthêô được biểu tượng bằng hình con người. Tác giả Phúc Âm muốn diễn tả Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Đấng đến từ dòng dõi Đavid chứ không nhằm diễn tả những ý niệm cao siêu và khá trừu tượng như trong Phúc Âm về diễn từ ly biệt nói về tình yêu và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thông hiệp giữa Kitô hữu và mầu nhiệm hiệp nhất hoàn hảo nầy.

Các Phúc Âm khác như Phúc Âm Marcô hay Luca được coi như những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô. Nên đương nhiên không thể có diễn từ ly biệt vì “bản gốc” đã không có.

Phúc Âm Gioan được viết sau cùng và có mặt ở cộng đồng Kitô hữu vào đầu thế kỷ II. Vì thành hình sau cùng nên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều yếu tố thần học, đặc biệt về Kitô học. Phúc Âm thứ tư được biểu tượng bằng chim phượng hoàng, bay cao, xa và trên. Rất có thể Chúa Giêsu đã không có diễn từ ly biệt rất dài đến 4 chương trong Phúc Âm Gioan. Rất có thể phần chính trong diễn từ nầy đến từ những suy tư và đời sống tông đồ của Thánh Gioan. Gioan muốn dạy cho giáo dân về giới luật yêu thương, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về sự liên kết giữa con người và Chúa Giêsu, nên ông đã tận dụng những nhắn nhủ của Chúa sau khi rửa chân cho các tông đồ, để đặt vào miệng Chúa Giêsu bài diễn từ biệt ly trên.

III. Thực hành Phúc Âm:

Căn tính Kitô hữu: Yêu thương nhau.

Ai cũng biết đạo Công giáo chỉ có hai giới luật quan trọng là Kính Chúa và Yêu Người. Nhưng thật là khó, chúng ta thực hành không được. Hằng ngày và nhan nhãn những tranh chấp chức quyền, tiền bạc và những thứ bon chen xảy ra trong nội bộ Giáo Hội, giữa các giáo sĩ, tu sĩ và trong các cộng đoàn giáo xứ.

Có Giám Mục đã nói: Gặp mặt ông ấy là tôi bực mình vô cùng… Có Cha kia nói rõ: Tôi sẽ không đến chỗ nào mà có người ấy… Có người giáo dân đã phát biểu rõ ràng: Xin đừng đến nhà tôi… tôi không bao giờ tiếp Ông… Nhiều chuyện buồn xảy ra vì đánh mất căn tình Kitô hữu, vì không thực hiện được giới luật yêu thương. Chúng ta đánh mất căn tính.

Không xin xỏ! Không từ chối những sẵn sàng hy sinh phục vụ. Đó là châm ngôn sống của một anh em linh mục chia sẻ với tôi.  Tôi thực hành trong vài tháng qua và thấy căn tính Kitô hữu sống lại trong tôi.

Không xin xỏ: Người xin xỏ bộc lộ lòng tham  Người xin xỏ đặt mình ở thế yếu – Người xin xỏ hay nói nịnh hay khéo nói cho vừa lòng người – Người xin xỏ thường xoay chung quanh vật chất – Ân nhân của người xin xỏ không kính trọng người xin – Ân nhân của người xin xỏ mong đáp trả – Ân nhân của người xin xỏ nhớ mãi những gì đã cho.

Không từ chối: Đừng coi mình “bị xin” nhưng “được xin” – Đừng từ chối! Người bị từ chối nhớ đời chuyện bị từ chối – Người bị từ chối rủa thầm và cho mình là ích kỷ – Không từ chối, không phải là ngu – nhưng sống có hậu, sẽ được giúp đỡ về sau.

Hy sinh và phục vụ: Ngọn nến cháy sang nhờ sáp lụn tàn – Bữa cơm ngon nhờ người nào đó ra công chuẩn bị – Hy sinh phục vụ nâng cao phẩm giá – Hy sinh phục vụ cho đời sống ý nghĩa và thấy đáng sống.

Lá rụng về cội. Cội nguồn chúng ta là con Thiên Chúa. Hãy quay về cội nguồn, về căn tính của mình. Từ đó chúng ta mới thấy tại sao mình phải yêu thương người khác. Không cần họ cùng làng hay cùng gốc địa phận, nhưng họ cùng có Thiên Chúa là Cha. Cùng cha tức chúng ta là anh chị em. Không cần đi tìm một thứ gốc nào khác để thực hiện bác ái yêu thương một cách hẹp hòi và cục bộ, nhưng nên đứng trên căn tính con Thiên Chúa để thực thi tình yêu Chúa là Cha và tình bác ái với tha nhân là anh chị em mình.