Bài giảng Chúa Nhật 4 Quanh Năm C

1312

Tăng liều thuốc ngủ thành “mê”
Mê nghe Lời Chúa hết chê chỗ nào!
Ai biểu ngờ nghệch nhào vào,
Ông Tuyên chụp xuống bái chào đi luôn!

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý:

Dân làng nghi ngờ thắc mắc:
Con nhà thợ mộc nắm chắc cội nguồn.
Làm sao có thể diễn tuồng,
Nói thánh nói tướng, phô trương quá chừng!

Tôi đến quí Ông chẳng mừng,
Chẳng vui, chẳng hưởng, lẫy lừng, Thiên Sai
Lại còn vấn nạn triễn khai,
Rằng con thợ mộc làm oai vẽ vời!

Elia ngôn sứ của Trời,
Bà goá dân ngoại đón mời hưởng ơn.
Naaman cùi lỡ sạch trơn,
Elisa chữa khỏi, lòng nhơn, chân thành.

Dân chúng tức khí bạo hành:
Định xô xuống vực tan tành xác thân
Lẫn tránh những kẻ kiêu căng
Chúa đến Ca-Phác thi ân cứu đời.
Amen.

CHÚA NHẬT IV QUANH NĂM
Sách Ngôn Sứ Giêrêmia 1, 4-5,17-19;
Thư I Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,31-13,13
và Phúc Âm Luca 4,21-33

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca
Người bắt đầu nói với họ : “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe.”  Mọi người đều tán thành và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người.  Họ bảo nhau : “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao ?” Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ : Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình ! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào !” Người nói tiếp : “Tôi bảo thật các ông : không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay : vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en ; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.” Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.

Đó Là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

1. Con người của Chúa và công việc của Chúa không giống như người ta tưởng:
Người ta tưởng Chúa Giêsu là con đẻ của Ông Giuse, thợ mộc làng Nagiarét. Sai!
Người ta tưởng Chúa là người làng, phải dành mọi ưu tiên cho người cùng làng. Sai!

2. Chúa Giêsu đến để làm “ứng nghiệm Lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe!” Chúa đến để thực hiện thánh ý Thiên Chúa Cha: Loan báo Tin Mừng cho người nghèo, tuyên bố năm hồng ân cho người bị áp bức, chữa lành bệnh tật…. trong đó có dân làng Nagiarét, có người Do Thái, nhưng không có chỗ nào chỉ riêng và dành riêng chương trình cứu độ nầy cho người cùng làng hay người cùng xứ.

3. Ngắn gọn: Ơn cứu độ và tin mừng Chúa rao giảng có tính cách phổ quát, dành cho mọi người.

II. Dẫn giải Phúc Âm:              

  1. Tiên tri Elia và bà góa thành Sarepta?

Elia sống dưới thời vua Ahab, Ahaziah và Giêhôram, tức tiền bán thế kỷ 9 trước Công Nguyên. Elia có nghĩa “Yahvê là Chúa” Tên gọi nầy nhằm diễn tả sứ mệnh của Elia: Bênh vực Thiên Chúa, chống lại thần Baal. Ông chủ trương độc thần: Yahvê là Chúa duy nhất của Israel. Ông chống lại nền phượng tự ngoại nhập, đa thần đang bành trướng thời bấy giờ do các hoàng hậu ngoại giáo, cụ thể là hoàng hậu Giê-zi-ben của vua Ahab.  Elia thi tài và chiến thắng 400 tư tế của Hoàng hậu Giêziben. Dân chúng nổi dậy, giết hết tư tế ngoại giáo. Hoàng hậu Giêziben ra lệnh lùng bắt Elia. Ông trốn chạy lên núi thánh Chúa là Horeb mất 40 ngày (Sách các vua quyển I, chương 18 và 19)

Sách các vua chương 17 tường thuật việc tiên tri Elia sang Sidon vùng Phênicia, miền dân ngoại để tránh nạn đói đang hoành ở Isarel. Ông gặp một bà góa nơi cổng thành Zarépta và yêu cầu được trọ ở nhà bà, được bà dọn ăn ngon. Bà góa đã thỏa đáp những yêu cầu quá đáng của Elia. Để đáp trả, Elia đã làm cho nhà bà không bao giờ cạn lương thực và còn cho con trai bà chết được sống lại. Êlia, tiên tri của Chúa, người của Chúa lại bỏ dân Chúa, vì họ phản bội, để mang ơn phúc cho dân ngoại. Ơn cứu độ có tính cách phổ quát, dành cho mọi người, cho những ai biết đón nhận.

  1. Tiên tri Elisha và Naaman, người Syria?

Môn đệ và người thừa kế sự nghiệp tiên tri của Elia. Elisha có nghĩa “Chúa tôi là ơn cứu độ”. Chuyện được kể lại trong sách các vua quyển II chương 5. Naaman, quan cận thần của vua Syria, người ngoại giáo đã tin vào tiên tri Elisha, người của Thiên Chúa. Elisha bảo Naaman xuống sống Giodan tắm bảy lần và bệnh phong cùi biến khỏi ông, da vẻ ông hồng hào như da vẻ trẻ thơ.

Một lần nữa Chúa muốn nói đến tính cách phổ quát của ơn cứu độ: Người ta được cứu vì đức tin chứ không vì máu huyết hay bà con họ hàng ruột thịt hay người đồng hương, người cùng làng. Chúa đã nói với người phụ nữ bị bệnh xuất huyết kinh niên “Đức tin đã chữa con, hãy ra đi bình an” (Marcô 5, 34) Có lần Chúa đã khẳng định với người Do Thái: đừng tưởng nếu là con cháu Abram thì ô-tô-ma-tích được cứu rỗi (Luca 3,8 và Matthew 3,9) Thánh Phaolô cũng đã đề cập đến vấn đề nầy trong Thư Gửi Roma 4,13-15

III. Thực hành Phúc Âm: 

Giữ Đạo Công Giáo:

Từ Công Giáo theo nguyên ngữ Hy Lạp katholikos có nghĩa là phổ quát hay toàn thể. Các nhà văn Công Giáo thời Giáo Hội sơ khai đã xử dụng từ công giáo. Thánh Ignatiô xử dụng từ Giáo Hội Công Giáo lần đầu tiên năm 110.  Thánh Cyrilô thành Giêrusalem từ năm 347 đã khẳng định: Nhà của Chúa không chỉ là nhà thờ nhưng là Giáo Hội Công Giáo trãi rộng khắp thế giới.

Đơn giản và đễ hiểu, Công Giáo là đạo do Chúa Giêsu lập để mang ơn cứu độ cho tất cả mọi người. Đạo công giáo không dành riêng cho ai hay cho một thành phần giai cấp xã hội nào hay một quốc gia nhất định nào.  Giáo Hội Công Giáo thánh thiện, phổ quát và tông truyền.

Hãy sống và thể hiện tinh thần công giáo: Chúng ta không nên “giữ đạo” trong giới hạn của xóm đạo, của giáo xứ, của làng mạc, hay bao kín đạo công giáo trong lũy tre xanh, trong những cưới hỏi chỉ giữa người có đạo. Trái lại, chúng ta phải công giáo hóa, phải truyền đạo, phải làm cho công giáo thành đạo chung, ai cũng có thể nghe nói về Chúa, tin Chúa và được rửa tội.

Thống kê cho thấy là chúng ta “giữ đạo” công giáo rất kỹ đến nỗi số người biết đạo để tòng giáo quá ít. Nghe nói, từ năm 1954 cho đến 1975 những dòng tu ở Miền Bắc sống theo lối “Nội bất xuất, ngoại bất nhập!” Dòng tu và xã hội cô lập hóa lẫn nhau. Kết quả: Đạo công giáo bị mai một chung với sự cạn kiệt nhân sự về phía tu sĩ.

Men bị bọc kín trong túi nylon, sẽ không mang kết quả gì cả. Đạo Công Giáo chỉ được giữ trong nhà thờ hay trong gia đình, trong khu xóm, sẽ làm sai lạc tính cách phổ quát của Công Giáo. Vô tình chúng ta đã không làm được việc chúa truyền “Các con hãy đi giảng dạy muôn dân và làm phép rửa cho họ Nhân danh Cha và con và Thánh Thần” (Matcô 16,15-18).

2. Bản văn bài giảng | Download File Word