CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM B
Sách Tiên Tri Isaia 50, 4-7;
Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Philipphê 2,6-11
và Bài Phúc Âm Thánh Matcô 11.1-10 – Kiệu lá
Phúc Âm theo Thánh Matcô
Khi các ngài đến gần Giêrusalem ngang qua Bêtania, gần núi Cây Dầu, thì Chúa Giêsu sai hai môn đệ đi và bảo rằng: “Các con hãy đến làng trước mặt kia, vừa vào làng, các con sẽ gặp ngay cột sẵn đó một lừa con chưa ai cỡi, các con hãy mở dây mà dẫn về. Và nếu có ai hỏi các con ‘Sao các ông làm thế?’, thì hãy nói rằng: ‘Chúa cần dùng, xong việc Ngài sẽ trả lại đây'”. Hai môn đệ ra đi và gặp lừa con cột trước cửa ngõ, nơi ngã tư đàng, hai ông liền mở dây. Vài người trong những kẻ đứng đó hỏi hai môn đệ rằng: “Các ông làm gì mà mở dây lừa con vậy?” Hai môn đệ đáp lại như lời Chúa Giêsu dạy bảo, và người ta để cho đem đi. Hai ông dắt lừa con về cho Chúa Giêsu, và trải áo lên mình lừa và Ngài lên cỡi. Nhiều người trải áo xuống đường, kẻ khác chặt nhành cây trải lối đi: Kẻ thì đi trước, người theo sau tung hô rằng: “Hoan hô! Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến. Chúc tụng nước Ðavit tổ phụ chúng ta đã đến. Hoan hô trên các tầng trời! Đó là Lời Chúa.
Diễn ý:
Tư tế âm mưu giết Chúa,
Giu-đa, tiền bạc, héo úa lòng nhân.
Sư phụ đong đếm đo cân,
Ba mươi đồng chẵn nghĩa ân Thầy trò.
Tiệc buồn biến bánh rượu nho,
Thành Mình Máu Chúa phỉ no lòng người.
Việc thánh tái diễn suốt đời,
Nhớ Thầy Chí Thánh! Bánh Trời trường sinh.
Vườn dầu thống thiết lời kinh:
Chén đắng! Nếu được con xin miễn trừ.
Mồ hồi hòa máu đỏ lừ.
Ý Cha được trọn! Không từ hy sinh.
Bị bắt giải nộp về dinh,
Án xử ban xuống đóng đinh thập hình.
Dưới chân thánh giá Mẹ nhìn:
Con sinh để chết cho tình lên ngôi. Amen.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
- Tuần thương khó, tuần của vinh quang và tủi nhục.
- Tuần thương khó, tuần của đau khổ, hành hình, chết chóc nhưng cũng là thời điểm ơn cứu độ được ban xuống cho nhân loại.
- Tuần thương khó, tuần giằng co giữa quyền lực Satan và sự chiến thắng vinh quang của Con Thiên Chúa Phục Sinh.
- Chúa Giêsu trong tuần thương khó được trình bày như con chiên bị sát tế thành giá cứu chuộc cho muôn người:
- Trong Cựu Ước, đêm Thiên Thần Chúa Vượt Qua nhà người Do Thái có máu chiên bôi trên cửa và để họ được an toàn rời khỏi ách nô lệ Ai Cập.
- Đêm tiệc ly, lần cuối Chúa dự tiệc Vượt Qua của Cựu Ước, nhưng cũng là lần đầu Chúa thiết lập Lễ Vượt Qua của Tân Ước, tức Bí Tích Thánh Thể, Máu Chúa thành giá cứu độ, Mình Máu Thánh Chúa thành lương thực cho hành trình về thiên quốc.
- Chúa sát tế chính mình trên thánh giá, giọt máu sau cùng từ cạnh sườn chảy ra thành nguồn ơn cứu độ muôn người. Chúa yêu thương nhân loại đến vắt cạn kiệt chính mình và trao ban đến tận cùng.
II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:
Câu 47 “Nhưng một trong những kẻ đang có mặt tại đó tuốt gươm ra, chém phải tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai”. Phúc Âm Thánh Matcô chương 14 liền lạc từ câu 1-15, sau đó lại đứt quảng rất xa và kết thúc với câu 47 như trên?
Phúc Âm Thánh Gioan 18.10 nói ông Phêrô rút gươm chém tên đầy tớ của thượng tế Caipha tên là Malcô. Phúc Âm Thánh Luca 22.47-53 nói là Chúa chữa Malcô lành tai. Còn Matcô thì nói: một trong những kẻ đang có mặt… mà không nói tên, cũng không nói tên đầy tớ được chữa lành tai đứt. Tại sao?
Chúng ta cứ mường tượng cảnh đêm hôm: Quân lính với gậy gộc mã tấu và đèn đuốc ập đến chắc phải gây hoảng hốt tột cùng cho người hiện diện. Chuyện Phêrô rút gươm chém một nhát… rồi có thể bỏ chạy mất, nên không hề biết việc Chúa chữa lành Malcô mà tường thuật cho Matcô sau nầy? Phần Matcô, chỉ muốn chứng minh là mình có mặt ở đó, nhìn thấy cảnh phản bội và bắt Chúa, nhưng nể Phêrô và không tường thuật chuyện Phêrô chém người khác đứt tai rồi tẩu mất chăng?
Ai cũng đồng ý là Matcô có mặt, vì chỉ mình ông mới mô tả được chuyện thanh niên ẩn danh ở câu 52 và 52: 51 Trong khi đó có một cậu thanh niên đi theo Người, mình khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh. Câu 52 Anh liền trút tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng. Thanh niên ẩn danh đó chính là Matcô.
Đức Giêsu đang ở làng Bêtania, tại nhà ông Simon Cùi.
Bêtania theo nguyên ngữ Aram có nghĩa nhà nhân ái hay nhà nghèo. Theo các Phúc Âm thì đây là làng của 3 chị em: Mattha, Maria và Lazarô. Trong Phúc Âm Thánh Matcô cũng cho biết có cả nhà ông Simon tật phung ở đây nữa. Nơi đây có mồ chôn Lazarô chết 4 ngày. Từ nơi đây, Mattha đưa tin cho Chúa là Lazarô bệnh nặng gần chết. Bêtania cách Giêrusalem không đầy 3 cây số và tọa lạc ở phía đông núi Cây Dầu… Nên những câu chuyện trong phúc âm tường thuật rằng người ta đến xem Lazarô phục sinh không có gì khó tin.
III. Thực hành Phúc Âm:
Lá lót đường
Người Nhật được khen là can đảm và dám hy sinh cho đại cuộc. Trong trận Trân Châu Cảng ngày 7.12.1941, hàng trăm chiến đâu cơ của Nhật chui vào ống khói của những tuần dương hạm hay tàu chiến của Mỹ. Trong một cuộc đổ bộ ở Miến Điện thời Đệ Nhị Thế chiến, hàng trăm lính Nhật đã liều chết làm cầu cho quân đội Nhật vượt qua sông, qua suối.
Tiếng của Miền Bắc gọi là “hy sinh đời bố củng cố đời con!”
Ở đây tôi không muốn nói đến những thứ lót đường để có cơm gạo nầy. Nhưng là những “lót đường” cần thiết cho ích chung. Làm linh mục ở giáo xứ, chúng tôi không phải ngồi chờ cho qua ngày tháng, nhưng cố gắng hết sức để phát triển giáo xứ. Nhiều khi công việc chưa tới đâu thì bị đổi đi. Chúng tôi tuân hành vì dù sao cũng đã lót được phần đường cho người đi sau.
Biết bao nhiêu người liều thân đi vượt biên tìm cuộc sống tự do mà bây giờ hàng trăm ngàn bà con được sang đây bằng máy bay và hưởng con đường dễ dàng mà người đi trước đã lót.
Bao nhiêu thành công khoa học đã nhờ không biết bao nhiêu người đã hy sinh ngày đêm trong phòng thí nghiệm tìm tòi nghiên cứu. Lá lót đường người qua kẻ lại. Thành bại ngày nay, từ hy sinh của những tháng ngày trước và của nhiều người đi trước.
Thiếu can đảm hy sinh vì tệ nạn: Ma túy, cờ bạc, mãi dâm… khí giới của suy nhược hủy hoại hơn là hy sinh quật khởi. Tháng 6 năm 2019, giới sinh viên, giới trẻ Hongkong đứng lên đòi độc lập, đòi nhân quyền, đòi được tôn trọng quyền tự trị… Lãnh đạo toàn người trẻ không ai quá 25 tuổi. Làm sao những người trẻ nầy có thể có can đảm hy sinh cho đại cuộc? Hongkong là thuộc địa của Anh cả trăm năm. Dù là thuộc địa, nhưng họ đã hấp thụ được nền văn minh Âu Châu: Dân chủ và học thức… Giới trẻ xây dựng tương lại bằng đời sống trí thức, xa tránh ma túy, cờ bạc hay truỵ lạc… họ có ý chí quật khởi. Giời trẻ VN sẽ không có khả năng quật khởi… vì người ta đã đem ma túy, cờ bạc, mãi dâm vào để làm suy nhược những thế hệ. VN là một trong những quốc gia mắc bệnh “nhậu” nhất thế giới. Các quan chức đều có bồ nhí hưởng lạc… Những sòng bạc ở Campuchia thu hút vô số người Việt Nam… Suy nhược hoàn toàn!