Bài giảng lễ Thánh Gia Thất, năm A

1022

Thơ diễn ý:  

Khi các đạo sĩ đã đi,
Giuse vụt tốc Hài Nhi, Mẹ Ngài.
Đang đêm trốn chạy như bay,
Hê-rô-đê cả ra tay giết Ngài.

Bê Lem trẻ nhỏ chết dài,
Thánh Gia tỵ nạn chờ ngày qua đi.
Hê-rô-đê Cả sinh thì,
Về lại cố quốc, thôi thì định cư.

Gia đình nghèo khổ không dư,
Sống theo ý Chúa, riêng tư bỏ ngoài.
Thánh thiện hạnh phúc mỗi ngày,
Giê-su thêm tuổi tràn đầy khôn ngoan.

Gia đình hạnh phúc bình an,
Sống theo ý Chúa, cưu mang đỡ đần.
Nhỏ nhẹ, khiêm tốn, đến gần,
Hỏi han chăm sóc, có cần gì không? Amen.

A. Video bài giảng

LỄ THÁNH GIA THẤT, NĂM A

Sách Huấn Ca 3.3-7.14-17;
Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlossê 3.12-21
và Phúc Âm Thánh Matthêô 2.13-15.19-23

Tin mừng Chúa Giêsu theo Thánh Matthêô

Khi các đạo sĩ đã đi rồi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”. Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm cho trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập”. Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe những tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa. Khi Hêrôđê băng hà, thì đây thiên thần Chúa hiện ra cùng Giuse trong giấc mơ bên Ai-cập và bảo: “Hãy chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel, vì những kẻ tìm hại mạng sống Người đã chết”. Ông liền chỗi dậy, đem Con Trẻ và mẹ Người về đất Israel. Nhưng nghe rằng Arkhêlao làm vua xứ Giuđa thay cho Hêrôđê là cha mình, thì Giuse sợ không dám về đó. Ðược báo trong giấc mộng, ông lánh sang địa phận xứ Galilêa, và lập cư trong thành gọi là Nadarét, để ứng nghiệm lời đã phán qua các tiên tri rằng: “Người sẽ được gọi là Nadarêô”.

Ðó là lời Chúa. Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa được sinh ra bởi một trinh nữ như trong sách Tiên Tri Isaia chương 7.14 tiên báo.

Đức Trinh Nữ Maria luôn thưa “Fiat” xin vâng theo thánh ý Chúa qua lời thiên sứ.

Thánh Giuse cũng vậy, không bao giờ do dự trước lệnh truyền của Chúa “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”.

Thánh gia hoàn toàn sống và hành động theo thánh ý Chúa.

Gia đình thánh gồm những người vâng theo ý Chúa, tức từng cá nhân và toàn gia đình luôn đặt Chúa lên trên tất cả và tìm cách thực thi thánh ý Chúa. Gia đình được thánh hóa hay nên thánh vì thực thi thánh ý Chúa hay làm trọn ý Chúa, chứ không tìm ý riêng hay ích kỷ riêng tư. 

II. Diễn giải Phúc Âm:

1. “Này ông, dậy đem Hài Nhi và Mẹ Người trốn sang Ai Cập và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hêrôđê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”… Ông Giuse liền chổi dậy… Ông ở đó cho đến khi vua Hêrôđê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai Cập… muốn nói gì?

Sứ thần nói “đem Hài Nhi và Mẹ Người” chứ không nói: Đem con trai ngươi và vợ ngươi. Thánh Matthêô viết Phúc Âm cho người chính gốc Do Thái nặng truyền thống Cựu Ước và thánh sử luôn dùng Cựu Ước để chứng minh về việc sinh ra, đời sống và cái chết của Chúa Giêsu. Trong sách Tiên Tri Isaia chương 7.14 đã tiên báo “Đấng Cứu Thế sinh bởi một trinh nữ”, vậy thì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa chứ không là con đẻ của Giuse. Đức Mẹ Maria là Mẹ Đấng Cứu Thế, nhưng là một trinh nữ, tức không có chuyện “biết đến người nam”. Nên Giuse không là chồng của Maria theo quan niệm thông thường.

Ông Giuse hoàn toàn im lặng và chỉ biết hành động theo lệnh Chúa truyền qua lời sứ thần.

Phúc Âm Thánh Matthêô nói nhiều về những tiên báo của các tiên tri trong Cựu Ước có liên quan đến Đấng Cứu Thế. Tiên tri Isaia chương 7.14 tiên báo: Đấng Cứu Thế sinh bởi một trinh nữ. Tiên tri Mika chương 5.12 nói: Đấng Cứu Thế sinh ra ở Bêlem. Tiên tri Giêrêmia chương 31.15 tiên báo việc Hêrôđê tìm giết Hài Nhi. Tiên tri Hôsêa chương 11.1 tiên báo rằng: Từ Ai cập, ta đã gọi Con ta về. Tiên tri Isaia trong chương 40.3 tiên báo về Gioan tiền hô sẽ đến dọn đường cho Đấng Cứu Thế.  Đấng Cứu Thế chữa lành bệnh tật được Isaia tiên báo trong chương 53.4. Cả việc Đấng Cứu Thế cởi lừa vào Giêrusalem cũng được Giacaria tiên báo trong chương 9.9… Nên câu Phúc Âm “để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con ta ra khỏi Ai Cập…” chính là lời tiên báo của Giêrêmia chương 31.15 và Hôsêa chương 11.1.

2. Tại sao nói: Lễ Thánh Gia Thất: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse chứ không là: Thánh Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu? Như vậy có thiếu tôn trọng vai trò người Cha trong xã hội Do Thái thời bấy giờ không?

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thiên Chúa không chỉ đứng đầu mà còn phải trên tất cả. Thánh Gia Thất phải theo trật tự nầy: Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Đấng tự hữu phải dẫn đầu và trên tất cả. Kế đến là Đức Trinh Nữa Maria, Mẹ Thiên Chúa. Maria cũng là thụ tạo được Thiên Chúa tạo thành, nhưng được nâng lên vai trò cao trọng là Mẹ Thiên Chúa. Thánh Giuse, thụ tạo, Cha nuôi của Chúa Giêsu, kém cao trọng hơn Đức Maria và không thể nào so sánh với Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Đấng Cứu Thế.

Trật tự nầy nói lên lý do tại sao gọi là Thánh gia thất. Gia đình thánh vì có Chúa đứng đầu và Chúa cao trọng nhất. Mọi người phải thực hiện thánh ý Thiên Chúa và theo chương trình của Ngài. Nên đúng như Chúa nói: “Nầy con xin đến để thi hành thánh ý Cha” là câu tâm niệm sống của mọi gia đình.

Hêrôđê Cả.

Gọi Hêrôđê Cả đúng hơn là đại đế, vì Do Thái bị La Mã thống trị từ năm 63 trước Công nguyên. Do Thái thành một tỉnh bang của Đế quốc La Mã, nằm dưới sự đô hộ của Hoàng Đế La Mã đồng thời trực thuộc đại diện của Hoàng Đế La Mã được gọi là Tổng Trấn, như Quirinô làm tổng trấn khi Chúa sinh ra và Philatô làm tổng trấn khi Chúa chết. Chúng ta có thể so sánh những vị vua của thuộc quốc nầy giống như những vua Thành Thái, Bảo Đại của triều đình Huế thời Pháp thuộc. Những vị vua do đế quốc thống trị đặt lên và dưới quyền thống trị của mẫu quốc.

Theo Bách Khoa Tự Điển Wikipedia thì “Hêrôđê Cả sinh trưởng trong một gia đình quyền quý có cha là Antipater the Idumaean. Mẹ ông là công nương Cypros của vùng Petra Nabatea (nay là một phần của Jordan). Gia đình ông có quan hệ thân thiết với nhiều nhân vật quyền quý ở La Mã thời bấy giờ, trong đó có Pompey và Cassius. Nhờ mối quan hệ này, năm 47 TCN cha của Hêrôđê Cả được cất nhắc làm quan tổng trấn của vùng Judea và Hêrôđê Cả được làm thống đốc Galilê. Sau khi cha bị đầu độc vào năm 43 TCN, Hêrôđê Cả lên nắm tất cả quyền bính của cha và truất phế người vợ đầu và con cả để lấy công nương Mariamne của hoàng tộc cai trị Judaea trước đó. Năm 40 TCN, khi người Hasmonea và Parthia xâm chiếm Judaea, Hêrôđê Cả chạy trốn sang La Mã. Tại đó ông được Hội đồng Trưởng lão La Mã bầu làm Vua Do Thái. Nhưng phải đến năm 37 TCN ông mới thực sự thống trị được Judaea”.

Hêrôđê Cả trong Tân Ước

Hêrôđê Cả chính là người đã tỏ ra bối rối khi nghe các Đạo sĩ Phương Đông hỏi thăm là “Vua Người Do Thái mới sinh ra ở đâu?” Bối rối và sợ mất ngôi. Ông đã khôn khéo cho vời các Đạo sĩ vào hoàng cung hỏi thăm xem ngày giờ ngôi sao xuất hiện để tìm cách giết Hài Nhi Giêsu. Sau khi thăm Chúa Hài Nhi và dâng cúng lễ vật, 3 đạo sĩ được sứ thần báo mộng tìm đường khác về quê thay vì trở lại gặp Hêrôđê.

Hêrôđê Cả cũng chính là người đã cho giết chết những trẻ thơ vô tội ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống với hy vọng là trừ diệt được “vua mới sinh” như được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô 2.13-18.

Hêrôđê Cả được kế thừa bởi những người con làm quận vương như sau:

Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi là Edomn từ năm 4 trước Công Nguyên cho đến năm 6 sau Công Nguyên.

Hêrôdê Antipas làm vua cai trị Galilê từ năm thứ 4 trước Công Nguyên cho đến năm 39 sau Công Nguyên. Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôdia, vợ của anh trai mình là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia (Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20) Ông cũng chính là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là “con cáo già” (Lc 13,32).

Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê Cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công Nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công Nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôdia là vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipa chiếm đoạt.

III. Thực hành Phúc Âm:

Phụ nữ Việt Nam và áo dài phụ nữ Việt Nam

Tôi thường yêu thích và dễ dàng liên kết giữa người Mẹ Việt Nam với Đức Mẹ Maria. Tại sao? Cũng hơi khó hiểu khi tôi không thấy và không biết Đức Mẹ, nhưng tôi lại cho là phụ nữ Việt Nam hay những người mẹ Việt Nam giống Đức Mẹ. Có lẽ do đức tính hiền lành, nhu mì đầm thắm, đảm đang và rất mực thương yêu chồng con của phụ nữ Việt Nam mà tôi nhận ra một hình ảnh được mô phỏng theo Mẹ Maria. Mẹ Maria, người phụ nữ được nâng lên làm Mẹ Thiên Chúa. Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa chắc chắn là không đanh đá hay hung dữ hay quá ồn ào và thích đôi co chửi lộn như những con buôn ngoài chợ được.

Thêm một thiên kiến nữa là tôi thật không sao quên được hình ảnh đẹp, trong trắng và thanh thoát trong chiếc áo dài trắng của các nữ sinh Việt Nam trước năm 1975. Ai cũng phải khen phụ nữ Việt Nam mặc áo dài rất đẹp. Nó phù hợp về dóc dáng mảnh khảnh, gọn nhẹ, với dáng đi đầm thắm nết na và phong cách thanh tú với gương mặt sáng và thông minh.

Tuy nhiên, ngày nay dường như tôi đã lỗi thời khi càng ngày càng nhiều phụ nữ Việt Nam đã thay hình đổi dạng: Thân thể có nhiều mỡ béo hơn. Dáng vẻ xem chừng mang nhiều nam tính hơn. Lời ăn tiếng nói xem chừng hùng dũng và đầy uy quyền không thua gì vị tướng chỉ huy ngoài mặt trận. Họ cũng không còn mặc áo dài nhiều vì thân thể không còn mảnh mai hay tha thướt khuôn theo kiểu áo dài ‘gò ép” ngày xưa.

Cũng theo lối nhìn “out of date” của tôi nầy thì người Mẹ Việt Nam ngày nay cũng kém mô phỏng hình ảnh nhu mì, đạo đức hay hiền hòa của Mẹ Maria ngày xưa nhiều. Dù sao thì tôi vẫn yêu thích hình ảnh đạo đức, hòa nhã và thích thầm lặng của Đức Mẹ Maria, vì bà hay “giữ mọi điều và suy nghĩ trong lòng” bà không có hò hét hay tranh đấu, giành cho được quyền làm “Lady First!” đàn bà phải số một!

B. Bài giảng File Word tại đây