vo ha
Vua Hammurabi (1810-1750 TCN) là vị vua nổi tiếng với bộ luật đầu tiên mang tên ông, được ghi trên bia đá mà sử sách ngành Luật Học luôn đề cao. Ông là vua thứ 6 của Babylon (Irắc hiện nay) và cũng là vua đầu tiên bành trướng lãnh thổ sang các nước chung quanh. Do đâu? – Xin thưa, nhờ luật pháp nghiêm minh, giúp phát triển kinh tế, nên thêm làm hùng mạnh cho quân đội và cả nước nói chung. Bộ luật của triều đại ông và bộ luật của Môsê chừng 5 thế kỷ sau đó, trong sách Torah, có nhiều điều tương tự. Nói cách khác, nhờ có luật lệ nghiêm minh mà đất nước phát triển và hưng thịnh.
Trở lại lịch sử Israel thời Cựu Ước, là nền tảng của Kitô Giáo hôm nay, ông Môse là hậu duệ của Tổ Phụ Abraham quê nhà thành Urs, xứ Babylon. Ông giữ 3 nhiệm vụ chính lập pháp, tư pháp và hành pháp, kiêm luôn chỉ huy quân đội, thêm vai trò ngôn sứ. Ông thấy rõ bổn phận phải giữ lề luật giao ước ký kết với Chúa như chất keo sơn gắn kết toàn dần, và cũng nhờ đó tạo nên sức mạnh mà tồn tại và hướng tới tương lai cho dân tộc.
Tới thời Tân Ước 2.000 năm nay, Chúa Giêsu đã đem lại cho Lề Luật cũ một linh hồn hay tinh thần mới. Tinh thần nầy được sinh ra và lớn lên trong tin yêu. Ta cùng đọc những dòng Lời Chúa bên dưới cùng xin ơn soi sáng thêm nữa.
BÀI ĐỌC I: Ðnl 4,1-2. 6-8.
“Các ngươi hãy tuân giữ các giới răn và đem thực hành bằng việc làm”.
Các ngươi phải tuân giữ và thực hành, vì đó là sự khôn ngoan và sáng suốt của các ngươi trước mặt muôn dân, để khi nghe nói đến tất cả các lề luật ấy, họ nói: ‘Thật, dân tộc vĩ đại này là một dân khôn ngoan và sáng suốt’. Không một dân tộc nào được các thần ở bên cạnh mình, như Chúa là Thiên Chúa chúng ta, ở bên cạnh chúng ta, khi chúng ta kêu cầu Người. Có dân tộc thời danh nào khác có lễ nghi, huấn lệnh công chính, và bộ luật như ta trình bày trước mặt các ngươi hôm nay không?”
“Vậy các ngươi hãy ý tứ và giữ mình. Trong suốt đời các ngươi đừng quên và đừng để lòng xao lãng những điều các ngươi đã thấy. Hãy dạy cho con cháu các ngươi biết các điều ấy”.
BÀI ĐỌC II: Gc 1, 17-18. 21b-22. 27.
“Anh em hãy thực thi lời đã nghe”.
Bài trích thư Thánh Giacôbê Tông đồ.
Anh em thân mến, mọi ơn lành và mọi phúc lộc hoàn hảo đều do tự trời, bởi Cha sáng láng ban xuống, nơi Người không có thay đổi và cũng không có bóng dáng sự thay đổi. Người đã muốn sinh ra chúng ta bằng lời chân thật, để chúng ta nên như của đầu mùa trong các tạo vật. Cho nên anh em hãy khử trừ mọi thứ nhơ bẩn và lòng đầy gian ác, anh em hãy ngoan ngoãn nhận lãnh lời đã gieo trong lòng anh em, lời có sức cứu độ linh hồn anh em. Anh em hãy thực thi lời đã nghe, chứ đừng nghe suông mà lừa dối chính mình. Lòng đạo đức trong sạch và tinh tuyền đối với Thiên Chúa Cha là: Thăm viếng cô nhi quả phụ trong cơn quẫn bách và giữ mình khỏi mọi ô uế đời này.
PHÚC ÂM: Mc 7, 1-8a. 14-15. 21-23.
“Các ngươi gác bỏ một bên các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục phàm nhân”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, những người biệt phái và mấy luật sĩ từ Giêrusalem tụ tập lại bên Chúa Giêsu, và họ thấy vài môn đệ Người dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch, nghĩa là không rửa trước. Vì theo đúng tập tục của tiền nhân, những người biệt phái và mọi người Do-thái không dùng bữa mà không rửa tay trước, và ở nơi công cộng về, họ không dùng bữa mà không tắm rửa trước. Họ còn giữ nhiều tập tục khác nữa, như rửa chén, rửa bình, rửa các đồ đồng.
Vậy những người biệt phái và luật sĩ hỏi Người: “Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân mà lại dùng bữa với những bàn tay không tinh sạch?” Người đáp: “Hỡi bọn giả hình, Isaia thật đã nói tiên tri rất chí lý về các ngươi, như lời chép rằng: ‘Dân này kính Ta ngoài môi miệng, nhưng lòng chúng ở xa Ta. Nó sùng kính Ta cách giả dối, bởi vì nó dạy những giáo lý và những luật lệ loài người’. Vì các ngươi bỏ qua các giới răn Thiên Chúa, để nắm giữ tập tục loài người”. Và Người lại gọi dân chúng mà bảo rằng: “Hết thảy hãy nghe và hiểu rõ lời Ta. Không có gì từ bên ngoài vào trong con người mà có thể làm cho họ ra ô uế. Chỉ có những gì từ con người xuất ra, chính những cái đó mới làm cho họ ra ô uế. Vì từ bên trong, từ tâm trí người ta xuất phát những tư tưởng xấu: ngoại tình, dâm ô, giết người, trộm cắp, tham lam, độc ác, xảo trá, lăng loàn, ganh tị, vu khống, kiêu căng, ngông cuồng. Tất cả những sự xấu đó đều ở trong mà ra, và làm cho người ta ra ô uế”.
Đôi dòng ghi chú và tâm tình
Bài đọc 1, trích từ Sách Ðệ Nhị Luật. Sách mang tên nầy, vì thời đó sách là cuộn da được chép tay. Sách Luật giao ước “bản chính” rất hiếm quí, phải được lưu giữ nơi thánh thiêng. Nên các bậc văn võ quân thần từ trung ương tới địa phương và hàng giáo sĩ, phải chép một bản thứ nhì để học tập nghiên cứu và nhắc nhớ cho mình cũng như cho người: Theo bản copy hay “Đệ Nhị Luật” thì có lời dạy rằng … Cuốn/cuộn Luật gốc không mấy khi được mở ra hay nhắc tới, mà chỉ nhắc tới bản copy hằng ngày nên được hay bị gọi là “Đệ Nhị Luật”.
Theo bản trích đoạn trên, thì cái nhìn của Môse chừng 3.250 năm trước, chỉ mong: Israel nghe các lề luật và huấn lệnh mà thực hành, để được sống và được đất mà Thiên Chúa đã ban cho cha ông. Chớ thêm bớt điều gì trong các điều đã được truyền. Hãy tuân giữ các giới răn của Thiên Chúa.
Nhưng với thời gian, thẩm quyền Do Thái, bên nhà thờ cao hơn nhà nước, đã cùng nhau thêm thắt ra tới 613 điều ngoài 10 điều căn bản Chúa truyền dạy trong sách Xuất Hành 20:1-21. Có nhiều khoản luật chi li mà hàng giáo sĩ không muốn mó tay vào, nhưng vẫn chất chồng gánh nặng đó trên vai dân chúng.
Nên khi xuống cõi trần, Chúa Giêsu gọi nhóm trên là đám giả hình. Nhân tiện Chúa làm cuộc cải cách lớn lao để kiện toàn luật cũ, như phân biệt đâu là sạch và dơ về mặt tinh thần…
Thí dụ, chất phế thải bẩn thỉu có dính vào mình, chỉ “dơ” tạm thời thể chất và dùng nước mà rửa thì xong. Nhưng cái dơ dáy độc ác từ trong mà ra, tức là từ “tâm” làm cho tác nhân dơ trước, rồi thêm bẩn cả xã hội và hậu quả là tai họạ ập tới như lịch sử xưa nay cho thấy.
Nhìn rộng hơn, bên trời Á Đông 2.500 năm trước, Đức Cồ Đàm cũng đã ngộ chân lý nầy:
“Trong các pháp (muôn vật hữu hình và vô hình) tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm ô nhiễm, sự khổ sẽ theo nghiệp (hậu quả ác xấu) kéo đến như bánh xe lăn theo chân con vật kéo. (Kinh Pháp Cú 1:1)
Trong các pháp, tâm dẫn đầu, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nếu nói hoặc làm với tâm thanh tịnh, sự vui sẽ theo nghiệp kéo đến như bóng theo hình”. (id. 1:2)
Tóm lại, xin ghi ra lời chia sẻ của Thầy Phùng V. Chiến bên dưới :
Một bài giảng, đọc chung chung, thấy hay, nhưng chỉ nói một chiều, không nói lên được vấn đề chính hiện nay.
Trong bài giáo lý hàng tuần ngày thứ Tư 25.8.2021, tại Hội trường Phaolô VI (Roma, nước Ý) Đức Phanxicô đặc biệt lên án nạn đạo đức giả trong Giáo hội (không chỉ là giáo sĩ chỉ đạo, mà phải hiểu là mọi thành phần dân Chúa):
“Đạo đức giả là gì? Chúng ta có thể nói “đạo đức giả là sợ hãi sự thật.” Ngài lấy làm tiếc cho nạn đạo đức giả trong Giáo hội, nơi nó “đặc biệt đáng ghê tởm”.
Đức Phanxicô tiếp tục bài giáo huấn Thư Thánh Phaolô gởi tín hữu Galat, Ngài chú giải đoạn Thánh Phêrô bị trách cứ vì đã cư xử không tốt.
Tại Antiokia, Thánh Phêrô dùng cơm với người ngoại đạo, điều mà Lề Luật cấm. Nhưng trước những tín hữu gốc Do Thái, ông đã không ăn vì sợ bị chỉ trích.
Đức Phanxicô tóm tắt, ngài đưa ra hiểu lầm về mối quan hệ giữa luật pháp và tự do. Một vấn đề không có tên nào khác hơn là đạo đức giả.
Người đạo đức giả là người không biết yêu
Trong bài giáo lý hôm nay, Đức Phanxicô đặc biệt lên án nạn đạo đức giả. “Đạo đức giả là sợ sự thật, là sống với mặt nạ, là không có can đảm đối diện với sự thật, là không yêu thương thật sự.” Và ngài nhắc đi nhắc lại: “Người đạo đức giả là người không biết yêu”.
Công kích tai họa của sự thật nửa vời và tính giả dối hai mặt, Đức Phanxicô có tài ứng biến, ngài bắt chước nụ cười ngoài mặt mà chúng ta thấy đây đó trong đời sống hàng ngày của mình.
Vì đạo đức giả là loại “vi-rút” lây lan khắp nơi. Nó thường lan mạnh trong giới nghề nghiệp hay trong đời sống chính trị. Nhưng căn bệnh này cũng lan rộng trong Giáo hội, nơi nó “đặc biệt đáng ghê tởm, vì nó gây nguy hiểm cho sự hiệp nhất”.
Ngài lấy làm tiếc: “Thật không may, nạn đạo đức giả tồn tại trong Giáo hội”, Đức Phanxicô nói ngoài văn bản đã soạn: “Bao nhiêu là tín hữu Kitô, bao nhiêu là sứ vụ viên đạo đức giả.” Ngài kết luận:
“Chúng ta không nên sợ phải chân thành, chúng ta phải nói sự thật, cảm nhận sự thật và tuân theo lẽ thật, chỉ có cách này chúng ta mới có thể yêu thương.”
Xin dâng lời cầu
Chúa Giêsu đã đến trần gian, để giúp chúng con hiểu rõ về sự ô uế và trong sạch tinh thần: “Mọi điều xấu từ bên trong phát ra, làm cho cả con người thành ô uế”.
- Xin cho các phẩm trật/chức sắc trong Hội Thánh biết giữ cho chính mình, đồng thời cũng giúp răn dạy dân Chúa sống theo tinh thần của lề luật, mà tránh mọi hình thức che đậy giả dối của thói đời xưa nay.
- Xin cho các nhà lãnh đạo các nước, trong thời buổi dịch bệnh Corona19 nầy, chọn phục vụ đồng bào của mình trong tinh thần của sự thật, hầu xây dựng và canh tân đất nước.
- Xin cho những người chỉ sống bằng hình thức, hiểu rằng chính cách sống của họ, làm cho họ trở thành tấm bia cười cợt nhạo báng đời nầy và cho bia miệng cả ngàn năm sau.
- Xin cho mọi thành viên trong Họ Đạo chúng con biết hiểu biết và tuân giữ tinh thần lề luật của Chúa, hơn là chuộng luồn lách, tránh né theo mặt chữ của lề luật.
- Xin giúp chúng con tẩy rửa những điều ác xấu từ bên trong, ít ra từng bước, cho thân tâm được trong sạch dần lên, mà phục vụ Chúa và anh em trong chân lý và Thánh Thần.
- Xin giúp chúng con thật sự loại trừ cái tâm đam mê, như bảy mối tội đầu, hầu xứng đáng đón nhận Chúa. Amen.