Bài giảng Lễ Giáng Sinh Ban Ngày năm A, B, C

1450

Giáng sinh hai bài tra tấn,
Nghe hay không nge lấn cấn trong lòng.
Không cần lý luận dài dòng,
Mở lên một phát “đi đoong” ngáy khò.

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý

Nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời,
Ngôi Lời tự tại ngàn đời Thiên Chúa.
Ngôi Lời là chính Thiên Chúa,
Giêsu là chính Thiên Chúa Ngôi Lời.

Ngôi Lời sinh xuống ra đời,
Thân hèn bé nhỏ cho LỜI thành nhân.
Ngôi Lời CHÂN LÝ, THIÊN ÂN,
Con người có Chúa đưa dân về Trời.

Ngôi Lời sinh xuống cứu đời,
Chịu khổ, chịu chết, cho đời phúc vinh.
Ngôi Lời lễ tế hy sinh,
Thành bánh hằng sống trương sinh cho đời.

Ngôi Lời Thiên Chúa ngàn đời,
Thành lời hằng sống gọi mời gẫm suy.
Ngôi Lời Thiên Chúa từ bi,
Chí tôn chí thánh tạc ghi nằm lòng.
Amen.

LỄ GIÁNG SINH BAN NGÀY, NĂM ABC.
Sách Ngôn Sứ Isaia 52.7-10;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Do Thái 1.1-6
và Phúc Âm Thánh Gioan 1.1-18

Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng. Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra. Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý. Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: “Ðây là Ðấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ðó là lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Chúa Giêsu sinh làm con người trong thân phận một hài nhi đích thực là Con Thiên Chúa, là Alpha và Omega. Ngài là Thuỷ Chung.

Buổi đầu sáng tạo, đêm tối bao trùm. Ánh sáng được tạo thành trước tiên. Chúa Giêsu Giáng Sinh là Lời tạo thành, là ánh sáng khai mở cho một công trình sáng tạo mới.

Thiên Chúa sáng tạo, sinh dựng và cứu độ. Mọi hiện hữu hoàn toàn tuỳ thuộc vào Thiên Chúa.

II. Dẫn giải Phúc Âm:  

Công Nguyên
Công nguyên được định nghĩa là Công Lịch Kỷ Nguyên, được dịch từ Anno Domini trong tiếng Latinh. Anno Domini là Năm của Chúa, hiểu là Năm Chúa Giáng Sinh. Không rõ tại sao trong tiếng Việt lại là Công Nguyên mà không bỏ từ CHÚA trong kiểu dịch nầy. Phải chăng nó cũng giống từ Red Cross, chữ thập đỏ. Dùng chữ “thập” để tránh từ Thánh Giá chăng? Hay cũng có người cho rằng hình thánh giá có hai gạch giống như chữ thập trong tiếng Hán?      Nhưng chữ thập trong tiếng Hán không hề mang ý nghĩa cứu độ của Thánh Giá mà Henry Dumant và đồng bạn, những bác sĩ người Công Giáo Thuỵ Sĩ đã thành lập năm 1863 ở Geneve để cứu những thương binh ngoài chiến trường.

Nhưng rồi muốn sao thì muốn, ai cũng phải hiểu Công Nguyên là là Năm Chúa Giáng Sinh. Chúa sinh làm con người trong lịch sử nhân loại. Chúa Giáng Sinh bắt đầu kỷ nguyên Thiên Chúa Giáo. Năm Chúa Giáng Sinh là năm 1 trong cách tính nhưng đúng là năm Zêro, năm phân chia lịch sử nhân loại thành hai giai đoạn trước Chúa Giáng Sinh (Before Christ) và sau Chúa Giáng Sinh (After Christ) Nếu coi ai đó như Voltaire, văn hào của Pháp chủ trương vô thần, không tin có Thiên Chúa thì cũng phải nói là Voltaire sinh năm 1694 sau Chúa Giáng Sinh. Nên lòng vòng rồi cũng phải nhìn nhận là Công Nguyên hay kỷ nguyên hay thời đại Kitô giáo (Christian era), cũng như Computer era (thời vi tính) tức Tây Lịch, lấy năm Chúa sinh làm tiêu chuẩn tính ngày giờ năm tháng lịch sử con người.

Đức Giáo Hoàng Gioan I yêu cầu một thầy dòng tên Dionysius Exiguus tính xem từ năm 527 cho đến 626, Lễ Phục Sinh sẽ rơi vào ngày nào? Ông dựa theo lịch của Roma được xử dụng từ năm 45 trước Công nguyên, được gọi là Julian Calendar (Julius Ceasar). Những lịch Công Giáo về sau nầy như Lịch Giáo Hoàng Grêgoriô thứ VIII cũng đã theo cách tính lịch của Dionysius Exiguus. Lịch Anno Domini lấy năm Chúa Sinh ra làm năm 1 Công Nguyên. Tuy nhiên vì lý do lầm lẫn sao đó mà Dionysius Exiguus tính năm Chúa sinh trễ hơn sáu năm. Theo Phúc Âm Matthêô 2:16 thì khi Chúa Sinh ra Hêrôđê cả vẫn còn sống và ra lệnh giết những trẻ sơ sinh từ hai tuổi trở xuống. Lịch sử cho biết Hêrôđê cả chết năm thứ 4 BC. Như vậy Chúa phải sinh 6 năm B.C. Nếu đây thật là sự tính sai của Dionysius Exiguus, thì chúng ta đang ở năm 2019 chứ không phải năm 2013.

Không ai có thể hoán chuyển hay thay đổi ngày tháng của lịch sử. Cũng như không ai có thể chối rằng mình đang sống năm 2013 sau Chúa Sinh Ra. Nên Công Nguyên là năm Chúa Sinh ra. Chúa sinh bắt đầu thời đại Thiên Chúa Giáo. Nói khác đi Chúa là người làm nên lịch sử.

Lễ Giáng Sinh
Cao điểm của Kitô giáo là lễ Phục Sinh. Nên gần bốn thế kỷ sau khi Chúa Giáng sinh, Giáo Hội Công Giáo mới bắt đầu mừng lễ Giáng Sinh long trọng hàng năm vào ngày 25.12. Tại sao lại ngày 25.12? Thời đế quốc La Mã, người La Mã mừng lễ Thần Mặt trời (Feast of The SolInvictus)  vào ngày 25 tháng 12. Giáo dân thời Giáo Hội sơ khia bị cấm cách đã nhân cơ hội này để tổ chức ăn mừng ngày Chúa Giêsu giáng sinh, Đấng mang ánh sáng và sự sống đến cho nhân loại như trong PÂ Gioan 8:12, cùng một ngày với ngày lễ “Thần Mặt trời” của người La Mã.

Năm 312, Hoàng đế La Mã Constantine trở lại đạo. Ông chính thức hủy bỏ ngày lễ mừng “Thần Mặt trời” và thay vào đó là ngày ăn mừng sinh nhật của Chúa Giêsu. Đến năm 354, Đức Giáo hoàng Liberiô chính thức thành lập ngày 25 tháng 12 để cử hành lễ Chúa Giêsu Giáng sinh. Tuy nhiên, anh em thuộc Chính Thống giáo Đông phương vẫn sử dụng lịch Julian để định ngày này, cho nên họ tổ chức lễ Giáng sinh vào ngày 7 tháng 1 theo lịch Gregory. Hơn nữa theo phụng vụ Chính thống giáo Đông Phương, Giáng Sinh, Hiển Linh và Phép rửa ở sống Jordan… là một biến cố” Chúa tỏ mình cho muôn dân.

Lễ Giáng sinh nhiều khi được gọi là Nô-en từ tiếng Pháp Noël, do viết tắt từ gốc Em-ma-nu-el, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là một ngày lễ quốc tế kỷ niệm ngày Chúa Giê-su sinh ra đời của phần lớn người Kitô giáo trên thế giới. Còn chữ Christmas trong tiếng Anh bào gồm chữ Christ và Mas. Christ, Đấng chịu sức dầu,  là tước vị của Đức Giêsu. Chữ Mas là Mass, thánh lễ. Christ và Mas viết liền thành ra chữ Christmas. Christmas có nghĩa là ngày lễ Giáng sinh của Chúa Giêsu. Thỉnh thoảng chúng ta thấy chữ Xmas. Trong Hy ngữ, Christ là Christos hay Xristos. Người ta  X để tượng trưng cho nguyên chữ Xristos, rồi thêm chữ Mas để thành chữ Xmas. Xmas cũng có nghĩa là ngày lễ Giáng Sinh của Chúa Giêsu.

III. Thực hành Phúc Âm:

Quà Giáng Sinh: Nụ cười thân thiện

Thủ đô Paris không có lời chào hỏi.
Mạnh ai nấy sống nấy đi
Chào hỏi làm chi cho mất giờ.

Thật sự lời chào không chút mất giờ, nhưng nhiều khi chúng ta được nhờ. Vì người được chào nhiều khi chúng ta được gặp lại và họ có cảm tình hay sẵn sàng tiếp đón chúng ta.

Ngày Giáng Sinh của Đấng là Emmanuel không ngừng nhắc nhở chúng ta về sự trao tặng và nhận lãnh trong cuộc sống, không ai nghèo nàn đến độ không có gì để trao tặng, hãy trao cho nhau một cụ cười thân thiện, một ánh mắt cảm thông, một lời nói ủi an, một bàn tay vỗ về. Đó là một món quà vô giá mà biết bao người dang chờ đợi chúng ta.

Nhân viên hải quan Việt Nam nên học biết cười gây cảm tình. Thật không khôn ngoan chút nào nếu chúng ta tỏ ra hách dịch và thô lỗ với những người mang nguồn lợi đến cho chúng ta. Chúa Giáng Sinh, Chúa mang ơn cứu độ cho con người. Cười tiếp đón Chúa và tiếp đón nhau vì tất cả đều hưởng lợi Giáng Sinh.

2. Bản văn bài giảng | Download File Word