Bài giảng Lễ Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa | Ngày đầu năm dương lịch | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

4758

Tóm ý:

Mục đồng hối hả đi tìm
Theo như thần sứ chỉ điềm báo tin.
Hài nhi Thiên Chúa giáng sinh
Nằm trong máng cỏ an bình thơ ngây.

Mục đồng tường thuật tỏ bày
Làm sao biết chỗ đến đây để tìm?
Ma-ri-a lòng suy niệm
Chúa sinh làm người! Mầu nhiệm cao sâu!

Người nghèo được phước hàng đầu
Ơn thiêng cứu độ, người giàu tay không.
Giê-su tên Chúa Hài đồng
“Thiên Chúa Cứu Độ” ngóng trông lâu đời

Maria Mẹ Chúa Trời
Mang Đấng Cứu Độ vào đời chúng ta.
Đầu Năm hát khúc hoan ca.
Bình an dưới thế cùng Cha trên Trời.
Amen

LỄ THÁNH MARIA ĐỨC MẸ CHÚA TRỜI

Sách Dân Số 6.22-27; Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Giáo Đoàn Galata 4.4-7
và Phúc Âm Thánh Luca 2.16-21

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca
Khi ấy, các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ. Khi thấy thế, họ hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này. Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ. Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng. Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và đã xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.
Đó là Lời Chúa

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

  • Đấng Cứu Thế sinh làm con người như chúng ta. Ngài có Cha, có Mẹ.
  • Những người nghèo khổ như các mục đồng sớm nhận được ơn cứu độ.
  • Đấng Cứu Thế sinh làm người, tuân giữ mọi luật lệ của tôn giáo và xã hội như phải làm lễ cắt bì và đặt tên sau khi sinh được tám ngày.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

1. Phân biệt việc tôn thờ Chúa và tôn kính Đức Mẹ Maria và các thánh:
Người ta cố gắng phân biệt từ “tôn thờ” dịch từ tiếng latinh là adorare và “tôn kính” dịch từ tiếng Latinh là Venerare hay honorare. Tuy nhiên  trên thực tế xem chừng có trở ngại về từ ngữ, như “tôn thờ” cũng được dịch là worship và venerate. Veneration chúng ta quen hiểu là tôn kính.

Phân biệt từ ngữ hơi khó hơn là phân biệt nhận thức nơi tâm hồn với những thái độ cụ thể như:

Điều răn thứ nhất dạy: “Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự”. Điều răn nầy đến từ Phúc Âm Matthêô 4:10 “Ngươi phải thờ lạy Thiên Chúa là Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” Như vậy chúng ta phải adore, phải worship một mình Thiên Chúa mà thôi. Cụ thể: Trong gia đình, bàn thờ Chúa và tượng Chúa phải ở giữa và là trung tâm của việc thờ phượng. Không thể lập bàn thờ mà chỉ có Đức Mẹ, Thánh Giuse và các thánh được. Vào nhà thờ… phải bái gối trước Mình Thánh Chúa trong nhà tạm hay trước ảnh chuộc tội giữa gian cung thánh bên trên bàn thờ trước. Tuyệt đối phải tín thác vào Chúa, không được xem quẻ bói bài hay cầu cơ….

Đức Mẹ và các thánh hay Ông bà tổ tiên, chúng ta chỉ tôn kính mà thôi, tức chúng ta “venerate hay honor” tức xếp tất cả ở dưới Chúa và không cần phải bái gối trước ảnh tượng của Đức Mẹ và các Thánh. Di ảnh của Ông Bà tổ tiên cần có chỗ thích hợp để tránh chuyện “thờ ông bà!” theo nghĩa tôn thờ Chúa. Chúng ta tôn kính Ông bà tổ tiên mà thôi. Có người dùng từ “biệt kính” để dành cho việc tôn kính Đức Mẹ một cách đặc biệt, không nên xếp Đức Mẹ lẫn lộn với các thánh hay ông bà tổ tiên. Điều nầy không sai, nhưng không cần thiết trong thực tế, vì có ai dám cho ông bà mình lên cao hơn Đức Mẹ đâu.

Có nhiều nơi khi đọc kinh Đức Mẹ hay thánh Giuse thì yêu cầu mọi người quì gối. Điều nầy tạo sự lấn cấn giữ tôn thờ và tôn kính. Tôn thờ đòi bái gối hay quì gối. Còn tôn kính chỉ đòi một cử chỉ như cúi đầu hay đứng nghiêm trang là đủ. Nếu lòng tôn kính Đức Mẹ và các thánh đi đến chỗ quí gối thờ lạy như dành cho Chúa thì cũng giống như nhiều người lớn tuổi ngoài Bắc ngày xưa gặp linh mục thì cúi rạp người và nói “con xin phép lạy Cha ạ!” Lạy Cha đã là chuyện quá đáng mà lại còn phải xin phép thì thật là “bó tay!”

2. Giáo lý Công Giáo dạy: Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa
Trong các sách Tin Mừng, Ðức Ma-ri-a được gọi là “Mẹ Ðức Giê-su” (Ga 2, l; l9, 25) (x. Mt l3, 55). Dưới sự thúc đẩy của Thánh Thần, Mẹ được xưng tụng là “Mẹ của Chúa tôi” (Lc 1, 43) ngay cả trước khi Con Mẹ sinh ra. Quả thề, Ðấng mà Mẹ cưu mang làm người bởi Thánh Thần, Ðấng thực sự là con Mẹ theo xác phàm, chính là Con hằng hữu của Chúa Cha, Ngôi Hai trong Ba Ngôi chí thánh. Vì vậy, Hội Thánh tuyên xưng Ðức Ma-ri-a thực sự là “Mẹ Thiên Chúa” (Theotokos) (DS 25l).

3. Tin Lành và các tín điều liên quan đến Đức Mẹ Maria:
Tin Lành hay Giáo Hội Cải Cách có từ thế kỷ 16 và tin chỉ trên 5 DUY như sau:

Sola Fide, by faith alone. Duy chỉ có đức tin.
Sola Scriptura, by Scripture alone. Duy chỉ có thánh kinh.
Solus Christus, through Christ alone. Duy chỉ mình Chúa Kitô.
Sola Gratia, by grace alone. Duy chỉ có ân sủng.
Soli Deo Gloria, glory to God alone. Duy chỉ có vinh danh Thiên Chúa.

Vì đặt nền tảng tín lý trên NGŨ DUY nên Tin lành cho rằng bất cứ điều gì liên quan Đức Mẹ đều làm giảm việc tôn thờ Đức Kitô. Ðức Maria không thể tạo ra Thiên tính của Chúa Giêsu, vậy Ðức Mẹ không thể được gọi là Mẹ Thiên Chúa nhưng chỉ là Mẹ Chúa Giêsu. Duy Kinh thánh khai trừ Huấn quyền của Giáo hội và không cần thánh truyền. Tín điều Ðức Mẹ Hồn Xác Lên trời và Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội không được mạc khải trong Kinh thánh, vì vậy không thể chấp nhận được. Nên việc tôn kính Maria trong nhiều hệ phái tin lành bị coi như một sự tôn thờ ngẫu tượng.

III. Thực hành Phúc Âm:

1/ Đức Mẹ Việt Nam và chiếc nón lá: Khi tôi gửi biếu tượng Đức Mẹ Việt Nam bồng con và mang nón lá, một chọn lựa của Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm minh Mẫn làm quà cho một số Giám Mục tôi quen ở Canada. Các Ngài rất ngưỡng mộ không ngớt lời khen tặng sáng kiến làm Đức Mẹ Maria thành Đức Mẹ Việt Nam. Qua hình ảnh nầy, Đức Mẹ Maria không còn xa lạ… nhưng “bà đi làm ruộng!” như người Việt Nam sống về nghề nông, Giám Mục Paul Terrio nói như thế.

Chúa xuống thai trong lòng Đức Trinh Nữ Maria. Chúa thành con người như chúng ta. Đức Mẹ Maria mang nón lá thành hình ảnh thân thương của một phụ nữ Việt Nam. Chúa nhập thể. Đạo nhập thế! Xin bỏ dần những từ ngữ xem chừng làm chúng ta xuất thế hay xa rời thực tế đời thường như có bà mẹ trẻ, ngày ngày rót vào tai con trai mình “Mẹ muốn người ta gọi mẹ là Bà Cố!” Bà cố, một từ xa lạ với các em lớn lên bên nầy. Đó là háo danh! Mong con mình làm linh mục không để hy sinh cho Chúa và phục vụ giáo hội… nhưng để mình được gọi là bà cố.

2/ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa, gương sống âm thầm và khiêm tốn:
Tôi sinh ra và lớn lên bên Việt Nam. Quê hương tôi nghèo… nên dáng vấp người phụ nữ thường mảnh mai và thanh thoát nhẹ nhàng. Quê hương tôi nặng lề thói gia đình: Người vợ, người Mẹ bao giờ cũng dịu dàng hiền hoà… Tôi chưa bao giờ thấy Mẹ tôi đi hiên ngang hùng dũng giữa đường và ăn nói to tiếng hay vừa nói vừa quơ tay múa chân như đang điều quân khiển tướng giống các bà bên nầy. Tôi lớn tuổi rồi. Tôi lạc hậu! Đồng ý! Tuy nhiên, có nhiều người có chung quan điểm với tôi. Họ thích dáng vẻ mảnh mai, thanh thoát và âm thầm chu toàn bổn phận của bà Mẹ, của người vợ trong gia đình. Mẹ Việt Nam! Một hình ảnh đẹp không bao giờ phai nhoà trong tâm trí tôi. Tôi bắt gặp hình ảnh nầy trong cách ứng xử của Mẹ Maria: khiêm tốn, hiền dịu và âm thầm “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng!”

Nghe Audio với ca diễn ý:

 

Mời hưởng dùng hai website: truongbuudiepapt.net