Giáo lý Phúc Âm Chúa Nhật XXXI Quanh Năm A | Lm Peter Trần Thế Tuyên

2008

CHÚA NHẬT XXXI QUANH NĂM, NĂM A

Sách Tiên Tri Malakai 1,14b-2.2b.8-10;
Thư Thứ Nhất của Thánh Phaolô gửi tín hữu Tessalonica 2.7b-9.13
và Phúc Âm Thánh Matthêô 23.1-12

Diễn ý Phúc Âm:

Luật sĩ, Biệt Phái toà cao.
Lời giảng, hành động, khác nhau đất trời
Nên theo giáo huấn dạy đời
Đừng theo hành động xa rời lời hay.

Họ tạo gánh nặng đắng cay
Nhưng lại né tránh tra tay chạm vào.
Thẻ Kinh nới rộng tự hào
May dài tua áo bái chào chỗ đông.

Thích ngồi chỗ nhất đầu dòng
Được gọi: “Thầy ạ!” ấm lòng biết bao.
Các con bỏ thói đề cao
Chỉ có mình Chúa là Cha là Thầy.

Tình nghĩa huynh đệ tròn đầy
Cao sang hạ xuống vui vầy với nhau
Khiêm nhường sẽ được nâng cao
Kiêu ngạo hạ xuống buồn đau phận người.
Amen

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng và các môn đệ rằng: “Các Luật sĩ và các người biệt phái ngồi trên toà Môsê: vậy những gì họ nói với các ngươi, các ngươi hãy làm và tuân giữ, nhưng đừng noi theo hành vi của họ: vì họ nói mà không làm. Họ buộc những bó nặng và chất lên vai người ta, còn chính họ lại không muốn giơ ngón tay lay thử. Mọi công việc họ làm đều có ý cho người ta thấy: vì thế họ nới rộng thẻ kinh, may dài tua áo. Họ muốn được chỗ nhất trong đám tiệc và ghế đầu trong hội đường, ưa được bái chào nơi đường phố và được người ta xưng hô là “Thầy”. Phần các ngươi, các ngươi đừng muốn được người ta gọi là Thầy, vì các ngươi chỉ có một Thầy, còn tất cả các ngươi đều là anh em với nhau. Và các ngươi cũng đừng gọi ai dưới đất là cha: vì các ngươi chỉ có một Cha, Người ngự trên trời. Các ngươi cũng đừng bắt người ta gọi là người chỉ đạo: vì các ngươi có một người chỉ đạo, đó là Ðức Kitô. Trong các ngươi ai quyền thế hơn sẽ là người phục vụ các ngươi. “Hễ ai tự nhắc mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai tự hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Ðó là lời Chúa.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Giảng dạy hay tỏ ra có quyền giảng dạy theo kiểu Luật Sĩ và Biệt Phái không làm cho người ta thành mô phạm.

Khi sống điều mình dạy làm mình thành mô phạm.

Chỉ có Chúa là mô phạm, là bậc Thầy đúng nghĩa vì Chúa dạy và sống điều mình dạy.

Khiêm hạ là sống tín thác vào Thiên Chúa toàn năng và nhìn nhận những gì mình đang có là do Chúa ban. Giảng dạy không dựa vào bản than nhưng vào Chúa Đấng ban cho quyền và khả năng giảng dạy.

II. Diễn giải Phúc Âm:

Những gì họ nói thì anh em hãy làm, hãy giữ; nhưng đừng theo hành động của họ mà làm, vì họ nói mà không làm.

Nếu chúng ta đọc tiếp Phúc Âm Matthêô chương 23 từ câu 13 -32, chúng ta sẽ thấy một loạt những khiển trách các Kinh Sư và Biệt phái vì tính giả hình của họ.

“Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người khóa cửa Nước Trời không cho thiên hạ vào! Các người đã không vào, mà những kẻ muốn vào, các người cũng không để họ vào. Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nuốt hết tài sản của các bà góa, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ, cho nên các người sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn. “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người rảo khắp biển cả đất liền để rủ cho được một người theo đạo; nhưng khi họ theo rồi, các người lại làm cho họ đáng xuống hỏa ngục gấp đôi các người. “Khốn cho các người, hỡi các kinh sư và người Pharisêu giả hình! Các người nộp thuế thập phân về bạc hà, thì là, rau húng, mà bỏ những điều quan trọng nhất trong Lề Luật là công bình, lòng nhân và thành tín. Phải làm các điều này mà không được bỏ các điều kia. Quân dẫn đường mù quáng! Các người lọc con muỗi, nhưng lại nuốt con lạc đà.

Thật khó tìm đâu ra những lời khiển trách nặng nề và chính xác như thế.

Phúc Âm Thánh Matthêô viết cho những người Do Thái chính gốc. Đúng ra Thánh Sử nên nhẹ nhàng một chút khi tường thuật về những lời khiển trách nầy dành cho giới lãnh đạo của họ. Nhưng không! Tại sao Chúa lại dùng những lời khiển trách nặng nề đến như thế cho bậc thầy của Do Thái?

Bậc Thầy Do Thái giả hình không đáng là mô phạm.

Đạo Cựu Ước chuộng hình thức và lề luật, cần phải được đổi mới.

Bậc Thầy phải là bậc mô phạm và phải làm gương mẫu tạo sự kính phục nơi mọi người.

Đạo thật là đạo để sống chứ không là đạo để giữ luật.

Ý nghĩa lời Chúa: Phần anh em thì đừng để ai gọi mình là rappi, vì anh em chỉ có một Thầy, còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất nầy là Cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo là Đức Kitô.

Tôi xin cắt nghĩa đoạn Phúc Âm nầy bằng những thí dụ đan cử từ hoàn cảnh đất nước Việt Nam.

Một trong những lý do làm cho đạo Công giáo bị bắt bớ ở Việt Nam là Vua và Chúa. Đạo Công giáo dạy rằng: Chỉ có thờ một Chúa là vua các vua, là Chúa các Chúa là Đức Chúa Trời, Đấng tạo thành muôn vật. Đang khi đó Khổng Giáo dạy rằng: Vua là Chúa! Tôi trung phải thờ Vua. Phải theo trật tự Quân thần sư phụ! Vua là đấng cầm quyền sinh sát thần dân. Nếu đạo Công Giáo được loan truyền khắp nước, có nghĩa là vị vua sẽ mất quyền làm Chúa, quyền sinh sát thần dân. Dân nước sẽ không còn thờ vua nữa. Các vua chúa Việt Nam đã hiều sai và đã bắt đạo.

Đạo Công Giáo cũng bị đả kích trong việc thờ cúng ông bà tổ tiên. Người ta chủ trương thờ cha kính mẹ. Đạo Công giáo dạy: Thờ Phượng một Thiên Chúa muôn loài mà thôi. Nếu theo đạo Công giáo có nghĩa là bỏ việc thờ cha kính mẹ? Nhiều người Việt Nam hiểu sai và đã không vào đạo vì sợ không ai thờ cúng ông bà.

Khi Chúa dạy điều trên vì trong thực tế thời ấy, người Do Thái đã quá tôn trọng những rappi của họ đến độ coi họ như là những Đấng cao cả ngồi trên tòa chỉ dạy cho dân. Những rappi tự cho mình là mô phạm, là Cha, là những bậc lãnh đạo tối cao mà dân chúng phải nghe. Họ cố tình che khuất hình ảnh là Thầy, Là Cha, là thủ lãnh của Chúa. Không phải Chúa dạy là: từ nay về sau dừng gọi ai là Thầy, là Cha hay là lãnh đạo, nhưng chỉ có Chúa là Thầy, là Cha, là lãnh đạo đúng nghĩa và tối cao, vì chỉ có Chúa mới là chân lý, chỉ có Chúa mới sinh dựng nên chúng ta và chỉ có Chúa mới là vị lãnh đạo đích thức. Gọi những người khác là Thầy, là Cha, là lãnh đạo không có nghĩa họ là những mô phạm hay những bậc sinh thành như Chúa.

Ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên. Có nghĩa gì?

Giáo huấn của Chúa vẫn còn nhắm vào tính giả hình và tự cao của kinh sư và Biệt Phái của Do Thái giáo. Đời sống giả hình của họ không trình bày trung thực thực chất mô phạm mà họ đang mặc lấy. Họ luôn dạy điều tốt. Họ giả mù sa mưa! Họ làm cho người khác tôn thờ mình như Chúa, như Cha, như Thầy. Họ đòi ăn trên ngồi trước. Họ ra vẻ trịnh trọng nới dài tua áo.

“Hạ xuống hay tôn lên” trong Phúc Âm hôm nay và trong ý nghĩa của những phê bình chỉ trích dành cho Kinh Sư và Luật Sĩ là: Phải đặt mình dưới giáo huấn của Chúa. Chúa là Kinh Sư tối cao. Phải nhìn nhận Chúa là Cha, là Đấng sinh thành. Đấng làm cho mình hiện hữu. Phải sống dưới sự lãnh đạo và lề luật của Chúa.

Nên khiêm nhường Chúa dạy trong Phúc Âm hôm nay là thành tâm chìn nhận những gì mình có, những gì mình làm được và những gì mình có trách nhiệm thi hành như giáo huấn hay giảng dạy người khác là những ân huệ, những món quà do Chúa ban tặng. Nhìn nhận Chúa và ơn Chúa là khiêm tốn. Sẽ được Chúa nâng lên, được ban tặng thêm. Khước từ ơn Chúa là tự cao tự đại và sẽ bị tướt đoạt và hạ xuống.

III. Thực hành Phúc Âm:

Trưng dẫn ý kiến của người ngoài Công giáo về linh mục.

Tuy nhiên, hiếm nhưng không phải không có linh mục khiêm tốn trong xưng hô. Tôi biết một linh mục luôn tự xưng “con” với người lớn tuổi và với linh mục khác. Ông làm giám đốc đại chủng viện, nhưng tự xưng “con” với các sơ và linh mục mới thụ phong Khi gần gũi ông, tôi thấy đó là một con người uyên thâm nhiều mặt, có lẽ vì tài đức thật mà ông khiêm tốn trong lòng chăng.

Tôi biết trong chương trình đào tạo linh mục có phần về triết học Đông phương, trong đó có nghiên cứu chữ Lễ của Khổng giáo. Nhưng tôi nghi ngờ rằng cái học đó chỉ để trau dồi kiến thức, không phải để áp dụng trong đời sống. Lễ hay phép xã giao có thể (tôi viết “có thể”) bị coi là “thói đời” bôi bác. Nhưng thực ra nó là cái áo (như áo lễ, phẩm phục) gói ghém lòng yêu thương, bác ái, tôn trọng từng con người và nhân phẩm nói chung. Linh mục thiếu lễ giáo không thể giảng về Thiên Chúa là cha được. Cũng không có thẩm quyền nói về “yêu người bên cạnh”. Linh mục kiêu căng giống một thầy pháp múa may trên đài, hô phong hoán vũ.

Chủng viện khác trường đào tạo quan lại. Tương tự một gia đình nền nếp, chủng viện nên dạy chủng sinh thưa gửi, chào hỏi, ưu ái, quan tâm mọi người, hòa nhan ái ngữ, kính trên nhường dưới, giữ vệ sinh công cộng, cách tiếp khách, cách chia vui sẻ buồn với giáo dân và không phải giáo dân, cách giao tiếp với nữ giới, trẻ em, người già, tu sĩ khác tôn giáo v.v.

Linh mục nên đối xử bình đẳng với mọi người. Không thân người giầu, xa người nghèo. Tuyệt đối không phù thịnh. Vì nhu cầu mục vụ và điều hành, linh mục cần sự giúp đỡ của một số trí thức, những người biết vi tính, sửa ống nước, kẻ biểu ngữ. Nhưng không nên dựa vào họ, mà nên dựa vào người nghèo, lắng nghe người đàn bà ít học vì các bà sở hữu những chân lý vô giá về cuộc đời. Cúi xuống là một cử chỉ cao quí.

Tôi sẵn sàng tin linh mục mang thánh chức, nhưng không tin linh mục thảy đều là thánh nhân. Nếu sa ngã, một linh mục khiêm tốn sẽ dễ được Chúa và giáo dân tha thứ. Người đứng thấp, ngã đỡ đau và dễ chỗi dậy. Tôi cũng nghĩ một linh mục khiêm tốn sẽ là một lời mời gọi thiết tha nhất đến những mầm mống tốt muốn tìm đường tận hiến thật. Đối với người ngoại đạo như tôi, một linh mục khiêm tốn, hòa nhã có sức thuyết phục hơn ngàn bài giảng siêu hình.

ooo

Nghe Audio và Thánh ca diễn ý:

ooo