Bài giảng Chúa Nhật XXIII Quanh Năm, C

1048

Thơ diễn ý:

Theo Ta, dứt bỏ gia đình,
Vợ con, bằng hữu thân tình… đứng sau.
Ôm vác thánh giá đã trao,
Từ bỏ ham muốn… bước mau theo Thầy.

Theo Chúa cũng giống thế nầy:
Xây nhà dự tính đủ đầy tiền nông.
Một khi khởi sự thi công,
Không để dang dỡ kẻ trông nhạo cười.

Khởi chiến lượng định sức người,
Cân phân binh lực giữa người và ta.
Bên ta quân lực kém xa,
Sứ giả đi trước cầu hoà hay hơn.

Theo Chúa, từ bỏ hết trơn,
Chấp nhận sống chết cô đơn trung thành.
Theo Chúa phải biết rõ rành,
Chúa là tất cả. ta thành hư không. Amen.

A. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XXIII QUANH NĂM

Sách Khôn Ngoan 9. 13-18;
Thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn 1.9-10, 12-17
và Phúc Âm Thánh Luca 14. 25-33

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Có rất đông người cùng đi đường với Đức Giê-su. Người quay lại bảo họ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được.  Từ bỏ hết những gì mình có

“Quả thế, ai trong anh em muốn xây một cây tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong, thì mọi người thấy vậy sẽ lên tiếng chê cười mà bảo: ‘Anh ta đã khởi công xây, mà chẳng có sức làm cho xong việc.’ Hoặc có vua nào đi giao chiến với một vua khác, mà trước tiên lại không ngồi xuống bàn tính xem mình có thể đem một vạn quân ra, đương đầu với đối phương dẫn hai vạn quân tiến đánh mình chăng? Nếu không đủ sức, thì khi đối phương còn ở xa, ắt nhà vua đã phải sai sứ đi cầu hoà. Cũng vậy, ai trong anh em không từ bỏ hết những gì mình có, thì không thể làm môn đệ tôi được.

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Môn đệ Chúa phải thuộc về Chúa trọn vẹn.

Thuộc về Chúa trọn vẹn bằng cách:

Từ bỏ hết những gì mình có: của cải vật chất, tình thân gia đình.

Và vác thánh giá hằng ngày theo Chúa.

Nên nhìn thấy trước và lượng định xem có khả năng đáp ứng sứ mạng làm tông đồ hay không, giống như người muốn xây nhà phải trù liệu xem cò đủ khả năng để hoàn tất công trình hay không? Một vua trước khi xuất chinh phải lượng định tình hình bên ta và bên địch.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

1. Philêmôn và Ônêsimô trong Thư Thánh Phaolô gửi Philêmôn.

Thư Thánh Phaolô gửi Philêmon được gọi là thư viết trong tù. Lá thư ngắn gọn chỉ gồm trong 335 chữ, được gửi trực tiếp cho Philêmon và cho hai người khác từng cộng tác với Thánh nhân trong việc truyền đạo. Một người đàn bà mang tên Apphia mà nhiều người cho là vợ của Phaolô và một người mang tên Archipus.

Philêmon là một người giàu có, tòng giáo và được đặt làm người lãnh đạo cộng đoàn dân Chúa ở Côlossê. Ông có một tên nô lệ gọi là Ônêsimô. Anh này bỏ trốn. Phaolô đã tìm gặp anh và làm cho anh theo đạo. Nhưng thật khó xử cho Phaolô: Nếu không giao trả Ônêsimô lại cho Philêmon hoặc để anh trốn đi nơi khác, là bao che một kẻ phạm pháp và có thể gây ra hiểu lẩm với Philêmon, người chủ có nhiều nô lệ và được luật pháp bênh vực thời bấy giờ. Phaolô một mặt khuyên Ônêsimô trở về và mặt khác viết một thư để anh cầm theo mang đến cho Philêmon.

Lá thư thống thiết, chan chứa tình người và nhất là kêu gọi đức bác ái siêu nhiên nơi Philêmon. Phaolô nại đến tuổi già của mình và hoàn cảnh đang bị cầm tù vì Ðức Giêsu Kitô. Những lý do này khiến Ngài có thể đòi hỏi Philêmon bất cứ điều gì. Nhưng Ngài không muốn áp đặt mà chỉ muốn chính Philêmon phải lựa chọn. Ônêsimô trước đây khi trốn đi là tên nô lệ; nhưng bây giờ khi trở lại, anh đã trở thành con Chúa và là anh em của chúng ta. Hơn nữa, anh đã được sinh ra trong tuổi già và xiềng xích của Phaolô.

Philêmon sẽ đón nhận Ônêsimô như một Ông chủ gặp lại tên nô lệ đã bỏ trốn; hoặc ông sẽ cư xử với Ôsênimô như một môn đệ của Chúa, và đón nhận anh như một đồng đạo, như một người anh em và bạn hữu? Chúng ta không biết chắc kết quả như thế nào. Nhưng bằng một bức thư thống thiết, đầy tình nghĩa và lý tưởng cao như vậy, chắc chắn đã có hiệu quả tốt đẹp. Philêmon bỏ lòng giận dữ, khước từ quyền lợi thế gian và xã hội cho phép mình đón nhận lời Phaolô như sự khôn ngoan và Thánh Thần của Thiên Chúa, để cư xử như một môn đệ tốt của Chúa Giêsu Kitô, xứng đáng lưu tên tuổi lại trong bộ Kinh Thánh, trở thành gương mẫu cho Kitô hữu trong giai đoạn Tân Ước, giai đoạn mà tất cả là người tự do và bình đẵng trong ơn gọi làm con cái Chúa.

2. Huấn dụ: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được. Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được”.

Điếu kiện để làm môn đệ xem chừng qui vào hai chữ: BỎLẤY

Bỏ tất cả, bỏ người khác và bỏ chính mình.

Người khác ở đây không là người xa lạ, nhưng là ruột thịt than thiết máu mủ với chính mình.

Bỏ chính mình: mạng sống.

Lấy hy sinh khổ nhục được diễn tả qua hình ảnh cây thánh giá và lấy con đường đi đến cái chết như Chúa vậy.

Đòi hỏi xem chừng bất nhân?

Ở đây, một lần nữa chúng ta phải đối đầu với ngữ pháp “ấn tượng” mạnh tuyệt đối của Phúc Âm theo kiểu nói “Nếu mắt ngươi gây dịp tội, thì hãy móc mắt ném đi! Nếu tay ngươi gây dịp tội thì hay chặt mà quăng đi!”

Không bất nhân, không theo nghĩa đen tuyệt đối là phải bỏ cha mẹ, anh em, chị em hay vợ con… và tiêu diệt mạng sống mình để thành môn đệ Chúa. Nhưng việc làm môn đệ Chúa phải là chuyện ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Nếu cần phải hy sinh, phải chọn lựa thì phải chọn làm môn đệ Chúa và bỏ tất cả, kể cả thân nhân và mạng sống mình.

Không bất nhân và vô lý nhưng thực tế cho thấy rằng: tình yêu Cha Mẹ, vợ con, gia đình có thể là một cản trở trên bước đường dấn thân trọn vẹn và hy sinh tất cả vì phần rỗi nhân loại. Đời sống phu thê, gia đình là ơn gọi Chúa ban cho nhân loại. Nhưng luật độc thân linh mục vẫn là một đòi hỏi và điều kiện để thuộc về Chúa trọn vẹn, để thành một linh mục của Chúa và cho phần rỗi nhân loại.

Nhận lấy hy sinh khổ nhục và theo đường Chúa đi, tức chấp nhận đường lên núi sọ, đường “không ai yêu bạn hữu mình cho bằng kẻ chết vì tình yêu thương bạn!”

Tại sao phải lấy thập giá. Tại sao phải hy sinh đến chết? Có cần thiết không?

Nhiều người không theo đạo.

Nhiều người ghét Chúa.

Nhiều người không hiểu và không muốn hiểu Chúa Giêsu.

Nhưng không một ai dám nói rằng: Chúa không thương yêu nhân loại. Tại sao? Tại vì Chúa dám chết cho người mình yêu. Người ta có thể chối bỏ tất cả, trừ tình yêu. Người ta không cần tất cả, trừ tình yêu. Và Chúa là tình yêu. Nên Chúa đã dùng tình yêu để chinh phục thế giới.

III. Thực hành Phúc Âm:

Con én không làm nên mùa xuân. Nhưng ít ra con én cũng báo hiệu mùa xuân đang tới. Chiếc áo không làm nên thầy tu. Tuy nhiên tu phục cho biết người đi tu. 

Để cổ võ cho ơn thiên triệu làm linh mục, một địa phận nọ đã cho vẽ lên thành những chiếc xe của địa phận hình linh mục với chiếc áo dòng đen và hàng chữ “Chúng tôi yêu người mặc chiếc áo dòng đen!” Ai cũng biết đó là cách cổ võ ơn thiên triệu linh mục. Ngươi ta muốn hình ảnh linh mục được nhiều người nhìn thấy và gây tác động cho những thanh niên muốn đi tu làm linh mục.

Cũng có những chủ trương tục hoá giáo sĩ bằng cách cổ võ “đừng mặc áo dòng đen!” Vì con én đâu làm nên mùa xuân. Chiếc áo không thể làm nên thầy tu!” Mùa Xuân đến là do thời tiếc xoay vần chứ đâu do chim én. Linh mục tu sĩ là do đời sống tu hành, kinh nguyện và khắc chế của mình chứ đâu do chiếc áo màu đen.

Lý luận xem chừng “êm tai và hợp lý!” Tuy nhiên, chim ém vẫn là một báo hiệu mùa xuân đang đến. Người mặc tu phục linh mục, tu sĩ vẫn làm dấu chỉ mạnh về sự hiện diện của người tu hành trong thế giới nhhiều trần tục nầy. Tu phục cũng giữ cho người đi tu trong phong cách tu trì. Không lẽ linh mục mặc chiếc áo dòng mà có thể vào bar uống bia hay vào Casino đánh bài?

Giáo dân rất thích những linh mục đơn sơ, gần gũi, bình dân và hoà đồng với dân chúng. Nhưng họ không thích và không bao giờ kính trọng những linh mục nào tay cầm chay bia, tay cầm điếu thuốc và ăn mặc quần Jean, áo gió như thanh niên ngoài đời hay miệng bô bô những cách xưng hô “mầy tao mi tớ!”

B. Bài giảng File Word tại đây

C. Thơ, nhạc diễn ý bài Phúc Âm tại đây