Bài giảng Chúa Nhật Lễ Hiển Linh | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1775

Diễn ý Phúc Âm:

Ba đạo sĩ từ phương Đông,
Ra đi tìm Chúa nhờ trông sao trời.
Đền vua, cung diện, sáng ngời,
Chắc ăn, đúng chỗ, Chúa Trời, giáng sinh.

Triều đình hoảng hốt thất kinh,
Cho vời thầy luật thông tin xem nào?
Thánh tử dòng dõi tự hào:
Con dòng cháu giống chào đời Bê-Lem.

Hành trình tiếp tục tìm xem,
Sao lạ dẫn đến Bê – Lem nghèo hèn. 
Chúa sinh, không trống, không kèn,
Xin nhận lễ vật mọn hèn kính dâng.

Vàng ròng, mộc dược, nhủ hương,
Lòng thành, dâng Chúa, dủ thương phận người.
Con biết mình luôn được mời:
Tìm gặp thấy Chúa cho đời niềm vui. Amen.

A. Video bài giảng

LỄ HIỂN LINH (năm A, B & C)

Sách Ngôn Sứ Isaia 60.1-6;
Thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi Giáo đoàn Êphêsô 3.2-3; 5-6;
Phúc Âm Thánh Matthêô 2.1-12

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêô

Khi Đức Giê-su ra đời tại Bê-lem, miền Giu-đê, thời vua Hê-rô-đê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giê-ru-sa-lem, và hỏi: “Đức Vua dân Do-thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Nghe tin ấy, vua Hê-rô-đê bối rối, và cả thành Giê-ru-sa-lem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Ki-tô phải sinh ra ở đâu.  Họ trả lời: “Tại Bê-lem, miền Giu-đê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: ‘Phần ngươi, hỡi Bê-lem, miền đất Giu-đa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giu-đa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Ít-ra-en dân Ta sẽ ra đời.”

Bấy giờ vua Hê-rô-đê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bê-lem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người.” Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Ma-ri-a, liền sấp mình thờ lạy Người. Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hê-rô-đê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. Đó là Lời Chúa.

https://3.bp.blogspot.com/-_Yvk5aoewro/Wk_RbHJ7GQI/AAAAAAAAE7o/2xMKgX0k9_sT_2c5uDpUYxnuskSn3xMMQCLcBGAs/s640/epiphany-2013.jpg

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại chứng tỏ rằng: Ngài là cứu Chúa muôn loài.

Muốn tìm thấy Chúa phải rời bỏ quê hương, can đảm lên đường và theo sự soi dẫn của Chúa qua vì sao lạ như 3 Đạo Sĩ Phương Đông.

II. Dẫn giải Phúc Âm:

Herode Cả

Hêrôđê Cả.

Gọi Hêrôđê Cả đúng hơn là đại đế, vì Do Thái bị La Mã thống trị từ năm 63 trước Công nguyên. Do Thái thành một tỉnh bang của Đế quốc La Mã, nằm dưới sự đô hộ của Hoàng Đế La Mã đồng thời trực thuộc đại diện của Hoàng Đế La Mã được gọi là Tổng trấn, như Quirinô làm tổng trấn khi Chúa sinh và Philatô làm tổng trấn khi Chúa chết. Chúng ta có thể so sánh những vị vua của thuộc quốc nầy giống như những vua Thành Thái, Bảo Đại của triều đình Huế thời Pháp thuộc. Những vị vua do đế quốc thống trị đặt lên và dưới quyền thống trị của mẫu quốc.

Hêrôđê Cả chính là người đã tỏ ra bối rối khi nghe các đạo sĩ Phương Đông hỏi thăm là “Vua người Do Thái mới sinh ra ở đâu?” Bối rối và sợ mất ngôi. Ông đã khôn khéo cho vời các Đạo Sĩ vào hoàng cung hỏi thăm xem ngày giờ ngôi sao xuất hiện để tìm cách giết Hài Nhi Giêsu. Sau khi thăm Chúa Hài Nhi và dâng cúng lễ vật. Ba đạo sĩ được sứ thần báo mộng tìm đường khác về quê thay vì trở lại gặp Hêrôđê.

Hêrôđê Cả cũng chính là người đã cho giết chết những trẻ thơ vô tội ở Bêlem từ 2 tuổi trở xuống với hy vọng là trừ diệt được “vua mới sinh” như được tường thuật trong Phúc Âm Thánh Matthêô 2.13-18.

Hêrôđê Cả được kế thừa bởi những người con làm quận vương như sau:

Hêrôđê Archelaus được phân chia cai trị miền Giuđêa, Samaria và Idumea cũng gọi là Edomn từ năm 4 trước Công nguyên cho đến năm 6 sau Công nguyên.

Hêrôdê Antipas làm vua cai trị Galilêa từ năm thứ 4 trước Công nguyên cho đến năm 39 sau Công nguyên. Hêrôđê Antipas là người lấy Hêrôđia, vợ của anh trai mình là Philip. Gioan Tẩy Giả tố cáo ông là loạn luân. Ông cầm tù Gioan và cho lính vào ngục chém đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên mâm mang cho con gái bà Hêrôdia (Matthêô 14.3-12; Matcô 6.17-29 và Luca 3.19-20). Ông cũng chính là kẻ mà sau này Chúa Giêsu gọi là “con cáo già” (Lc 13,32).

Hêrôđê Philip cũng là con của Hêrôđê Cả và Clêopâtre (không phải hoàng hậu Ai Cập), tức là anh em cùng cha khác mẹ với Hêrôđê Antipas. Làm quận vương xứ Iturê và Trakhônitô, cũng như gồm cả Auranitô, Batanêa, Gaulinitô. Philip cai quản năm 4 trước Công nguyên cho đến chết vào năm 34 sau Công nguyên. Vì không có con nối ngôi, vua Tibêriô sáp nhập phần đất này vào miền Syria. Hêrôđia là vợ của Philip và bị Hêrôdê Antipa chiếm đoạt.

Lễ Hiển Linh với Giáo hội Đông Phương

Giáo hội Công giáo Đông Phương cử hành lễ hiển linh qua các biến cố: Giáng Sinh – Chúa tỏ mình cho 3 Đạo Sĩ Phương Đông – Chúa lãnh phép rửa ở sông Giođan và cả việc Chúa làm phép lạ đầu tiên cho nước lã hoá thành rượu. Tất cả là hiển linh trong quan niệm thần học của Giáo hội Công giáo Đông Phương.

Trong ý nghĩa Thần học Hiển Linh rất bao quát nầy, Giáo hội Chính Thống Đông Phương chỉ cử hành 3 lễ lớn trong năm Phụng Vụ: Phục Sinh – Chúa Thánh Thần Hiện Xuống và Lễ Hiển Linh. Lễ Hiển Linh thường vào ngày 6 tháng Một hàng năm chứ không có lễ Giáng Sinh ngày 25.12 như Giáo hội Công giáo Tây Phương.

III. Thực hành Phúc Âm:

Theo ánh sao lạ! và “sao lạ vậy?”

Ba đạo sĩ theo ánh sao lạ dẫn đường và tìm đến Chúa Hài đồng để thờ lạy và dâng tiến lễ vật. Ánh sao lạ trong ý nghĩa nầy chính là phương tiện Chúa dùng để mac khải chính mình cho dân ngoại. Gọi là “sao lạ”, vì ánh sao xuất hiện cách kỳ diệu trong việc hướng dẫn người phương Đông tìm thấy Chúa. Gọi là sao lạ, vì ba đạo sĩ không biết tên vì sao mà cũng không hề kỳ vọng có vì sao dẫn đường. Nên vì sao lạ nầy phải hiểu là Chúa dẫn 3 đạo sĩ đi tìm Chúa. Chúa hoàn toàn xa lạ với họ lúc đầu, nhưng ánh sao lạ mang người xa lạ đến với Chúa. Chúa và 3 đạo sĩ đã thành thân thương. Chúa mạc khải lý do xuống trần là cứu độ. Ba đạo sĩ tìm ra ý nghĩa đời mình là tìm thấy ơn cứu độ.

Mọi chuyện xa lạ hay khó hiểu lúc đầu đã thành gần gũi và quen biết.

Cuối năm 2016, tôi có dịp đi Vientiane, thủ đô của Lào để dự lễ tuyên phong Chân phước cho 17 thánh tử đạo Lào. Trong nhà cùa quí Cha thừa sai, tôi thấy một tấm ảnh nhớ đời: Một linh mục người Pháp đang kéo cày cày ruộng. “Sao lạ vậy?” Tôi hỏi: Một linh mục trả lời: Ngày xưa người ta kéo cày thay trâu vả linh mục thừa sai nầy đã làm trâu cày ruộng.

Tôi sửng sờ! Thật quá xa lạ với những suy nghĩ của tôi về truyền giáo. Truyền giáo là làm trâu à? Sao lạ vậy? Những thắc mắc của tôi đã được giải đáp qua sự đông đảo bà con giáo dân Công giáo người Lào tham dự thánh lễ tuyên phong Chân phước hôm nay, vì linh mục kéo cày ngày xưa nầy.

Phải, linh mục thừa sai đến từ một đất nước xa lạ. Ngài nói một thứ ngôn ngữ xa lạ. Ngài ăn những thức ăn thật lạ… Ngài nói về một người mang tên Giêsu, nơi phương trời xa lạ… Ngài lại làm trâu… một kiểu sống thật lạ nhưng sau cùng Ngài lại gần gũi hoà nhập với người nghèo. Nhờ làm trâu mà Ngài thành thân thương gần gũi với bà con và thành ánh sao chỉ ngay chỗ Chúa Giêsu sinh làm người để cứu độ muôn dân.

Ánh sao lạ thành cứu tinh. Người xa mang ách con trâu đã thành một phương tiện mang người xa lạ với Kitô giáo đến với Chúa Kitô. Ước chi tôi thành ánh sao lạ cho người chung quanh để mang học đến với Chúa và Chúa đến với họ. Để tất cả không còn xa lạ. Để tất cả nhận ra ý nghĩa từ Công giáo, một đạo giáo phổ quát dành cho mọi người.

B. Bài giảng file Word tại đây

C. Nhạc diễn ý bài Phúc Âm Lễ Hiển Linh

D. Tuần nầy ngoài bài giảng, xin kèm theo bài “Mong manh mội kiếp con người” giúp chúng ta điều chỉnh hướng đi tìm Chúa. Tác giả: Giang Ân – Trình bày: Thúy Hằng.

Nghe hoặc download bài nhạc Dòng Đời MP3 tại đây