Bài giảng Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm C

1269

Thánh Thần soi sáng quá chừng,
Bài giảng, thơ nhạc, tưng bừng phô trương.
Xin mời dẹp bớt vấn vương,
Nghe giảng nghe nhạc du dương cuộc đời.
Kính mời.

Thơ diễn ý:

Chiều ngày Thứ Nhất Phục Sinh,
Môn đệ kín cửa nín thin phập phồng.
Giêsu xuất hiện giữa phòng,
Bình an chúc phúc muôn lòng mừng vui.

Bây giờ không thể trốn chui,
Nhưng phải rao giảng Tin Vui nhân trần.
Thổi hơi ban tặng Thánh Thần,
Cầm buộc tháo gỡ riêng phần thiêng liêng.

Thánh Thần sức mạnh thần thiêng,
Kẻ nào cản trở ngã nghiêng đổ nhào.
Thánh Thần sắc đỏ khoe màu,
Ngọn lửa nóng sốt sôi trào nhiệt tâm.

Giáo Hội kiên vững ngàn năm,
Qua bao bắt bớ giam cầm dã man.
Thế quyền có lúc tiêu tan,
Thần quyền bền vững nhờ ban Thánh Thần.
Amen.

Bài giảng Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống năm C

1. Video

CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG

Sách Tông Đồ Công Vụ 2,1-11;
Thư Thứ I Thánh Phaolô gửi Côrintô 12,3-7,12-13;
hoặc Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8,8-7
và Phúc Âm Thánh Gioan 20, 19-23

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-Thái. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”  Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”  Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Đó là Lời Chúa! Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

  1. Chính Chúa Giêsu Phục Sinh, đấng bình an ban chính mình cho các tông đồ.
  2. Chúa Giêsu Phục Sinh bình an sai tông đồ đi loan báo Tin Mừng: Tin Mừng Phục Sinh, tin bình an.
  3. Tông Đồ được nhận lãnh Chúa Thánh Thần để đi rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội.

II. Vấn nạn Phúc Âm:  

1. Tại sao lời đầu tiên của Chúa Giêsu Phục Sinh là lời chúc bình an cho môn đệ?

Vì các môn đệ Chúa mất bình an vì sợ người Do Thái như Phúc Âm diễn tả là “nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái!” Cái sợ nầy đã thể hiện:

Qua việc Phêrô chối Chúa 3 lần trước mặt đứa tớ gái của Thầy Thượng Tế Caipha theo tường thuật của Phúc Âm Gioan 18.25.

Qua việc các môn đệ đào tẩu khi Chúa bị bắt và bị giết chết, Phúc Âm Gioan 19.25-27 nói “Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng : “Thưa Bà, đây là con của Bà.” Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ của anh.” Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình.

Qua việc không tin Chúa sống lại, tưởng đâu là ma quỉ hiện hình, đến nỗi Chúa phải mạnh dạn xác tìn “Thầy đậy mà! Ma quỉ nào có xương thịt như thầy đây!” Và Chúa hỏi họ xem có gì ăn không? Chúa ăn trước mặt họ để mình chứng Chúa sống lại thật.

Nên khi Chúa nói “Bình an cho các con!” có nghĩa là: Thầy sống lại thật rồi đây nè! Kẻ giết chết Thầy không đáng sợ như chúng con tưởng! Vì Thầy chiến thắng họ! Hãy tin vào Đấng Phục Sinh! Đấng Phục Sinh chính là bình an!

Từ đó chúng ta hiểu được rằng: khi chúng ta sợ là vì chúng ta mất bình an. Mất bình an có nghĩa không đủ tin tưởng vào Chúa. Cũng từ đó, chúng ta thấy các thánh tử đạo trước khi chết vẫn không sợ vì tin tưởng vào Chùa là đấng bình an.

2. Câu Chúa nói “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” có nghĩa gì? 

Có nghĩa là các tông đồ tiếp tục sứ mệnh truyền đạo và mang ơn cứu rỗi cho muôn dân như Chúa Giêsu đã làm.

Truyền đạo và mang ơn cứu rỗi có nghĩa là rao truyền việc Chúa Cứu Thế xuống làm người, chịu chết nhục nhã và phục sinh vinh quang.

3. Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.” Như vậy ngày Thứ Nhất trong tuần, ngay sau khi Chúa sống lại thì các tông đồ đã nhận Chúa Thánh Thần rồi. Tại sao cần nhận Chúa T.T trong lễ Ngũ Tuần làm chi nữa?

Chúa Thánh Thần được Chúa Giêsu thổi hơi ban cho các tông đồ được mô tả trong Phúc Âm hôm nay cũng chính là Chúa Thánh Thần lấy hình lưỡi lửa xuống trên các thánh tong đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Nên các tong đồ nhận Chúa Thánh Thần nhiều lần và mỗi lần có ý nghĩa khác nhau:

Hôm nay, chiều ngày Thứ Nhất trong tuần… nhà các môn đệ ở, cửa đều đóng kín, vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu hiện đến và nói: bình an cho các con… Rồi Ngài thổi hơi ban Chúa Thánh Thần và ban quyền tha tội… Qua sự  việc nầy Chúa Giêsu chuyển giao sứ mạng truyển đạo của mình cho các tông đồ và đồng thời cũng chuyển giao sức sống, thể hiện qua hơi thở, của Chúa Thánh Thần cho các tông đồ.

Còn trong ngày lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần đến qua sức mạnh của gió và qua hình ảnh hun nóng của hình lưỡi lửa để chính thức tuyên bố lệnh sai đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian cho các dân tộc. Giáo Hội được thành lập, Dân mới Thiên Chúa được thành hình từ khắp nơi trên thế giới. Ngày Lễ Ngũ Tuần giống như ngày xuất quân, ra trận để chinh phục thế giới về với Chúa.

Cũng như chúng ta, trong ngày lãnh nhận bí tích rửa tội, chúng ta cũng đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần… Nhưng khi đến tuổi chứng nhân cho Chúa, chúng ta lãnh nhận bí tích Thêm Sức để thành chiến sĩ, để được đóng ấn Chúa Kitô, nhận lãnh nhiệm vụ mang tin mừng cho toàn thế giới.

III. Thực hành Phúc Âm: 

Tôi tin: Chúa Thánh Thần luôn hướng dẫn Giáo Hội 

Giáo Hội được gọi là Hội Thánh:
Đấng sáng lập là chính Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, là Đấng Thánh.
Bao gồm những người được rửa tội và hành trình về thiên đàng là nơi thánh.
Thánh được nuôi dưỡng bằng những thức ăn thánh là lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa cũng như các bí tích.
Hội thánh được chăm sóc bởi những chủ chiên là Đức Giáo Hoàng, các Giám Mục và linh mục là những người đã lãnh nhận bí tích truyền chức thánh.

Nhưng Giáo Hội hay Hội Thánh là một tổ chức trần thế. Nên không thiếu những tì vết của tội lỗi. Giáo Hội đã bị bách hại cũng như đã tranh đấu trường kỳ để nên thánh, để độc lập khỏi những thế lực trần gian.

Ngay từ thời sơ khai, Giáo Hội có thần quyền và bị thế quyền tức hoàng đế La Mã bách hại. Như trên đã nói về 40 Giáo Hoàng tiên khởi đều bị giết chết vì đạo. Nhưng đến năm 325, dưới thời hoàng đế Constantine I, Ông có thị kiến về hình thánh giá với chữ XP, trong tiếng Hy Lạp là CHI-RHO có nghĩa là Christ, Chúa Kitô. Ông đã cho khắc vào cờ của quân đội và đúng như lời tiên báo IN HOC SIGNO VINCES, cứ dấu nầy, ngươi sẽ chiến thắng. Ông chiến thắng quân thù vẻ vang nhờ hình thánh giá và ông đã cho phép toàn đế quốc theo đạo và ủng hộ việc truyền đạo rất mạnh mẽ.

Bắt đầu thời cực thịnh của Giáo Hội với sự yểm trợ của thế quyền. Nhưng rồi thần quyền bị thế quyền thao túng dần. Các Đức Giáo Hoàng thành vua trên các vua và bị lèo lái bởi thế lực chính trị. Nên có lúc, toà thánh Rôma và các Giáo Hoàng đã bị lưu đày sang Avignon ở Pháp từ 1305-1378 để tránh sự theo túng của các Giáo Hoàng giả.

Ngày 11 tháng 2,1929 giữa đại diện toà thánh Vatican, Hồng y quốc vụ khanh Pietro Gaparri dưới thời Đức Thánh Cha Piô XI và Benito Mussolini đã ký hoà ước Lateran để thoả thuận việc nhìn nhận Vatican, một quốc gia độc lập với các thế lực chính trị.

Càng ngày Giáo Hội Công Giáo và cụ thể là Vatican luôn củng cố thần quyền của mình và tránh mọi lệ thuộc chính trị. Thí dụ Vatican không là thành viên của Liên Hiệp Quốc mà chỉ là quan sát viên thường trực. Vatican sẵn sàng huỷ bỏ những bổ nhiệm nếu khám phá ra những thủ đoạn chính trị tiềm ẩn bên trong. Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã phải xin từ nhiệm chức tổng Giám Mục Warsaw chỉ một giờ trước thánh lễ nhậm chức ngày 8 tháng 1, 2007. Vì Ngài bị tố giác làm gián điệp cho chế độ cộng sản.

Chúng con hãy nhận lấy Chúa Thần 

Chúa Thánh Thần thật sự đã giữ gìn Giáo Hội Việt Nam:
Sau năm 1975, Giáo Hội Việt Nam bị khuynh đảo dữ dội, nhất là âm mưu chia rẽ nội bộ Giáo Hội.
Toà Giám Mục địa phận xin phép cho linh mục cấm phòng năm.
Phép cấm phòng được cấp sau khi danh sách linh mục đã được thanh lọc.
Thanh lọc có nghĩa là ai được đi và ai không được đi. Thường chỉ 2/3 số linh mục được đi tĩnh tâm.

Thật sự người được phép tham dự cấm phòng hay người không có phép cũng không được giải thích rõ tại sao được và tại sao không được? Toà Giám Mục nhận giấy phép và tên những ai được phép tham dự. Chỉ có vậy!

Đây không phải là việc thanh lọc của Chúa Thánh Thần. Nhưng của những người chủ trương gây chia rẽ và mâu thuẩn. Linh mục B không được đi nghi ngờ linh mục A và cả hai linh mục tự nhiên đâm nghi kỵ nhau. Hai linh mục không còn thân thiện bộc bạch những chuyện riêng tư. Nghi ngờ lớn! Lơ mơ, lỡ miện, có thể bị báo cáo!

Bên gây chia rẽ thành công to! Linh mục trong giáo phận nghi kỵ nhau.

Tuy nhiên, người gây chia rẽ đã quên rằng: Linh mục là người đã nhận Chúa Thánh Thần khi rửa tội. Linh mục là người đã nhận ơn Chúa Thần cách đặc biệt khi thêm sức và linh mục là người đã được xức dấu tân phong lên hàng khanh tướng, hàng lãnh đạo Giáo Hội.

Không lẽ Chúa Thánh Thần xuôi tay nhắm mắt cho người ta khuynh đảo các linh mục?

Không, các linh mục vẫn trung thành với Giáo Hội và sống vì Giáo Hội chứ không vì những bã vinh hoa hay tiếng tâm của người đời. Đó là công việc của Chúa Thánh Thần.

2. Thơ, Nhạc diễn ý bài Phúc Âm do Nhạc sĩ Quang Hoài. Xem tại đây

3. Bản văn Word. Download tại đây

4. SlideShow minh họa bài Phúc Âm Bánh Mì Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống