Bài giảng Chúa Nhật 5 Quanh Năm C

1103

Chúa chẳng ăn Tết đón Xuân
Đêm ngày giảng dạy bâng khuâng cứu đời.
Làng trên xóm dưới được mời
Tứ thời bát tiết! đón Lời trường XUÂN. Amen

1. Video bài giảng

Thơ diễn ý:

Dân chúng lòng đầy ngưỡng mộ,
Chúa giảng, người nghe, từ độ bình minh.
Truyền “thả lưới!”, nghe thất kinh!
Vất vả suốt đêm cá linh chẳng có.

In lặng, vâng lời, chịu khó.
Chứ bụng nhủ thầm “con bó hai tay!”
Ý trời! sao lạ thế nầy!
Cá đâu kéo đến mắc đầy lưới đây!

Lạy Thầy, xin hãy xa đây!
Thân con tội lỗi phủ vây cuộc đời.
Đừng sợ, con hỡi con ơi!
Bỏ nghề chài lưới, “bắt người cứu dân!”

Bỏ thuyền bỏ lưới theo chân,
Làm môn đệ Chúa xả thân cứu đời.
Theo Chúa: từ bỏ, nghe lời,
Giảng dạy, truyền đạo, kêu mời ăn năn. Amen.

CHÚA NHẬT V QUANH NĂM
Sách Ngôn Sứ Isaia 6.1-2.3-8;
Thư I Thánh Phaolô gửi Côrintô 15.1-11
và Phúc Âm Luca 5.1-11

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn : “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp : “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói : “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi !” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn : “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Đó Là Lời Chúa. Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo huấn Phúc Âm:

  1. Công việc của Chúa Cứu Thế là: Rao giảng Tin Mừng cho muôn dân – Chọn gọi các tông đồ để tiếp tục sứ mạng truyền đạo và làm phép lạ chữa lành bệnh tật.
  2. Công việc truyền đạo rất vất vả nhưng sẽ rất thành công: Cá vào đầy lưới! Sẽ có rất nhiều người tòng giáo.
  3. Tông đồ được Chúa chọn gọi cũng để làm những việc như Chúa đã làm: Giảng dạy, thánh hóa và lãnh đạo. Thường quen gọi là chức vụ Tiên Tri – Tư Tế và Vương đế.
  4. Với sự trợ giúp của Chúa tức có Chúa trong thuyền và làm theo lệnh Chúa truyền ắt sẽ thành công, sẽ bắt được nhiều cá, sẽ đưa được nhiều người vào đạo.     

 

II. Dẫn giải Phúc Âm:  

1. Tông đồ là ai?
Trong tiếng Việt Nam, tông đồ được hiểu là những môn đệ chính tông được vị tôn sư chọn và huấn luyện. Thường chúng ta hay dùng từ Tông Đồ (Apostles) để chỉ nhóm Mười Hai gồm có: Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Philipphê, Bartôlômêô, Matthêô, Tôma, Giacôbê, con Ông Alphê, Tađêô, Giuda cũng gọi là Simon nhiệt thành và Giuda Iscariốt, người phản bội bán Thầy mình và sau nầy được thay thế bằng Matthia (TĐCV. 1, 26).

Bên Giáo Hội Tây Phương tức Giáo Hội theo nghi lễ Roma, như Giáo Hội Công Giáo thường dùng từ Môn Đệ (Disciples) để chỉ những đồ đệ theo Chúa nhưng không có tên trong nhóm 12, tức nhóm người đông hơn, có đến bảy mươi hai người theo Chúa, có lần được Chúa phân công đi từng hai người một vào các làng mạc truyền giáo và cũng được quyền trừ quỷ, chữa lành bệnh tật..(Luca 10,1-24).

Nhiều khi không có phân biệt rõ ràng nầy trong cách nói thông thường. Không phải là chuyện lớn, vì Tông Đồ (Apostles) hay Môn đệ (Disciples) cách chung là môn sinh (students) của một tôn sư hay của một Thầy giáo (Teacher hay Rabbi). Nhưng sẽ tốt hơn và rõ ràng hơn nếu chúng ta phân biệt được như trên.  Trong tiếng Việt phong phú của chúng ta và bất cứ người Việt Nam nào cũng rất dễ lẫn lộn trong cách dùng từ ngữ. Thí dụ chúng ta hay nghe nói luôn: Xin mời cộng đoàn ngồi! thay vì “Xin mời anh chị em hay quí vị hay bà con ngồi!” Không ai thấy cộng đoàn đâu cả, nhưng thấy anh chị em hay quí vị hay bà con cô bác trong cộng đoàn. Cũng như không ai thấy màu trắng hay màu đỏ cả, nhưng chỉ thấy chiếc áo trắng hay chiếc xe đỏ thôi.

2. Có khi nói Biển Galilê rồi hồ Giênêzarét. Có khi nói Biển Tibêrias rồi hồ Kinneret là thế nào?

Thật vậy, Biển Hồ Galilê được gọi bằng bốn tên khác nhau trong Kinh Thánh: Trong Cựu Ước gọi là Biển Chinnereth hay Chinneroth, tiếng Do Thái gọi là Kinneret, có nghĩa là “hình thụ cầm” được ghi trong sách Dân Số 34:11; Joshua 12:3; 13:27. Biển Galilê giống hình đàn thụ cầm, khung đàn giống hình tam giác và dây đàn đan dọc từ trên xuống. Nhìn hình mà đặt tên, giống như chúng ta gọi hai hòn đá lớn và nhỏ ở Hà Tiên là Hòn Phụ Tử, vì giống hình hai Cha con.

Hồ Giênêzarét trong Phúc Âm Luca 5, 1 hôm nay, đó là tên của đồng bằng nối dài gắn liền với Biển Hồ Galilê. Biển Tiberias được nói trong Phúc Âm Gioan 6:1; 21:1. Có một thành phố mang tên Tiberias gần Biển Hồ Galilê nữa. Tên gọi nầy được đặt để tỏ lòng tôn kính hoàng đế La Mã Tiberius Julius Caesar Augustus sinh năm 42 trước Công Nguyên và chết năm 37 sau công nguyên.

Tên gọi thông thường nhất là Biển Galilê được ghi trong Matthêô 4,18; 15,29. Galilê cũng là tên gọi của Miền Bắc Do Thái. Chúng ta gọi Biển Hồ để chỉ một vùng nước lớn hơn hồ mà nhỏ hơn biển. Thật vậy, đây là hồ chứa nước rộng nhất ở Do Thái: Chu vi chừng 53 km; dài độ chừng 21 km, rộng chừng 13 km, toàn diện tích của hồ chừng 166 km2 so với 21.000 km2 của toàn lãnh thổ Do Thái và độ sâu trung bình của hồ là 25 m, chỗ sâu nhất 43 mét.

Những thành thị chung quanh hồ tương đối sầm uất và phồn thịnh so với thôn quê làng mạc nhiều. Tên Capharnaum và Biển Hồ Galilê được nói đến thường xuyên trong Phúc Âm. Vì Chúa thường xuyên lui tới để giảng dạy, làm phép lạ chữa bệnh tật, có đến mười phép lạ được ghi nhận nơi Capharnaum.

III. Thực hành Phúc Âm:

Lời nguyện thầm trước khi đọc Phúc âm: Lạy Chúa, xin ngự trong tâm hồn và ở trên môi miệng con để con xứng đáng công bố Lời Chúa.

Nếu chúng ta quan sát trong thánh lễ sẽ thấy linh mục trước khi công bố Tin Mừng thì cúi mình sâu trước bàn thờ và đọc lời nguyện: Xin Chúa ngự đến tâm hôn con và ở trên môi miệng con để con xứng đáng công bố Lời Chúa.

Phụng vụ thánh lễ dùng từ “công bố Phúc Âm!” chứ không nói “đọc Phúc Âm!”. Công bố để nói lên ý nghĩa vừa long trọng vừa có vẻ mệnh lệnh. Bài giảng của linh mục đến sau khi tin mừng được công bố để truyền đạt cho dân chúng sứ điệp của Tin Mừng. Nên, tâm điểm của phần phụng vụ Lời Chúa là Tin Mừng Phúc Âm. Linh mục giảng trong thánh lễ không cần đặt chủ đề cho bài giảng, vì Phúc Âm đã có chủ đề, linh mục chỉ cần chuyển đạt giáo huấn của Phúc Âm cho dân chúng thôi.

Nhiều lần tôi truyền đạt giáo huấn của cá nhân tôi hơn là giáo huấn lời Chúa. Thí dụ có Cha bảo: anh chị em chống tôi, phản đối tôi có nghĩa là chống lại Chúa. Vì tôi là linh mục của Chúa, tôi có nhiệm vụ dạy bảo anh chị em thay cho Chúa. Nên anh chị em phải nghe tôi. Tôi xin nói thật như thế nầy: Giáo dân rất nghe linh mục, nên chính quyền vô thần, không ưa Giáo Hội Công Giáo chút nào. Nhưng họ phải sợ linh mục, vì tiếng nói của một linh mục bằng hàng ngàn loa phóng thanh hay mạng lưới thong tin của chính quyền.

Nên nếu giáo dân không nghe linh mục hay chống đối linh mục… thì bản thân linh mục ấy nên đặt lại vấn để: mình truyền giảng Lời Chúa hay dùng Lời Chúa để bênh vực cho chủ trương độc đoán có khị vụ lợi của bản thân mình. Nếu bài giảng linhg mục thuần tuý là Lời Chúa thì không giáo dân nào đi chống đối Chúa?

Nên đừng bao giờ quên lời nguyện: Xin chúa ngự trong tâm hồn và trên môi miệng con, để con xứng đáng công bố Tin Mừng! Công bố Tin Mừng và giảng Tin Mừng chứ không phải là những lệnh truyền cá nhân linh mục.

2. Bản văn bài giảng | Download File Word