Bài giảng Chúa Nhật 2 Phục Sinh năm B

1450

Tóm ý:

Chiều ngày Thứ Nhất trong tuần
Cửa nhà đóng kín, lòng thuần âu lo
Bình an Chúa đến ban cho
Dấu đinh, thương tích, nhỏ to phơi bày.

Tông đồ mừng rỡ thấy Thầy
Đúng là người đã đoạ đày đóng đinh
Đấng ấy giờ đã phục sinh
Chiến thắng thần chết phúc vinh khải hoàn.

Thổi ban Thần Khí đầy tràn
Quyền năng tháo gỡ buộc ràn trần gian.
Tô-ma nghe thuật nói ngang:
Chừng nào mắt thấy rõ ràng mới tin.

Chúa hiện đến, với dấu đinh
Tô-ma ú ớ nín thin cúi đầu!
Tin là Hồng Phúc nguyện cầu:
Phục Sinh là Phúc hàng đầu niềm tin.
Amen

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhGLPA CHÚA NHẬT II PHỤC SINH à các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: “Bình an cho các con”. Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: “Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại”. Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông, khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: “Chúng tôi đã xem thấy Chúa”. Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: “Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin”. Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: “Bình an cho các con”. Ðoạn Người nói với Tôma: “Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin”. Tôma thưa rằng: “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!” Chúa Giêsu nói với ông: “Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin”.Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

Đó là Lời Chúa – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Chúa Giêsu hiện ra cho các tông đồ để minh chứng Ngài thật sự sống lại từ cõi chết.

Đấng Phục sinh và đang hiện ra cho các môn đệ cũng chính là Đấng đã bị đau khổ và bị đóng đinh giết chết trên thánh giá trong tuần trước.

Phúc Âm được ghi chép lại để: “Anh em tin Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên chúa và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” Nên Phúc Âm là sách dạy dạy đức tin: tin Chúa Giêsu Phục Sinh và nhờ tin mà chúng ta được cứu độ.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

1. Tại sao Chúa hiện ra với những dấu đinh trên tay chân và dấu đâm bên cạnh sườn?
Người ta phái lính canh mồ Chúa với lý do là sợ “môn đệ hắn đến trộm xác rồi phao tin hắn sống lại từ cõi chết” (Matthêu 27:64-65). Lính canh mồ giữ xác, Chúa sống lại, xác không còn trong mồ. Lính canh nhận tiền hối lộ và được dạy để phao tin là: “Khi chúng tôi ngủ, môn đệ hắn đến trộm xác mang đi! Và người Do Thái vẫn tin như vậy cho đến ngày nay” (Matthêu 28:13-15).

Chúa mang những thương tích trên thân xác phục sinh để nói: Ta chính là Giêsu, đã bị giết chết và nay đã sống lại. Người bị giết chết và người sống lại là MỘT, chứ không phải Giêsu bị giết chết, xác đã bị trộm đem đi và người đang hiện ra là một người khác.

2. Chúng ta biết gì về Tôma, tông đồ?
Tôma được Chúa chọn làm tông đồ. Phúc Âm Nhất Lãm và Tông Đồ Công Vụ đều có đề cập đến Tôma (Mt.10:2-4; Mc.3:16-19; Lc. 6:14-16 và TĐCV. 1:13)
Tôma trong triếng Aram có nghĩa là “sinh đôi” (Twin).
Phúc Âm Thánh Gioan, dịch từ “Sinh đôi” sang tiếng Hy Lạp là Didymus để nói với các Cộng Đoàn người biết tiếng Hy Lạp là Tôma có nghĩa là “Sinh đôi” (Gio. 11:16; 20:24; 21:2)

Vào thế kỷ thứ ba và thứ tư, người ta thấy xuất hiện một ngụy thư mang tên Tông Đồ Công Vụ của Tôma (Acts of Thomas) và gọi Tôma là Giuđa Tôma và cho rằng Tôma là anh em sinh đôi với Chúa Giêsu. Cũng theo sách nầy, Tôma chịu tử đạo ở Ấn Độ và thi hài được chuyển về chôn cất ở Mesopotamia.

Phúc Âm Thánh Gioan có ba câu mô tả về Tôma: “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Thầy” (11:16); “Lạy Chúa, chúng con không biết Chúa đi đâu thì làm sao biết đường mà đi đến?”(14:5); và “Tôi chỉ tin, khi tôi thấy dấu đinh nơi tay và đấu đâm nơi cạnh sườn Thầy. Tôi chỉ tin, khi tôi xỏ ngón tay vào đấu đinh và thọc bàn tay tôi vào cạnh sườn Thầy!” (20:25). Phúc Âm mô tả Tôma như một người cứng đầu, đa nghi và giữ vững lập trường.

3. Tại sao Chúa không hiện ra giữa phố thị chỗ đông người để có nhiều người thấy và tin Chúa Phục Sinh và Giáo Hội phát triển nhanh chóng và dễ dàng hơn chăng?
Kinh Thánh ghi nhận bốn lần Chúa hiện ra cho các tông đồ sau khi sống lại từ cõi chết:

– Lần thứ nhất và lần thứ hai được ghi lại trong Phúc Âm Gioan chương 20,19-31 mà chúng ta đọc trong chúa Nhật II Phục Sinh năm hôm nay. Lần thứ nhất vào ngày Thứ Nhất trong tuần, không có Tôma và lần thứ hai, tám ngày sau, có Tôma.

– Lần thứ ba Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với 7 môn đệ đánh cá ở biển hồ Tiberia. Chúa bảo họ thả lưới bên phải thuyền. Họ bắt được một lưới cá đầy đến 153 con. Và Chúa đã ăn sáng với họ bên biển hồ, Phúc Âm Gioan chương 21,1-14.

– Lần thứ tư được ghi lại trong những đoạn cuối Phúc Âm Thánh Matthêô chương 28,16-20 khi các tông đồ về Galilêa lên núi Chúa hẹn. Khi thấy Ngài, có người tin, có kẻ hoài nghi. Chúa Giêsu tiến đến gần họ và truyền lệnh: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã trao cho Thầy, vậy các con hãy đi rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần,. Dạy họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho các con và luôn tin rằng: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho bà Maria Madalêna đang khóc tìm kiếm xác Chúa. Chúa hiện ra cho hai môn đệ thất vọng bỏ thủ đô về lại quê nhà làng Êmau làm ăn. Thánh Phaolô trong Thư Thứ I gừi giáo đoàn Côrintô 15,3-8 có nói: “Chúa Giêsu Phục Sinh xuất hiện cho Phêrô trước, rồi đến nhóm 12, rồi có lúc Ngài xuất hiện cho cả đám đông 500 người, rồi cho Giacôbê, cho các tông đồ và sau cùng Ngài đã hiện ra cho tôi…”

Cũng có thể Chúa hiện ra cho nhiều người khác nhưng không ghi lại hết trong Phúc Âm. Tuy nhiên, việc Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra cho các tông đồ và cho một số người khác không có tính cách biểu dương hay phô trương sự chiến thắng phục sinh, hay làm cho những người giết Chúa “sáng mắt” ra. Không! Chúa Phục sinh là đối tượng của đức tin. Không cần phải xem thấy Chúa sống lại. Không cần Chúa trưng bày dấu đinh nơi tay chân và dấu đâm nơi cạnh sườn thì mới tin, nhưng “phúc cho ai không thấy mà tin!”

Nói khác đi, Chúa không cần xuất hiện nơi phố thị đông người để chinh phục người ta tin Chúa phục sinh. Chúa không cần nán lại lâu hơn để có đủ thời giờ đích thân đi đó đi đây phô bày thân xác phục sinh cho nhiều người tin. Đó là nhiệm vụ của các tông đồ Chúa, những người đã chính mắt thấy Chúa chết và sống lại. Họ phải đi rao giảng tin mừng phục sinh cho muôn dân. Ai tin và lãnh phép rửa sẽ được ơn cứu độ tức sẽ được sống đời đời.

Đó chính là lý do Chúa chọn gọi các tông đồ. Họ được chọn để truyền giảng tin mừng Phục Sinh, truyền giảng những gì họ chứng kiến và tin. Đó cũng là sứ mạng tông đồ của mỗi người chúng ta. Hàng ngày chúng ta tuyên xưng đức tin: Chúa chết và phục sinh. Chúng ta phải mang niềm tin phục sinh đến những người khác, để họ không thấy Chúa Phục Sinh mà tin Chúa đã phục sinh.

III. Thực hành Phúc Âm:

27.4.2014 Đại lễ Lòng Thương Xót Chúa
Tuyên phong Thánh: Thánh Giáo Hoàng Gioan XIII và Gioan Phalo II
Nếu là người Công giáo về thăm Việt Nam, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi phong trào Kính Lòng Thương Xót Chúa đang phổ biến khắp nơi. Nhiều nhà thờ ở khu vực Xóm Mới đọc kinh Kính Lòng Thương Xót Chúa hằng ngày lúc 3 giờ chiều. Rất nhiều giáo dân tham dự, có đến vài trăm người một ngày cho một nhà thờ. Người ta tuôn đến với Lòng Thương Xót Chúa. Người ta khao khát và hoàn toàn tin tưởng vào Lòng Thương Xót Chúa.

Điều đó cho thấy: Con người hay xã hội ngày nay quá nghèo lòng thương xót hay không có lòng thương xót. Không ai nở lòng chế trách quê hương mình, nhưng phải nói là thế giới ngày nay, đặc biệt ở Việt Nam mình hay nơi bản thân người Việt Nam mình thật nghèo lòng thương xót.
Con đánh chết Mẹ vì Mẹ không nấu cơm cho ăn.
Cháu đánh chết Ông vì Ông lén ăn cắp tiền của Bố Mẹ.
Một Cha ở Miền Tây đi xe Honda lên Sàigòn mua sắm, bị xe cán chết nằm trơ bên đường, bà con chung quanh bu vào hôi của lấy tiền, bỏ Cha nằm chết trơ thân.
Một Cha phó ở Long Khánh đi Honda tong vào xe đò. Cha bị thương nặng, nhưng phải nằm đó chờ Cha xứ trả tiền bồi thường, tài xế xe đò mới cho chở Cha vào bệnh viện…..

Một địa phận có 5 Cha Việt Nam. Tất cả đều chê nhau và nói xấu nhau với người da trắng quá chừng… Chỉ có Đức Giám Mục người da trắng là thông cảm, tha thứ và nâng đỡ quí Cha Việt Nam. Chúng ta “xài” lòng thương xót của người khác…

Xin một lần xét mình xem coi lòng thương xót chúng ta nghèo đến mức nào? Cứ nhìn vào quan hệ thường ngày của mình thì biết? Có bao nhiêu người đến với chúng ta hay nhờ cậy chúng ta giúp đỡ….Nếu không một ai hay rất ít, chúng ta nên biết là: Chúng ta quá nghèo lòng thương xót. Không ai đến với người ác hay nghèo lòng xót thương.

Lễ tuyên thánh cho Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II (1920-2005) vào ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót (27-4-2014) làm chúng ta nhớ đến một trong những nhân đức anh hùng của thánh nhân: Giàu lòng thương xót, sẵn sàng tha thứ. Lòng thương xót của Đức Giáo Hoàng Gioan Phalô II muôn đời ghi nhớ qua cầu chuyện có thật là tha thứ cho tay súng ám sát ngài (17g10, 13-5-1981): Ali Agca (Thổ Nhĩ Kỳ). Thật vậy, hai ngày sau lễ Chúa Giáng Sinh năm 1983, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II đích thân đến nhà tù thăm Ali Agca. Sau khi nói chuyện riêng với Ali Agca khoảng 20 phút, ngài cho biết: “Những gì chúng tôi nói chuyện vẫn được giữ bí mật, chỉ anh ta và tôi biết. Tôi nói với anh ta như người anh em mà tôi đã tha thứ và là người tôi hoàn toàn tin tưởng” (Ali Agca đã quỳ xuống xin hôn tay Đức Giáo hoàng). Dịp Đại thánh năm 2.000, chính Đức Giáo hoàng đã tiếp tục xin Tổng thống Ý tha cho Ali Agca.

———-

2. Bài giảng dưới dạng Audio: Download File MP3

ooo
3. Bài giảng dưới dạng Văn Bản: Download File Word