Bài giảng Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C

1139

Thơ diễn ý:

Thầy thông luật lệ hỏi rằng:
Làm gì để sống vĩnh hằng ngày sau?
Thông luật! xin nói cho mau:
Luật lệ nói gì, nghĩ sao tỏ bày:

Luật lệ ghi rõ thưa Thầy:
Mến Chúa, yêu người! tỏ bày cân phân.
Nhưng ai là kẻ cận thân?
Bà con ruột thịt thân nhân bạn bè?

Mở tai nghe rõ đây nè:
Có người bị cướp nện è cổ ra.
Mất tiền, hết sức, hết la,
Do Thái đạo gốc bôn ba chuyện mình.

Chàng kia ngoại đạo không nhìn,
Xuống ngựa chăm sóc tận tình tương thân?
Vậy ai là kẻ cận thân?
Là người thương xót đỡ nâng người cần.
Amen.

I. Video bài giảng

CHÚA NHẬT XV QUANH NĂM

Sách Đệ Nhị Luật 30. 10-14;
Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôxê 1.15-20
và Phúc Âm Thánh Luca 10. 25-37

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca

Và này có người thông luật kia đứng lên hỏi Đức Giê-su để thử Người rằng: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” Người đáp: “Trong Luật đã viết gì ? Ông đọc thế nào?”  Ông ấy thưa: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình.”  Đức Giê-su bảo ông ta : “Ông trả lời đúng lắm. Cứ làm như vậy là sẽ được sống.”

Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ là mình có lý, nên mới thưa cùng Đức Giê-su rằng: “Nhưng ai là người thân cận của tôi?”  Đức Giê-su đáp: “Một người kia từ Giê-ru-sa-lem xuống Giê-ri-khô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết.  Tình cờ, có thầy tư tế cũng đi xuống trên con đường ấy. Trông thấy người này, ông tránh qua bên kia mà đi. Rồi cũng thế, một thầy Lê-vi đi tới chỗ ấy, cũng thấy, cũng tránh qua bên kia mà đi.  Nhưng một người Sa-ma-ri kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác.”  Vậy theo ông nghĩ, trong ba người đó, ai đã tỏ ra là người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?” Người thông luật trả lời : “Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót đối với người ấy.” Đức Giê-su bảo ông ta: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy.”       

Đó là Lời Chúa! – Lạy Chúa Kitô, ngợi khen Chúa!

I. Giáo huấn Phúc Âm:

Muốn được ơn cứu độ, muốn có sự sống đời đời phải yêu mến Chúa hết tâm hồn, hết sức lực và hết trí khôn; và yêu người thân cận như chính mình.

Người thân cận không giới hạn ở bà con thân thuộc, không chỉ người cùng chung tôn giáo hay truyền thống, nhưng tất cả mọi người, đặc biệt những người cần sự giúp đỡ.

II. Diễn giải Phúc Âm:  

1. Khái niệm địa dư giữa Giêrusalem và Giêricô?

Giêricô, miền đất có độ thấp chừng 800 bộ tức khoảng 75 mét dưới mặt biển. Còn Giêrusalem ở độ cao tới 2500 bộ, tức khoảng 750 mét trên mặt biển. Như vậy độ cao thấp chênh lệnh giữa Giêrusalem và Giêricô khoảng 835 mét. Có lẽ vì vậy Chúa Giêsu trong bài Phúc Âm Luca hôm nay đã bắt đầu dụ ngôn bằng câu: Một người kia từ Giêrusalem XUỐNG Giêricô… Xuống không có nghĩa là về phía Nam, vì vĩ độ Giêricô có phần cao hơn Giêrusalem nằm về hướng Đông Bắc,  nhưng “xuống” phản ánh thông thường cách diễn tả của người dân thời bấy giờ: Về miền đất thấp hơn hay cũng gọi là xuôi Nam.

Khoảng cách từ Giêrusalem xuống Giêricô chỉ dài chứng 27 cây số. và không được an ninh cho lắm, vì chung quanh toàn núi đá, rất thuận lợi cho bọn cướp làm sào huyện ấn núp và cướp bóc khách qua đường. Có một con đường ngắn hơn được gọi là “đường máu” được các băng đảng cướp bóc chia nhau “làm ăn” khá trắng trợn. Trong Phúc Âm hôn nay, Chúa đã không đề cập rõ ràng là con đường nào người bộ hành đã bị cướp. Nhưng chắc chắn một điều là đường đồi núi, gập ghềnh và nhiều hang động như hình bên cạnh mô tả.

Sử gia Josephus cho biết chi tiết nầy là: Phần lớn những băng đảng cướp bóc nầy nằm trong số bốn chục ngàn nhân công đã bị Vua Hêrôđê Cả cho “về vườn” sau khi hoàn tất công việc trùng tu đền thờ Giêrusalem, năm 20 trước Công Nguyên. Chính Chúa Giêsu di chuyển trên lộ trình nầy nhiều lần: Kinh Thánh ghi nhận có lần Chúa đã đến Giêrusalem qua Samaria như trong Phúc Âm Gioan chương 4 và Phúc Âm Luca 9, 52-53 ghi lại. Qua Samaria có nghĩa là qua vùng dân ngoại, trong đó có thành phố lớn Giêricô. Phúc Âm Thánh Matthêô 20, 29; Thánh Marcô 10, 46; và Luca 19, 1-10 . tường thuật Chúa chữa người mù bẩm sinh đang ngồi ăn xin bên vệ đường thành Giêricô; Chúa cũng đã đến nhà Giakêu, trùm thuế vụ ở thành phố Giêricô để ăn tối trong Luca 19, 1-10.

Ngày nay du khách di chuyển trên đoạn đường nầy không thể bỏ qua quán trọ người Samaritanô nhân hậu.

2. Thầy Tư Tế và Thầy Lêvi là những người như thế nào trong đạo Do Thái? Sao họ lại đành bỏ mặc nạn nhân bị cướp đang chết dỡ bên đường?

Tư tế được hiểu là những người được tách ra khỏi quần chúng, được dành riêng ra để làm việc tế lễ Thiên Chúa. Trong ý nghĩa nấy Tư tế được dịch từ tiếng latin SACERDOS, Sacer có nghĩa là được thánh hoá. Cũng thường dùng từ linh mục, để diễn tả người có nhiệm vụ làm mục tử, chăm sóc phần linh hồn của con chiên. Từ linh mục bắt nguồn trong tiếng Hy Lạp Presbyteros có nghĩa bậc trưởng thượng, đáng kính. Presbyteros trong Hy Ngữ địch sang tiếng La tinh là Presbyter.  Có tôn giáo là có tế tự. Có tế tự thì phải có tư tế. Có tôn giáo là có lãnh đạo, dạy dỗ và phượng tự. Linh mục là người lãnh đạo tôn giáo, là người có trách nhiệm giáo dục đức tin, luân lý cho người mình có bổn phận chăm sóc. Sách Sáng thế Ký chương 14, 18-20 ghi nhận thầy cả Melkisêđê, vua thành Salem đã mang bánh và rượu đến để dâng lễ tế chúc mừng Abraham và dòng dõi Ông. Trong Thánh Vịnh 110 cũng để cập đến chức linh mục thừa tác theo phẩm hàm Melkisêđê. Thánh Phaolô trong Thư gửi Do Thái chương 5, 1 cũng định nghĩa “Tư tế là những người được tách ra khỏi đám đông quần chúng, được thánh hiến để dâng lễ tế, đền tội cho dân và cho chính mình”

Thời tiên tri Samuel và Vua Đavit, nền tế tự trong Đạo Do Thái kể như lên đến tột đỉnh với số rất đông tư tế. Đavit phân chia số tư tế đông đảo thành 24 phiên để phục vụ đền thờ trong suốt năm. Trong quyển I Niên Sử 23. 20 cho biết có 38, 000 tư tế và Lêvi được phân công như sau: 24,000 chăm sóc công việc của đền thờ; 6,000 được cử làm viên chức và thẩm phán; 4,000 lo việc giữ cổng, an ninh trật tự và 4,000 chuyên xử dụng nhạc cụ để chúc tụng Chúa trong các giờ tế tự.

Phúc Âm Thánh Luca 1. 12-22 kể lại câu chuyện tổng lãnh thiên thần Gabriel đã hiện ra cho tư tế Giacaria, thuộc dòng tư tế Abija, dưới thời vua Hêrôđê cả, đang thi hành việc tế lễ Thiên Chúa trong đền thờ Giêrusalem theo phiên thứ đã được cắt đặt để báo tin về việc vợ ông là bà Elisabeth đã già nhưng sẽ sinh con trai.

3. Thầy Lêvi là thành phần nào trong Cựu Ước và nền phượng tự Do Thái giáo?

Giacóp có 12 con trai, đứng đầu 12 chi tộc Do Thái: Benjamin, Ephraim, Manasseh, Naptali, Dan, Asher, Issachar, Judah, Zebulon, Simeon, Reuben, and Gad. Lêvi là con trai thứ ba của Giacop với Lia. Chi tộc Lêvi được Môsê đặc cử chuyên lo việc tế tự và chăm sóc hòm bia thánh và đền thờ sau khi đã định cư trên đất hứa. Trong suốt hành trình về đất hứa, chi tộc Lêvi không được phân chia đất đai như các chi tộc khác, nhưng họ được cắm lều sinh sống chung quanh nhà tạm có hòm bia giao ước để kinh nguyện thay cho dân và chăm sóc nhà Chúa.

Những thầy Lêvi phải là thành phần phát xuất chi tộc Lêvi. Ông Môsê và Aaron đều thuộc dòng Lêvi. Như vậy, những đàn ông thuộc chi tộc Lêvi có thể trở thành tư tế, chuyên lo tế tự trong đền thánh Giêrusalem. Số đàn ông còn lại là những Lêvi. Nhiệm vụ chính của các Lêvi là: Hát thánh vịnh trong suốt các buổi lễ ở đền thờ Giêrusalem, kiến thiết và bảo trì đền thờ, cung cấp người canh gác đền thờ và giữ gìn an ninh trật tự. Ngoài ra các thầy Lêvi cũng lãnh nhiệm vụ dạy Kinh Torah và làm quan xét cho dân. Như vậy, thầy tư tế hay thầy Lêvi đều thuộc chi tộc Lêvi. Tư tế lo việc phụng tự, hương khói, tế lễ, còn thầy Lêvi có thể gọi là những người lo việc bảo vệ nhà Chúa.  Dưới thời Chúa Giêsu, người ta ghi nhận có đến 12,000 tư tế và Lêvi. Họ được ưu tiên định cư trong thành phố không xa trung tâm tôn giáo Giêrusalem và chia phiên để thi hành nhiệm vụ tế tự và chăm sóc đền thờ.

4. Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu:

Trong văn hoá nhiều dân tộc, việc kể dụ ngôn hay một câu chuyện có ẩn ý nhằm truyền đạt bài học luân lý hay đức tin là chuyện thường tình. Trong bài Phúc Âm hôm nay, Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu để dạy: tứ hải giai huynh đệ, tất cả mọi người là anh em, là cận thân với nhau. Mọi người phải thương yêu và giúp đỡ nhau nhất là trong lúc hoạn nạn.

Dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu phá vở quan niệm hẹp hòi của người Do Thái, đặc biệt của giới tư tế và Lêvi về vấn đề: Ai là anh em, là cận thân, là người cần phải giúp đỡ? Đối với người Do Thái: anh em của họ tức những người bà con ruột thịt trong gia đình. Cận thân là những người Do Thái khác, những người cùng giữ truyền thống Đạo Do Thái với họ. Họ sống theo lối ân oán sòng phẵng với ai là bà con, thân bằng quyến thuộc và với ai là thù nghịch hay ngoại giáo. Nên bài Phúc Âm thánh Luca trong Chúa Nhật trước cho thấy là hai tông đồ của Chúa đã muốn xin lửa từ trời đốt làng người Samaria vì “bọn ngoại đạo” nầy không tiếp đón họ. Họ được quyền trả thù theo luật mắt thế mắt và răng đền răng như được qui định trong sách Lêvi 24. 19-21, trong Xuất Hành 21:22–25, và trong Đệ Nhị Luật 19:21.

Trong bài phúc âm hôm nay, khi đề cập đến thái độ bất nhân của tư tế và lê vi thì đều nói là: Thầy Tư Tế và Thầy Lê vi đều “tránh sang bên kia đường mà đi…” Họ phải tránh nạn nhân bị cướp vì họ là “tư tế” và “Lêvi”, những người được dành riêng lo việc tế lễ Thiên Chúa và lo việc nhà Chúa. Họ được dành cho việc thánh. Chạm đến nạn nhân đang nằm chờ chết là ô uế, là xúc phạm đến con người thánh của họ và nhiệm vụ thánh của họ. Họ trách sang bên kia đường mà đi vì nạn nhân đâu có bà con quen biết gì với họ. Hơn nữa đó không là nhiệm vụ của họ. Nhiệm vụ của họ là thờ phượng Chúa. Nơi thi hành nhiệm vụ là đền thờ Giêrusalem.

Cái trớ trêu và đầy ẩn ý của dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu là:

Tư Tế và Lêvi đúng lý ra phải nhân hậu thì lại tỏ ra bất nhân, ngoảnh mặt làm ngơ trước thảm cảnh người bị cướp nằm bất tĩnh bên vệ đường. Họ cho rằng: tế lễ Thiên chúa và chăm sóc đền thờ là chuyện không những ưu tiên mà còn có thể bỏ qua mọi bồn phận khác như giúp người lâm nạn. Hơn nữa: Họ phải giữ mình trong sạch để xứng đáng dâng lễ tế cho Thiên Chúa. Nếu đụng chạm hay tiếp xúc với một người gần chết hay là ngoại giáo sẽ làm cho con người lành thánh của họ ra ô uế.

Người Samaritanô được coi là dân ngoại, kẻ không biết gì về đạo và luật đạo thì lại có lòng từ tâm, dừng lại giúp người lâm nạn. Anh chàng Samaritanô vô đạo thì lại sống đạo. Anh chàng Samaritanô được coi là vô nhân thì lại có lòng nhân. Anh được Chúa chọn làm Kitô hữu mẫu mực trong đạo Chúa lập, vì Chúa bảo Ông luật sĩ: Ông hãy đi và làm như vậy! 

III. Thực hành Phúc Âm:

1. Thầy tư tế và Thầy Lêvi trông thấy nạn nhân, liền tránh sang bên kia đường mà đi.

Nghe dụ ngôn nầy, những tư tế, những linh mục và những người chuyên tâm lo việc thờ phượng Chúa chắc phải tức lắm. Chúa đánh giá họ thấp kém hơn người Samaritanô, anh chàng ngoại giáo. Chúng ta cứ thử nghĩ quí Linh Mục Công Giáo sẽ nghĩ như thế nào nếu có ai đó đánh giá các Ngài “thua tên vô đạo!”.

Nhưng trong thực tế, tư tế và Lêvi trong đạo cũ, linh mục và tu sĩ trong đạo Công Giáo, kể cả tôi, phải đấm ngực thú nhận là nhiều lần “trông thấy nạn nhân, đã tránh sang bên kia đường mà đi!” Lý do: Chúng tôi là Tư tế hay linh mục là người được tách biệt ra khỏi đám đông quân chúng, được dành riêng cho việc phụng vụ, việc tôn thờ Thiên Chúa. Chúng ta thấy rõ điều nầy qua cách thức đào tạo hay cách sống của những người đang đi tu, nhất là ở Việt Nam: Cha Mẹ, anh chị em trong gia đình đều hảnh diện, khâm phục và nể trọng Thầy Đại chủng sinh hay thầy tu, hay nữ tu xuất thân từ trong gia đình mình. Thầy Hai mới vào chủng viện có một khoá thôi mà đã học giỏi đến độ phải đeo kiếng trắng dày như đít chai. Thầy Hai bây giờ ăn nói toàn những từ thật khó hiểu, pha trộn tiếng Anh, tiếng Pháp và cả tiếng La Tinh nữa. Trong những giáo xứ người Bắc, nhiều người đã gọi Bố Mẹ Thầy là Ông bà Cố, anh chị em Thầy là quan chú quan Bác… Thầy mỗi ngày xa dần cõi tục và tập tành cách đi đứng ăn nói cho ra “tư tế”! Xa dần cõi tục có nghĩa là xa con người thực tế, xa những đụng chạm thường ngày trong cuộc sống. Càng xa con người, càng ít đi lòng nhân hậu. Thầy tư tế hay linh mục thường kỳ vọng lòng nhân hậu từ người khác mà thôi.

Sau khi đã thành tư tế, đã đỗ Cha thì “vừa trông thấy nạn nhân, tư tế hay linh mục liền tránh sang bên kia đường mà đi!”  Tránh sang đường khác vì việc ưu tiên hàng đầu của tư tế hay linh mục là việc thánh thiện, việc thờ phượng Chúa. Phải tránh sang đường khác vì sợ rằng phải dây dưa vào chuyện phàm tục. Phải tránh sang đường khác vì tư tế, linh mục sợ phải “chi và cho!” đang khi họ được giáo dục trong truyền thống là “nhận và hưởng!”

‘Tránh sang đường khác’ nói lên sự hẹp hòi, sự thiếu thông cảm, sự vô tâm và đôi khi thành ác nhân. Thỉnh thoảng tôi vẫn có dịp gặp bà vợ và những người con của một gia đình mà người Cha đã bị linh mục “chánh xứ” tránh né ban bí tích xức dầu và cho rước lễ như của ăn đàng khi gần chết. Vị tư tế, vị linh mục nầy, vì hẹp hòi, vì bất đồng với bệnh nhân, đã “tránh sang bên kia đường mà đi!” dù người nhà đến đập cửa, kêu gào xin Cha đến ban bí tích xức dầu. Cha in lặng tránh né! Người nhà viết giấy để lại, cha chánh xứ nhẫn tâm không đáp lời!

Người bệnh đã chết. Nhưng vị tư tế, vị linh mục chánh xứ nầy đã không sao tránh khỏi sự bực tức, lòng oán hận của gia đình. Thật buồn! Nhưng không sao bàu chữa cho thái độ vô nhân của vị linh mục chánh xứ trên. Tính ra vị tư tế nầy thật kém xa lòng nhân so với những người không có đạo.

Lời nói trách hờn và ánh mắt buồn giận của gia đình nầy đã là một nhắc nhở sống động cho tôi về việc tỏ lòng nhân hậu với mọi người. Nhiều khi chỉ một lần “tránh sang bên kia đường mà đi” thôi đã khắc sâu ân oán nơi ngườk khác.

2. Ai là người thân cận của tôi?

Chính là kẻ đã thực thi lòng thương xót với tôi! Ông hãy đi và cũng hãy làm như vậy!

Cô bé Danielle 12 tuổi đã thừa hưởng trọn vẹn gia tài kết xù của một người hành khất mang tên Donald. Chuyện kể rằng: cách nay hơn 10 năm, Donald và cả gia đình gồm một người vợ và hai con gái đã bị một người say rượu lái xe tải cáng chết trên một khúc quẹo ở Xa Lộ.  Donald may mắn sống sót nhưng xe bị cháy và gây thương tích toàn thân. Ngoại hình của anh hoàn toàn bị biến dạng: xấu xí và ghê tỡm. Không một ai thích gần gũi hay muốn trò chuyện hay cho anh một cái nhìn thân thiện.

Anh nhận được số tiền lớn từ việc bồi thường tai nạn giao thông do người khác gây ra. Nhưng anh muốn làm thân hành khất để có một trắc nghiệm về lòng nhân ái thật sự của người khác.  Anh kiếm được khá nhiều tiền, nhưng là tiền “bố thí” chứ không là lòng nhân. Tiền bố thí là tiền cho vì thương hại hay cho để khỏi bị quấy rầy. Vì dị dạng, không ai cho tiền mà dám dừng lại hỏi thăm anh và tiếp chuyện với anh, dù chỉ một câu. Người ta bố thí nhưng thiếu lòng nhân.

Tình cờ Donald đến khi phố nhà Danielle. Cô bé gái 12 tuổi vừa xin Mẹ tiền để cho  Donald, vừa đến gần để trò chuyện, làm quen và tỏ ra thân tình với Donald.  Danielle không chút ngần ngại nắm bắt tay và nhìn vào gương mặt dị hợm của Donald. Donald đã khóc vì cảm động, vì sung sướng, vì còn có người dám thân cận với mình. Thế là mỗi ngày, Donald đều đến khu phố nhà Danielle để hưởng nụ cười, ánh mắt và lời hỏi thăm thân tình của Danielle. Không lâu sau đó, người hành khất Donald chết và đã di chúc toàn bộ gia sản cho Danielle, cô bé giàu lòng nhân ái và đã sẵn sàng thân cận với Donald, người ăn xin không ai thích thân cận.

Người thân cận của tôi không chỉ là người cho tôi tiền hay giúp đỡ tôi cho xong bổn phận, nhưng là người “chạnh lòng thương, đến gần, lấy dầu, lấy rượu đổ lên vết thương  cho người ấy và băng bó lại…” Thân cận là gần gũi giúp đỡ! Thân cận là thông cảm và chia sẻ! Thân cận là cận thân. Ước gì những người có ngoại hình khó coi, dị dạng, có tật, có bệnh bất thường thật sự hưởng được “lòng thương xót” của chúng ta! Họ rất cần người thân cận!

II. Bản văn bài giảng. Download File Word tại đây

III. Thơ – Nhạc – Ảnh diễn ý bài Phúc Âm tại đây

IV. Slideshow minh họa Bài Phúc Âm Chúa Nhật 15 Thường Niên năm C