Bài giảng Chúa Nhật XXIX Quanh Năm A

1275

Thơ tóm ý:

Biệt Phái bày mưu tính kế:
Có nên nộp thuế Hoàng Đế hay không?

Rõ ràng ý xấu bên trong
Chúa đòi xem rõ hình dong đồng tiền.

Hình, chữ nhìn thấy biết liền:
Hoàng Đế La Mã toàn quyền trên dân
Chúa liền đáp trả cân phân:
Trả cho Hoàng Đế, vì thân làm người.     

Đừng quên Chúa Cả đất trời:
Là đầu, là cuối, đời đời trường sinh
Trả cho Thiên Chúa niềm tin:
Sống, chết, sướng, khổ, câu kinh mỗi ngày. 

Giàu sang, quyền lực, tiền tài
Xuôi tay nhắm mắt tiếc hoài uổng công.
Lá rụng về cội! chờ mong?
Qui hướng về Chúa đáng công thiên đàng. Amen

CHÚA NHẬT XXIX QUANH NĂM

Sách Ngôn Sứ Isaia 45.1,4-6;
Khởi đầu Thư I của Thánh Phaolô tông đồ gửi tín hữu
Tessalonica 1,1-5b và Phúc Âm Thánh Matthêô 22.15-21

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các người biệt phái họp nhau lại bàn mưu để bắt bẻ Chúa Giêsu trong lời nói. Các ông sai môn đồ của các ông đi với những người thuộc phái Hêrôđê đến nói với Người rằng: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người ngay chính, căn cứ theo sự thật mà dạy bảo đường lối Thiên Chúa. Thầy chẳng cần để ý đến ai, vì Thầy không tây vị người nào. Vậy xin Thầy nói cho chúng tôi biết Thầy nghĩ thế nào: Có được phép nộp thuế cho Cêsarê hay không?” Chúa Giêsu thừa hiểu ác ý của họ, nên nói: “Bọn người giả hình, các ngươi gài bẫy Ta làm gì? Hãy đưa Ta xem đồng tiền nộp thuế”. Họ đưa cho Người một đồng bạc. Và Chúa Giêsu hỏi họ: “Hình tượng và danh hiệu này là của ai?” Họ thưa rằng: “Của Cêsarê”. Bấy giờ Người bảo họ rằng: “Vậy, cái gì của Cêsarê thì hãy trả cho Cêsarê, và cái gì của Thiên Chúa thì hãy trả cho Thiên Chúa”. Ðó là lời Chúa.

I. Giáo Huấn Phúc Âm:

Trả cho Cêsar cái gì thuộc về Cêsar.
Trả cho Chúa cái gì thuộc về Chúa.
Con người có bổn phận đối với trần thế, đối với quốc gia mình lệ thuộc. Người công dân phải chu toàn bổn phận đóng thuế và nghĩa vụ xây dựng xã hội dưới chế độ chính trị mình đang sống.
Dù sống trên trần thế và thi hành bổn phận xã hội, nhưng con người thuộc về Thiên Chúa hoàn toàn, vì con người được Chúa tạo thành từ hư vô.
Cả những người không biết Chúa hay chối Chúa, cũng đang nằm trong bàn tay hoá công toàn năng của Chúa.

II. Vấn nạn Phúc Âm:

Tại sao Chúa không đứng hẵn về phe Biệt Phái mà chống việc nộp thuế cho đế quốc La Mã?
Chúng ta thử đặt vấn đề: Biệt Phái là ai? Họ có là những người đáng để cho Chúa đứng về phe họ mà chống nộp thuế cho Đế Quốc La Mã không?
Mở đầu Phúc Âm hôm nay, Thánh Matthêô nói “những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Chúa Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy”. Nên người Biệt Phái chỉ dựng chuyện nộp thuế cho La Mã để dùng La Mã triệt hạ Chúa, nếu Chúa đứng về phe Biệt Phái chống lại La Mã. Người Biệt Phái có thực sự yêu nước và ghét đế quốc La Mã không? Chắc có phần nào, nhưng chúng ta cũng biết có những Biệt Phái thân La Mã và vấn đề chống đế quốc La Mã nhiều khi chỉ là chiêu bài chính trị mang lợi lộc cho họ.

Chúa muốn ám chỉ gì khi nói: Của Caesar thì trả cho Caesar?
Chắc chắn Chúa không tán thành việc đế quốc La Mã chiếm đóng quốc gia Do Thái của Ngài. Tuy nhiên làm gì bây giờ? Cầm quân nổi lên dấy loạn hô hào lật đổ chế độ đế quốc độc tài chăng? Không thể được. Vậy thì chịu khuất phục để đóng thuế cho đế quốc? Cũng không hẵn thế. Nhưng khi nói “của Caesar thì trả cho Caesar” Chúa chỉ muốn nói rằng: Ai cũng sinh sống trong xã hội trần thế và chế độ chính trị nào cũng có những luật lệ của nó. Người dân không có cách nào khác hơn là tuân hành luật đóng thuế. Đóng thuế tức đóng góp lợi tức để xây dựng công ích. Âu cũng là lẽ công chính cần tuân giữ.

Chúa muốn ám chỉ gì khi nói: Của Chúa thì trả cho Chúa?
Cái gì là của Chúa? Cả vũ trụ vạn vật và cả con người chúng ta đều là của Chúa. Vì Chúa là Tạo Hoá. Ngài tại dựng nên mọi loài mọi vật. Tất cả là của Ngài. Nên khi nói “của Chùa thì trả cho Chúa” có nghĩa là từng người và toàn thể vạn vật được tạo dựng theo chương trình của Chúa và qui hướng về Chúa như là đích điểm sau cùng của muôn loài muôn vật.

Cuộc đời của mỗi con người có khởi điểm và có kết thúc. Khởi điểm từ Chúa và kết thúc là về với Chúa. Chúng ta không tự mình mà có và hiện hữu. Chúng ta lệ thuộc và tuỳ thuộc hoàn toàn, dù muốn hay không? Không ai tránh khỏi cái chết. Vũ trụ vạn vật được tạo thành và qui hướng về Chúa. Có thể so sánh cuộc đời của mọi người như nước trong đại dương bao la. Nước có thể di chuyển mọi nơi, mọi chỗ. Nước có thể hiện diện trong những dạng thức khác nhau: thể lỏng, thể khí và thể đặc như nước đá… Tất cả đều là nước và rồi sẽ qui vể Đại dương biển cả mênh mông, nơi nước đã phát xuất.

Dù muốn hay không.
Dù kiêu căng tự phụ.
Dù quyền hành tột cùng
Dù danh vọng cao sang.
Dù tiền tài không thiếu.
Đến lúc cũng xuôi tay.
Đến lúc ngập ngùi chấp nhận:
Trở về nơi mình đi.
Thiên Chúa sinh thành.
Hoá Công toàn năng.
Vì “trả lại cho Chúa,
cái gì thuộc về Chúa!”
Tất cả đều là của Chúa.
Tất cả phải qui về Chúa.

III. Thực hành Phúc Âm:

Lầm tưởng:
Con người trong thế giới ngày nay cũng như bản thân chúng ta có nhiều lầm tưởng:
Lầm tưởng mình làm chủ cuộc sống trần thế nên: Đã có 26 quốc gia trên thế giời chấp nhận cho công dân xử dụng an tử, tức kết thúc cuộc sống sớm hơn thực tế. Nếu con người có quyền tự kết thúc cuộc sống trần gian của mình thì họ cũng có quyền nhờ người khác hỗ trợ trong việc nầy. Chúng ta quen gọi là giúp tự tử hay hỗ trợ an tử như chích thuốc cho chết sớm hay cắt đứt mọi biện pháp cứu sống hay kéo dài cuộc sống. Trong lầm tưởng nầy, con người đã cho mình quyền quyết định sống chết. Người chấp nhận an tử hay yêu cầu kết thúc cuộc sống sớm là người đã không trả cho Chúa món quà cuộc sống mà Chúa ban tặng cho họ.

Từ lầm tưởng nầy đi đến lầm tưởng khác là phá thai: Người phá thai là người cho rằng mình toàn quyền trong việc tạo thành thai nhi và sinh con. Họ muốn có con hay không có con là quyền của họ. Những người nầy đã cướp quyền tạo dựng con người của Thiên Chúa. Họ không trả cho Chúa quyền của Chúa là Tạo Hoá.

Lầm tưởng mà lại được nhìn nhận là nhân quyền đó là đồng tính trong hôn nhân. Kinh Thánh nói rằng: Chúa dựng nên họ có nam có nữ và Chúa trao cho họ nhiệm vụ sinh sản cho đầy mặt đất. Nếu nhìn nhận đồng tính hôn nhân, có nghĩa con người không trả cho Chúa quyền sáng tạo con người có nam có nữ. Làm sao gọi là sinh sản cho đầy mặt đất nếu hôn nhân đồng tính ngày càng lan rộng.

Thiếu lòng tri ân: Nhiều người có sức khoẻ tốt…. nhưng đã không biết dùng sức để giúp đỡ gia đình hay người cần đến mình. Trái lại lười biếng và biến mình thành gánh nặng cho người khác. Cũng có người có sức khoẻ, nhưng lại tiêu pha vào chuyện ăn uống nhậu nhẹt thái quá… mang bệnh vào thân. Họ đã không trả cho Chúa sức khoẻ như món quà hay hồng ân Chúa ban cho họ.
Có nhiều phụ nữ có nhan sắc….nhưng lại dùng nhan sắc kiếm tiền, để làm tội, để phục vụ cho những nhu cầu vật chất bản thân…. Họ đã không trả cho Chúa cái Chúa ban cho họ.
Có những người thông mình tài giỏi…nhưng lại tưởng lầm rằng: tài giỏi là do dòng họ hay do công khó học tập của mình…. Nên họ chỉ dùng khả năng mình để có một cuộc sống giàu có sung sướng…. Họ quên rằng: Chúa là Đấng ban cho họ sự thông mình tài giỏi để mang trả lại cho Chúa những công việc phục vụ tha nhân.

Lệ thuộc
Sống ở Bắc Mỹ Châu, ít nhiều ai cũng có dịp quan sát cảnh vợ chồng già và bệnh tật chăm sóc cho nhau. Một bà béo phệ bệnh hoạn ngồi trên xe lăn do một người chồng gầy ốm đầy đến cửa để chờ lên máy bay đi đâu đó. Thật là tội nghiệp cho Ông chồng: bà vợ to con, nặng ký và khá đòi hỏi, kệ nệ và bận bịu với nào là túi xách và những thứ cần thiết cá nhân phụ nữ.

Người chồng cam phận, ít nói và thi hành răm rắp lệnh của người vợ béo phệ bệnh hoạn. Thật là lệ thuộc! Chồng phải chăm sóc cho vợ vì nghĩa phu thê. Vợ lệ thuộc hoàn toàn vào sự chăm sóc của chồng phần vì bệnh, phần vì mập mạp đâm ra nặng nề, khó đi lại. Phải áp dụng Phúc âm như thế nào? Cái gì thuộc về vợ hãy trả cho bà ấy? Cái gì thuộc về chồng hãy trả cho ông ấy? Nhưng cái gì là thuộc về vợ và cái gì là thuộc về chồng? Thật ra, không có cái gì là thuộc về cả, nhưng tất cả chỉ là lệ thuộc. Lệ thuộc không phải là thuộc về. Lệ thuộc là tuỳ thuộc, là không độc lập hay không tự tại. Người bệnh phải lệ thuộc vào tình yêu thương và sự chăm sóc của người khác.

Ít nhiều chúng ta phải lệ thuộc. Cái lệ thuộc căn bản là lệ thuộc vào Chúa. Tôi muốn nói đến lòng cậy trông vào Chúa. Không có Chúa, chúng ta không làm được gì. Không ai có thể độc lập với Chúa. Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống hằng ngày, nên giảm bớt cảnh tuỳ thuộc hay lệ thuộc. Đừng làm cho mình thành gánh nặng hay thánh giá cho người khác. Làm linh mục, càng phải nhạy bén trong việc tránh lệ thuộc nầy. Nguyên tắc chung: Càng nhận có nghĩa là càng lệ thuộc, càng mất tự do và càng khó xử. Đừng tin vào những lời như: Con không như người khác đâu, không cần nêu tên, không cần nhớ ơn gì cả, chỉ xin cầu nguyện cho con là đủ rồi… Không bao giờ là đủ cả nếu linh mục ấy không nhận một lệ thuộc nào đó như: Nếu có dịp đi ngang phải ghé thăm, nghỉ ngơi, ăn uống ở gia đình và phải coi những ân nhân nầy là những người làm ơn cho mình nhất trên đời.

Kinh nghiệm đời thường: Người cho không bao giờ quên cái mình đã cho hay không màng đến việc tri ân của người nhận. Người nhận không bao giờ thoát khỏi đòi hỏi tỏ lòng tri ân với người cho. Nên cách nào đó cũng bị lệ thuộc. Cách hay là hạn chế hay giảm bớt lệ thuộc ân nhân hay người khác để chỉ lệ thuộc vào một ân nhân duy nhất là Thiên Chúa.

Audio & Thánh ca diễn ý (Bài giảng Chúa Nhật và Xin Tri Ân):

 

Download  File Audio | File Word