Đức Thánh Cha khuyên giới báo chí Công giáo: Đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, cũng đừng sợ phải loan báo ‘Tin Vui’

852
Đức Thánh Cha khuyên giới báo chí Công giáo: đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, cũng đừng sợ phải loan báo ‘Tin Vui’
Copyright: Vatican Media

Đức Phanxicô tiếp Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI) nhân kỷ niệm năm thứ 60

23 tháng Chín, 2019 14:57

DEBORAH CASTELLANO LUBOV

“Đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói; loan báo “tin vui” để xây dựng tình bạn hữu xã hội; để xây dựng những cộng đồng có suy tư và cuộc sống có thể đọc được những dấu chỉ của thời đại.”

Đức Thánh Cha Phanxico nhấn mạnh điểm này với giới truyền thông Công giáo Ý mà ngài tiếp trong buổi tiếp kiến sáng nay, ngày 23 tháng Chín, 2019. Không giống như bài diễn từ trước đó tại Bộ Truyền thông của Vatican, ngài chọn cách bỏ bài diễn từ để nói ứng khẩu, thì trong buổi tiếp kiến thứ hai sáng nay với Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI), Đức Thánh Cha theo rất sát với văn bản đã soạn.

Gặp gỡ họ nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày khai sinh của hiệp hội, Đức Phanxico động viên họ hãy làm chứng cho sự thật, “góp phần làm phơi bày những ngôn ngữ sai lệch và tàn phá,” và chúc lành cho họ để công việc của họ có thể sinh hoa trái.

Dưới đây là bản dịch (tiếng Anh) của Vatican cung cấp diễn từ của Đức Thánh Cha trước những người hiện diện:

***

Anh chị em thân mến,

Tôi xin chào mừng tất cả anh chị em nhân kỷ niệm lần thứ 60 Liên đoàn Báo chí Công giáo Ý (UCSI), và tôi xin cảm ơn bà chủ tịch về những lời rất đẹp của bà. Bà thật can đảm! Bà nói rất mạnh mẽ!

Anh chị em họp mặt để nhớ lại một “ơn gọi cộng đồng” – hoa trái ước mơ của các nhà sáng lập – đó là trở thành “một hiệp hội chuyên nghiệp của hội thánh được truyền cảm hứng từ sự phục vụ cho con người, cho Tin mừng và Huấn quyền của Giáo hội.”

Tôi động viên anh chị em hãy thực hiện sứ mạng này bằng cách luôn rút lấy nguồn nhựa sống từ những cội nguồn của anh chị em: đức tin, tình cảm nồng nàn đối với lịch sử và chăm sóc cho các chiều kích truyền thông thuộc về nhân học và luân lý. Tạp chí “Desk” và website, trường đào tạo Assisi và các hoạt động trên khắp khu vực là những dấu chỉ hữu hình cho sự phục vụ ích chung của anh chị em.

Để làm mới lại sự hòa hợp của anh chị em với Huấn quyền của Giáo hội, tôi thúc giục anh chị em hãy trở thành tiếng nói cho lương tâm của ngành báo chí có khả năng phân biệt giữa thiện và ác, giữa những chọn lựa nhân văn và phi nhân văn. Vì ngày nay có sự lẫn lộn không được phân biệt tách bạch, và anh chị em phải giúp trong công việc này. Người nhà báo – là người chép biên niên sử của lịch sử – được kêu gọi để tái kiến thiết lại sự ghi nhớ các sự kiện, để hoạt động cho sự gắn kết xã hội, để nói lên sự thật với bất cứ giá nào: cũng cần phải có một parrhesia – tức là sự can đảm – của người nhà báo, luôn tôn trọng, không bao giờ ngạo mạn.

Điều này cũng có nghĩa là phải trở nên tự do trước cử tọa: nói theo phong cách rao giảng phúc âm: “có, có,” “không, không” vì bất kỳ điều gì vượt ra ngoài hai điều này đều đến từ ác quỷ (x. Mt 5: 37). Truyền thông cần có những lời thật giữa muôn vàn lời sáo rỗng. Và trong vấn đề này anh chị em có một trách nhiệm rất lớn: lời của anh chị em để kể câu chuyện về thế giới và định hình cho nó, những câu chuyện của anh chị em có thể tạo ra những không gian tự do hoặc nô lệ, không gian trách nhiệm hoặc lệ thuộc vào quyền lực. Không biết bao nhiêu lần một nhà báo mong muốn bước đi trên con đường này, nhưng đằng sau người đó lại có một người biên tập nói rằng, “Không, chúng tôi sẽ không đăng tải câu chuyện đó, chuyện này thì được, chuyện kia thì không,” và tất cả sự thật này bị rút tỉa theo cách nói thiên về lợi ích tài chính của người biên tập, và cuối cùng là truyền tải đi những gì không còn là chân, không còn là mỹ và không còn là thiện. Từ rất nhiều người đi trước anh chị em đã biết được rằng chỉ bằng cách sử dụng những ngôn ngữ hòa bình, công bằng và đoàn kết, trở nên khả tín bằng chứng tá kiên trì, thì mới có thể xây dựng được những xã hội công bằng và cảm thông hơn. Tuy nhiên, thật đáng buồn, mọi việc lại đi ngược lại. Ước mong anh chị em góp phần làm phơi bày những ngôn ngữ sai lệch và tàn phá.

Trong kỷ nguyên web, công việc của người làm báo là nhận biết những nguồn đáng tin, và tìm ngữ cảnh thích hợp, làm sáng tỏ và ưu tiên cho những nguồn đó. Tôi thường đưa ra ví dụ này: một người bị chết cóng vì lạnh ngoài đường, và chuyện này chẳng làm báo chí quan tâm; trong khi nếu Thị trường Chứng khoán rơi xuống hai điểm, thì tất cả các hãng thông tấn đều nói về nó (x. Tông huấn Evangelii gaudium, 53). Một điều chẳng có tác dụng gì.

Đừng sợ phải đảo ngược lại trật tự của tin tức, trao tiếng nói cho những người không có tiếng nói; loan báo “tin vui” để xây dựng tình bạn hữu xã hội; để xây dựng những cộng đồng có suy tư và cuộc sống có thể đọc được những dấu chỉ của thời đại. Tôi cảm ơn anh chị em vì anh chị em đã cố gắng hoạt động vì điều này, ngay cả với những tài liệu như Tông huấn Laudato si’, nó không phải là một tông huấn riêng về môi trường, nhưng là về xã hội, và thúc đẩy một mô hình mới cho sự phát triển con người toàn diện: anh chị em cùng hợp tác để làm cho nó trở thành một văn hóa chung thay thế cho các hệ thống trong đó con người bị buộc phải thu gọn mọi thứ vào chủ nghĩa tiêu dùng – cảm ơn anh chị em!

Để tiếp tục trổ sinh hoa trái, những hiệp hội như hiệp hội của anh chị em phải biết cách khiêm nhường chân nhận và cắt tỉa “những cành khô”, là những cành cây đã bị khô do thời gian lâu dài chúng mất sự tiếp xúc với gốc rễ cây. Ngày nay anh chị em hoạt động trong một bối cảnh lịch sử và văn hóa hoàn toàn khác biệt với bối cảnh khi anh chị em chào đời. Đồng thời, đã có nhiều hình thức quản lý kết hợp có tổ chức hơn và tập trung vào trọng tâm sứ mạng được phát triển: tôi khuyến khích anh chị em hãy theo đuổi chúng không hề e sợ và để tự mình sửa đổi từ bên trong để đưa ra một chứng tá tốt hơn.

Hành trình của anh chị em có sự kết nối mang tính lịch sử với hành trình của Giáo hội ở Ý, và anh chị em được sự đồng hành của một số cha và các nhà văn của Civiltà Cattolica là những thành viên của Hiệp hội. Ước mong rằng anh chị em tiếp tục chú ý vào những mối liên hệ quan trọng này.

Ngày 12 tháng Sáu năm 2010, Giáo hội tuyên phong Chân phước nhà báo giáo dân đầu tiên, Chân phước Manuel Lozano Garrido, thường được gọi là Lolo; ngài sống trong thời điểm nội chiến của Tây Ban nha, khi đó là một người Ki-tô hữu có nghĩa là mạng sống ở trong tình trạng nguy hiểm. Bất chấp căn bệnh đã buộc ngài phải sống 28 năm trên xe lăn, ngài không bao giờ phai nhạt lòng yêu nghề. Trong “Những điều răn của nhà báo” của ngài, ngài đề nghị “trả giá bằng loại tiền là lòng ngay thẳng, “làm việc với lương thực là thông tin trong sạch, với muối là phong cách làm và men là tính bất diệt” và phục vụ “không chỉ là những lớp bột nhào hay các món cay, nhưng hơn thế phục vụ cho lương thực tốt lành là đời sống trong sạch và tràn đầy hy vọng.” Thật là một mẫu gương tốt để noi theo!

Anh chị em thân mến, tôi luôn nhớ đến anh chị em và gia đình anh chị em trong lời cầu nguyện. Tôi chúc lành cho công việc của anh chị em, để nó có thể sinh hoa trái. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn anh chị em!

© Libreria Editrice Vatican

[Nguồn: zenit]

[Chuyển Việt ngữ: TRI KHOAN 24/9/2019]