Quân lính lý hình | Từ trên thánh giá nhìn xuống

2335

Cha Carôlô Hồ Bặc Xái biên soạn dịp mừng 40 năm linh mục 8.8.2016

9.

QUÂN LÍNH LÝ HÌNH

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu thấy đám binh lính lý hình đang bao quanh Người và những tử tội khác.

Trong lòng họ, họ nghĩ gì khi hành hạ và đóng đinh Chúa Giêsu? Chắc chắn họ rất ngạc nhiên trước cách Chúa Giêsu chịu đựng đau khổ. Thật là can đảm! Tuy nhiên họ chỉ quan tâm đến mỗi một điều. Đó là thi hành lệnh trên. Chúa Giêsu có tội hay không? Đó không phải là việc của họ. Người có phải là Đấng Thiên Chúa sai đến hay không? Họ cũng chẳng cần biết. Cấp trên đã ra lệnh bảo họ tra tấn và đóng đinh Người thì họ tuân lệnh. Thế thôi.

Trong đám họ có những tên rất thô lỗ. Họ đã quen nhìn thấy những tội nhân phải chịu khổ, nhất là những tội nhân của các dân bị đế quốc Rôma của họ đô hộ. Dù các tội nhân ấy đau đớn kêu la đến đâu họ cũng dửng dưng không chút xúc động.

Chúa Giêsu bắt đầu bị bọn lính ấy hành hạ bằng nhục hình đánh đòn. Đây là một hình khổ hết sức khủng khiếp. Có những người đã chết gục ngay dưới những làn roi.

Tiếp đến là trò chế nhạo. Bọn họ đã nghe người ta tố cáo Chúa Giêsu tự xưng là vua. Đúng hay sai, đối với họ điều đó không quan trọng. Họ chỉ coi đây là cơ hội vui đùa chế nhạo Người như một ông vua hề. Họ lấy dây gai kết thành một vòng tròn rồi ấn lên đầu Người và làm bộ cung kính thưa: “Muôn tâu Bệ Hạ, vương miệng của ngài đây”. Để cho “chiếc vương miệng ấy dính chặt vào đầu Người, họ lấy gậy đóng xuống… Những chiếc gai cắm sâu vào da đầu Chúa Giêsu… Những dòng máu ròng ròng chảy xuống ướt đỏ mặt Người… “Và đây là cẩm bào của ngài”. Họ vất một tấm vải rách màu đỏ lên vai Người. Còn thiếu gì nữa? À, vua thì phải có vương trượng chứ! Họ tìm được một cây sậy ấn vào tay Người. Thế là tạm xong. Họ bắt Chúa Giêsu ngồi trên một bậc thềm và bắt đầu tung hô: họ đi vòng vòng quanh Người, vừa đi vừa hô “Hoan hô vua dân Do Thái”. Lần lượt những kẻ đi ngang trước mặt dừng lại khạc nước miếng vào mặt Người.

Khi đã lên đến đồi Can vê, bọn lính cởi áo Chúa Giêsu ra. Vải đã dính vào các vết thương khắp mình Chúa Giêsu nên khi bị cởi áo, Người đau đớn chẳng khác gì bị lột da. Rồi họ đè Người nằm xuống trên cây Thập giá. Họ kéo hai tay hai chân Người ra cho đến chỗ làm dấu sẵn đề đóng đinh…

Đóng đinh xong, họ dựng Người cùng cây Thập giá đứng thẳng lên. Rồi họ ngồi xuống nghỉ mệt, thẩy xúc xắc để xem ai được lấy tấm áo không đường khâu của Chúa Giêsu.

Tuy nhiên trong đám họ cũng có một người còn chút lòng nhân đạo. Anh này đưa cho Chúa Giêsu một ly mật đắng pha mật ong. Đây là một thứ thuốc giảm đau. Nhưng Chúa Giêsu đã từ chối không uống.

Và cũng có một cử chỉ nhân đạo khác: Chúa Giêsu trên thập giá kêu lên “Tôi khát”. Nghe vậy, một anh lính đi lấy một tấm bọt biển thấm một chút giấm rồi đưa lên cho Người. Chúa Giêsu đã nếm một chút. Ta có thể tưởng tượng Chúa Giêsu đưa mắt nhìn anh tỏ dấu cám ơn. Vá có lẽ ánh mắt đó đã thấu tận đáy lòng anh, suốt đời anh không thể nào quên.

Nhưng đáng để ý nhất là viên sĩ quan chỉ huy đội lý hình. Ngay từ đầu cuộc xét xử tại tòa án, ông đã có ấn tượng về phong cách của Chúa Giêsu: rất can đảm, bình thản và oai nghiêm. Ông hiểu Chúa Giêsu không phải là một người bình thường. Vì thế,mặc dù được lệnh phải hành quyết Chúa Giêsu, nhưng ông vẫn dành cho Người một sự tôn trọng. Trên đường đi đến pháp trường, khi thấy Người đã kiệt sức, ông đã yêu cầu một kẻ qua đường vác thập giá giúp Người. Rồi khi Chúa Giêsu đã bị treo trên thập giá, nhiều người bên dưới lớn tiếng chế nhạo, xỉ vả Người. Ông rất ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu chỉ đáp lại bằng những lời tha thứ. Cuối cùng, lúc Chúa Giêsu tắt thở, khi trời tối bỗng sầm lại và đất rung chuyển, thiên nhiên như muốn để tang Chúa Giêsu, viên sĩ quan này thốt lên: “Quả thật, người này là Con Thiên Chúa”.

Từ trên Thánh Giá nhìn xuống, Chúa Giêsu cũng thấy tôi.

– Trên đời này vẫn còn những vụ hành hạ, tra tấn… Vẫn còn những trại tập trung… vẫn còn hàng triệu người phải bỏ nước trốn đi… Khi biết tình trạng này, tôi có suy nghĩ gì không ? Hay là tôi dửng dưng ? Tôi có ý nghĩ rằng sau này khi có thể, tôi sẽ đấu tranh cách nào đó để thế giới bớt đi những sự dữ và thêm nhiều tình thương không?

– Phải chăng đôi khi tôi cũng hung dữ, cay độc, xỉa xói những người khác kém cỏi hơn tôi, nghèo hèn hơn tôi… Phải chăng đôi khi tôi ỷ thế để ức hiếp kẻ yếu thế hơn tôi?

– Phải chăng tôi có óc kỳ thị: kỳ thị màu da, kỳ thị giai cấp xã hội, kỳ thị khả năng…. Khinh dể những kẻ không giống tôi, không bằng tôi?