Mừng Lễ Đức Chúa Trời Ba Ngôi | Vo Ha

736

vo ha

Chúa Nhật trước, Phụng Vụ Công Giáo dành riêng Mừng Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống sau Lễ Chúa Giêsu lên trời, dựa vào những dữ kiện Sự Đạo trong Thánh Kinh. Riêng Chúa Nhật nầy, được dành ra để tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, một Mầu Nhiệm – Bí Mật – vượt quá trí phàm trần của con người, phải nhờ Chúa Giêsu “bật mí” khi Ngài tới trần gian.

Nhìn lại, hầu như không có Chúa Nhật nào chính thức dành ra tôn thờ Đức Chúa Cha, là Vị có vẻ bị bỏ quên trong Lịch Phụng vụ. Nhưng quanh năm, mỗi khi tín hữu dùng từ ngữ “Thiên Chúa” thì thường mang nghĩa thứ nhất chỉ Thiên Chúa Cha. Mà Cha thì bao gồm Con và Thánh Thần, gọi là Ba Chúa Ba Ngôi hay Ba Ngôi Thiên Chúa cùng luôn một thể.

Vì chưng, Thiên Chúa là tình yêu. Và đặc tính cốt lõi của tình yêu thì chia sẻ và thông truyền. Nên “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra con. (Lc 3:22 ) bao gồm cả “Thánh Thần là Thiên Chúa … Người bởi Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con mà ra” (Kinh Tin Kính Nicê). “Sinh và “Bởi” là ngôn ngữ nhân ảnh được dùng để giúp con người hiểu biết chút ít về bí nhiệm của Thần Thánh.

Một trong những kinh trong sách Mục Lục, ngắn gọn mang đầy ý nghĩa, mà thế hệ ông bà cha mẹ luôn đọc vào Ngày Lễ nầy, để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi từ ngàn xưa qua tới ngàn sau: “Thánh tai (thay, rất thánh) Thánh tai, Thánh tai, Chúa là Chúa các binh dân thiên hạ. Cả và trời đất đầy dẫy oai quờn sang trọng Chúa”. Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần. Như đã có trước vô cùng …

Ta cùng đọc những Bài Lời Chúa bên dưới và xin Ba Ngôi hướng dẩn chúng con hiểu thêm ít nhiều về tình yêu của Quý Ngài.

BÀI ĐỌC I: Đnl 4, 32-34. 39-40
“Chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác”.
Bài trích sách Đệ Nhị Luật.
Ông Môsê nói cùng dân chúng rằng: “Các ngươi hãy tìm hiểu những thời xa xưa trước kia, từ khi Thiên Chúa tác thành con người trên mặt đất, từ chân trời này đến chân trời nọ, có bao giờ xảy ra một việc vĩ đại như thế này chăng? Có bao giờ người ta đã nghe thấy những việc lạ lùng như vậy chăng? Có bao giờ một dân tộc đã nghe lời Thiên Chúa từ trong lửa phán ra như các ngươi đã nghe mà còn sống chăng? Có bao giờ Chúa đã dùng sự thử thách, dấu chỉ, điềm lạ, chiến tranh, cánh tay quyền năng mạnh mẽ và những thị kiến khủng khiếp, để chọn lấy cho mình một dân tộc giữa các dân tộc khác, như Chúa là Thiên Chúa các ngươi đã làm tất cả các điều đó trước mặt các ngươi trong đất Ai-cập chăng? Vậy hôm nay các ngươi hãy nhận biết và suy niệm trong lòng rằng: Trên trời dưới đất, chính Chúa là Thiên Chúa, chớ không có Chúa nào khác. Hãy tuân giữ các lề luật và giới răn mà hôm nay chính ta truyền dạy cho các ngươi, hầu cho các ngươi và con cháu mai sau được hạnh phúc và tồn tại trên phần đất mà Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho các ngươi”.

BÀI ĐỌC II: Rm 8, 14-17
“Anh em đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: Abba, lạy Cha!”.
Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, ai sống theo Thánh Thần Thiên Chúa, thì là con cái Thiên Chúa. Vì không phải anh em đã nhận tinh thần nô lệ trong sợ hãi nữa, nhưng đã nhận tinh thần nghĩa tử; trong tinh thần ấy, chúng ta kêu lên rằng: “Abba – lạy Cha!” Vì chính Thánh Thần đã làm chứng cho tâm trí chúng ta rằng: Chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy nếu là con cái, thì cũng là những người thừa tự, nghĩa là thừa tự của Thiên Chúa, và đồng thừa tự với Đức Kitô: Vì chúng ta đồng chịu đau khổ với Người, để rồi chúng ta sẽ cùng hưởng vinh quang với Người.

PHÚC ÂM: Mt 28, 16-20
Làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần”.
Bài kết thúc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, mười một môn đệ đi về Galilêa, đến núi Chúa Giêsu chỉ trước. Khi thấy Người, các ông thờ lạy Người, nhưng có ít kẻ còn hoài nghi. Chúa Giêsu tiến lại nói với các ông rằng: “Mọi quyền năng trên trời dưới đất đã được ban cho Thầy. Vậy các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần; giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Vài ghi chú và tâm tình.

Bài đọc I trong sách Nhị Luật, Ông Môsê ôn duyệt lại tình yêu bao la của Thiên Chúa qua những việc Người đã làm trước khi Dân sắp vào Đất Hứa.

Ông nhấn mạnh, chỉ có một Thiên Chúa của tổ tiên (trong khi nhiều dân tộc khác chung quanh theo hệ đa thần giáo). Người đã chọn họ làm dân riêng, phán bảo với họ từ trong lửa, làm nhiều phép lạ đưa dân ra khỏi Ai Cập. Bù lại dân phải tuân giữa các điều răn để được sống lâu là hạnh phúc lớn nhất của đời người Do Thái.

Tới Bài Phúc Âm, đoạn Tin Mừng được trích dẩn của Thánh Matthêu chỉ bốn câu so với Ba Ngôi bao la hơn vũ trụ, nhưng tóm gọm lênh truyền như di chúc hữu hình bằng ngôn-từ cuối cùng của Chúa Giêsu khi đã xong nhiệm vụ cứu chuộc trước khi lên trời.

Lệnh nầy truyền cho Hội Thánh áp dụng ơn phước từ kho-báu cứu chuộc mà Chúa Giêsu đã lập ra. Nhân danh Ba Ngôi, làm cho nhân loại thời mới cho tới ngày sau hết được cứu rỗi .

Cũng thêm, Chúa Giêsu và 11 môn đệ đi về Galilê là vùng đất dân ngoại, không gốc Do Thái, để kết thúc sứ mệnh cứu chuộc hướng tới muôn dân sau khi đã bắt đầu từ đây chừng ba năm trước.

Chúa Giêsu đến núi là vùng linh thiêng của thần thánh để ban hành di chúc rất quan trọng cho môn đệ trong số đó có người trước kia còn hoài nghi (17; Mc 17:14) và lúc nầy vẫn còn mong danh lợi là mục đích chính khi theo Thầy (Cv 1:6). 

Khi các tông đồ bái lạy Ngài, là chứng minh niềm tin tưởng và tôn thờ Chúa Phục sinh. Còn việc làm cho lương dân trở thành môn đệ Chúa là tiến trình rao giảng tin mừng bằng lời nói và gương sáng. Để chu toàn sứ mệnh đó, Bí tích là nhịp cầu nối kết giữa đất và Trời, mà Phép rửa tội nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần là cửa chính để nhập môn. Nói cách khác, khi được cử hành Bí Tích, người lãnh nhận nối mạch tương quan trực tiếp với Chúa Ba Ngôi mà sống Đạo một cách chính đáng.

Sau cùng Chúa Giêsu hứa sẽ ở cùng Hội Thánh, là mọi thành phần dân Chúa, để giúp chúng con chu toàn nhiệm vụ thánh hóa hằng ngày cho nhau tới ngày tận thế.

Trở lại Bài đọc II cùng với Cha, Con và Thánh Linh.

Ai sống theo Thánh Thần hướng dẩn thì được trở thành nghĩa tử và gọi Thiên Chúa là Cha. Rõ hơn, nghĩa tử ở đây là con thừa tự của Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, khi thừa tự thì được đất hứa làm gia nghiệp (Đnl 4:21) thời Tân Ước là Nước Thiên Chúa (Mt 25:34) là đời sống vĩnh cữu mai sau (Mt 19:29)

Một ý khác nữa là những khổ đau trong đời người Tín hữu, khi cùng thông hiệp với đau khổ của Đức Kitô, thì sẽ cùng hưởng vinh quang với Người khi người bước vào quang vinh.

Tóm lại. Trong lớp Giáo Lý khi dạy về Chúa Ba Ngôi, quí thầy cô cố gắng dùng 3 ngọn nến có chất và lượng bằng nhau. Rồi bắt đầu với nến số 1, chuyển lửa cho, và sinh ngọn nến 2. Nhập ngọn nến 1 vào nến 2, rồi chuyển lửa cho, sinh ngọn nến 3. Cả ba ngọn nến khi riêng biệt độc lập, đều có năng lực và đặc tính như nhau, bằng nhau. Khi chập ba ngọn lại, thì tạo nên một ngọn lửa duy nhất – One Trinity.

Lửa và nến là vật chất thuộc vật lý học, được dùng trên đây để diễn tả chút ít về bí mật Chúa Ba Ngôi. Hi vọng giúp có thể hiểu một chút về quyền lực siêu đẳng cấp của Thần Thánh mà Chúa Giêsu đã khai thị khi giảng dạy.

Bổn phận của tín hữu là chúng con tin kính, tôn thờ và yêu mến Tam Vị Siêu Việt Thánh: Cha, Con và Thánh Thần. Ba Vị độc lập, nhưng cùng một bản thể không phân biệt, lúc nào cũng làm việc chung là yêu thương con người. Nên Thánh Kinh dùng đại từ ngôi thứ nhất số nhiều: “CHÚNG TA” hãy làm ra con người theo hình ảnh Chúng Ta, giống như Chúng Ta … (St 1: 26).

Xin Dâng Lời Cầu

Cốt lõi Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu: Cha sáng tạo, Con cứu chuộc, Thánh Thần thánh hóa chúng con. Tình yêu của Thiên Chúa muốn hiệp thông đến tất cả mọi người.

  • Xin làm cho Hội Thánh Chúa luôn là dấu chỉ và khí cụ của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi.
  • Xin cho các nhà cầm quyền thế giới biết nhận ra tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trên nhân loại, mà phục vụ mọi người cho đúng nhân phẩm.
  • Xin cho chúng con thấy rõ hình ảnh Chúa Ba Ngôi trong người đối diện mà tôn trọng phẩm giá của họ.
  • Xin cho anh chị em tín hữu chúng con được tràn ân sủng của Đức Giêsu Kitô, đầy tình thương của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần.
  • Xin cho mọi người trong Ho đạo chúng con biết hoà hợp với Chúa và với nhau như mẩu gương hòa hợp trong gia đình Thiên Chúa Ba Ngôi.
  • Xin cho mỗi người chúng con biết dẹp bỏ mọi chia rẻ, kỳ thị, hận thù ; để chúng con luôn sống hiệp thông với nhau, như anh em trong một gia đình Thiên Chúa.

Tán tụng lạy ơn Ba Ngôi Đức Chúa Trời là Thiên Chúa chúng con. Chúa là Đấng khôn ngoan, sáng láng, vang hiển, mạnh mẽ, phép tắc, vô cùng, hằng có đời đời kiếp kiếp. Amen” (Sách Mục Lục).