Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật V Mùa Chay, năm B | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

1022

CHÚA NHẬT V MÙA CHAY

Sách tiên tri Giêrêmia 31.31-34;
Thư Thánh Phaolô gửi Tín hữu Do Thái 5.7-9
và Phúc Âm Thánh Gioan 12.20-33

Nghe hoặc Download Bài Tin Mừng MP3 Tại đây

Tin Mừng Chúa Giêsu theo Thánh Gioan

http://d2u4q3iydaupsp.cloudfront.net/Awk8EJBqzQJCu54fwOUXlT6Bq2dL37HFVUyfD2zbqeHUQk4VQVKrE0HimsJBm5rldRmGUAgndryfZ7zHgvI0hH8ysfH5UvgbzXBpRjSFFqqM7Oh3GU0WLoUuUSDnEnED

Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào. Đó là Lời Chúa!

Diễn ý:

Hạt lúa gieo vào lòng đất,
Khư khư giữ lấy không mất không tàn.
Xả thân hư thối không màng,
Đâm hoa kết trái sinh ngàn ơn thiêng.

Ai yêu mạng sống ưu tiên,
Sẻ bị lấy mất không kiêng nể gì.
Nếu vì nước Chúa “đâm lì”,
Không bám không giữ cần thì hy sinh.

Vậy mà sẽ được tôn vinh,
Vì giống như Chúa hy sinh cả đời.
Vinh danh Thiên Chúa trên Trời,
Níu kéo nhân loại khỏi đời lầm than.

Chúa chết, phán xét trần gian,
Đầu mục quỷ dữ thua tan đầu hàng.
Hy sinh mạng sống không màng,
Suối nguồn ơn thánh chảy tràn nơi nơi. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa tuyên bố “đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” để tiên báo về nhục hình và cái chết đang gần kề.

Giờ Chúa Giêsu được tôn vinh là “lúc tôi được giương cao khỏi mặt đất, và sẽ kéo mọi người lên với tôi!” Chính lúc chết là lúc được tôn vinh.

Mọi người được ám chỉ ở đây là toàn thể nhân loại, là những người muốn tìm gặp Chúa, muốn được kéo lên như những người ngoại giáo Hy Lạp trong Phúc Âm hôm nay.

II. Dẫn giải liên quan Phúc Âm:

Trong số những người lên Giêrusalem thờ phượng Chúa, có mấy người Hy Lạp. Tại sao lại có người Hy Lạp ở Giêrusalem và xin gặp Chúa Giêsu?

Bách khoa tự điển Wikipedia viết về địa dư và văn hóa Hy Lạp như sau:

Hy Lạp là một quốc gia thuộc khu vực Châu Âu, nằm phía nam bán đảo Balkan. Hy Lạp giáp với các nước Albania, Cộng hòa Macedonia và Bulgaria về phía bắc, giáp với Thổ Nhĩ Kỳ về phía đông. Biển Aegea bao bọc phía đông và phía nam Hy Lạp, còn biển Ionia nằm ở phía tây. Phần lớn địa hình của đất nước này là núi non hiểm trở. Hy Lạp có rất nhiều những hòn đảo lớn nhỏ thuộc khu vực Địa Trung Hải.

Hy Lạp là một trong những nền văn minh rực rỡ nhất thời cổ đại, có ảnh hưởng sâu rộng đến nền văn minh quanh khu vực Địa Trung Hải. Đây là nơi ra đời của nền dân chủ, triết học phương Tây và Thế vận hội Olympic. Đến thời trung cổ, Hy Lạp trở thành một bộ phận của Đế chế Byzantine, rồi sau đó lại nằm trong Đế chế Ottoman trong gần 4 thế kỷ. Năm 1821, nhân dân Hy Lạp đã nổi dậy khởi nghĩa và giành lại độc lập cho dân tộc.

Ý kiến cá nhân về nền văn hóa triết học Hy Lạp. Hy Lạp có nền văn minh lâu đời nỗi tiếng với nhiều trường phái triết học, đáng kể có: Trường phái Duy tâm của Pythagore; Trường phái nhị nguyên của Aristote; Truờng phái nhân sinh quan về tâm lý đạo đức của Socrate.

Ý kiến cá nhân về tôn giáo Hy Lạp: Đây là mảnh đất của tôn giáo và của thần thánh. Không nơi nào có nhiều thần vả những đền thờ vĩ đại dành cho thần thánh như ở Hy Lạp, đặc biệt ở thủ đô Athens. Du khách không thể bỏ qua khu Acropolis của Athens khu đền thờ Parthenon. Chúng ta cứ nghĩ xem, cách nay hai ngàn năm trăm năm, người Hy Lạp đã xây một đền thờ hùng vĩ trên đồi cao ngất ngưỡng giữa Athens. Đền thờ bao gồm hàng trăm trụ đá khổng lồ cao hơn 20 thước, được xếp bởi từ 10 – 15 khối đá, được đục đẽo cân đối và góc cạnh chính xác tuyệt đối đến nỗi khi chồng chất lên thành trụ cao, người ta không sao tìm thấy khe hở nhỏ. Những trụ cao nầy đứng vững hơn 2000 rồi. Thật tuyệt vời!

Vì nằm bên bờ Địa Trung Hải, đất đai lại “hằn lên sỏi đá” nên tính người Hy Lạp thích giao lưu, thương mãi với những nước chung quanh. Nêu lên những đặc tính nầy, nhất là khuynh hướng tìm chân lý cao siêu trong triết học, cũng như ngưỡng mộ thần linh và giao lưu mua bán với người chung quanh… để giải thích sự hiện diện của một số người Hy Lạp trong Phúc Âm Gioan hôm nay trong đền thờ Giêrusalem và muốn tìm gặp Chúa Giêsu. Chắc chắn những người Hy Lạp nầy do sự tiếp xúc với người Do Thái đã nghe về danh tiếng Chúa Giêsu: Những phép lạ cho người mù sáng mắt và nhất là việc thanh tẩy đền thờ. Họ còn biết tìm đến Philipphê, tông đồ của Chúa Giêsu mang tên Hy Lạp…

Điều nầy xem chừng xác thực hơn qua việc Thánh Phaolô đến Athens và thuyết trình trước hội đồng thánh phố để rồi thay bàn thờ Thần Vô Danh thành bàn thờ Thiên Chúa toàn năng như được tường thuật trong Tông đồ Công Vụ chương 17, câu 16-30 dưới đây.

Trong khi ông Phaolô đợi hai ông ở Athêna, ông nổi giận vì thấy thành phố nhan nhản những tượng thần. Vậy ông thảo luận trong hội đường với những người Do Thái và những người tôn thờ Thiên Chúa, và ngoài quảng trường mỗi ngày với những người qua lại. Có mấy triết gia thuộc phái Khoái lạc và phái Khắc kỷ cũng trao đổi với ông. Kẻ thì nói: “Con vẹt đó muốn nói gì vậy?” Người khác lại bảo: “Hình như ông ta rao giảng về những thần xa lạ”, vì ông Phaolô loan báo Tin Mừng về Ðức Giêsu và về sự Phục Sinh.

Họ mời ông đi với họ đến Hội đồng Arêôpagô và nói: “Chúng tôi có thể biết thứ đạo lý mới ông dạy là gì không? Quả ông có đem đến cho chúng tôi một số điều lạ tai; vậy chúng tôi muốn biết những điều đó nghĩa là gì”. Thật thế, mọi người Athen và kiều dân ở đó chỉ để thời giờ bàn tán hay nghe những chuyện mới nhất. Ðứng giữa Hội đồng Arêôpagô, ông Phaolô nói: “Thưa quý vị người Athen, tôi thấy rằng, về mọi mặt, quý vị là người sùng đạo hơn ai hết. Thật vậy, khi rảo qua thành phố và nhìn lên những nơi thờ phượng của quý vị, tôi đã thấy có cả một bàn thờ, trên đó khắc chữ: “Kính thần vô danh”. Vậy Ðấng quý vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quý vị.

“Thiên Chúa, Ðấng tạo thành vũ trụ và muôn loài trong đó, Ðấng làm Chúa Tể trời đất, không ngự trong những đền do tay con người làm nên. Người cũng không cần được bàn tay con người phục vụ, như thể Người thiếu thốn cái gì, vì Người ban cho mọi loài sự sống, hơi thở và mọi sự. Từ một người duy nhất, Thiên Chúa đã tạo thành toàn thể nhân loại, để họ ở trên khắp mặt đất; Người đã vạch ra những thời kỳ nhất định và những ranh giới cho nơi ở của họ. Như vậy là để họ tìm kiếm Thiên Chúa; may ra họ dò dẫm mà tìm thấy Người, tuy rằng thực sự Người không ở xa mỗi người chúng ta. Thật vậy, chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động, và hiện hữu, như một số thi sĩ của quý vị đã nói:”Chúng ta cũng thuộc dòng giống của Người”

Vậy, vì là dòng giống Thiên Chúa, chúng ta không được nghĩ rằng thần linh giống như hình tượng do nghệ thuật và tài trí con người chạm trổ trên vàng, bạc hay đá. “Vậy mà Thiên Chúa nhắm mắt bỏ qua những thời người ta không nhận biết Người. Bây giờ Người truyền cho người ta rằng mọi người ở mọi nơi phải sám hối, (31) vì Người đã ấn định một ngày để xét xử thiên hạ theo công lý, nhờ một người mà Người đã chỉ định. Ðể bảo đảm điều ấy với mọi người, Thiên Chúa đã làm cho vị này sống lại từ cõi chết”.

Khi được cho biết có người Hy Lạp muốn gặp, Đức Giêsu trả lời “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh… tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” Diễn từ nầy xem chừng lạc điệu vì không thấy đề cập đến chuyện Đức Giêsu gặp người Hy Lạp, nhưng “Đức Giêsu nói thế để ám chỉ người sẽ phải chết cách nào.

Người Hy Lạp dù đến Giêrusalem dự Lễ Vượt Qua của người Do Thái, nhưng vẫn là dân ngoại và chỉ đến được trong khu vực dành cho dân ngoại. Tuy nhiên, Chúa Giêsu liên kết giữa cái chết của Ngài trong vài ngày tới với ơn cứu độ dành cho toàn thể nhân loại mà Ngài xác quyết là “Một khi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi!” Cái chết của Chúa thành ơn cứu độ muôn loài, kể cả người ngoại giáo Hy Lạp đang đi tìm gặp Chúa.

Người Do Thái được ở trong chính điện đền thờ, tưởng đâu gần cung thánh, gần Chúa lắm và chắc chắn sẽ nhận được ơn cứu độ, nhưng họ đã không cố gắng tìm thấy Chúa. Họ không để Chúa kéo họ lên như người ngoại giáo.

Diễn từ nầy diễn tả quan điểm thần học của Gioan trong việc Chúa thanh tẩy đền thờ Giêrusalem, Chúa bảo “Phá đền thờ nầy đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại!” Chúa muốn nói về việc Phục Sinh của Ngài. Chúa muốn nói về thân thể Ngài là đền thờ mới. Trong Ngôi đền thờ mới nầy, không có hiến lễ chiên bò, nhưng có hiến lễ vô giá là chính Chúa Giêsu. Chúa hiến tế để cứu muôn người. Trong khu đền thờ mới nầy, không có khu dành cho Do Thái biệt lập khỏi dân ngoại, nhưng tất cả đều thờ phượng Chúa trong tinh thần và chân lý. Chúa chết cho tất cả. Máu Chúa đổ ra trên thánh giá thành giá cứu chuộc cho muôn người.

Diễn từ cũng nói đến một phân tranh giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Thiên Chúa và thần dữ Satan. Vài ngày nữa thôi, ánh sáng bị bóng tối che phủ. Thế gian tưởng là tiêu diệt được ánh sáng và thống trị nhân loại, nhưng cái chết thành một chiến thắng, một lôi kéo nhân loại lên khỏi trần đời tội lỗi và ban cho mọi người ơn cuộc. Nên từ nay thánh giá thành dầu ơn cứu độ. In hoc signo vinces! Cứ dấu nầy, người sẽ chiến thắng! Điều mà Đại Đế Constantine đã cho in trên cờ của mình và đã chiến thắng Maxentius năm 312.

III. Thực hành Phúc Âm:

In hoc signo vinces! Cứ dấu nầy mà chiến thắng!

Năm 312, Đại đế Constantine đã được mộng báo về hình thánh giá với khẩu hiểu “in hoc signo vinces” Ông đã cho in hình thánh giá trên áo chiến và trên cờ ra trận của quân lính mình. Ông đã chiến thắng Maxentius tại trận chiến quyết liệt tại Milvian Bridge.

Thánh giá, đấu hiệu chiến thắng! Thánh giá, khí giới bách chiến bách thắng. Tại sao? Vì Thánh Giá có nghĩa là treo lên. Thánh Giá là hy sinh! Thánh Giá là lời nói mạnh nhất về tình yêu. Treo lên cao có nghĩa là khỏi trần tục đầy tham sân si. Treo lên cao trở thành một kêu gọi và thu hút. Thánh giá được dựng trên đồi cao, chứ không phải dưới thung lũng sâu.

Không có ai hy sinh và chứng tỏ tình yêu lớn lao cho bằng người dám chết trên thánh giá cho người khác. Thánh giá thành một tỏ tình đầy chinh phục. Người ta có thể ghét mọi người và mọi thứ, nhưng không ai ghét người yêu mình và chết cho mình.

Người ta ghét thánh giá hay không cho treo dựng thánh giá vì người ta “thua” trước thánh giá hay người ta không sao chinh phục người khác bằng thánh giá.

Chí tình

https://www.servicioskoinonia.org/cerezo/dibujosB/23cuaresmaB5.jpgChúng ta thích làm bạn với người chí tình – Từ chí tình mới tới chí thân, chí cốt hay tận tình. Từ chí thân mới hy sinh và sống chết cho nhau. Chí tình có nghĩa là tận tình hay cạn tình. Người chí tình là người trung thành với tình từ đầu đời cho tới chí cuối cuộc đời. Chúa Giêsu đang sống những ngày cuối đời. Những âm mưu bắt Chúa đang đi vào kết thúc. Tiếng tăm Chúa, đặc biệt những phép lạ tạo một thu hút từ nhiều giới, trong đó có cả những người ngoại giáo. Để đáp trả cho những cố gắng tìm gặp từ giới ngưỡng mộ mình, Chúa đã chuẩn bị trao ban cho họ những phép lạ đang xảy ra trong những ngày tới: Ngài sẽ bị chôn vùi như hạt giống nhưng sẽ trổ sinh hoa trái Phục Sinh cứu độ. Người sẽ bị giết chết, nhưng sẽ là người chiến thắng vì chiếm hữu được vĩnh cửu. Người sẽ bị chết treo trên thánh giá, nhưng lại là người có khả năng kéo mọi người về Trời.

  • Hạt giống phải bị chôn vùi và mục nát đi mới sinh hoa kết quả.
  • Phải chịu mất mạng sống mới có được cuộc sống vĩnh hằng.
  • Muốn phục vụ Chúa phải theo Chúa và được Thiên Chúa Cha tôn vinh.
  • Giờ của Chúa đã đến và tiếng vọng từ trời cao để vinh danh Chúa Giêsu.
  • Khi Chúa bị treo trên thánh giá, mọi người sẽ được cứu độ.
  • Hãy đến với Chúa Giêsu, người thật chí tình.
  • Hãy đến với Chúa Giêsu, người chí thân và chí cốt.
  • Hãy đến với Chúa Giêsu, người thật sự thương chúng ta đến nỗi chết để cứu chúng ta.
  • Chúa Giêsu thật chí tình!
  • Nhiều người đang mất đức tin, đang hờ hững với đạo, vì không nhận ra lý do tại sao Chúa chết? Chúa chết vì rất mực yêu thương chúng ta. Hãy đáp trả bằng chí tình với Ngài.