Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật Lễ Thánh Gia | Lm. Peter Trần Thế Tuyên

419

LỄ THÁNH GIA THẤT NĂM C

Sách Samuel quyển I 1.20-22, 24-28;
Thư I Thánh Gioan Tông Đồ 3.1-2.21-24
và Phúc Âm Thánh Luca 2.41-52

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.

Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà.

Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: “Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con”. Người thưa với hai ông bà rằng: “Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?” Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta. Ðó là lời Chúa.

Diễn ý:

Năm kia đến Lễ Vượt Qua
Chúa mười hai tuổi Mẹ Cha đi cùng.
Xuôi Nam đền Thánh đi chung
Khi về nán lại, hành tung không tường

Giuse Đức Mẹ không lường
Tưởng rằng cậu bé đường chung quay về
Một ngày vỡ lẽ tái tê
Con mình lạc mất trăm bề lắng lo

Tức tốc quay lại tìm con
Bắt gặp cậu bé con con ngỡ ngàng
Giữa hàng học sĩ mạn đàm
Rành rọt lý lẽ phi phàm tinh thông.

“Cha Mẹ khổ lắm biết không?
Tìm con khắp chốn trông mong mỏi mòn!”
Việc Cha con phải lo tròn!
Về theo Cha Mẹ chu toàn đạo con. Amen.

I. Sứ điệp Phúc Âm:

Chúa Giêsu là Con thiên Chúa, sinh làm con người trong gia đình có Cha Mẹ, nhưng Ngài luôn qui hướng công việc của mình là lo công việc của Thiên chúa Cha.

Khi đi tìm Chúa, con người khám phá ra tương quan gia đình: Cha Mẹ, con cái và Thiên Chúa. Thiên Chúa và công việc của Thiên Chúa là mục đích của đời sống của con người làm Con Thiên Chúa.

II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:  

Tại sao cần phải cử hành Lễ Thánh Gia: Chúa Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse   

Lễ Thánh gia nằm trong tuần bát nhật Giáng Sinh được long trọng cử hành để:

Ý thức sự thánh thiện và cao đẹp của Gia đình. Thiên Chúa tạo nên gia đình nhân loại. Ngay từ đâu Ngài tạo dựng nên con người có nam có nữ và cho họ khả năng sinh sản làm đầy mặt đất. Chúa Giêsu, Thiên Chúa Con, được sinh ra bởi người phụ nữ và sinh ra trong một gia đình có Cha có Mẹ. Giá đình thật thánh thiện và cao quí.

Gia đình cá nhân nằm trong đại gia đình Thiên Chúa, có Chúa là Cha. Nên gia đình nhân loại phải lắng nghe Thiên Chúa để thực hiện chương trình của Ngài. Ông Giuse, người Cha lắng nghe Chúa: nhận Maria làm vợ, mang hài nhi trốn sang Ai Cập. Đức Maria vâng nghe Chúa để mang thai và sinh con. Chúa Giêsu vâng nghe Thiên Chúa và làm việc cho Thiên Chúa.

Thành phần gia đình phải yêu thương vá quí mến nhau. Cha Mẹ có bổn phận giữ gìn và chăm sóc con mình. Con cái phải nghe lời Cha Mẹ. Cha Mẹ và Con Cái là những ân huệ Chúa ban cho con người và cho xã hội.

Gia đình nhân loại cần nhìn thấy thánh gia như gương mẫu của yêu thương, thánh thiện và nâng đỡ để noi gương bắt chước.

Tình trạng đời sống gia đình trong xã hội ngày nay:

Tạm bợ nhất thời và hiện thực: Sống thử, sống chung không hôn nhân, ngừa thai, phá thai, ly thân, ly dị ngày càng nhiều và trở thành hiện tượng phổ biến. Đức Giáo hoàng Gioan-Phaolô II nói con người thời đại ngày nay là con người mang “tâm thức ủng hộ ly dị”.

Tự do cá nhân thái quá: Nền văn hoá tự do mới toàn cầu đang nổi dậy và hô hào cho cá nhân chủ nghĩa, cho ích kỷ và thèm muốn, cho những lối sống và cách suy nghĩ nặc mùi thực dụng, tục hóa, đang là mối đe dọa cho gia đình.

Truyền thông khai thác: Radio, TV. Internet… khống chế xã hội. Những phương tiện truyền thông nầy rất nhiều nằm trong mục đích khai thác cho lợi nhuận cá nhân. Con người càng ngày càng bị nô lệ hóa bởi hệ thống điện toán toàn cầu.

Chối bỏ hay không quan tâm đến ý nghĩa thánh thiêng của đình: Cha Mẹ sinh con không còn nằm trong ý muốn của Thiên chúa nhưng chỉ là thỏa đáp đòi hỏi bản năng tính dục. Con cái không phục tùng hay kính trọng cha Mẹ vì bị truyền thông hay ảnh hưởng xấu xã hội xuyên tạc về sự hiện hữu con người: Không do ý Chúa những do xác thịt con người. 

Giáo lý Công Giáo dạy về gia đình:

Đôi vợ chồng làm nên “cộng đồng thân mật của sự sống và tình yêu phu thê, vốn được Đấng Tạo Hóa thiết lập và ban cho những luật lệ riêng. Cộng đồng đó được thiết lập bằng giao ước của đôi phối ngẫu, nghĩa là bằng sự ưng thuận cá vị không thể thu hồi” (GS 48). Cả hai hiến thân cho nhau cách vĩnh viễn và trọn vẹn. Họ không còn là hai, nhưng đã trở thành một thân xác duy nhất. Giao ước đã được hai người ký kết cách tự do, buộc họ có bổn phận phải bảo tồn sự duy nhất và bất khả phân ly của giao ước đó. “Sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mt 19,6).

Lòng chung thủy diễn tả sự kiên trì tuân giữ lời cam kết, còn là dấu chỉ bí tích của tình yêu Thiên Chúa vốn là Đấng trung tín, của mầu nhiệm cao cả của Giao ước tình yêu của Đức Kitô – Hội Thánh. Chúa Giêsu đã trở nên mẫu gương cho vợ chồng qua chính đời sống và tình yêu Người dành cho Hội Thánh. Vì thế Thánh Phaolô nói với các đôi vợ chồng hãy noi gương Chúa Giêsu, để hôn nhân của mình có thể trở thành Bí tích cao cả:

“Vì lòng kính sợ Ðức Kitô, anh em hãy phục tùng lẫn nhau. Người làm vợ hãy tùng phục chồng như tùng phục Chúa, vì chồng là đầu của vợ cũng như Ðức Kitô là Ðầu của Hội Thánh, chính Người là Ðấng cứu chuộc Hội Thánh, thân thể của Người. Và như Hội Thánh tùng phục Ðức Kitô thế nào, thì vợ cũng phải tùng phục chồng trong mọi sự như vậy. Người làm chồng, hãy yêu thương vợ, như chính Ðức Kitô yêu thương Hội Thánh và hiến mình vì Hội Thánh; Yêu vợ là yêu chính mình. Quả vậy, có ai ghét thân xác mình bao giờ; trái lại, người ta nuôi nấng và chăm sóc thân xác mình, cũng như Ðức Kitô nuôi nấng và chăm sóc Hội Thánh, vì chúng ta là bộ phận trong thân thể của Người. Sách Thánh có chép rằng: Chính vì thế, người đàn ông sẽ lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai sẽ thành một xương một thịt. Mầu nhiệm này thật là cao cả. Tôi muốn nói về Ðức Kitô và Hội Thánh.” (Ep 5, 21-32).

III. Thực hành Phúc Âm:           

Dâng con mình cho Chúa

Trong giáo xứ, sau nghi thức rửa tội, tôi yêu cầu cha mẹ và thân nhân mang em bé đến trước bàn thờ Đức Mẹ trong nhà thờ, hát một bài, đọc ba kinh kính mừng và dâng em bé cho Đức Mẹ. Vì Đức Mẹ sinh ra, dạy dỗ, nuôi Chúa Giêsu. Chúng ta nhờ Đức Mẹ phù hộ cho em bé nầy.

Cha Mẹ và gia đình rất trân quí.

Nhiều đứa con hư thân mất nết vì cha mẹ ỷ lại tài sư phạm và sự hiểu biết của mình. Nhưng thực ra đa số biết sinh con chứ không biết dạy dỗ con mình. Không phải chê trách gì ai, nhưng tôi quan sát những cặp vợ chồng trẻ ở Mỹ và tôi biết rẳng: Họ chỉ biết chìu con mình, chứ không biết dạy con chút nào. Tại sao? Họ lớn lên trong gia đình, được cha mẹ bảo bọc hết mọi chuyện, họ không biết chăm sóc chính mình chút nào. Khi vừa đến tuổi trưởng thành, thì thoát khỏi nhà, lao vào những vui chơi, cặp bồ, chung sống vợ chồng và sinh con… Một cô gái chưa hề biết nấu ăn thì làm sao chăm sóc gia đình hay con cái. Do đó, cần sự nâng đỡ của Đức Mẹ giúp cho em bé thành người.