CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG, NĂM C
Sách Ngôn Sứ Mica 5.1-4;
Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi tín hữu Do Thái 10.5-10
và Phúc Âm Thánh Luca 1:39-45
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Isave. Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: “Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện”. Ðó là lời Chúa.
Diễn ý:
Đức Mẹ vội vả ra đi,
Thăm người chị họ, thai nhi trong người.
Mặc dù lớn tuổi hết thời,
Vẫn cho thai nghén ra đời Tiền Hô.
Chị em chào hỏi bí bô,
Gioan trong bụng mẹ nhấp nhô vui mừng.
Thánh Thần thúc đẩy không ngừng,
Ysave cất tiếng chúc mừng Maria.
Em thật diễm phúc cao xa,
Làm Mẹ Thiên Chúa, người ta sánh bằng.
Chị đây, sung sướng tin rằng:
Thai nhi máy động, thông phần phúc ân.
Thiên Chúa thật rất thương dân,
Ban Đấng Cứu Thề mang thân con người.
Hồn con chúc tụng ngàn đời,
Chúa đà thương đến nữ tì phận nhơ.
I. Sứ điệp Phúc Âm:
Đức Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Đấng Cứu Thế có nghĩa là Mẹ Maria mang thai Đấng Cứu Thế, sinh Đấng Cứu Thế và làm cho Đấng Cứu Thế hóa thành Nhục Thể, ở giữa chúng ta và mang ơn Cứu Độ cho chúng ta.
Mẹ Maria đã mang Đấng Cứu Thế đến với gia đình Giacaria. Vẫn còn là bào thai, nhưng Gioan đã vui mừng đón nhận Đấng Cứu Thế. Điều đó cho thấy: Ơn Cứu độ là niềm mong đợi và niềm vui cho toàn thể nhân loại.
Ai cũng được tạo thành cho và trong chương trình cứu độ: Gia đình Giacaria là nơi cho Đấng Cứu Thế đến. Mọi người trong gia đình Giacaria được chọn để dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Đức Mẹ được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Thánh Giuse được chọn nuôi dưỡng Đấng Cứu Thế. Nên cứu độ là trọng tâm của sáng tạo. Vũ trụ và con người được tạo dựng để được cứu độ, tức được sống an bình vui vẻ.
II. Dẫn giải có liên quan Phúc Âm:
Phúc Âm Thánh Luca, Phúc Âm của Ngôi Lời Nhập Thể:
Trong bốn Phúc Âm, chỉ có Phúc Âm Thánh Luca tường thuật chi tiết và nhấn mạnh đến mầu nhiệm nhập thể mà chúng ta đang chuẩn bị đón mừng trong lễ Giáng Sinh. Giáng Sinh là Thiên Chúa sinh làm người. Con Thiên Chúa được đặt tên là Giêsu giống như mọi người được đặt tên sau khi sinh ra. Con Thiên Chúa sinh làm người vì Đức Mẹ đã chấp nhận lời truyền tin để mang thai Chúa Giêsu, để mang Con Thiên Chúa thành người và ở giữa chúng ta. Không có truyền tin và không có “xin vâng” cũng sẽ không có Giáng Sinh.
Thánh Luca là ai và Phúc Âm Luca như thế nào?
Thánh Luca gốc ngoại giáo, sinh quán ở Antioch và sinh sống bằng nghề thầy thuốc (Col. 4:14). Khi thánh Phaolô rao giảng Tin Mừng ở thành Troa, Ngài xin tòng giáo, lãnh nhận bí tích rửa tội, xin làm môn đệ thánh Phaolô và theo Phaolô đi truyển đạo. Ngài viết sách Phúc Âm trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Có lẽ vì gốc dân ngoại tòng giáo và là đệ tử ruột của Phaolô là tông đồ dân ngoại, nên Phúc Âm Luca rất con người, rất nhân bản và rất tình nghĩa. Thánh Luca viết Phúc Âm không cho người Do Thái, nhưng cho dân ngoại tòng giáo như đoạn mở đầu Phúc Âm, Luca đã gửi gấm sứ điệp cho một người tên Thêophilê, một tân tòng. Trong Tin Mừng của Luca, vai trò của người nghèo, những kẻ bé mọn được đề cao, vì Chúa là người nghèo và bé mọn. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng thương xót và nhẫn nại của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế, người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Phúc Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng và người trộm lành.
Phúc Âm Luca, Phúc Âm của cứu độ: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là con vua Ðavít mà còn là con cháu Ađam, và người ngoại giáo là bạn của Ngài. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của người nghèo và bé mọn. Ông Zacharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, Ông già Simeon và bà Anna. Phúc Âm Luca, Phúc Âm của cầu nguyện phó thác. Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố quan trọng trong sứ vụ và Chúa dạy các tông đồ cầu nguyện.
“Bà Elizabeth vừa nghe tiếng bà Maria chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên”
Phải hiểu đây là chuyện bình thường của một thai nhi 6 tháng máy động trong bụng mẹ. Thai nhi máy động hay có một “hòa nhịp” nào đó với những xúc cảm của bà mẹ. Không có một hoà nhập nào hoàn hảo cho bằng mẹ và thai nhi. Mẹ ăn uống thứ gì là thai nhi có ảnh hưởng ngay. Những trẻ em sinh ra mang vẻ sầu khổ buồn bã, vì đã tượng thai trong lòng một người mẹ đau khổ và mang nặng sầu lo.
Gioan trong lòng Mẹ nhảy lên… cách diễn tả của Phúc Âm Luca để cho thấy Đấng Cứu Thế là niềm mong đợi và niềm vui cho cả nhân loại. Mẹ Maria mang niềm vui cứu độ đến cho muôn người, cả thai nhi mới sáu tháng cũng nhảy mừng.
Các Phúc Âm đều thành hình rất muộn sau khi Chúa Giêsu về trời, lúc các tông đồ đi truyền đạo và nghĩ đến chuyện viết Phúc Âm để dạy giáo lý. Trong 4 thánh sử Phúc Âm, chỉ có hai người, thánh Gioan và Thánh Matthêô là tông đồ, gần gũi với Chúa Giêsu, còn Luca và Marcô là môn đệ của các tông đồ Chúa, của Phêrô và của Phaolô. Nên những gỉ được ghi lại trong Phúc Âm là những điều được kể lại. Sau đó các thánh sử xếp đặt lại để làm thành bài giáo lý. Thí dụ chủ đề Giáo Lý Phúc Âm Thánh Luca trong Chúa Nhật Thứ tư Mùa Vọng hôm nay là Đấng Cứu Thế, là ơn cứu độ đã đến sau nhiều ngàn năm mong đợi. Đấng Cứu Thế và ơn cứu độ là trọng tâm của chương trình sáng tạo và cứu độ.
III. Thực hành Phúc Âm:
Phụ nữ gặp nhau:
Xin thuật lại câu chuyện về việc sáng tạo người phụ nữ mà tôi đã nghe từ lâu lắm rồi: Chúa dựng nên mọi thứ đều có cặp, chỉ khi dựng nên ông Adong thì Chúa quên. Nên khi thành đàn ông, Adong buồn bã vô cùng cứ lang thang trong vườn địa đàng. Ông nhìn những cặp muông thú quấn quít nhau mà mơ ước đời mình cũng có đôi.
Thông cảm với sự cô đơn của Adong, Tạo Hóa cho Adong ngủ say, lấy khúc xương sườn của Adong và gom tất cả những thứ khác trong trời đất, từ dây leo, cho tới vị ngọt của trái cây, vị chua của trái chanh, vị đắng của trái bồ hòn… không thiếu thứ gì. Sau cùng người đàn bà thành hình và thành một sinh linh hỗn tạp và phức tạp vô cùng. Có lúc bà nhẹ nhàng yểu điệu, duyên dáng. Có lúc bà nóng tánh trợn mắt gắt gõng. Có lúc bà cao xa thánh thiện như thiên thần… nhưng cũng có lúc tị hiềm và nhẫn tâm…
Kết luận: Tạo Hóa không thành công trong chương trình tạo dựng vì chính Ngài cũng không hiểu nỗi người phụ nữ. Để đánh dấu cho sự thất bại của Tạo Hóa, người ta đã dùng tên phụ nữ để đặt cho những thiên tai bão táp, gây hại cho trái đất. Thiên tai đến trần gian cũng như Tạo Hoá đã tạo dựng phụ nữ.
Câu chuyện bịa đặt và trái ngược với câu chuyện có hai phụ nữ gặp gỡ hôm nay: Đức Mẹ Maria và bà Elizabeth. Hai người phụ nữ mang bầu gặp nhau. Gặp nhau để nói lên kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa. Gặp nhau để ca tụng lòng thương xót Chúa và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.
Chúa không lầm khi dựng nên phụ nữ. Chúa không lầm khi dựng nên Mẹ Chúa. Chúa không lầm hay nói khác đi Chúa thật tài năng khi dựng nên phụ nữ trên địa cầu nầy. Họ là kết tạo của mọi thứ trên trần gian, từ yếu cho tới mạnh, từ mềm dẽo cho tới cứng rắn… Nhưng là tuyệt phẩm của Thiên Chúa sáng tạo. Mẹ Maria được nâng cao đến bậc làm Mẹ Thiên Chúa. Nhiều phụ nữ đã là Mẹ của Đức Giáo Hoàng, Giám Mục, Linh mục hay tu sĩ. Hãy tôn trọng công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Chúa đã dùng và đang dùng cũng như sẽ dùng nhiều phụ nữ trong Giáo Hội để thực hiện sứ mệnh cứu rỗi của Ngài.
Sống là mang niềm vui cứu độ cho người khác:
Thường chúng ta chồng chất cho từ “cứu độ” một ý nghĩa quá lớn. Cứu độ là cứu nhân độ thế. Cứu độ là chuyện lớn lao của những thần linh hay những siêu nhân. Tôi suy nghĩ cứu độ trong ý nghĩa đơn giản và dễ thực hiện. Đó là mang niềm vui cho người chung quanh. Trong gia đình là Cha Mẹ, chúng ta có làm cho những bữa cơm gia đình thành vui vẻ thân tình không hay căng thẳng và ngột ngạt? Trong gia đình là con cái, chúng ta có sống gọn sạch mang sự thoải mái và nhẹ nhàng cho người khác không hay người nhà phải bực bội và cực nhọc vì dọn dẹp hay lau chùi những gì chúng ta sống bừa bãi.
Có những giáo dân than: Giáo xứ kém may, vì gặp những cha có những chứng tật như thế nầy thế khác… Nghe buồn, vì linh mục không mang niềm vui cho người khác.